Theo hãng tin Associated Press, Đức Phanxicô khởi đầu ngày thứ hai, 7 tháng Chín, của ngài tại Colombia bằng cuộc viếng thăm Tổng Thống và các nhà lãnh đạo chính phủ và dân sự nước này tại Dinh Tổng Thống. Trong dịp này, ngài thúc giục mọi người ủng hộ diễn trình hòa bình, chấm dứt cuộc tranh chấp dài nhất tại Châu Mỹ La Tinh và giải quyết các bất bình đẳng từng châm ngòi cho cuộc tranh chấp này. 

Sau đây là bản tin ghi nhanh của hãng A.P. theo giờ giấc của Bogota:

8 giờ 40 sáng

Hàng trăm người đứng dọc lộ trình đoàn xe hộ tống đưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ tòa sứ thần Tòa Thánh tới dinh Tổng Thống, nơi ngài sẽ gặp Tổng Thống Juan Manuel Santos và giới lãnh đạo chính trị và kinh tế của Colombia. 

Hàng trăm người cũng đứng đợi ngài tại Casa Narino, một số mang thánh giá và chân dung vị giáo hoàng người Á Căn Đình. Trong đám đông, có một số binh sĩ với cánh tay cụt, các học sinh và viên chức khuyết tật.

Hôm nay, Đức Giáo Hoàng sẽ có một ngày dầy đặc, với bài diễn văn trước Tổng Thống Santos cũng như bài nói chuyện với đám đông. Sau đó, ngài sẽ gặp các giám mục và hồng y khắp vùng. Ngài sẽ kết thúc ngày thứ hai bằng lễ ngoài trời ở Công Viên Simon Bolivar của Bogota. 

9 giờ 30 sáng

Tổng Thống ủng hộ khẩu hiệu chuyến đi của Đức Phanxicô, kêu gọi Người Colombia “thực hiện bước đi đầu tiên” và từ bỏ sự hận thù do nhiều thập niên tranh chấp vũ trang tạo nên.

Trong bài diễn văn hôm thứ Năm, ngỏ với Đức Phanxicô tại Dinh Tổng Thống ở Bogota, Ông Santos nói rằng Colombia là gương sáng cho một thế giới bị chìm đắm trong tranh chấp và chiến tranh, một nơi mà vũ khí đang được trao đổi bằng lời lẽ và thực tế đang biến thành những thời điểm tiến tới hòa bình.

Tuy nhiên, Ông thừa nhận rằng nhiều việc vẫn cần được làm để vượt qua các chia rẽ cay đắng do hòa ước năm ngoái tạo ra, một hòa ước bị những người bảo thủ chống đối, coi nó quá nhân nhượng đối với các du kích quân phe tả, những người có thành tích gây ra nhiều tội ác trong cuộc tranh chấp kéo dài cả nửa thế kỷ của đất nước.

Ông Santos nói rằng “hàng ngàn sinh mạng đã được cứu, hàng ngàn nạn nhân đã được dung tha, nhưng chúng ta vẫn cần thực hiện bước đi đầu tiên, có tính đổi mới, rất quan trọng đối với mọi người: tức bước hòa giải”.

Ông nói thêm rằng “làm im họng súng sẽ vô giá trị nếu chúng ta vẫn còn vũ trang ở trong lòng. Chấm dứt chiến tranh sẽ vô giá trị nếu chúng ta vẫn coi nhau như kẻ thù”.

9 giờ 40 sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thúc giục người Colombia đến với nhau để hàn gắn các chia rẽ phát sinh từ 5 thập niên tranh chấp vũ trang và ban hành “các đạo luật công chính” để giải quyết sự bất bình đẳng vốn châm ngòi cho cuộc nổi loạn.

Đức Phanxicô đưa ra nhận định trên hôm thứ Năm trong bài diễn từ ngỏ với Tổng Thống Juan Manuel Santos và giới lãnh đạo chính trị, văn hóa và kinh tế của Colombia tại dinh tổng thống. Chuyến viếng thăm năm ngày của ngài nhằm giúp củng cố hòa ước năm ngoái ký giữa chính phủ và các phiến quân phe tả, một hòa ước đã chia rẽ quốc gia một cách cay đắng. 

Trong các nhận định của ngài, Đức Phanxicô thúc giục mọi người dân Colombia “chữa lành các vết thương, bắc những cây cầu, củng cố các mối liên hệ và nâng đỡ lẫn nhau”. Ngài cũng kêu gọi ban hành các luật lệ để sửa sai điều ngài gọi là các nguyên nhân cơ cấu gây ra cảnh nghèo vốn châm ngòi cho tranh chấp. 

Ngài nói: “chúng ta đừng quên rằng bất bình đẳng là gốc rễ của các căn bệnh xã hội”.

10 giờ 55 sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang hướng dẫn người Colombia cầu nguyện tại nhà thờ chính tòa ở Bogota, trong lúc, nhiều ngàn người khác đứng chật ních ở công trường bên ngoài chờ ngài xuất hiện.

Đám đông đứng chật quá đến độ một số người ngất xỉu. Ít nhất, 4 người đã được cáng đưa đi.

Việc kiểm soát đám đông là một thách đố từ trước đến nay trong chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô, vì người Columbia ai cũng hân hoan muốn đến gần vị giáo hoàng người Châu Mỹ La Tinh đầu tiên trong lịch sử, vị giáo hoàng cố gắng khuyến khích diễn trình hòa bình của quốc gia họ. Trong biến cố đầu tiên ngày thứ Năm của ngài, một người đàn ông vượt hàng rào an ninh đến xấp mình dưới chân ngài ngay trên thảm đỏ khi ngài tới dinh tổng thống.

Trẻ em trên khán đài lúc đó đã rời vị trí của các em để ôm choàng lấy Đức Phanxicô trong một loạt những ôm hôn không có trong nghi thức. 

11giờ 20 sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thúc giục giới trẻ Colombia dẫn đầu trong việc cổ vũ lòng tha thứ, giúp đất nước được hàn gắn sau cuộc bạo loạn kéo dài cả nửa thế kỷ nay. Ngài bảo: người trẻ có khả năng hơn người lớn trong việc “để lại sau lưng điều gây mếch lòng cho chúng ta và nhìn tương lai mà không có gánh nặng của hận thù”.

Hàng ngàn người Colombia vẫy khăn mầu đỏ, mầu vàng và xanh dương, là mầu cờ của Colombia, để nghinh đón Đức Phanxicô tại Công Viên Bolivar, là công viên chính đối diện với nhà thờ chính tòa Bogota. Họ cắt ngang ngài nhiều lần bằng những lời hoan hô, cả lúc ngài nhắc lại câu nói thời danh của ngài rằng “chỉ người trẻ mới khua động nổi!”.

Đức Phanxicô ca ngợi người trẻ có khả năng tiến bước khỏi các thù hận xưa từng “gây bệnh cho linh hồn”. Ngài nói giới trẻ Colombia phải đương đầu với thách thức “truyền qua chúng ta niềm hy vọng trẻ trung luôn sẵn sàng dành cho người khác cơ hội thứ hai”. 

Đức Phanxicô đang nhấn mạnh sứ điệp hòa giải, với hy vọng củng cố hòa ước năm ngoái từng bị nhiều người Colombia chống đối một cách cay đắng vì cho là dành cho phiến quân quá nhiều nhượng bộ để chúng hạ vũ khí.

12 giờ 25 trưa

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang nói với các giám mục Colombia rằng các ngài có một vai trò độc đáo trong việc giúp người Colombia hàn gắn sau cuộc bạo loạn nửa thế kỷ qua bằng cách nói rằng các ngài phải chứng tỏ “một thứ can đảm tinh thần khác hẳn” để giúp người Colombia vượt thắng các bản năng gây chiến và sợ hãi đầy thấp hèn.

Đức Phanxicô cũng thúc giục hàng giáo phẩm làm việc cho sự hợp nhất và hiệp thông nội bộ, có ý nhắc đến các chia rẽ ngay bên trong Giáo Hội Công Giáo đối với hòa ước. Nhiều người bảo thủ chống đối hoà ước, trong đó, có các giáo sĩ, vì cho là quá nhân nhượng đối với phiến quân.

Trong một diển văn hôm thứ Năm tại toà Tổng Giám Mục ở Bogota, Đức Phanxicô thúc giục 130 giám mục Colombia đem lại cho đoàn chiên sự can đảm “dám thực hiện bước đầu tiên tiến tới hòa bình và hòa giải dứt khoát, tiến tới việc từ bỏ phương pháp bạo lực và vượt thắng các bất bình đẳng vốn là gốc rễ của biết bao đau khổ”.

2 giờ 30 chiều

Hàng chục ngàn người đang lũ lượt tràn vào công viên chính của Bogota dưới trời mưa như trút để tham dự thánh lễ ngoài trời vào buổi chiều do Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành để cầu cho hòa bình và hoà giải.

Nhiều người trong đám đông tới Công Viên Simon Bolivar lúc hừng đông thứ Năm và đợi thánh lễ buổi chiều dưới trời mưa.

Một số người là các tỵ nạn Venezuela chạy trốn nạn lụt và nạn thiếu thuốc, các cuộc biểu tình bạo động và nạn lạm phát. Họ hy vọng Đức Phanxicô an ủi họ trước tình hình tồi tệ ở quê nhà.

3 giờ 05 chiều

Các giáo phẩm Venezuela hy vọng lợi dụng chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại Colombia để người ta chú ý tới số phận của đất nước họ.

Gặp Đức Giáo Hoàng tại tòa khâm sứ ở Bogota, Đức Hồng Y Jorge Urosa, Tổng Giám Mục Caracas, mô tả tình hình ở Venezuela như là “rất trầm trọng” (lạm phát cao, người ta phải bới rác và chết vì thiếu thuốc chữa). 

Trước đó trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo El Tiempo ở Bogota, ngài mô tả Tổng Thống Nicolas Maduro là nhà “độc tài” và tố cáo nhà lãnh đạo theo xã hội chủ nghĩa này đã làm ngơ các hứa hẹn của ông với Tòa Thánh vào năm ngoái trong cố gắng đối thoại với phe đối lập do Tòa Thánh bảo trợ. 

3 giờ 45 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang ca ngợi phụ nữ đã ở các tuyến đầu của Giáo Hội Công Giáo ở Châu Mỹ La Tinh, và ngài cảnh giác các giám mục trong vùng phải biết trân qúy họ nhiều hơn và đừng để họ bị “thu nhỏ thành các đầy tớ cho chủ nghĩa giáo sĩ trị kiên cố của chúng ta”.

Đức Phanxicô nói với một đám đông gồm các vị hồng y và giám mục đứng đầu tại Châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean rằng giáo hội sẽ mất khả năng tái sinh nếu không có phụ nữ. Ngài nói: “chúng ta có một nghĩa vụ nặng nề phải hiểu, kính trọng, đánh giá cao và phát huy” mọi điều phụ nữ làm cho giáo hội và xã hội.

Đức Phanxicô thường hay ca ngợi vai trò bà nội ngài đóng trong việc đào tạo đức tin của chính ngài, và từng nói rằng phụ nữ nên đóng một vai trò lớn hơn trong việc đưa ra quyết định trong giáo hội. Tuy nhiên, cho tới nay, ngài chưa bổ nhiệm một phụ nữ nào đứng đầu một cơ quan chính của Vatican.

5 giờ 00 chiều

Mưa đã ngưng, mặt trời đã ló dạng sau đám mây và thánh lễ đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicọ tại Colombia sắp bắt đầu.

Công viên Simon Bolivar của Bogota đã sẵn sàng tiếp nhận 700,000 người tham dự buổi phụng vụ nhưng thị trưởng Bogota “tweeted” rằng có tới 1 triệu 3 người Công Giáo sẽ tham dự.

Đức Phanxicô thăm hỏi một nhóm các trẻ em khuyết tật sau khi xuống khỏi giáo hoàng xa và giữa lúc giàn giao hưởng chơi bản giao hưởng số 9 của Beethoven.

5 giờ 20 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang cử hành thánh lễ ngoài trời ở công viên Simon Bolivar của Bogota và trong bài giảng lễ, ngài cảnh giác về “đêm đen dày đặc” đang đe dọa Colombia bằng bạo lực, tham nhũng và trả thù. 

Ngài bảo rằng đêm đen kia là “lòng thèm khát trả thù và sự hận thù từng làm vấy bẩn bàn tay những người muốn dùng thẩm quyền riêng của mình sửa lại các sai lầm, bóng đen của những người đã trở nên tê cứng đối với nỗi đau đớn của biết bao nhiêu nạn nhân”.

Tin ghi từng giờ ngày thứ ba của Đức Phanxicô tại Colombia
Hôm nay, Đức Giáo Hoàng tới Villavicencio, nơi xẩy ra những cuộc đụng độ lớn và thường xuyên giữa phiến quân cánh tả, quân chính phủ và các dân quân cánh hữu trong suốt 52 năm nội chiến, để chủ tọa thánh lễ phong chân phúc cho hai vị giáo sĩ bị sát hại vì đức tin trong cuộc nội chiến này và để chủ tọa buổi Gặp Gỡ Hòa Giải Quốc Gia, vốn là mục tiêu hàng đầu của chuyến tông du lần này. 

Sau đây là bản tin ghi theo giờ Colombia của hãng tin A.P. 

7giờ 20 sáng

Có tin nguyên lãnh tụ của nhóm phiến quân lớn nhất của Colombia lên tiếng xin Đức Giáo Hoàng Phanxicô tha thứ vì sự đau khổ mà ông ta và binh lính của ông ta đã gây ra trong suốt cuộc chiến lâu dài chống lại chính phủ. 

Trong một lá thư đăng trên mạng xã hội, Rodrigo Londono hy vọng Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiểu rằng Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia (FARC) luôn được thúc đẩy bởi ước nguyện thành thực là đứng lên đấu tranh cho những người nghèo khổ nhất và những công dân bị loại bỏ nhiều nhất của quốc gia.

Người đàn ông có chiến danh Timochenko nói rằng ông ta xin sự tha thứ vì bất cứ “nỗi đau đớn nào do chúng tôi gây ra cho xã hội Colombia hay bất cứ cá nhân nào của nó”.
Hôm nay, Đức Phanxicô tới khu vực từng bị Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia vây khốn. Ngài dự tính lắng nghe và cầu nguyện với hàng ngàn nạn nhân của cuộc tranh chấp kéo dài cả nửa thế kỷ của Colombia, mà nhiều người có những câu truyện đau lòng để kể về các bạo hành của phiến quân. 

9 giờ 30 sáng

Cũng có tin là sứ điệp hòa giải của Đức Phanxicô cuối cùng có thể có tác dụng lớn đối với hai chính khách quyền thế nhất của Colombia. Việc đối nghịch giữa hai chính khách này đã và đang hãm đà hòa bình của đất nước. 

Thực vậy, thị trưởng Medellin vừa lên tiếng cho hay cả Tổng Thống Juan Manuel Santos và cựu Tổng Thống Alvaro Uribe sẽ cùng tham dự Thánh Lễ đại trào do Đức Giáo Hoàng cử hành vào ngày mai tại thành phố của ông.

Nguyên sự kiện hai địch thủ cùng ngồi chung tại khu vực thượng khách cũng đã là một phép lạ chính trị nho nhỏ rồi. Ông Uribe vốn cay đắng tố cáo hòa ước Ông Santos ký với Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia, ví nó như một hành vi lấy lòng các tên khủng bố.

Đức Phanxicô từng đem hai người lại với nhau tại Vatican vào tháng 12 vừa rồi nhằm môi giới một sự hiểu nhau. Việc này đã dẫn tới các cuộc thương lượng, trong đó, Ông Santos và các phiến quân cuối cùng đã chịu lồng một số chỉ trích của Ông Uribe vào hòa ước tu chính; và hòa ước này đã được quốc hội phê chuẩn. 

Nhưng Ông Uribe vẫn còn chống đối vụ thương lượng này và ông đã gia tăng các lời chỉ trích chính phủ của Ông Santos nhằm vào cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, trong đó, việc thi hành hoà ước chắc chắn sẽ được quyết định.

10 giờ 40 sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong chân phúc cho hai vị giáo sĩ bị sát hại trong các năm bạo loạn chính trị của Colombia, tuyên bố các ngài là tử vì đạo, chết vì lòng thù ghét đức tin Công Giáo.

Hàng chục ngàn người tụ tập tại Villavicencio, một vùng đẫm máu vì cuộc tranh chấp. Ở đầu Thánh Lễ, họ vỗ tay vang dội khi Đức Phanxicô nhích các ngài gần lại vinh dự hiển thánh hơn một bước. 

Cha Pedro Ramirez bị sát hại trong các năm sóng gió sau vụ ám sát trùm gây rối cánh tả Jorge Eliecer Gaitan, một vụ sát hại đánh dấu việc Colombia bắt đầu sa vào cuộc bạo động chính trị và việc vũ khí hóa nông dân nghèo do đó mà ra. Các linh mục của thị trấn Armero, ở miền trung Colombia, cho hay Cha Ramirez bị lôi ra khỏi nhà thờ, lột hết áo quần rồi bị bọn đàn em của trùm Gaitan giết bằng mã tấu. Họ tố cáo cha che chở các kẻ thù bảo thủ, cường hào ác bá của họ. 

Đức Cha Jesus Jaramillo bị phiến quân của Quân Đội Giải Phóng Quốc Gia (ELN) bắn gục năm 1989 tại thành phố Arauca ở phía đông; ngài chỉ tấn công họ về phương diện thần học. Quân Đội Giải Phóng Quốc Gia vốn được thành lập bởi các linh mục và chủng sinh bị kích thích bởi nền thần học giải phóng; nền thần học này vốn đồng hóa giáo hội với dân nghèo và những người bị loại bỏ; họ thấy nơi con người bảo thủ nhưng được lòng dân Jaramillo này một địch thủ có tiềm năng có thể lấy lòng các nông dân và công nhân.

Khi phong chân phúc cho các ngài, Đức Phanxicô nói rằng các ngài đã “đổ máu đào của mình vì tình yêu đoàn chiên đã được trao phó cho các ngài”. 

Dù Colombia là một nước gần như Công Giáo hoàn toàn, nhưng nó mới chỉ có một vị thánh duy nhất là Mẹ Laura Montoya, được Đức Phanxicô phong hiển thánh ngay sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng năm 2013.

11giờ 05 sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thúc giục các nạn nhân của cuộc bạo động trong quá khứ của Colombia hãy đi bước đầu tiên để tha thứ cho những kẻ tấn công mình; ngài nói rằng bất cứ cố gắng hòa bình nào cũng sẽ thất bại nếu không có sự dấn thân hoà giải thành thực.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhiều lần bị cắt ngang bởi các tiếng hoan hô của đám đông khoảng nhiều chục ngàn người trong Thánh Lễ tại Villavincencio. Ngài ca ngợi người Colombia, vì tuy bị cuộc tranh chấp gây hại nhưng đã “thắng được cơn cám dễ hiểu là trả thù” và thay vào đó đã làm việc cho hòa bình.

Đức Giáo Hoàng nói: sự lựa chọn của họ không hề hợp pháp hóa các bất công họ phải chịu, nhưng đúng hơn, họ chứng tỏ một lòng sẵn sàng muốn cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình.

Ngài cảnh cáo: “mọi cố gắng hòa bình mà không có sự dấn thân hòa giải chắc chắn sẽ thất bại”.

12 giờ 25 trưa 

Các nạn nhân của cuộc tranh chấp lâu dài ở Colombia đang từ từ trám đầy một công viên ở cạnh Amazon để dự cuộc gặp gỡ hoà giải với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chào đón sứ điệp của ngài về nhu cầu cần tha thứ để tiếp tục tiến bước. 

Các thân nhân của một y tá mất tích năm 2004 tới đây với hình của cô, tên Marina Cristina Cobo Mahecha, đeo quanh cổ. Họ mang một biểu ngữ lên án quân đội, cảnh sát và các nhóm dân quân cánh hữu đã sát hại cô.

Giữa hình ảnh các phần thân thể bị chặt xẻ, biểu ngữ có hàng chữ “Ở đâu đó tại Guaviare, các giấc mơ của nữ y tá Marina Christina Cobo Mahecha đã bị chôn vùi".

Mẹ cô nói rằng bất chấp sự đau đớn, nhưng với sự giúpm đỡ của một vị linh mục, bà đã tha thứ cho những kẻ tấn công. 

Bà Paulina Mahecha nói rằng không có diễn trình tha thứ "có lẽ tôi đã chết rồi”. Chính bà cho hay: “Tha thứ không phải vì họ mà là vì tôi. Khi tha thứ, bạn vẫn còn vết thẹo của thương tích, nhưng, đúng, tôi đã dứt khoát tha thứ từ đáy lòng tôi”.

12 giờ 50 trưa

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp các người sống sót trận nước lũ chết người phá nát thành phố nhỏ Mocoa hồi tháng Tư, sát hại khoảng 200 người.

Đức Phanxicô mặc chiếc poncho mầu xanh dương có sọc do phái đoàn gồm 10 cư dân của Mocoa dâng tặng; thành phố này gần biên giới giữa Colombia và Ecuador. Họ gặp Đức Giáo Hoàng sau khi ngài cử hành Thánh Lễ hôm thứ Sáu tại Villavicencio.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô có gửi điện văn chia buồn tới Mocoa sau khi 3 con sông vỡ bờ vào ngày 2 tháng Tư, đem cả một bức tường bùn đổ xuống thành phố trong khi dân đang ngủ. 

3 giờ 50 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang nghe những câu truyện xé lòng của các nạn nhân trong cuộc tranh chấp nửa thế qua ở Colombia và của những người tham gia cuộc đổ máu.

Bốn người Colombia trình bầy các chứng từ của bản thân họ lúc Đức Phanxicô chủ tọa buổi cầu nguyện hòa giải vào hôm thứ Sáu tại khu vực có lần bị phiến quân vây khốn. Đây là cao điểm của chuyến viếng thăm 5 ngày của ngài, nhằm củng cố diễn trình hòa bình của Colombia.

Hai trong các người nói thưa với Đức Phanxicô rằng họ bị tuyển mộ vào các nhóm vũ trang: Deisy Sanchez Rey cho biết cô sống ba năm trong một nhóm dân quân sau khi được tuyển mộ lúc 16 tuổi bởi người anh trai. Cô nói cô biết cô phải trả nợ cho xã hội vì “những tai hại trầm trọng tôi đã làm” và nay cô đang làm việc với các nạn nhân.

Juan Carlos Murcia Perdomo thưa với Đức Giáo Hoàng rằng anh sống 12 năm làm thành viên của Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia. Anh cho biết thoạt đầu anh tin ý thức hệ của Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia, nhưng dần dần anh hiểu ra rằng mình đã phạm sai lầm. Anh nói anh cần chấp nhận công lý về những gì anh đã gây ra, và nay đang làm việc để ngăn ngừa giới trẻ khỏi sa vào ma túy hay các băng đảng vũ trang.

4 giờ 15 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thúc giục để các nạn nhân và các cựu chiến binh trong cuộc tranh chấp lâu dài của Colombia hòa giải với nhau để Colombia có thể tiến bước. 

Ngài đang chủ tọa biến cố hòa giải ở Villavicencio, một thành phố nằm ở phía nam Bogota, bao quanh bởi các lãnh thổ trước đây do phiến quân cánh tả kiểm soát. Ngài nói ngài muốn ở đây để lắng nghe dân chúng của nó và khóc với họ.

Ngài ôm hôn các nạn nhân và cựu chiến binh đang đứng dưới chân bức tượng không tay không chân của Chúa Kitô đã được cứu từ một thánh đường bị phá hủy năm 2002 bởi cuộc tấn công bằng súng cối ở Bojaya.

Ngài nói: “Khi nhìn bức tượng, chúng ta nhớ không chỉ những gì xẩy ra hôm đó, mà còn là sự đau khổ vô hạn, nhiều cái chết, và cuộc đời tan nát, cũng như mọi dòng máu đã đổ ra ở Colombia trong mấy thập niên qua”.

Ngày thứ tư của Đức Phanxicô tại Colombia: Medellin

Medellin là thành phố lớn thứ hai của Colombia, với dân số ước chừng 2 triệu rưỡi, nhưng nếu kể cả các khu ngoại biên, dân số này lên đến 3 triệu 7. Medellin cũng là nơi họp Hội Nghị của CELAM tức Liên Hội Đồng Các Giám Mục Châu Mỹ La Tinh và Vùng Caribbean năm 1968. Hội nghị này chính thức ủng hộ các cộng đồng giáo hội căn bản và thần học giải phóng. 

Vào ngày thứ tư của chuyến tông du Colombia 5 ngày của ngài, Đức Phanxicô đã tới thành phố này để dâng thánh lễ cho khoảng một triệu người, trong đó, có nhiều linh mục, chủng sinh và nam nữ tu sĩ.

Vì Medellin có thời đã gần như đồng nghĩa với các tập đoàn buôn bán ma túy, nên nhân dịp này Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc đến quá khứ giết người của thành phố: nhiều mạng sống đã bị mất vì nghiện ngập và ngài cầu nguyện để những mối lái và người buôn bán ma túy thay đổi cõi lòng họ.

Theo Associated Press, trong một cuộc gặp gỡ các linh mục, chủng sinh và nữ tu tại Medellin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói đến “những tên sát nhân buôn bán ma túy”, từng biến thành phố lớn thứ hai của Colombia thành thủ đô giết người của thế giới trong thời hưng thịnh của chiến tranh ma túy cách nay 3 thập niên.

Ngài nói: Medellin “nhắc tôi nhớ đến nhiều mạng sống trẻ đã bị cắt ngắn, liệng bỏ và hủy hoại” bởi ma túy. Tôi mời gọi anh chị em tưởng nhớ và đồng hành với lớp người thê lương này và xin sự tha thứ cho những ai hủy hoại các giấc mơ của rất nhiều người trẻ”.

Đó là lời ứng khẩu, đích thân Đức Phanxicô cảm nghiệm sâu xa và nói ra; ngài vốn thường xuyên tố cáo tai họa buôn bán ma túy. Trước khi làm giáo hoàng, Đức Phanxicô nổi tiếng là người phục vụ giới trẻ nghiện ngập ở các khu ổ chuột ở Buenos Aires.

Hôm nay được Đức Phanxicô đặc biệt dành cho chuyện “sắp xếp việc trong nhà” sau khi đã dành nửa phần đầu của chuyến đi cho diễn trình hòa bình mong manh của Colombia. Tức là nói chuyện với chủ đề ơn gọi, nhắm nhiều vào hàng giáo sĩ, chủng sinh, tu sĩ.

Mưa lớn buộc ngài phải thay đổi kế hoạch đi Medellin: thay vì dùng trực thăng bay từ phi trường quốc tế của Bogota, ngài đã được xe đưa đến và do đó, chậm cả gần một tiếng đồng hồ khiến khoảng 1 triệu người nóng lòng chờ đợi.

Đức Phanxicô xin lỗi mọi người, cám ơn họ đã “kiên nhẫn, kiên trì và can đảm”. Nhưng cả mưa lẫn sự đến trễ xem ra đều không làm nản tinh thần của các tín hữu đến đây để được thấy ngài, mình mặc những chiếc áo mưa poncho sặc sỡ để chống cơn mưa phùn.

Họ hoan hô vang dậy và vẫy những chiếc khăn tay mầu trắng cũng như cờ Colombia trong khi giáo hoàng xa đưa ngài lượn quanh khu vực, xe phải chạy hơi nhanh để bù lại thì giờ đã mất.

Trong Thánh Lễ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục Giáo Hội bảo thủ của Colombia nhìn quá bên kia những luật lệ và qui phạm tín lý cứng ngắc, chịu đi ra ngoài và tìm kiếm người tội lỗi và phục vụ họ. 

Ngài nói “anh em thân mến của tôi, Giáo Hội không phải là các đồn quan thuế. Điều cực kỳ quan trọng là chúng ta, những người tự xưng mình là môn đệ, chúng ta không nên bám lấy một thứ phong thái nào đó hoặc một loại thực hành đặc thù nào đó khiến chúng ta trở thành giống các người biệt phái hơn là giống Chúa Giêsu”. Ngài cho rằng trong giáo hội sơ khai, những ai bám cứng lấy luật lệ “đều bị tê liệt bởi các giải thích và thực hành luật lệ ấy cách cứng ngắc”.

Mấy giờ sau đó, Đức Phanxicô còn nhấn mạnh hơn nữa, khi ngài nói với các giáo sĩ và các nhà truyền giáo giáo dân tụ tập ở bên ngoài trường đấu bò La Macarena rằng sống một đời ngay chính chưa đủ. Nói bằng tiếng lóng nặc mùi Tango của quê hương Á Căn Đình, ngài thúc giục họ “đem đức tin của anh chị em ra đường phố”. Ngài nói: đời sống tiện nghi và tiền bạc không thể đi đôi với lời mời gọi phục vụ Thiên Chúa.

Ngài nói: “anh chị em hãy nhớ, ma qủy đi vào qua ngả cái túi”.

Đức Phanxicô thường giễu cượt các người bảo thủ khi phê phán lối giải thích luật lệ của Giáo Hội cách cứng ngắc của họ, nhất là trong các vấn đề thuộc đạo đức tính dục và đời sống gia đình. Ngài cho rằng việc tuân giữ ngặt nghèo như thế mâu thuẫn với sứ điệp thương xót của Chúa Kitô và việc chào đón mọi người, nhất là người có tội. 

Việc ngài thận trọng cởi mở, để các người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ, chẳng hạn, đã châm ngòi cho những người bảo thủ hăng hái chỉ trích ngài, họ bảo: giáo huấn của Giáo Hội rõ ràng ngăn cấm các cặp ngoại tình không được lãnh các bí tích.

Trong bài giảng lễ, Đức Phanxicô nói rằng “việc lạnh lùng bám lấy các qui luật như thế” có thể đem lại an ủi và bảo đảm cho những người Công Giáo nào chỉ cần sự an toàn của lề luật, nhưng không đúng với lời mời gọi có tính mệnh lệnh của Tin Mừng là phải giúp những người chưa được hoàn hảo và muốn được an ủi. 

Ngài nói “Chúng ta không thể là những người Kitô hữu liên tục nêu bảng ‘đừng vào’, và chúng ta cũng không thể tính chuyện chỗ này của một mình tôi hay của một mình anh chị. Mọi người đều có chỗ, mọi người đều được mời tìm thấy ở đây, ở giữa chúng ta, của ăn của mình”.

Sau Thánh Lễ, Đức Phanxicô tới một viện mồ côi đã có từ một thế kỷ qua dành cho các thiếu nữ bị bỏ rơi. Ở đấy, ngài nghe em Claudia Garcia, 13 tuổi, kể chuyện: trước khi biết nói, em đã mất hết gia đình lúc một đơn vị du kích lục soát làng em trong một cuộc hoành hành chết người. Các người sống sót duy nhất đều là trẻ nít tuổi từ 2 đến 8.

Ngày mai, Chúa Nhật, ngài sẽ đi Cartagena để tôn kính Thánh Peter Claver, vị linh mục Dòng Tên thế kỷ 17, từng phục vụ hàng chục ngàn người nô lệ gốc Phi Châu tới hải cảng để bị bán đi. Đêm Chúa Nhật, ngài sẽ trở lại Rôma.