Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Năm lời khuyên thực tiễn của Đức Phanxicô để có một đối thoại tốt giữa vợ chồng - bởi phanxicovn

Filled under:

Đơn giản, cụ thể và đòi hỏi, năm lời khuyên của Đức Phanxicô để có một đối thoại tốt giữa các cặp vợ chồng.
  1. Im lặng
“Chú ý và kiên nhẫn lắng nghe cho đến khi người kia nói lên hết những gì họ có trong lòng”.
  1. Phải thông minh
“Cố gắng đặt mình ở địa vị người kia, hiểu những gì họ có trong sâu thẳm tâm hồn, thấy được những gì làm họ thích thú và bắt đầu cuộc nói chuyện bằng những gì họ thích thú này”.
  1. Mở lòng
“Phải phóng khoáng, đừng để bị nhốt chặt trong thành kiến, phải uyển chuyển để có thể thích ứng và bổ túc vào các quan điểm của người kia”. 
  1. Đi ... viện bảo tàng?
“Khi một trong hai người không trau dồi văn hóa, và khi không có nhiều hình thức quan hệ với người khác, đời sống gia đình trở nên một vòng khép kín và đối thoại bị nghèo đi”.
  1. Giữ lịch sự
“Dùng một loại ngôn ngữ và một phong cách dễ dàng được người kia chấp nhận và bao dung”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Linh mục Matthieu Dauchez: “Chúng ta không thể giải thích sự dữ, nhưng chúng ta có thể trả lời cho sự dữ”


Từ năm 1998, linh mục Dauchez sống ở Smokey Mountain, một thành phố ổ chuột bên cạnh đống rác khổng lồ của thủ đô Manila. Linh mục điều khiển hiệp hội Anak, một hiệp hội được Hội Raoul Follereau nâng đỡ để nuôi các em bị bỏ rơi. Từ Phi Luật Tân về Pháp, linh mục có buổi nói chuyện ngày thứ năm 28 tháng 9 lúc 20h30 tại nhà thờ chính tòa St Etienne, giáo phận Toulouse, buổi hội thảo có tên: “Nhưng tại sao Chúa lại cho phép như vậy?”
Báo Aleteia có dịp nói chuyện với linh mục Dauchez. 
Aleteia: Khi còn là linh mục trẻ, cha đã lên đường đến các thành phố khổ nhất Manila, cha tìm gì ở đó?
Linh mục Matthieu Dauchez: Một tình trạng không thể tưởng tượng đã làm cho tôi chỉ muốn co giò chạy! Có quá nhiều trẻ em bị bỏ rơi ... Từ còn rất nhỏ, các em đã ở trong tay các băng đảng, đã nếm mùi ma túy, đã bị lạm dụng tình dục, những chuyện khủng khiếp vượt quá trí tưởng tượng loài người!
Vậy mà cha đã ở lại đây gần 20 năm?
Đúng, nhờ sức mạnh siêu nhiên của các em bé này, các em có thể vui, có thể tha thứ, ngược với tất cả lý lẽ, ngược với tất cả mong chờ. Em đầu tiên trong các em này là em Dodong. Tôi biết em khi em 12 tuổi, đó là một đứa bé bị tổn thương tận cùng. Từ khi mới sinh, em đã bị chính mẹ ruột bỏ rơi. Em phải trả giá cho những gì mẹ em phải chịu đựng, khi bà mang thai, bà bị bạn trai của mình bỏ, bà không muốn em bé ra đời. Em Dodong được người dì nuôi một thời gian, sau đó em lại bị tống ra đường, em quay về nhà mẹ em, nhưng thêm một lần nữa, em lại bị tống ra đường. Khi chúng tôi đem em về trung tâm Anak, lúc đó em sống với một băng đảng ngoài đường. Một buổi tối, trong giờ cầu nguyện, em lên tiếng xin mọi người cầu nguyện cho mẹ em vì em vẫn còn thương bà, ‘dù mẹ con bỏ con, nhưng con muốn nói với Chúa Giêsu là con vẫn thương mẹ con’. Em bé trai này, qua thái độ của em, em đã triệt bỏ sự dữ. Em đã cắt đứt cái vòng hận thù và hung bạo mà cha của em đã khởi xướng.
Làm sao cha trả lời cho câu hỏi mà cha đặt ra trong buổi nói chuyện của cha “Nhưng tại sao Chúa lại cho phép như vậy?”
Linh mục Matthieu Dauchez: “Câu hỏi này đã được em Glyselle Iris Palomar, một trong các em của trung tâm Anak đặt ra cho Đức Phanxicô khi ngài đến thăm Phi Luật Tân năm 2015. Đứng trước đông người, em kể chuyện đời sống hàng ngày của các em đường phố ở thủ đô Manila, và rồi em bật khóc khi em hỏi vì sao Chúa lại để cho những chuyện như vậy xảy ra, trong khi các em này chẳng làm gì nên tội? Đức Phanxicô sững sốt, ngài trả lời đó là câu hỏi duy nhất không có câu trả lời. Dù sao cũng không có câu trả lời theo lý lẽ của đầu óc. Sau đó ngài đã ôm em Glyselle vào lòng, ngài thương cảm và đau khổ với em. Khi trao đổi riêng với tôi, ngài nói các em bé này là thịt da của Chúa Kitô. Vậy tại sao Chúa lại để những chuyện như vậy xảy ra? Người Pháp chúng ta, những người muốn chuyện gì phải cho ra lẽ, phải giải thích cho được, nhưng ở đây không có câu trả lời. Huyền ẩn này quá lớn đối với trí óc chúng ta, nhưng không lớn với quả tim chúng ta.
Marta An Nguyễn dịch

Tổ chức “Mang nụ cười đến cho trẻ em” phát triển hoạt động ở Cao Miên

bởi phanxicovn
Khi khám phá các mảnh đời cơ cực ở Nam Vang, nơi các em bé bị khai thác, bị cưỡng bức làm việc, hai ông bà de Pallières đã cứu được hàng ngàn cuộc đời nhờ tổ chức “Mang nụ cười đến cho trẻ em” của họ. Họ đã ở đây hai mươi năm.
Năm ngoái đạo diễn Xavier de Lauzanne đã phát hành ở Pháp cuốn phim “Các mảnh vàng” (Les Pépites) kể câu chuyện của ông bà Christian và Marie-France des Pallières, một cặp vợ chồng can đảm đến Cao Miên năm 1995 để giúp cho các em bé ở đây. Ngày 24 tháng 9-2016, ông Christian des Pallières qua đời, bà Marie-France tiếp tục công việc không ngơi nghỉ của mình để giúp các em bé ở Cao Miên qua tổ chức “Mang nụ cười đến cho trẻ em”. 
Ưu tiên: Tim việc làm cho các em
Bà Marie-France xúc động kể cho một cặp vợ chồng người Pháp đến Cao Miên thăm trong kỳ nghỉ hè: “Cuộc đời của tôi là ở đây. Đưa các em thoát cảnh khốn cùng, bạo lực, tìm cho các em một công việc xứng đáng, đó là mục đích duy nhất của chúng tôi. Tôi thương nhớ Christian nhưng tôi hạnh phúc được nhìn thấy các em lớn lên”.
Trong năm học, có khoảng 6 500 trẻ em tham dự vào các sinh hoạt của Hội. Tất cả đều ở trong các gia đình cực kỳ nghèo, được cơ quan xã hội địa phương chứng nhận. Bốn tiêu chuẩn để các em được giúp đỡ: cực kỳ nghèo, làm một nghề nguy hiểm, hứng chịu bạo lực gia đình và bị khuyết tật. Khi đó Hội sẽ bảo vệ, nuôi nấng, giáo dục và săn sóc các em này.
Nguyên tắc của Hội là cung cấp cho gia đình gạo, đổi lại em bé được đi học. Đó là cách để bù vào “lương làm việc” nếu các em không đi học, vì các em phải làm việc để có cơm ăn. Vì thế phần lớn tiền của Hội là để mua gạo. Bà Marie-France des Pallières giải thích: “Mùa hè thì tiêu chuẩn được trợ giúp uyển chuyển hơn. Chúng tôi đón tất cả các em muốn được giúp. Chúng tôi không loại một em nào. Điều cần thiết là các em được chơi, được ăn no và được an toàn”. Các thiện nguyện viên phần lớn là người Tây Ban Nha giúp săn sóc các em.
Nhưng bây giờ hoạt động của Hội “Mang nụ cười đến cho trẻ em” còn đi xa hơn. Bà Marie-France des Pallières cho biết: “Khi các em học xong ở các lớp của chúng tôi, các em về nhà không có việc làm, chúng tôi hiểu là phải hướng nghiệp cho các em, Chúng tôi đưa ra chương trình huấn nghiệp, các em được học các nghề liên quan đến ngành du lịch, tiệm ăn, khách sạn, sắc đẹp, may vá, thợ cơ khí, quản trị ... Hiện nay chúng tôi có 28 lớp dạy nghề. Một khi được nhận vào Hội “Mang nụ cười đến cho trẻ em”, các em sẽ được chăm lo cho đến khi các em có công ăn việc làm .”
Và đó không phải chỉ là lời của một phụ nữ khiêm tốn, kiên trì lo cho tương lai của những em bị bỏ rơi. Một ngày nọ, ông Christian des Pallières, chồng của bà ra đường tìm một trong các em bé ngoài đường, em Phirom, em buông tay khi đã đậu tú tài và chuẩn bị vào lớp dự bị nhưng em phải về nhà vì không có phương tiện học tiếp. Nhưng “Papy”, tên các em gọi ông, đem em về trung tâm, giúp em học ngành phim ảnh và bây giờ em thích thú trong ngành này.
Các câu chuyện như thế này cho thấy cấu trúc của Hội và quan hệ giữa các em với các nhà sáng lập, luôn trong tinh thần tôn trọng cuộc đời và văn hóa của các em. Ông bà Les Pallières làm hết lòng và đã gặt hái kết quả phong phú. Họ bỏ nhiều thì giờ lên đường trên chiếc caravan khắp nước Pháp để tìm ân nhân cho công việc của mình.
Hai trung tâm mới mở ở Cao Miên
Hiện nay bà Marie-France đang đi trên các nẻo đường nước Pháp, tìm gặp các ân nhân mới. Vào cuối tháng 8, bà quyết tâm đi tới và tìm nguồn tài trợ  để giúp cho hàng ngàn trẻ em cậy nhờ vào trung tâm, ít nhất phải có 6 triệu euro mỗi năm. Bà cho biết: “Tôi đi một mình khắp nước Pháp ... Tôi đi trong hai tuần, nhưng tôi sẽ không đi bằng xe caravan ... tôi không còn sức, quá nhọc nhằn cho tôi bây giờ .” Nước mắt lưng tròng khi bà nhắc đến người chồng quá cố đã cùng bà dong ruỗi trên chiếc xe caravan khắp nước Pháp. “Bây giờ tôi đi xe và các em đi theo tôi. Chúng tôi phải tiếp tục. Chúng tôi phải đi tìm ân nhân bảo trợ. Chúng tôi quyết định ngay từ đầu không chờ ở trợ cấp của chính quyền. Chúng tôi không muốn các sinh hoạt, các chương trình của mình bị chấm dứt. Ngân sách chúng tôi tùy thuộc vào các đóng góp tư nhân. Hiện nay chúng tôi có 400 nhân viên và chúng tôi dự định mở thêm hai trung tâm khác .”
Ước mong sâu xa của Hội là cứu các em bé khỏi cảnh khốn cùng, mang hy vọng đến cho các em, tin tưởng vào giấc mơ của các em, rằng mọi sự đều có thể được. Khác với hình ảnh các tổ chức nhân đạo cổ điển, Hội phát xuất từ các nhu cầu và văn hóa của các em: chính các em làm cho tổ chức “Mang nụ cười đến cho trẻ em” có hình ảnh của các em. Vì thế các nụ cười rạng lên trong lớp học, trên sân chơi. Để thực hiện công trình này, ông bà Pallières đã cống hiến hết đời mình cho Hội.
Tro của Papy được đặt ở đây như ông mong muốn, để tôn trọng văn hóa của người Cao Miên, trong lòng “cổ máy nghiền nát cảnh khốn cùng” này, như ông vẫn thường hay gọi Hội là như vậy.
Marta An Nguyễn dịch

Đức Phanxicô thăm giáo phận Bologne và Cesena chúa nhật 1 tháng 10-2017

bởi phanxicovn
Ngày 13 tháng 4-2017, Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, Đức Phanxicô sẽ đến thăm giáo phận Cesena và Bologne. Ngài nhận lời mời của Giám mục Douglas Regattieri, giáo phận Cesena-Sarsina nhân dịp 300 năm ngày sinh của Đức Piô VI và lời mời của Giám mục Matteo Maria Zuppi, giáo phận Bologne nhân dịp Đại hội Thánh Thể tổ chức tại giáo phận.
Sáng chúa nhật 1 tháng 10, Đức Phanxicô sẽ đi trực thăng đến trường đua ngựa Cesena. Ngài sẽ gặp giáo dân ở Quảng trường Dân chúng và gặp hàng giáo sĩ, các người trẻ và gia đình ở nhà thờ chính tòa San Giovanni Battista.
Sau đó ngài đi trực thăng đến Bologne, cách Cesena 80 cây số về hướng Đông-Bắc. Ngài sẽ viếng thăm “Hub” vùng tạm cư của người di dân Via Mattei, tại đây ngài sẽ gặp các người trẻ ở các vùng ven biển, họ đến từ các nước Niger, Côte d’Ivoire, Sénégal, Gambia, Mali, Ghana, Burkina Faso và xin tị nạn ở Ý.
Đức Phanxicô sẽ đọc Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật ở “Piazza Grande” với sự tham dự của các đại diện trong giới lao động. Ngài sẽ ăn trưa “với người nghèo” ở nhà thờ chính tòa San Petronio.
Sau trưa Đức Phanxicô sẽ gặp các giáo sĩ, các thành viên trong môi trường đại học ở nhà thờ chính tòa San Domenico và ngài sẽ dâng thánh lễ ở đây trước khi về lại Vatican.
Đức Gioan-Phaolô II đã đến giáo phận Bologne ngày 18 tháng 4 - 1982 và dự Đại hội Thánh Thể lần thứ XXIIIe của nước Ý vào các ngày 27 và 28 tháng 9 năm 1997.