Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

CARA: Xu hướng sử dụng điện thoại cầm tay để cầu nguyện đang tăng mạnh

Filled under:

Các sách lễ Công Giáo được in công phu trên những tờ giấy thượng hạng càng ngày càng khó bán vì số người sử dụng điện thoại cầm tay thay cho các sách lễ đang tăng mạnh tại Hoa Kỳ. Một nghiên cứu mới của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng trong các hoạt động Tông Đồ, gọi tắt là CARA của Đại học Georgetown đã cho biết như trên.
CARA Xu hướng sử dụng điện thoại cầm tay để cầu nguyện đang tăng mạnh

Nghiên cứu này cho thấy xã hội Hoa Kỳ đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào các thiết bị điện tử để tiêu thụ thông tin. Số lượng báo in đang giảm mạnh và lần lượt bị thay bằng các trang tin trực tuyến, có khả năng chuyển tải thông tin tức thì và bao gồm cả các videos, là điều báo in không thể làm được. Sách bìa cứng cũng được thay thế bằng sách điện tử. Ngay cả sách giáo khoa và sách dành cho trẻ em cũng đang được chuyển qua sử dụng kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, khả năng truy cập vào các tác phẩm thời danh của các tác giả được yêu thích với giá $0.99, thậm chí là miễn phí, khiến cho sách in không còn có khả năng cạnh tranh với sách điện tử.

Chỉ trong năm 2016, chỉ tính trên hệ điều hành Android, tại Hoa Kỳ đã có thêm ít nhất 350 chương trình ứng dụng, mà từ chuyên môn gọi là apps, dành cho giới Công Giáo bao gồm các kinh nguyện hàng ngày, các kinh nguyện dành cho Giờ Kinh Phụng Vụ, những bài suy niệm, những bài chú giải Kinh Thánh, hạnh tích các thánh, giáo lý Công Giáo, và cả các thánh lễ. Hầu hết, các chương trình ứng dụng này là miễn phí.

Vì thế, ngày càng có nhiều người Công Giáo tại Hoa Kỳ sử dụng điện thoại cầm tay để cầu nguyện.

Lợi ích lớn nhất họ thấy được là sự tiện lợi. Rõ ràng, mang theo một cuốn sách kinh hàng ngày hoặc cuốn Kinh Thánh bất tiện hơn nhiều so với mang theo điện thoại cầm tay, là thiết bị dù sao cũng phải mang theo bên người. Tiến sĩ Mark Gray của Đại học Georgetown cho biết nhiều người được phỏng vấn nói họ dùng điện thoại cầm tay để cầu nguyện hàng ngày khi di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng.

Cameron Garden viết trên tờ Catholic Herald rằng ngay cả trong chốn riêng tư như trong nhà, ông cũng sử dụng điện thoại cầm tay để cầu nguyện. Nhiều ứng dụng Công Giáo bao gồm những chức năng giúp tìm kiếm nhanh hơn rất nhiều so với sách in. Hơn thế nữa, nội dung lại được cập nhật không ngừng.

Tuy nhiên, báo cáo ghi nhận rằng sử dụng điện thoại cầm tay để cầu nguyện làm cho nhiều người phân tâm. Để bước vào trạng thái cầu nguyện sâu sắc, chúng ta cần một trái tim yên tĩnh. Chúng ta không thể thực sự cầu nguyện nếu não chúng ta vẫn trong một cơn bão xoáy của sự phân tâm và lo lắng. Nhiều người cảm thấy các thiết bị điện tử tạo ra một sự bồn chồn trong tâm hồn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng màn hình kích thích bộ não của chúng ta hơn là làm cho chúng ta bình tĩnh, và đó là lý do tại sao nhiều chuyên gia về giấc ngủ khuyên bạn nên tránh sử dụng điện thoại cầm tay ít nhất một giờ trước khi đi ngủ.

Báo cáo cũng ghi nhận cho đến nay rất ít người Mỹ dùng điện thoại cầm tay để cầu nguyện trong nhà thờ.

Ý kiến của chị Maria Heather có thể tiêu biểu cho ý kiến chung của nhiều người.

“Tôi sử dụng điện thoại cầm tay để cầu nguyện tại nhà, trên xe điện, xe bus nhưng tôi không dùng nó trong nhà thờ. Những người xung quanh không biết tôi đang cầu nguyện hay đang check mail. Tôi không muốn gây gương mù cho người khác,” chị nói.
 
Đặng Tự Do


Tại sao phải cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo chúng ta?
lavie.fr, Laurent Stalla-Bourdillon, Linh mục tuyên úy các nghị viện, 2017-09-22
Linh mục Laurent Stalla-Bourdillon, Giám đốc Mục vụ Nghiên cứu Chính trị (Service pastoral d'études politiques, SPEP), tuyên úy các nghị viện giải thích lời kêu gọi của Đức Phanxicô cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo.
Trong bài giảng ngày 18 tháng 9 vừa qua ở Nhà nguyện Thánh Mácta, Đức Phanxicô xin cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo. Ngài còn nhấn mạnh “không cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo là một tội”. Lời cảnh báo cho những ai cầu nguyện theo các ý chỉ khác: chắc chắn các nhà lãnh đạo phải được ưu tiên khi cầu nguyện. 
Tại sao cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo lại quan trọng như vậy? Đức Phanxicô giải thích, vì ý thức của nhà cầm quyền “mang lại lợi ích chung cho toàn dân tộc được giao phó cho họ”. Nói cách khác, bảo vệ lợi ích chung trước hết ở trong sự lưu tâm mà chúng ta cân nhắc nơi ý thức của từng người! Ở đây cầu nguyện là xin ánh sáng của sự thật và của công chính được trổi lên trong các ý thức, để những người nắm quyền quyết định thực hiện những điều tốt đẹp cho tất cả mọi người. Cầu nguyện cho các nhà cầm quyền là mong họ tìm được trong ý thức của họ, nguồn của một sức mạnh giúp họ phát biểu một cách tự do trong sự thật. 
Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh điểm này trong Hiến chế Gaudium et Spes (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng 16-17): “Ở sâu trong lương tâm của mình, con người phát hiện sự hiện diện của một luật, một luật không phải do chính mình tự cho, nhưng buộc mình phải tuân theo luật đó. Tiếng nói này không ngừng thúc dục chúng ta phải thương yêu và hoàn tựu điều tốt, tránh điều xấu, vào đúng lúc trong sâu thảm tâm hồn vang lên tiếng nói: ‘Làm điều này, tránh điều kia’. ( …) Càng có các ý thức ngay thẳng thắng thế, thì càng có nhiều người và nhiều nhóm tránh xa quyết định mù quáng, và có xu hướng thuận theo các tiêu chuẩn khách quan của đạo đức. ( …) Như thế phẩm giá con người đòi hỏi họ phải hành động theo chọn lựa có ý thức và tự do, chín chắn và xác định bởi một xác tín cá nhân chứ không do chỉ bởi một kết quả duy nhất bị thúc đẩy theo bản năng hoặc các ràng buộc bên ngoài.
Cầu nguyện cho các nhà cầm quyền là mong họ tìm được trong ý thức của họ, nguồn của một sức mạnh giúp họ phát biểu một cách tự do trong sự thật.
Trong trường hợp hiện tại, chúng ta có thể cầu nguyện để các nhà cai trị nhận thức một cách có ý thức rằng con người là một thân thể xác thịt, một quan hệ với chính mình chứ không phải thuần vật chất. Mối quan hệ với chính mình này là chiều kích thiêng liêng trong con người và cấu thành con người như vậy!
Dựa vào đó, sẽ không làm sáng tỏ những cuộc tranh luận về công nghệ sinh sản đó sao? Khi đó chúng ta sẽ nhận ra, “tạo một em bé”, không phải chỉ sinh ra một cơ thể sinh học mà còn ở bên cạnh em bé, trong tương quan với chính mình này, qua đó, em bé nói lên được một từ, nói lên được bản sắc của mình, khám phá ra phẩm giá của mình, và chính mình sẽ trở thành “lời của sự sống” trong và cho thế giới này.
Sau đó em bé ngày càng trở nên là chính mình. Đứa bé mà mình mong muốn sinh ra sẽ là đại sứ của một Đấng khác, em cho thấy sự hiện diện của Chúa trong thế giới này. Ấn giấu và chứa đựng trong cơ thể của mình, một lời mang ý nghĩa, Lời của chính cuộc đời mình. Khi đó tất cả các hình dạng cơ thể, hơi thở, nhịp tim, hệ thống biến dưỡng sẽ xuất hiện như dấu hiệu của một chuyển động đã có trước: nhận và cho, nhận để cho, cho để nhận lại! Trong chuyển động này có một dấu ấn, mà các tín hữu kitô gọi đó là ơn gọi của con người đối với món quà của mình.
Vì thế chúng ta hiểu tại sao lời cầu nguyện cho các nhà cầm quyền quan trọng đến như vậy: nó mang lấy ý thức, ý thức nhận thức được chính ý nghĩa cuộc sống của chúng ta. Bằng cách giữ cho lương tâm của chúng ta thức tỉnh trên những dấu hiệu này, xã hội chúng ta có thể bình tâm tiến đến các lựa chọn chính trị, kỹ thuật, chiến lược, những lựa chọn cuối cùng sẽ xứng đáng với con người.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch