Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 13/09/2017

Filled under:

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 6: 20-26)

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: "Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế. Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

Suy niệm 1

Cách thường chúng ta nghe và nói đến tám mối phúc thật. Thế nhưng, qua đoạn Tin Mừng này, thánh Luca không đề cập tám mối phúc, nhưng ngài lại trình bày bốn mối phúc và bốn mối hoạ, tất cả tương phản với nhau từng đôi một. 

Qua trình thuật của đoạn Tin Mừng, chúng ta nhận thấy Chúa nói phúc cho những ai nghèo, những người đói, những kẻ sầu khổ, hoặc bị người đời ghét bỏ vì danh Chúa. Đồng thời, Chúa cũng nói khốn cho ai giàu có, những kẻ no nê, những người vui cười, hoặc đang được người đời ca tụng.

Chắc hẵn khi nghe đoạn Tin Mừng này, chúng ta có cảm tưởng như những mối phúc và những mối họa này đi nghịch lại với những gì là mong muốn thông thường của con người. Không phải mọi người đang cố gắng sức để được giàu hơn, ấm no hơn, có nhiều niềm vui hơn và được nhiều vinh dự hơn hay sao? Không phải chúng ta cũng thường cầu chúc nhau được an khang thịnh vượng và luôn thành đạt hay sao? 

Chắc hẳn Chúa Giêsu thừa biết những điều đó, nhưng vì sao Chúa vẫn thẳng thắn tuyên bố những điều rất khó được người ta đón nhận như vậy?

Ở đây Chúa Giêsu không có chủ trương “bần cùng hoá” con người, Chúa cũng không cổ võ cho một kiểu quan niệm “thích khổ” nào đó. Bởi vì, Chúa từng nói rằng Chúa “đến để cho con người không những được sống mà còn được sống thật dồi dào” (Ga 10,10).

Vậy chúng ta cần hiểu Lời Chúa nói trong đoạn Tin Mừng này như thế nào?

Những điều Chúa nói đây phải được nghe trong bối cảnh sống, nghĩa là: đang có những người nghèo khổ, và Thiên Chúa đứng về phía họ; đang có những người giàu sang phú quí, và họ cần biết cảnh giác về trách nhiệm của họ đối với những người nghèo khổ xung quanh họ. Điều vừa nói càng được thấy rõ hơn nữa khi sự phân biệt giàu nghèo là do bất công, bóc lột, áp bức mà hình thành.

Sự thật chất chứa trong đoạn Lời Chúa này mời gọi mỗi người hãy nghĩ về phúc và hoạ trong cuộc đời của mình.

Ước gì Lời Chúa luôn thấm sâu vào trong tâm hồn của chúng ta, để trưởng thành hơn đức tin, niềm trông cậy và lòng mến. Xin Chúa luôn đồng hành và gìn giữ bước chân và từng công việc của chúng ta, để tất cả được thực hiện trong sự chúc phúc của Chúa. Xin cho chúng ta luôn biết tìm kiếm nước Trời bằng những của ăn không bao giờ hư nát, đó là những việc lành phúc đức, những hy sinh từ bỏ tội lỗi, những ước muốn hoàn thiện mỗi ngày để nên giống Chúa là Đấng hoàn thiện. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường



Suy niệm 2

  1. Là phúc hay là họa ?
Lời của Đức Giê-su dường như ngược hẳn với những gì chúng ta quan niệm, thậm chí với những gì chúng ta ước ao : Điều mà chúng ta coi là phúc, thì Đức Giê-su lại mặc khải cho chúng ta rằng, đó là họa : chúng ta quan niệm giầu có là phúc, còn nghèo khó là họa ; nhưng Đức Giê-su nói ngược lại, giầu có là họa, con nghèo khó là phúc ; và cũng như vậy đối với no nê và đói khát, vui cười và khóc lóc, được ca tụng và bị sỉ vả.
Đức Giê-su thường nói : « Ai có tai để nghe thì nghe ». Nhưng mà đôi tai của chúng ta được ban cho không chỉ để nghe và dừng lại ở âm thanh, nhưng là đi vào chiều sâu của ý nghĩa, vốn được tạo ra bởi sự thinh lặng của qui luật liên kết các âm thanh. Vì thế chúng ta chỉ hiểu và cảm nếm những lời của Đức Giê-su, khi chúng ta vượt qua vẻ bên ngoài, để nhận ra ra khuôn mặt đích thật của con người (x. Tv 49) và hiểu dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, và nhất để sống theo năng động của con tim, nhất là năng động yêu mến, yêu mến Đức Ki-tô và vì Đức Ki-tô ; như Ngài nói trong mối phúc thứ tư :
Phúc cho anh em, vì Con Người

  1. Các mối phúc và thân phận con người
Chúng ta thường hiểu các mối phúc mà Đức Giê-su công bố là lý tưởng vừa cao vừa khó, mà mỗi người chúng ta phải đạt được để trở nên thánh. Tuy nhiên, các mối phúc không ở bên ngoài chúng ta và cũng ở cách xa chúng ta, bởi vì các mối phúc mà Đức Giê-su công bố diễn tả chính căn tính đích thật của chúng ta, chính niềm khát khao sâu thẳm của chúng ta, chính niềm hạnh phúc bền vững của chúng ta.
  • Thật vậy, Đức Giê-su nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó”, “là những kẻ bây giờ đang phải đói”. Trong thân phận của con người, không ai trong chúng ta cảm thấy tự đủ trong cõi lòng mình; con người đến một lúc nào đó, đều cảm thấy mình nhỏ bé, mỏng manh, chóng qua, nghèo nàn và đói khát tận căn về mọi phương diện, nhất là lúc mới sinh ra và sắp sửa lìa đời, trả lại sự sống cho Chúa.
  • Đức Giê-su nói: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc”. Ai trong chúng ta đã không một lần khóc lóc sầu khổ: khóc lóc sầu khổ cho thân phận sinh lão bệnh tử của mình, khóc cho số phận đầy thử thách, tai ương và bất hạnh, khóc và sầu khổ cho người khác, nhất là cho những người thân yêu, cho những người chịu thiệt thòi, bệnh tật, kém may mắn.
Như vậy, chính thân phận con người của chúng ta, không thêm và cũng không bớt, là một mối phúc, chứ không phải là mối họa hay hình phạt, cho dù chúng ta có một thân phận như thế nào, bất hạnh như thế nào; thân phận của chúng ta là con đường dẫn chúng ta đến điều Chúa hứa ban trong các mối phúc, đó là: Nước Thiên Chúa, được no thỏa và mừng vui.
Và thật bất hạnh cho những ai biến thành ngẫu tượng và cứu cánh đời mình, những gì chóng qua ở đời này: của cải, ăn uống và vui thú. Và để cho chúng ta tin tưởng và xác tín như thế, Đức Giê-su đã sống đến cùng thân phận con người, là chịu đóng đinh trên Thập Giá, để qua đó đi vào sự sống mới, sự sống Phục Sinh của Thiên Chúa Cha.
  1. Mối phúc “vì Con Người”
Ngoài ra, Đức Giê-su còn nói đến một mối phúc đặc biệt. Đặc biệt, vì nguyên nhân của mối phúc: đó là “vì Con Người”. Chúng ta có thể tự hỏi, tại sao lại “vì Con Người”? Kinh nghiệm của những người đi trước chúng ta trong đức tin, nhất là của các thánh tử đạo Việt Nam, sẽ giúp chúng ta hiểu tại sao lại « vì Con Người » ? Đó chính là kinh nghiệm hiểu biết, yêu mến, và không chỉ ước ao đi theo, nhưng còn muốn trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”, đó là kinh nghiệm chiêm ngắm ngôi vị của Ngài, và khi chiêm ngắm ngôi vị của Ngài như các Tin Mừng thuật lại cho chúng ta, chúng ta không thể không yêu mến Ngài và ước ao trở nên một với Ngài trong mọi sự (x. Phil 3, 7-9).Nhưng làm sao chúng ta có thể trở nên một với Ngài được, nếu trước đó, Ngài đã không mang lấy nhân tính và thân phận con người của chúng ta, không trở nên một với chúng ta qua Lời của Ngài, qua Mình Máu của Ngài ?
* * *
Trong cuộc Thương Khó, Đức Ki-tô trở nên nghèo khó nhất, đói khát nhất, khóc than nhất và bị sỉ nhục nhất. Nhưng chính lúc đó Ngài hạnh phúc nhất, vì làm cho khuôn mặt của Thiên Chúa Cha trở nên rạng ngời, làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, cho ý Cha được thể hiện, vì lòng yêu mến, yêu mến Cha, yêu mến loài người, yêu mến từng người chúng ta.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc