Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 15/9/2017

Filled under:

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan (Ga 19: 25-27)

Khi ấy, Ðức Giêsu kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra”, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”

Suy niệm 1

Đoạn Lời Chúa này cho chúng ta một nguyên tắc để sửa lỗi người khác đó là bản thân mình phải tốt, hay ít ra cố gắng đừng sai lỗi mới có thể góp ý sửa dạy người khác.

Biết mình với những tính hư, tật xấu để tự sửa sai bản thân mình: “Tiên trách kỷ” sau đó mới có thể sửa dạy người khác “hậu trách nhân”. Nếu không biết mình để tu thân thì giống như lời của Chúa Giêsu nói: “Mù dắt mù” thì cả hai sẽ rơi xuống hố. Đó như hệ quả tất yếu khó tránh khỏi.

Trong thường nhật cuộc sống, chúng ta vẫn thường nghe, thậm chí bản thân mình cũng từng nói: Việc người thì sáng, còn việc mình thì quáng”; hay như hình ảnh trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay: "Hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra, trong khi đó thì lại không thấy cái xà ở trong con mắt của mình!”.

Đôi mắt của chúng ta thường dùng để nhìn người khác chứ ít khi nhìn mình. Do đó, chúng ta ít thấy lỗi lầm của mình, nhưng lại dễ dàng nhận ra những sai sót của những người chung quanh. 

Trong các thánh lễ, những người tham dự và cả chúng ta cũng thường hay đấm ngực rồi tự nhận mình: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”, nhưng liệu rằng khi đi vào cuộc sống thường nhật, chúng ta có còn đấm ngực của mình và nhận ra sự thiếu sót nơi bản thân mình hay không?

Chúa Giêsu không ngần ngại quở trách những người không “biết mình”, mà chỉ soi mói anh chị em giống như những Pharisêu, những luật sĩ là những kẻ giả hình.

Ước mong sao nơi mỗi người chúng đây luôn biết khiêm tốn để nhìn ra những lỗi lầm thiếu sót của bản thân, biết tự sửa sai chính mình trước khi góp ý người khác. Để nhờ cuộc đời thánh thiện, chúng ta có thể góp ý cho nhau trong tình huynh đệ chân thành nhằm làm lợi cho Nước Chúa và cho cộng đoàn mà chúng ta sinh sống. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Suy niệm 2

  1. Đức Mẹ Sầu Bi
Hôm nay, chúng ta cử hành lễ nhớ « Đức Mẹ Sầu Bi ». Như thế, trong đời sống của Đức Mẹ, cũng có những điều sầu bi, như trong đời sống của tất cả mọi người chúng ta. Trong suốt năm phụng vụ, chúng ta có nhiều lễ tôn vinh Đức Maria, Mẹ của chúng ta, nhưng hầu như luôn luôn là vì những ân huệ lớn lao Thiên Chúa ban cho Mẹ (chẳng hạn ơn vô nhiễm, ơn lên trời, ơn làm Nữ Vương…), hay là vì những biến cố đặc biệt trong cuộc đời của Mẹ (chẳng hạn Sinh Nhật, Truyền Tin, Thăm Viếng…). Chính vì thế mà, lễ Đức Mẹ Sầu Bi là một ngày lễ rất đặc biệt, bởi vì lễ này mời gọi chúng ta tôn vinh Đức Mẹ, với một khuôn mặt rất đời thường, và vì thế rất gần gũi với chúng ta : Đức Mẹ Sầu Bi, và chúng ta cũng sầu bi, không phải một lần, nhưng nhiều lần trong cuộc đời !
Vậy chúng ta đã có và đang có những sầu bi nào ? Tuy nhiên, trong ngày lễ hôm nay, chúng ta được mời gọi hướng về Đức Mẹ và « suy chiêm » những đau khổ của Mẹ. Bởi vì, những đau khổ của Mẹ sẽ làm cho chúng ta hiểu biết Mẹ hơn và như thế, yêu mến Mẹ nhiều hơn. Ngoài ra, những đau khổ của Mẹ còn soi sáng và dẫn dắt chúng ta trong cuộc sống đầy khổ đau này.

  1. Bảy sự đau khổ của Đức Mẹ
Như chúng ta đều đã biết, Truyền Thống của Giáo thích dựa vào các Tin Mừng, để kể ra những đau khổ của Đức Mẹ, và Giáo Hội kể ra được bảy đau khổ ; vì thế, ngày lễ hôm nay, còn được gọi là lễ « Đức Mẹ Bảy Sự ». Con số « bảy » cũng thật là ý nghĩa, bởi vì số 7 đối với người Do Thái, là con số hoàn hảo, cũng giống như số 9 đối với chúng ta. Điều này làm cho chúng ta nhớ lại các con số bảy của bài một Tin Mừng theo thánh Mát-thêu : bảy lần ; bảy mươi lần bảy (x. Mt 18, 21-35) ; bảy giỏ (x. Mc 8, 8). Sau đây là « bảy sự » của Đức Mẹ :
  1. Lời của cụ ngôn sứ Simêon về Đức Maria (Lc 2, 25-35), là bài Tin Mừng chúng ta có thể đọc trong ngày lễ hôm nay, theo sách Phụng Vụ các bài đọc.
  2. Trốn sang Ai-cập (Mt 2,13-15)
  3. Lạc mất Đức Giê-su (Lc 2,41-52)
  4. Đức Mẹ nhìn Đức Giê-su vác thập giá (Lc 23,27)
  5. Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25-27), là bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay.
  6. Đức Mẹ đón nhận thân xác đã chết của Đức Giê-su (Ga 19,38-40)
  7. Đức Mẹ ở bên mộ Đức Giê-su (Ga 19,41-42)
Điều phải đánh động chúng ta, khi đọc qua danh sách bảy sự đau khổ của Đức Mẹ, đó là mọi sự đau khổ của mẹ đều có liên quan đến Đức Giê-su, con của Mẹ ; một cách cụ thể, những đau khổ của Mẹ đến từ biến cố Giáng Sinh, đến từ đời sống ẩn dật, đến từ sứ mạng rao giảng Nước Trời, đến từ cuộc Thương Khó, đến từ Thập Giá, và sau cùng đến từ cái chết của Ngài.
Như thế, chính khi Đức Mẹ thưa « xin vâng », đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, để đón nhận Đức Giê-su, Con Thiên Chúa vào trong cuộc đời của mình, và chính khi Đức Mẹ sống lời xin vâng của mình mỗi ngày và sống cho đến cùng, đến tận chân Thập Giá và cho đến hết cuộc đời, thì tất yếu đau khổ xẩy ra cho Mẹ. Bởi vì, như chúng ta có thể nhận ra trong bảy đau khổ của Mẹ : Đức Mẹ sinh ra Đức Giê-su, nhưng Đức Mẹ lại được mời gọi không nuôi nấng và dưỡng dục Ngài theo ý riêng của mình, theo chương trình hay kế hoạch riêng của mình, nhưng là để cho Ngài lớn lên theo chương trình của Thiên Chúa ; Đức Mẹ đón nhận Đức Giê-su vào cung lòng và vào cuộc đời mình, nhưng Mẹ lại được mời gọi, như tất cả chúng ta cũng được mời gọi, đi theo Đức Giê-su trên con đường của Ngài ; mà con đường của Đức Giê-su là con đường dẫn đến Thánh Giá.
Những đau khổ của Mẹ đến từ việc Mẹ đi theo Đức Ki-tô, Mẹ gắn bó thiết thân với Đức Ki-tô, Mẹ trở nên một với Đức Ki-tô, nhất là với « Đức Ki-tô chịu đóng đinh ». Và tất cả chúng ta đều có cùng một kinh nghiệm này, giống như Đức Mẹ. Thật vậy, từ khi chúng ta trở thành Ki-tô hữu, và nhất là từ khi chúng ta đáp lại tiếng gọi đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình hay trong ơn gọi dâng hiến, và cố gắng sống ơn gọi của chúng ta mỗi ngày, chúng ta phải cho đi chính mình, cho đi thời gian, cho đi tất cả những gì rất thiết thân đối với chúng ta, đó là quyền làm chủ, giới tính và tình cảm, ý muốn… , thì tất yếu sẽ có nhiều đau khổ. Nhưng tại sao chúng ta lại mang vào mình những đau khổ, nếu không phải là muốn noi gương Đức Mẹ ?
Thật vậy, như Đức Mẹ, vì tình yêu đối với Đức Ki-tô, chúng ta ước ao trở nên nữ tì, trở nên tôi tớ của Ngài, chúng ta ước ao sống theo Lời của Ngài. Và chính tình yêu và lòng ước ao này làm cho chúng ta hạnh phúc bất chấp những đau khổ, và ngay trong những đau khổ, bởi vì có một niềm hạnh phúc đặc biệt, đó là hạnh phúc đau khổ vì tình yêu. Như thánh Augustino nói : « Trong tình yêu không có đau khổ, và nếu có đau khổ, thì đau khổ này đã được yêu rồi ».

  1. Đau khổ thứ năm : Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá
Hình ảnh Đức Mẹ đứng dưới chân Thập Giá, mà bài Tin Mừng mời gọi chúng ta chiêm ngắm trong ngày lễ hôm nay, nói lên sự nghịch lí này của Tin Mừng và của mầu nhiệm Vượt Qua.
Dưới chân thập giá, Mẹ sầu bi, nhưng Mẹ vẫn đứng vững chứ không ngã quị. Chúng ta nên đi lại hành trình của Mẹ Maria, từ biến cố truyền tin, để hiểu được tại sao Mẹ đứng vững. Chúng ta cũng cần đi theo Đức Kitô như Mẹ, để có thể đứng vững dưới chân thập giá. Và không cần phải đợi đến biến cố phục sinh, nhưng ở tột đỉnh của sự trao ban, nghĩa là trao ban đến không còn gì, chúng ta được mời gọi nhận ra sự sống mới phát sinh, phát sinh thật đồi dào, phát sinh từ Lời sự sống của Đức Giêsu được thốt lên ngay nơi chết chóc và lúc Ngài đang chết đi. Thật vậy, ngay trong đau khổ của sự chết, một Gia Đình mới phát sinh : Đức Giê-su, nhìn Mẹ, và nói:
Thưa Bà, đây là con của Bà.
Như thế, chính lúc Mẹ đang mất đi người con này, mẹ trở thành Mẹ của người con khác; và từ người con này, dưới sức mạnh của Đấng Phục Sinh, sẽ trở thành đông đúc, trong đó có cả con trai lẫn con gái. Chính lúc Mẹ bình an dâng hiến người con Duy Nhất, Mẹ nhận lại gấp trăm, nơi Người Môn Đệ Đức Giê-su thương mến. Và Mẹ cũng không mất đi Người Con Duy Nhất của Mẹ, vì Ngài sẽ hiện diện ở nơi anh chị em mới của Ngài.
Từ hi sinh thập giá, giữa cơn thử thách, ngay trong sự chết, một nhân loại mới phát sinh: những gì của con là của Mẹ; những gì của Thầy là của anh. Cái chết của Đức Giêsu đã làm phát sinh sự sống: Mẹ trở thành Mẹ của Người Môn Đệ Đức Giêsu yêu mến, đại diện cho tất cả các môn đệ thuộc mọi thời; khi dâng hiến người con duy nhất, Mẹ không mất đi, nhưng nhận lại Ngài nơi các môn đệ, nơi cả một đàn con đông đúc. Bởi vì, Đức Giêsu sẽ đi vào sự sống mới và hiện diện bên cạnh, ở giữa và bên trong các môn đệ nam nữ.
* * *
Xin Chúa cũng ban cho chúng ta có cùng một kinh nghiệm của Đức Mẹ: dưới chân thập giá đau thương của cuộc đời, của hành trình ơn gọi, xin chúng ta cảm nhận với niềm vui và hạnh phúc, sự sống mới của Đức Ki-tô đang phát sinh ngay hôm nay, và phát sinh thật dồi dào.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc