Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

SUY NIỆM CHÚA NHẬT - NGÀY 10/09/2017

Filled under:

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 18: 15-20)

15 "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.16Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.18 "Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. Hiệp lời cầu nguyện19 "Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”.

Suy niệm 1
Trong cuộc sống có những vấn đề rất tế nhị, chúng ta không nên thực hiện trong cộng đoàn. Vấn đề này thường gặp phải khi làm việc chung với nhau. Sự hoàn thiện của một người dựa trên chuẩn mực của Thiên Chúa: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”. Cho nên lời kêu gọi này thành kim chỉ nam cho việc góp ý cho nhau, để thăng tiến trên hành trình đức tin. Đôi khi, tình trạng này xảy ra vì bị lạm dụng. Nó không còn là sự chân thành, là tình yêu vô vị lợi với anh chị em mà nó là cách người ta hạ bệ nhau trong cộng đoàn. Những ai thực sự gặp Chúa trong hành trình đức tin mới nhận ra sự yếu đuối của mình và anh chị em; đồng thời, mới có khả năng trao cho người khác cơ hội thăng tiến và nên thánh.

Chính xác từng câu chữ trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không muốn chúng ta loại trừ anh chị em khỏi cộng đoàn mà là tìm cách sửa lỗi cho nhau trong mọi hoàn cảnh. Điều quan trọng là cầu nguyện cho anh chị em lỡ phạm sai lầm, nâng đỡ và giúp họ nhận ra những tai hại khi phạm lỗi, hậu quả của tội lỗi mà họ đã gian díu. Vì Chúa Giêsu đã nói: “Người khoẻ mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau yếu mới cần”. Do vậy, Chúa Giêsu muốn chúng ta sống và thực hành Lời Người, hiểu cách Chúa dùng mỗi người như thế nào. Chúa mong chúng ta là cánh tay nối dài của lòng thương xót, của sự bao dung và tha thứ của Chúa với anh chị em. Chúng ta đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, nhưng hễ mình cầm buộc ai điều gì thì Thiên Chúa cũng sẽ cầm buộc mình như thế… Hiểu rằng, đó là cơ bản để có được sự thống nhất trong cộng đoàn. Do điều này, nên chỉ khi anh chị em tự đánh mất chính mình và tự loại trừ bản thân ra khỏi cộng đoàn, còn không chúng ta vẫn nên kiên trì trao cơ hội để họ sửa lỗi và làm lại từ đầu.

Xin Chúa giúp chúng ta biết điều chỉnh những giới hạn của mình trước khi là người sửa lỗi anh chị em, để cách góp ý, sửa lỗi của chúng ta luôn phản ánh Chúa Giêsu mục tử nhân lành và khiêm hạ. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Suy Niệm
Trong cộng đoàn Hội Thánh,
các Kitô hữu là anh chị em của nhau (Mt 23,8)
và là anh chị em với Ðức Kitô
nhờ biết thi hành ý Cha trên trời (Mt 12, 48-50).
Thế nhưng Hội Thánh vẫn có người lỗi phạm.
Ðời sống của họ nghịch với đòi hỏi của đức tin.
Chúng ta không thể lạnh lùng
khi thấy anh em mình sa ngã,
bởi lẽ tất cả chúng ta làm nên một thân thể.
Chúng ta mang vết thương của nhau.
Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho thấy
thái độ ta phải có trước một người lầm lỗi.
Trước hết, phải mạnh dạn góp ý.
Chỉ ai yêu thực sự mới dám góp ý thẳng thắn.
Nhiều khi chúng ta chỉ dám nói sau lưng.
Nhiều khi chúng ta không đủ can đảm góp ý.
Vì sợ người khác giận mình,
vì sợ mất một số quyền lợi
hay vì sợ chính mình bị góp ý.
Góp ý xây dựng là một dấu chỉ yêu thương,
chứ không phải là đi tìm cọng rơm trong mắt người.
Nhưng phải biết cách góp ý.
Cần giữ sự kín đáo và tôn trọng nhau.
Nếu người sai lỗi cứ bướng bỉnh, cố chấp,
thì nên đem theo vài người nữa,
không phải để gây áp lực,
nhưng để cho thấy tính khách quan hơn.
Nếu họ vẫn không chịu nghe,
thì phải đưa ra cộng đoàn.
Nếu họ cũng không chịu nghe cộng đoàn,
thì phải chấp nhận thái độ tự cô lập của họ.
Như thế góp ý có nhiều giai đoạn.
Cần tế nhị, kiên nhẫn, yêu thương,
vì Thiên Chúa không muốn một ai phải hư mất,
tuy Ngài cũng không muốn có gương xấu xảy ra.
Góp ý là một bổn phận của yêu thương,
nhưng bản thân tôi cũng cần được góp ý.
Một cộng đoàn trưởng thành là cộng đoàn
có khả năng ngồi lại để góp ý cho nhau,
trong giáo xứ, trong gia đình và từng nhóm nhỏ.
Chúng ta đang sống trong tinh thần Sám Hối – Canh Tân.
Chúng ta cần yêu thương để dám góp ý,
cần khiêm tốn để được góp ý.
Có khi chúng ta quen sống trong bầu khí
chịu đựng nhau, giữ kẽ, dĩ hoà vi quý.
Như thế là duy trì một sự trì trệ kéo dài.
Mong sao mau đến ngày các Kitô hữu trên thế giới
ngồi lại với nhau để dàn xếp những bất đồng
và trở nên hiệp nhất như ý Chúa muốn.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xưa Chúa có người bạn thân là La-da-rô.
Chúa cũng coi các môn đệ là bạn hữu.
Tạ ơn Chúa đã cho con những người bạn
để nâng đỡ con trên đường đời.
Dù chúng con có nhiều điểm khác biệt,
nhưng xin hiệp nhất chúng con trong tình yêu.
Xin cho chúng con biết yêu thương nhau thật tình,
chia sẻ cho nhau mọi nỗi buồn vui,
nâng nhau dậy khi vấp ngã,
phấn khởi trước những thành công,
khích lệ trước một cố gắng nhỏ,
và nhất là thẳng thắn góp ý cho nhau,
để cùng nhau tiến bộ.
Lạy Chúa, xin mở rộng vòng tay con,
để có thể đón nhận những người bạn mới.
Xin cho con đừng trở nên nghèo nàn
vì chỉ muốn làm bạn với ai giống con.
Xin dạy con biết thế nào là gặp gỡ.
Gặp gỡ không phải chỉ là quảng đại cho đi,
mà còn là khiêm nhưởng nhận lãnh.
Gặp gỡ không phải chỉ là tâm sự về mình,
mà còn là lắng nghe người khác.
Gặp gỡ không phải chỉ là
phân phát sự giàu có của mình,
mà còn là nhìn nhận và đón nhận
sự phong phú của tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con trở nên bạn của Ngài,
nhờ đó,
chúng con mãi mãi là bạn thân của nhau.  Amen.


Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.