THỰC HÀNH LỜI CHÚA
“Tại sao anh em gọi Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ mà anh em không làm điều Thầy dạy?” (Lc 6,46)
Suy niệm: Người ta vẫn thường nói “con đường dài nhất là từ tai đến tay” nghĩa là dễ nghe, dễ hiểu nhưng để đem ra thực hành thì khó biết là ngần nào. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cũng khiển trách các môn đệ chỉ nghe Lời Chúa và thưa ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ nhưng không thi hành lời Người dạy. Biết bao điều Chúa đã dạy, đã nêu gương và nhắc nhở mỗi ngày thế mà uổng phí công lao: “Ta trông mong nó thực hành điều chính trực nhưng đây toàn sự gian ác. Ta trông mong nó thực hành đức công bình nhưng đây toàn là tiếng kêu oan” (Is 5,7). Hãy để Lời Chúa nảy sinh nhiều hoa trái tốt lành thánh thiện nhờ khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong mọi người.
Mời Bạn: Hạnh phúc bạn có được là thi hành lời Chúa. Thật vậy, những lúc sóng gió bão táp trong cuộc đời có thể khiến nhiều người thất vọng buông xuôi thậm chí tìm đến cái chết, nhưng với bạn, nhờ sức mạnh nội tâm vững vàng, được xây trên nền móng là Lời Chúa, bạn có thêm niềm tin, tình yêu và sức mạnh để vượt qua tất cả.
Chia sẻ: Câu Lời Chúa nào đã đánh động tâm hồn bạn nhất và giúp bạn biến đổi cuộc sống nên tốt hơn?
Sống Lời Chúa: Chọn một câu Lời Chúa mà bạn tâm đắc nhất làm châm ngôn và bạn nỗ lực mỗi ngày thực hành theo câu châm ngôn đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho Lời Chúa thấm sâu vào lòng con để con dứt khoát bước đi trên con đường yêu thương mà Chúa đã nêu gương, ngõ hầu trong từng lời nói và hành động của con đều trở thành quà tặng của Chúa gửi trao cho anh em con. Amen.
Thánh Cornelius
Sau khi Thánh Fabian tử vì đạo thì Giáo Hội thời bấy giờ không có giáo hoàng trong vòng 14 tháng, vì sự bách hại quá mãnh liệt. Trong thời gian ấy, Giáo Hội được điều hành bởi một tập thể linh mục. Cyprian, một người bạn của Cornelius, viết lại rằng Cornelius được chọn làm giáo hoàng "bởi quyết định của Thiên Chúa và của Đức Kitô, bởi sự chứng thực của hầu hết mọi giáo sĩ, bởi lá phiếu của người dân, với sự đồng ý của các linh mục lớn tuổi và những người thiện chí."
Trong thời gian hai năm Thánh Cornelius làm giáo hoàng, vấn đề lớn nhất thời bấy giờ có liên quan đến Bí Tích Hòa Giải và nhất là vấn đề tái gia nhập Giáo Hội của các Kitô Hữu đã chối đạo trong thời kỳ bị bách hại. Cả hai thái cực đều bị lên án. Đức Cyprian, giám mục của Phi Châu, yêu cầu đức giáo hoàng xác định lập trường mà Đức Cyprian chủ trương, đó là người bội giáo chỉ có thể hoà giải bởi quyết định của vị giám mục (trái với thông lệ thật dễ dãi của Novatus).
Một tài liệu từ thời Đức Cornelius cho thấy sự phát triển của Giáo Hội Rôma trong giữa thế kỷ thứ ba mà lúc ấy gồm 46 linh mục, bảy phó tế, bảy trợ phó tế. Số Kitô Hữu được ước lượng khoảng 50,000 người.
Thánh Cornelius từ trần vì hậu quả của sự lưu đầy ở phần đất bây giờ là Civita Vecchia.
Lời Bàn
Thật đúng để nói rằng trong lịch sử Giáo Hội, có nhiều giáo thuyết lầm lạc được đưa ra vào một thời điểm nào đó. Thế kỷ thứ ba đối diện với một vấn đề mà ít khi chúng ta để ý đến -- một khi đã phạm tội trọng thì phải sám hối trước khi giao hoà với Giáo Hội. Những người như Thánh Cornelius và Thánh Cyprian là công cụ của Thiên Chúa để giúp Giáo Hội tìm ra con đường khôn ngoan giữa hai thái cực của sự nghiêm khắc và sự lỏng lẻo. Họ là những phần tử của một Giáo Hội truyền thống đầy sinh động, nhằm đảm bảo tính cách liên tục của những gì đã được Đức Kitô khởi sự, và lượng giá những cảm nghiệm mới qua sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những người đi trước.
Lời Trích
"Chỉ có một Thiên Chúa và một Đức Kitô và một ngôi tòa giám mục, được xây dựng đầu tiên trên Thánh Phêrô bởi quyền năng Thiên Chúa. Do đó, không thể nào đặt ra một bàn thờ khác hay một tư tế khác. Bất cứ gì người ta thiết lập ra trong khi tức giận hay hấp tấp, bất chấp quy luật của Thiên Chúa, chỉ là một quy tắc giả mạo, trần tục và phạm thượng" (Thánh Cyprian, Sự Hiệp Nhất của Giáo Hội Công Giáo)
Sống Là Một Cuộc Chạy Ðua
Vào khoảng cuố tháng 4 năm 1989, một cuộc chạy việt dã gây quỹ cho thế giới đệ tam đã được tổ chức tại 300 thành phố bên Pháp Quốc. Cuộc chạy bộ này đã cho tổ chức có tên là chống đói và giúp phát triển thuộc Giáo Hội Pháp đề xướng, và với sự hỗ trợ của Bộ Thanh Niên và Thể Thao.
Từ năm 1968 đến nay, hằng năm, tổ chức chống đói và trợ giúp phát triển phát động những chiến dịch tương tự để gây ý thức nơi giới trẻ về những vấn đề phát triển trên thế giới, nhất là tại các nước nghèo.
Trong cuộc chạy việt dã nói trên, các bạn trẻ mang theo trong người những tấm vé số mà họ sẽ bán cho người lớn. Trung bình, cứ mỗi cây số chạy được, mỗi bạn trẻ bán một vé số. Mỗi một vé số trị giá gần hai Mỹ kim. Theo dự tính, tổng số cây số mà các bạn trẻ sẽ chạy được lên đến 120,000 cây số, nghĩa là tương đương với một vòng thế giới đệ tam.
Số tiền thu được sẽ trao cho tổ chức chống đói và trợ giúp phát triển để tài trợ cho hai dự án phát triển tại Colombia: một dự án nhằm tái định cư những nạn nhân của vụ núi lửa tại Armero cách đây hai năm, và một dự án khác nhằm thiết lập những vườn trẻ tại thủ đô Bogota.
Nhiều bạn trẻ thuộc các phong trào Công Giáo tiến hành, các nhóm học giáo lý, các học sinh tại các trường Công Giáo đã hăng say tham gia vào chiến dịch nói trên.
Trong cuộc sống tại các nước tân tiến ngày nay, ai cũng thấm thía với câu ngạn ngữ: sống là một cuộc chạy đua! Buổi sáng, người ta chen lấn nhau để lên xe chạy đến sở làm; buổi chiều, người ta giành giựt nhau một chỗ trên xe để về nhà sớm. Hàng tháng, người ta phải chạy đua với sự leo thang của vật giá. Và dĩ nhiên, những tiện nghi mỗi ngày một mới mẻ cũng khiến cho con người chạy bở hơi tai.
Cuộc chạy đua nào cũng đưa lại mệt mỏi.
Thánh Phaolô đã so sánh cuộc sống của người Kitô với một cuộc chạy đua.
Người Kitô cũng kiên trì chạy đua, bởi vì họ không chạy lẻ loi trong cuộc sống, nhưng họ biết rằng bên cạnh họ, còn có những người anh em cùng chung sức với họ... Một vòng tay, một nụ cười, một cử chỉ thân ái, một hành động tương trợ: bao nhiêu cử chỉ ấy là bấy nhiêu nâng đỡ cho người Kitô trong cuộc hành trình của họ và cũng là bấy nhiêu ánh sáng soi dẫn trong cuộc chạy đua của họ.