Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Ðức Thánh Cha kêu gọi duy trì lòng nhiệt thành Năm Thánh Lòng Thương Xót

Filled under:



Ðức Thánh Cha kêu gọi duy trì lòng nhiệt thành Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Vatican (Rei 29-09-2017) - Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi đừng để cho lòng nhiệt thành mà Năm Thánh Lòng Thương Xót gợi lên bị tan loãng và quên lãng.
Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 29 tháng 9 năm 2017 dành cho 60 tham dự viên Ðại hội vừa kết thúc của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, dưới quyền chủ tọa của Ðức Tổng Giám Mục Chủ tịch Rino Fisichella. Hội đồng này là cơ quan phối hợp việc tổ chức và cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót. Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha nhắc đến thành quả của Năm Thánh như một thời điểm hồng phúc mà toàn Giáo Hội đã trải qua với lòng tin nhiệt thành và tinh thần nồng nhiệt.
Ngài nói:
"Chúng ta không thể để cho lòng hăng say ấy bị tan loãng hoặc lãng quên. Dân Chúa đã cảm thấy mạnh mẽ Hồng ân Lòng thương xót và đã sống Năm Thánh qua việc đặc biệt tái khám phá bí tích Hòa Giải, như nơi ưu tiên để cảm nghiệm lòng từ nhân, sự dịu dàng của Thiên Chúa cũng như sự tha thứ vô biên của Chúa. Vì thế, Giáo Hội có trách nhiệm lớn phải không ngừng tiếp tục là dụng cụ của Lòng Thương Xót. Nhờ đó, chúng ta có thể dễ dàng cảm thấy sự đón nhận Tin Mừng được nhận thức và sống như một biến cố cứu độ và có thể mang lại một ý nghĩa trọn vẹn và chung kết cho đời sống cá nhân và xã hội".
Ðức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng "Việc loan báo lòng thương xót trở nên cụ thể và hữu hình qua lối sống của các tín hữu, sống dưới ánh sáng của nhiều công việc từ bi bác ái; việc loan báo ấy là điều nòng cốt thuộc về sự dấn thân của mỗi người loan báo Tin Mừng: họ đích thân khám phá ơn gọi làm tông đồ do lòng thương xót đã dành cho họ". (Rei 29-9-2017)

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Các vi khuẩn kháng thuốc trụ sinh
đang gia tăng mạnh

Các vi khuẩn kháng thuốc trụ sinh đang gia tăng mạnh.
Roma (AFP 19-09-2017; Vat. 29-09-2017) - Hôm 19 tháng 9 năm 2017, tổ chức Sức Khỏe thế giới gọi tắt là OMS, đã công bố một báo cáo về mối nguy các vi khuẩn kháng thuốc trụ sinh điều trị đang gia tăng mạnh, trong khi thế giới chậm chạp trong việc tìm kiếm những loại thuốc trụ sinh mới hữu hiệu hơn.
Bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám Ðốc tổ chức Sức Khỏe thế giới, nhấn mạnh trong một thông cáo rằng, sức kháng cự gia tăng của các vi khuẩn đối với thuốc men điều trị đang đe dọa trầm trọng những tiến bộ của nền y tế hiện đại. Cần phải gấp rút đầu tư vào việc nghiên cứu tìm kiếm những phương thế chữa trị mới, hầu chữa trị những vi khuẩn kháng thuốc trụ sinh, kể cả vi khuẩn gây bệnh lao.
Hiện nay tổ chức chỉ ghi nhận được 51 loại thuốc chống vi khuẩn mới đang được nghiên cứu để điều trị các chứng bệnh kháng thuộc trụ sinh, như bệnh lao hay bệnh kiết lỵ nhiều khi chết người do vi khuẩn gây ra. Nhưng trong tổng số 51 loại thuốc xem là mới này, chỉ có 8 loại là thực sự mới khám phá, có triển vọng được đưa vào danh sách các phương thế điều trị trụ sinh.
Báo cáo của OMS nêu rõ sự thiếu vắng phương thế trị liệu bệnh lao kháng thuốc trụ sinh. Bệnh này giết chết trên 250 ngàn người mỗi năm. Ngoài ra còn có các loại vi khuẩn lờn thuốc trụ sinh như Acinetobacter hay E.coli, rất nguy hiểm, có thể làm chết người và thường hiện diện trong các nhà thương.
Bác sĩ Mario Raviglione, Giám Ðốc chương trình thế giới chống bệnh lao của OMS, tố cáo sự kiện ít người bảo trợ các nghiên cứu chống bệnh lao. Hiện nay, thế giới đang cần đến hơn 800 triệu đôla hằng năm để tìm ra những loại thuốc mới trị bệnh này. Tổ chức Sức Khỏe thế giới nhấn mạnh rằng, trong số những phương thế chống lại nguy hiểm vi khuẩn lờn thuốc trụ sinh, có cả việc phòng ngừa và giới hạn việc xử dụng thuốc trụ sinh cách hợp lý trong tiến trình điều trị bệnh cho con người và cho súc vật.
Từ năm 2014, một nhóm chuyên viên quốc tế được thành lập tại Anh Quốc để nghiên cứu về hiện tượng nhiều loại vi trùng hay vi khuẩn hiện nay lờn thuốc trụ sinh. Nhóm chuyên viên này đã công bố nhiều báo cáo báo động rằng, hiện tượng vi khuẩn lờn thuốc trụ sinh có thể giết chết 10 triệu người từ nay cho đến năm 2050, tức là ngang ngửa số người chết vì bệnh ung thư. Vẫn theo nhóm chuyên viên này, số người chết vì hiện tượng nói trên hiện nay là 700 ngàn người mỗi năm, trong số này, có 50 ngàn tại Âu châu và Hoa Kỳ.
(AFP 19.09.2017)

Mai Anh
(Radio Vatican)