LỜI CHÚA
TRONG BA BÀI THÁNH KINH LỄ MÂN CÔI
(Theo
lịch công giáo – Giáo phận Phú Cường)
2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 1, 12-14): Họ chuyên cần cầu nguyện cùng
với Bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su.
12 Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem.
Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. 13
Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông :
Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu,
Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông
Gia-cô-bê. 14 Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu
nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với
anh em của Đức Giê-su.
2.2 Trong bài đọc 2 (Gl 4,4-7): Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà.
4 Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình
tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, 5 để chuộc những ai
sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. 6 Để chứng thực anh
em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh
em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!” 7 Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng
là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Lc 1,26-38): Này đây Bà sẽ thụ thai, sinh
hạ một con trai.
26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ
thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh
nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh
nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân
sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời
chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng
Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và
đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.
Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33
Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô
tận.”
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì
tôi không biết đến việc vợ chồng!”
35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng
Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là
Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà
cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà
nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không
thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin
Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Kính Mừng Maria Đầy Ơn Phúc ĐỨC
CHÚA Ở CÙNG BÀ
Bài Tin Mừng Lc 1, 26 – 38
Julbell có một bài hát nổi tiếng khắp thế giới từ thế kỷ này đến
thế kỷ khác, và chắc có lẽ mãi mãi còn đọng lại trong lòng người nghe. Bài hát
rất quen thuộc. Đó là bài Ave Maria.
Điều gì đã khiến cho nhạc sĩ có được cảm xúc một cách dạt dào để
viết lên một bản nhạc tuyệt vời như vậy?
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà. Bà có phúc
lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ”. Chính lời kinh tuyệt vời
đó đã làm nên cảm xúc không phải chỉ một Julbell mà cho biết bao nhạc sĩ trong
lịch sử âm nhạc của thế giới viết nên những bản nhạc tuyệt vời và chính lời
kinh đó làm nên ngày lễ Mân Côi hôm nay. Tại sao vậy?
Trong lịch sử Giáo Hội vào khoảng thế kỷ 16. Anh em Hồi giáo làm
một cuộc chinh phục thế giới. Bởi vì họ đi từ vùng Trung Đông sang Á châu đến
Ấn Độ. Họ đổ bộ lên Âu châu. Đi đến đâu thắng đến đó. Khi đổ bộ đến Âu châu, đi
vào một vịnh của nước Ý. Một đoàn quân thiện chiến như thế thì quân Ý làm sao
mà đối đầu được. Nếu để thua thì Ý sẽ thất thủ, thủ đô của Hội Thánh Công giáo
là Rôma cũng biến mất và cả Âu châu cũng bị đe dọa.
Đức Giáo Hoàng Piô V bấy giờ lên tiếng kêu gọi cầu nguyện, và cầu
nguyện bằng kinh Kính Mừng.
Ngày 7/10 năm ấy quân của Công giáo chiến thắng. Chiến thắng không
phải nhờ khả năng quân sự mà là nhờ sự phù trợ của Mẹ Maria. Vì thế Đức Giáo
Hoàng đã lấy ngày đó làm ngày lễ Đức Bà chiến thắng. Sau này thành lễ Mân Côi.
Nói đến chiến thắng, có lẽ chúng ta nghĩ đến chiến thắng về quân
sự, kinh tế, chính trị. Không, Chúa Giêsu không ban cho mình chiến thắng đó.
Khi đối diện với Philatô Ngài đã trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu
nước tôi thuộc về thế gian này thì binh lính tôi đã đến giải thoát tôi khỏi tay
người Do Thái”.
Ta cần nhìn vào chiến thắng ở một góc độ khác. Đó là chiến thắng
chính mình. Một danh tước trong lịch sử thế giới đã thường nói: “Không
có cuộc chiến đấu nào khó khăn hơn chiến đấu với chính bản thân mình.”
Mỗi chúng ta có thể cảm nghiệm điều đó trong cuộc sống. Đức Cha
Pul-ton- Shin, Ngài nói: “Nếu bạn chấp nhận một cuộc chiến đấu trong
tâm hồn bạn, thì sự bình an sẽ giải tỏa trong cuộc sống xã hội. Ngược lại, nếu
bạn không chấp nhận cuộc chiến đấu đó, mà bạn đi tìm thỏa hiệp với cái xấu và
tội lỗi trong tâm hồn bạn, thì chiến tranh sẽ lan tỏa trong cuộc sống xã hội”.
Nói như thế có nghĩa là chuyện chiến thắng chính mình là một cuộc
chiến rất khó, nhưng nó lại là căn bản để dẫn đến cuộc sống bình an cho mọi
người. Chuỗi Mân Côi, những lời kinh Kính Mừng đan kết lại với nhau thành xâu
chuỗi. Chuỗi mân côi đó có khả năng giúp cho ta tập chiến thắng chính mình. Tại
sao vậy?
Ở phương Đông khi nói về con người, người ta hay nói đến thân,
trí, tâm. Triết học phương Tây ngày xưa, khi học tâm lý học nói đến con người,
người ta nói đến tình cảm và ý chí. Cũng tựa như nhau. Khi các bạn lần chuỗi
mân côi thì cả thân, cả trí, cả tâm, có nghĩa là tất cả con người toàn diện
chúng ta được chi phối. Chúng ta hãy nhớ lại, khi ta lần chuỗi có nghĩa là
trong tay của mình cầm chuỗi đó là cái thân. Việc cầm một xâu chuỗi ảnh hưởng
đến trí và tâm mình.
Có một linh mục kể chuyện: Trong một lần ngài đi máy bay, ngồi
cạnh nhà sư, thấy trên tay nhà sư cầm xâu chuỗi, miệng lâm râm
nam-mô-a-di-đà-phật. Linh mục hỏi nhà sư: Tại sao lần chuỗi vậy? Nhà sư bảo:
Chúng tôi lần chuỗi như thế này tâm trí đỡ căng thẳng. Thế thì bên các ngài
không có cái gì giống vậy à?
Linh mục trả lời: Có chứ, nhưng mà chúng tôi lần chuỗi không phải
để cho tâm trí bớt căng thẳng, mà chúng tôi nhắm cái khác cơ. Nhà sư nói với vị
linh mục thế này: Cha ạ, nếu cha muốn tập trung vào một điều gì, thì trong tay
của cha phải có một cái gì, nhờ đó cha sẽ dễ tập trung hơn.
Vị linh mục học được một bài học, hóa ra chuỗi Mân côi mình cầm
trong tay giúp cho cái trí của mình tập trung. Khi các bạn lần chuỗi là trong
tay cầm xâu chuỗi, nó giúp cho trí của mình tập trung vào lời kinh, và còn tập
trung vào cuộc đời của Chúa Giêsu mà kinh mân côi mô tả từ khi Ngài sinh ra cho
đến cuộc sống công khai, đến khi bị chết trên thánh giá chịu táng trong mồ,
sống lại, lên trời, ban Thánh Thần xuống cho Giáo Hội.
Tất cả cuộc sống của Chúa Giêsu. Một thứ Tin Mừng thu gọn được tóm
lại ở trong chuỗi mân côi, đồng thời khi chúng ta lần chuỗi như vậy tâm của
mình tịnh lại. Đối với người trẻ hôm nay đang sống trong một thời đại tốc độ,
mà người đọc như thế thật mất thì giờ. Tôi đã từng nghĩ như vậy. Nhưng sau này
khi tìm hiểu lại lịch sử linh đạo, tôi mới thấy đó là một phương pháp rất hay
cho cuộc sống tâm linh. Những lời con người vắn tắt được lặp đi lặp lại như thế
nó làm cho tâm của mình tĩnh lại.
Có một người học trò người Việt Nam, sau này sang Mỹ viết thư về
kể cho tôi nghe kinh nghiệm về việc sống đạo của anh ta: Cuộc sống quá nhiều
khó khăn đến mức độ chịu không được, nên đêm đến về nhà muốn phá toang, la
toáng lên: Tại sao lại đổ trên đầu tôi những sự khổ sở thế này. Bất chợt nhìn
lên đầu giường thấy một tràng chuỗi treo ở đấy. Nó liền chạy đến cầm lấy ngồi
đọc kinh. Chỉ mới có 10 kinh thôi là thấy tâm hồn của mình lắng xuống….
Khi lần chuỗi Mân côi thì toàn diện con người của mình: thân, trí
và tâm đều được chi phối. Cùng sự chi phối đó thì chuỗi Mân côi làm cho nơi
chúng ta hình thành một con người mới chống lại những gì xấu trong tâm hồn
mình.
Con người ta sống ở đời này bao giờ cũng sống trong ba mối tương quan chính: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân, tương quan với thế giới vật chất. Tội lỗi chúng ta nó cùng nằm trong ba mối tương quan đó. Khi lần chuỗi mân côi, Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta sống những tương quan đó tốt đẹp.
Con người ta sống ở đời này bao giờ cũng sống trong ba mối tương quan chính: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân, tương quan với thế giới vật chất. Tội lỗi chúng ta nó cùng nằm trong ba mối tương quan đó. Khi lần chuỗi mân côi, Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta sống những tương quan đó tốt đẹp.
Chẳng hạn khi chúng ta lần chuỗi chúng ta đọc: Chúa Giêsu lên
trời, xin cho lòng con được hưởng những sự lên trời. Chúng ta sẽ sống mối tương
quan với Thiên Chúa; chúng ta sẽ sống một tâm hồn siêu thoát hơn; khi chúng ta
đọc: Mẹ Maria đi viếng thăm bà Isave, xin cho được lòng yêu người. Đó là lời
cầu xin tương quan với tha nhân, bằng tình yêu thương chứ không phải là hận thù
ghen ghét; khi chúng ta đọc Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin cho đóng đinh tính
xác thịt mình vào thánh giá Chúa; đó là tương quan với thế giới vật chất, với
chính xác thịt của mình.
Chuỗi mân côi giúp cho chúng ta chiến thắng cái xấu ở nơi bản thân
mình, hoàn thành một con người mới, con người mới đó sẽ tác động trong cuộc
sống, làm cho cuộc sống được đẹp hơn.
Đức Cha Ful-ton-Shin là một diễn giả nổi tiếng ở Mỹ. Ngài chỉ
giảng trên đài truyền hình chứ không giảng ở nhà thờ. Nhiều bạn trẻ xin Ngài
chứng hôn cho lễ cưới của mình. Ngài đồng ý chứng nhận với hai điều kiện, hai
bạn đó phải hứa với Ngài mỗi ngày vợ chồng phải đọc chung với nhau 50 kinh Kính
Mừng. Lời kinh nối kết vợ chồng giúp cho vợ chồng xây dựng cuộc sống gia đình
tốt đẹp hơn.
Hình như bây giờ các bạn trẻ ít lần chuỗi lắm. Hôm nay tôi muốn
nói về giá trị của kinh Mân côi. Chúng ta đừng xem thường, lại càng không nên
xem đó là chuyện đạo đức rẻ tiền. Chúng ta hãy cầu nguyện để khám phá ra giá
trị tuyệt vời của kinh mân côi. Nếu chúng ta không đọc được nhiều, tôi xin đề
nghị mỗi ngày chỉ đọc 1 kinh Lạy Cha, 3 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh. Chúng
ta hãy nuôi dưỡng trong tâm trí mình ý nghĩ: khi tôi đọc kinh mân côi, đó là
phương cách để tôi đào luyện bản thân, để tôi chiến thắng chính mình, để tôi
sống đời đức tin tốt hơn. Amen.
CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ
CHO THẾ GIỚI
5.1 «Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con
mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những
ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho mọi người trên thế gian này
nhận biết Con Một Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô đã được Cha sai đến trần gian
để cứu chuộc mọi người và cho mọi người được làm con Thiên Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện
cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em
của Đức Giê-su.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện
cho Hội Thánh và cách riêng cho Đức Giáo Hoàng, các Hồng Y, các Giám Mục và
Linh Mục để mọi thành phần của Hội Thánh đồng tâm nhất trí trong cầu nguyện và
trong hành động làm vinh danh Thiên Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.»Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho cho tất cả giáo dân của Giáo Xứ
chúng ta, để mọi người ttin tưởng tuyệt đối vào tình thương và quyền năng của
Thiên Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như
lời sứ thần nói.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện
cho tất cả những ai khao khát đời sống thánh thiện, để họ biết noi gương bắt
chước Đức Mẹ mà vâng theo Thánh Ý Chúa trong mọi sự.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!