HIỂU VÀ ĐÓN NHẬN THẬP GIÁ
Nhưng các môn đệ không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bị che khuất. (Lc 9,45)
Suy niệm:“Tôi sẽ không cho phép ai đi qua tâm trí mình với đôi chân dơ bẩn của họ”(M. Gandhi). Tâm trí con người có một khả năng tuyệt vời là chỉ đón nhận, thông hiểu những gì thích hợp với mình, và loại trừ điều họ không thích. Khả năng ấy của tâm trí giải thích lý do tại sao các môn đệ không hiểu điều Thầy mình tiên báo về cuộc Khổ nạn. Tâm trí các ông đầy ắp tham vọng ham muốn quyền lực, mong mình sẽ là người lớn nhất trong nhóm. Còn chỗ đâu để hiểu con đường quên mình, phục vụ của Thầy các ông. Lòng trí các ông chỉ biết một hướng: hướng vinh quang của Thầy trong Vương quốc, thì làm gì còn chỗ để nhận ra “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài” (c. 44)!
Mời Bạn:Tựa như các tông đồ ngày xưa, bạn cũng đã nghe biết nhiều về con đường thập giá đưa đến vinh quang Phục sinh. Thế nhưng, sự thật ấy không đi vào tâm trí bạn, không được áp dụng vào trong đời sống. Bạn vẫn nhìn hy sinh, quên mình, thập giá, khổ chế… như điều phải tránh xa bằng mọi giá. Làm sao để tâm trí bạn đón nhận và uốn nắn cuộc đời Ki-tô hữu của bạn cho thích hợp với lời dạy của Chúa?
Sống Lời Chúa:Tôi vui vẻ đi con đường thập giá, hy sinh, khổ chế, để trở nên giống Chúa của tôi.
Cầu nguyện:Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con đường thập giá đưa đến Phục sinh, và chính Chúa đã đi trước con đường ấy để thêm niềm tin cho con. Xin cho con dũng cảm loại trừ tinh thần thế gian ra khỏi tâm trí mình, và thay vào đó bằng tinh thần Tin Mừng Chúa. Nhờ vậy con sống đẹp lòng Chúa hơn. Amen.
THÁNH GIÊRÔNIMÔ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH
(+ 420)
Thánh Giêrônimô là người có công rất nhiều đối với Giáo hội trong việc sưu tầm, khảo cứu và phiên dịch Kinh thánh. Bản dịch Kinh thánh của ngài quen gọi là bản Phổ thông (Vulgata) cho đến nay vẫn được Giáo hội coi như bản dịch duy nhất và truyền dùng trong khắp cả Giáo hội. Thánh nhân sinh tại Stridon, thuộc xứ Dalmatia trong liên bang Nam tư; tỉnh này bị xoá tên trên bản đồ ngay từ năm 390. Còn về năm sinh của thánh nhân người ta phỏng đoán quãng năm 347, vì khi Hoàng đế Julianô băng hà tháng 6 năm 363 thì Giêrônimô bấy giờ đang theo học lớp văn phạm, nghĩa là lúc đó ngài chưa đầy 16 tuổi.
Cha mẹ thánh nhân là những người đạo gốc, nhưng lại không muốn cho con chịu phép rửa tội sớm. Lớn lên, Giêrônimô được cha mẹ gửi cho theo học ban văn khoa tại Rôma.
Sẵn khiếu thông minh, lại được học với những giáo sư danh tiếng, Giêrônimô mau trổi vượt chúng bạn và thu lượm được nhiều kết quả! Nhưng chính những kết quả về học vấn, nhất là địa vị khoa tu từ bấy giờ đã làm đà cho người sinh viên tuấn tú xa dần lý tưởng để chạy theo "những sa đoạ" của trần tục! Sau này, thánh nhân đã hối hận rất nhiều vì những tội lỗi ấy! Lý do nào đã giúp người sinh viên kia quay trở về với Chúa. Phải chăng là do sự cảm kích bởi những nghi lễ phụng vụ và những cuộc thăm viếng các nơi thánh như lời ngài đã kể lại sau đây: "Bấy giờ tôi là một sinh viên văn khoa du học tại Rôma; cùng với mấy người bạn, chúng tôi thường viếng mồ các thánh tông đồ và các thánh tử đạo mỗi ngày Chúa nhật. Chúng tôi thường đi sâu vào tận các hang đào sâu trong lòng đất, nơi đây người ta đặt la liệt những hòm hoặc bình, vại chứa đựng hài cốt. Trong bóng tối âm u và yên lặng của hang, nhiều lần tôi rùng mình kinh sợ nghĩ tới số phận đời đời của tôi …"
Học xong ở Rôma, song thân Giêrônimô bắt ngài đi Trêves làm việc trong triều vua hy vọng sẽ giữ vững những chức cao trọng sau này. Nhưng con người Giêrônimô đã đổi mới! Sau lần đi Pháp về, ngài đến sống ẩn dật tại Aquillê, một miền hẻo lánh không xa tổ quán là mấy. Tại đây ngài sống với cộng đồng linh mục do cha Chromac sáng lập như ngài đã viết: "Các linh mục miền Aquillê hợp thành cơ đoàn chân phúc". Ước vọng sống đời tu hành mỗi lúc một dâng lên mãnh liệt trong lòng Giêrônimô. Vì thế năm 376, ngài bỏ Aquillê lên đường sang Đông phương.
Đến Antiôkia vừa đúng mùa chay, nhưng Giêrônimô lại ngã bệnh. Lần này ngài được hưởng một thị kiến như chính ngài đã kể cho người dẫn đường tên là Êustochium: "Khốn thân tôi, tôi ăn chay thống hối đời tội lỗi quá khứ… Nhưng lại để nhiều giờ đọc các tác phẩm của Cicêrô… Vì thế một hôm, tôi bỗng nhiên ngất đi, rồi thấy mình bị điệu vào toà án… Quan toà hỏi tôi là ai, tôi trả lời: "Tôi là người công giáo". Quan toà không chịu, bảo rằng "Anh nói dối, anh là kẻ "ngốn" sách ông Cicêrô chứ không phải là người công giáo, kho tàng anh ở đâu thì lòng anh ở đấy". Thế rồi truyền đánh đòn tôi. Tôi lịm đi dưới roi đòn, và còn bị lương tâm cắn rứt. Không chịu nổi, tôi bắt đầu rên rỉ: "Lạy Ngài xin thương xót tôi". Sau cùng tôi lấy danh dự hứa với quan toà: "Thưa Ngài, tôi sẽ không bao giờ dám đọc những sách trần tục lố lăng nữa…" Nhận lời hứa, quan toà cho tôi về, và từ đó tôi chỉ trung thành đọc các sách đạo đức".
Khỏi bệnh, Giêrônimô trẩy đi sa mạc Chalcis miền nam Antiôkia tập sống đời tu hành nhiệm nhặt. Trong một bản văn còn để lại, thánh nhân kể lại cho chúng ta tất cả những đau khổ cực nhọc, và chán nản mà ngài đã phải chịu!
Sau một thời gian, Giêrônimô cảm thấy nhàm chán đời sống náu ẩn. Dầu vậy trong thư gửi cho ông Hêliôđôrê, ngài đã dùng ngòi bút ca ngợi những diễm phúc của cuộc sống nơi sa mạc: "Ôi sa mạc, nơi đua nở nhiều cành hoa toả hương thơm Chúa Kitộ Ôi! chốn tịch liêu, nơi phát minh những hòn đá xây cất lâu đài Vua Cả! Ôi đất các vị tu hành, nơi tràn đầy sự hiện diện thân mật của Thiên Chúa… Này bạn, bạn đang làm gì? … Bạn hãy tin tôi, tôi chưa từng hưởng một ánh quang nào huy hoàng và dịu hiền hơn ở đây! Hạnh phúc biết bao đời sống kìm hạ xác thịt và nâng lòng lâng lâng lên Chúa". Nhưng rủi bài ca ngợi đời sống "tịch liêu" này vô tình gây nên nhiều lời tranh luận giữa các tu sĩ, thậm chí có người vịn vào đó để hiểu sai về tín lý Chúa Ba Ngôi. Vì thế thánh Giêrônimô phải làm một bản tuyên xưng đức tin gửi cho Đức Giáo Hoàng Đamasô. Kỳ này, thánh nhân bỏ sa mạc, trở về Antiôkia, rồi đến Constantinôpôli. Tại đây ngài được tiếp kiến Đức giám mục Grêgôriô thành Nazian và bắt đầu phiên dịch những bài giảng của ngài về tiên tri Jêrêmia và Ezêchiel. Ngài lại được Đức giám mục gọi chịu chức linh mục. Khi dịch cuốn niên sử (Chronique) của Eusêbiô thành Cêsarê ra La văn, ngài cùng với Đức Paulinô thành Antiôkia và Đức Êpiphan thành Salamin sang Rôma dự công đồng năm 382.
Tại Rôma, thánh Giêrônimô được nhiều người ái mộ! Cảm phục mến tài đức của thánh nhân. Đức Giáo Hoàng Đamasô đã chọn ngài làm bí thư. Huân công đáng kể nhất của thánh nhân, cũng là công việc nặng nề nhất mà Đức Giáo Hoàng muốn trao cho ngài, là nghiên cứu và phiên dịch Thánh kinh. Chính ngài đã nhuận sắc lại bản dịch Tân ước và Ca vịnh. Hơn thế, ngài còn mạnh bạo đả phá những thái độ quá khích, những quan niệm sai lầm của một số các tu sĩ và linh mục bấy giờ về đời sống đạo đức và trọn lành. Ngài chủ trương đề cao đức trinh khiết và phải lấy Kinh thánh làm căn bản cho đời sống tu đức. Công việc làm của ngài đã gây được nhiều kết quả; nhất là Đức Giáo Hoàng nhiệt liệt tín nhiệm ngài. Tuy nhiên cũng có nhiều người thù ghét ngài! Và đó là lý do cốt yếu, khiến ngài bỏ Rôma trở lại Đông phương sau khi Đức Giáo Hoàng Đamasô qua đời năm 385.
Cùng đi với thánh nhân có nhiều đệ tử nam nữ. Trong số những người có thiện chí sống đời tận hiến này, đáng kể hơn cả là chị Paula, thầy Eustochium. Sau khi ghé đảo Chyprô thăm quê thánh Êpiphan, thánh nhân dẫn đoàn con đến Antiôkia rồi tiếp tục đi viếng đất thánh và Ai cập, hai nơi thịnh đạt nhất về các dòng tu. Mùa hè năm 386 thánh nhân tới Palestina, và đây là giai đoạn cuối cùng đời sống thánh Giêrônimô dài chừng 36 năm.
Với vốn kinh nghiệm thu được trong cuộc hành trình, nhất là dưới sự hướng dẫn của thánh Giêrônimô, bà Paula khởi công xây cất hai tu viện tại Bêlem. Một tu viện nam và một tu viện nữ. Cả hai đều đặt dưới quyền coi sóc của thánh Giêrônimô về phương diện tu đức. Và đó là hoạt động nòng cốt của thánh nhân trong những năm cuối đời. Nhờ ơn Chúa, hai dòng phát triển mau lẹ, năm 416, người ta còn xây thêm một lữ quán nhằm mục đích tiếp đón những khách hành hương. Nhưng công việc tốt đẹp này không khỏi vấp phải trở lực. Ngoài sự không am hợp khí hậu, chật vật về kinh tế, còn có sự cạnh tranh đáng tiếc với các tu viện khác!
Kỳ này, ngoài công việc hướng dẫn tu đức cho hai tu viện, thánh Giêrônimô còn cố gắng dịch nhiều quyển trong bộ Thánh kinh. Ngài dịch theo bản Hy lạp hay Do thái. Ngoài ra ngài còn cho xuất bản cuốn "Những thắc mắc của người Do thái về cuốn Sáng thế ký". Cuốn từ điển các danh từ riêng Êusêbiô thành Cêsarê và bản kê các nhà văn công giáo từ Simon Phêrô cho đến ngài, sự nghiệp văn chương của thánh nhân rất đáng kể! Sau cùng, năm 393, ngài lại phải đương đầu với một tu sĩ phái Jôvênianô về vấn đề đức trinh khiết và với ông Ôrigênê về những luận án sai lầm tín lý và tinh thần Phúc âm! Và đó là lý do khiến dòng tu thánh nhân phải chịu nhiều thảm cảnh. Tuy nhiên thánh nhân vẫn hãnh diện khi viết: "Về phương diện vật chất, gia đình chúng tôi đã bị quân lạc giáo phá huỷ hoàn toàn. Nhưng Chúa Kitô vẫn ở với chúng tôi, và như thế, gia đình chúng tôi tràn đầy của thiêng liêng. Đối với chúng tôi, thà ăn bánh khô còn hơn mất đức tin".
Thêm vào công việc nặng nề và những nỗi phiền muộn trên, thánh Giêrônimô còn chịu hai lần tang; bà Paula chết năm 404 và Eustochium qua đời năm 418. Vì thế ngài lâm bệnh, đau đớn nhìn sự sụp đổ của tu viện trước sự tranh chấp và ganh tị của các tu viện khác! Hơn thế, hoàn cảnh suy đồi của đế quốc Rôma mỗi ngày một nặng nề càng làm cho thánh nhân phải lo nghĩ hơn! Và phải chăng, cảnh hỗn loạn khi quân Hung nô ồ ạt kéo vào xâm chiếm Palestina và phá hủy nhà dòng Bêlem đã khiến chúng ta không biết gì về ngày sau hết của thánh nhân! Theo cuốn niên sử ông Prosper thì thánh Giêrônimô qua đời quãng năm 420; ngài hưởng thọ 92 tuổi.
Mặc dầu qua đời ở Palestina vào thời hỗn chiến, thánh Giêrônimô đã được toàn thể thế giới công giáo tôn sùng ngay từ mấy năm sau khi ngài tạ thế. Ở Rôma, người ta kính thánh nhân đặc biệt tại Đại Giáo Đường Đức Bà Cả. Dưới đời Đức Giáo Hoàng Bônifaciô VIII (1294-1303), thánh nhân được suy tôn bậc tiến sĩ ngang hàng với thánh Grêgôriô cả, thánh Âutinh và thánh Ambrôsiô, tức bốn vị giáo phụ ở Tây phương.
Lòng sùng kính thánh Giêrônimô lại dâng lên rất mạnh từ khi phong trào nghiên cứu và tìm hiểu Kinh thánh được phát động năm 1933, dưới triều Đức Giáo Hoàng Piô XI. Nhắc đến huân công và thiên tài dịch bộ Kinh thánh của ngài, người ta đã viết rằng: "Đó là một trong những sự nghiệp đáng thán phục nhất của trí óc nhân loại" (M.J. Lagrange).