Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

5 Phút cho Lời Chúa 11/9/2017

Filled under:

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG KI-TÔ HỮU
 
Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát được làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra.” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. (Lc 6,9-10)
Suy niệm: Thật cảm phục khi chứng kiến những người anh em khuyết tật đang tập luyện để phục hồi chức năng vận động của mình. Người thì tập luyện với sự trợ giúp của người khác; người thì dùng những dụng cụ thay thế. Họ miệt mài tập luyện, chấp nhận vất vả, miễn sao có thể sử dụng phần còn lại của thân thể của mình vào những việc hữu ích. Bại liệt là mất hẳn khả năng đó. Con số 93% người tại Việt Nam chưa biết Đức Kitô không khỏi đặt vấn đề: hoạt động của trên 67 nghìn người tham gia công tác mục vụ, gồm giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo lý viên và hơn sáu triệu rưỡi tín hữu công giáo ở đâu? Phải chăng đang có số đông người truyền giáo bị “bại liệt”, nên hoạt động truyền giáo không có khả quan? Hãy nhớ, Đức Giê-su gọi việc phục hồi chức năng hoạt động nơi người bất toại là “điều lành”, là “cứu mạng”. Và khi Ngài chạm đến, điều lành xảy ra, mạng sống con người được cứu.
Mời Bạn: Trạng thái bình chân như vại trong đời sống đạo của chúng ta có phải là biến tướng của chứng bại liệt Ki-tô hữu nơi con người của chúng ta không? Mời bạn đến với Đức Giê-su để Ngài “phục hồi chức năng” cho bạn, bạn nhé.
Chia sẻ lời thánh Phao-lô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tìm dịp nói về Chúa Ki-tô cho người khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin sờ nắn chân tay con, khai mở khối óc con, chạm đến trái tim con, để toàn thân con trở nên hữu ích cho việc truyền giáo.


Thánh Cyprian
Thánh Cyprian góp phần quan trọng trong sự phát triển tư duy và tập tục Kitô Giáo trong thế kỷ thứ ba, nhất là ở bắc Phi Châu.

Là một người được giáo dục rất kỹ lưỡng và có tài hùng biện, ngài trở lại Kitô Giáo khi đã trưởng thành. Ngài phân phát tài sản cho người nghèo, và trước khi chịu Rửa Tội ngài đã làm mọi người kinh ngạc khi thề giữ đức khiết tịnh. Trong vòng hai năm ngài được thụ phong linh mục và được chọn làm Giám Mục Carthage (gần Tunis bây giờ), trái với ý của ngài.

Thánh Cyprian than phiền rằng sự ổn định mà Giáo Hội đang được hưởng đã làm suy nhược tinh thần của nhiều Kitô Hữu, và đã mở cửa cho những người trở lại đạo mà không thực sự có đức tin. Khi cuộc bắt đạo dưới thời hoàng đế Decian bắt đầu, nhiều Kitô Hữu đã bỏ Giáo Hội cách dễ dàng. Chính sự kiện tái nhập đạo (sau khi từ chối đức tin) đã khuấy động nhiều tranh luận trong thế kỷ thứ ba, và đã giúp Giáo Hội hiểu biết hơn về Bí Tích Hòa Giải. Novatus, một linh mục từng chống đối việc tuyển chọn Cyprian làm giám mục, đã tự tấn phong y làm giám mục khi Cyprian vắng mặt và tiếp nhận tất cả những người bội giáo mà không bắt đền tội theo giáo luật. Hiển nhiên Novatus bị lên án. Cyprian có lập trường trung dung, ngài chủ trương rằng những người đã thực sự thờ tà thần thì chỉ được rước Mình Thánh khi sắp chết, trong khi những ai chỉ mua giấy xác nhận rằng họ đã thờ tà thần thì có thể được tiếp nhận lại sau một thời gian đền tội. Tuy nhiên lập trường này đã được nới lỏng trong thời kỳ bắt đạo sau này.

Khi thành phố Carthage bị bệnh dịch, Đức Cyprian khuyến khích người Kitô giúp đỡ mọi người khác, kể cả những kẻ thù nghịch và bắt đạo.

Là bạn thân của Đức Giáo Hoàng Cornelius, Đức Cyprian chống đối vị giáo hoàng kế tiếp là Stephen. Đức Cyprian và các giám mục Phi Châu khác không công nhận giá trị của bí tích Rửa Tội do những người lạc giáo và ly giáo cử hành. Đây không phải là quan điểm chung của Giáo Hội, nhưng Đức Cyprian không nao núng ngay cả khi Đức Giáo Hoàng Stephen dọa tuyệt thông.

Ngài bị lưu đầy bởi lệnh của hoàng đế và sau đó được gọi về để xét xử. Ngài từ chối không chịu rời thành phố, nhất quyết để người dân chứng kiến việc tử đạo của ngài.

Đức Cyprian là một tổng hợp của sự nhân từ và can đảm, của hăng hái và điềm tĩnh. Ngài vui vẻ nhưng nghiêm nghị nên dân chúng không biết là nên quý mến hay tôn trọng ngài hơn. Ngài nóng nẩy trong cuộc tranh luận về bí tích rửa tội; nhưng ngài đã suy nghĩ lại, vì đó chính là lúc ngài viết luận thuyết về sự kiên nhẫn. Thánh Augustine nhận xét rằng Đức Cyprian đã đền tội nóng nẩy của ngài bằng sự tử đạo.

Lời Bàn
Những tương tranh về bí tích Rửa Tội và Hòa Giải trong thế kỷ thứ ba cho chúng ta thấy Giáo Hội tiên khởi không có những giải pháp có sẵn xuất phát từ Chúa Thánh Thần. Các vị lãnh đạo và giáo dân thời ấy đã phải đau khổ tiến dần qua các giai đoạn phán đoán tốt nhất mà họ có thể thi hành, để theo sát lời giảng dạy của Đức Kitô mà không bị thiên lệch bên này hay bên kia.

Lời Trích
"Bạn không thể coi Thiên Chúa như người Cha của bạn nếu bạn không coi Giáo Hội như người mẹ của bạn& Thiên Chúa là một và Đức Kitô là một, và Giáo Hội của Người là một; chỉ có một đức tin, và mọi người gắn bó với nhau là một qua sự hài hòa trong một thân thể được kết hợp chắc chắn& Nếu chúng ta là người thừa kế của Đức Kitô, hãy kết hợp trong sự bình an của Đức Kitô; nếu chúng ta là con cái Thiên Chúa, hãy trở nên người yêu chuộng hòa bình" (Thánh Cyprian, Sự Hợp Nhất của Giáo Hội Công Giáo).

Thuốc Dã Rượu

Cách đây vài năm, công ty dược phẩm Hoffman La Roche ở Thụy Sĩ đã tình cờ khám phá ra một loại thuốc có tính chất làm dã rượu.
Nhiều người nghiện rượu có lẽ đã mừng thầm với phát minh mới này. Nhưng mọi người đều sửng sốt khi một nhà nghiên cứu của công ty nói trên đã đề nghị hủy bỏ loại thuốc mới này. Ông giải thích như sau: "Xã hội sẽ tốt hơn nếu không có loại thuốc này, Bởi vì loại thuốc này sẽ khuyến khích người say uống nhiều hơn. Những người uống thuốc này sẽ có cảm giác là không bao giờ họ bị đốn ngã vì chất men... Thật ra, loại thuốc này có đặc tính làm cho dã rượu, chứ không làm bớt lượng rượu trong máu cũng như các tác hại khác trong hệ thống thần kinh và trong các bộ phận khác".
Loại thuốc dã rượu trên đây có thể làm cho chúng ta nghĩ đến thứ bình an giả tạo mà nhiều người đang đi tìm.
Thiên Chúa đã dựng nên con người để sống trong bình an với Ngài.
Nhưng bất an không những chỉ là một trừng phạt, bất an là nỗi khao khát mà Thiên Chúa đã đặt vào lòng người để giúp con người tìm đường quay lại với Ngàõ.
Dù sống trong hoàn cảnh nào, dù sống trong xã hội nào, dường như không ai thoát khỏi cái lo, cái sợ... Nếu những người Việt Nam đói khổ lo sợ cho ngày mai không cơm, không áo, thì những người Âu, Mỹ dư dật lại lo sợ trước trăm nghìn cái đe dọa khác của cuộc sống... Dĩ nhiên, không ai có thể so sánh được đau khổ của một người nghèo đói, mất tự do với sự bất an của những người giàu có. Nhưng trong cơ bản, nỗi khổ tâm và bất an nào cũng có một sức nặng riêng của nó. Dường như mỗi người đều có một thập giá, một nỗi khổ và một ưu tư tỷ lệ với sức lực của mình...
Chúa Giêsu kêu mời mọi người chúng ta hãy đặt tất cả tin tưởng vào Tình Yêu quan phòng của Thiên Chúa.