Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

Đứng trước “lòng thương xót” của Đức Phanxicô, các người trong Lực lượng Cách Mạng Vũ Trang “thú tội” của mình

Filled under:


Trong một bức thư gởi Đức Giáo hoàng viết ngày 7 tháng 9, ngay ngày hôm sau ngài đến Colombia, cựu lãnh tụ kháng chiến nài xin được “tha thứ” cho tất cả “nước mắt” đã chảy vì Lực lượng Cách Mạng Vũ Trang (Farc) gây ra trong hơn 50 năm xung đột.
”Rất nhiều lời nói của cha về lòng thương xót vô tận của Chúa đã thúc đẩy tôi xin cha tha thứ cho tất cả nước mắt và đau đớn đã gây ra cho dân tộc Colombia”. Bức thư với lời lẻ cảm động, ông “Timochenko”, lãnh tụ các cựu Farc viết cho Đức Giáo hoàng, ông nhắc lại cam kết lật qua một trang khác và từ bỏ bạo lực.
Từ nay ông đứng đầu đảng hợp pháp thừa kế của kháng quân, Lực lượng Liên quân Cách mạng Quần chúng (Force alternative révolutionnaire du commun, vẫn giữ các chữ tắt Farc). Rodrigo Londoño Echeverri, được biết dưới các tên chiến tranh “Timoleon Jimenez” hay “Timochenko”, ông khẳng định, hơn bao giờ hết, tổ chức của ông “không có mục đích nào khác hơn là phục vụ cho những người ở bên lề, những người bị áp bức để họ có được công chính mà họ đã thiếu”.
Từ vài ngày nay, Farc có nhiều hành động tôn trọng thiện ý của Đức Giáo hoàng, ông “Timochenko” cho biết mình “cảm động vì sự hiện diện thánh thiện” của ngài ở Colombia. Ông viết: “Tôi chăm chú theo dõi các giai đoạn và các bài diễn văn của cha từ khi cha mới đến”, ông tin chắc lời của Đức Phanxicô là để “chiếu sáng vào bóng tối mà từ lâu đã ngự trị trong đời sống của đất nước chúng tôi”.
Ông viết tiếp: “Chúng tôi có động lực được thúc đẩy bởi ý định tha thứ cho những người trước đây là kẻ thù của chúng tôi và đã làm cho dân tộc đau khổ, chúng tôi đã làm xong phần ăn năn, cần thiết cho sự nhận biết các lỗi lầm của mình và xin những người, cách này hay cách khác đã là nạn nhân của chúng tôi, tha thứ cho chúng tôi”.
Tôn trọng các cam kết
Từ ngày ký thỏa hiệp tháng 9 năm 2016, kháng chiến quân dường như đã chi ly tôn trọng các cam kết của mình. Trong các nỗ lực hòa bình trước đây, tổ chức Lực lượng Cách Mạng Vũ Trang thường làm thất vọng vì họ không giữ lời. Theo các quan sát viên và Liên Hiệp Quốc cho biết, việc giao nộp vũ khí đã được tiến hành một cách mẫu mực. Ông “Timochenko” tiếp tục: “Thêm một lần nữa, chúng tôi đứng trước sự thiếu cam kết của một vài viên chức Nhà Nước, nhưng chúng tôi không thay đổi quyết định của mình, chúng tôi quyết duy trì hòa bình”.
Ông “Timochenko” xin Đức Giáo hoàng cầu nguyện để hòa bình trở thành một thực tế và ông ca tụng sự cam kết của ngài trong việc “chống mọi xâm lược và chiến tranh” làm cho những người nghèo nhất bị lột sạch. Ông tiếp tục: “Chúng tôi cám ơn cha đã không mệt mỏi bảo vệ sự sống và nhân phẩm của tất cả mọi người, không loại trừ một ai”.
Ông kết thúc: “Tôi tin chắc chuyến đi của cha đến Colombia sẽ để lại dấu vết sâu đậm trong lịch sử”.
Tháng 4 năm 2016, ông “Timochenko” đã viết cho Đức Giáo hoàng một bức thư để xin ngài can thiệp nhằm nâng đỡ các cuộc thảo luận xung quanh thỏa hiệp hòa bình trong con đường thẳng thắn của nó.
Từ khi ký hiệp ước hòa bình, các người trong tổ chức Lực lượng Cách Mạng Vũ Trang đã luôn xin lỗi, kể cả trước các đại diện tập thể của các nạn nhân.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch


Chứng từ kinh hoàng của bà Pastora Mira Garcia trước Đức Phanxicô

Bà mẹ gia đình này đã tìm được sức mạnh để tha thứ cho những kẻ giết cha mình, chồng mình, con trai và con gái, tất cả bị kháng quân Colombia giết. Hiện nay bà lo cho các nạn nhân của cuộc nội chiến.
Bà tên la Pastora Mira Garcia. Ngày thứ sáu 8 tháng 9, ở thành phố Villavicencio, Colombia bà đã làm cho Đức Phanxicô và cả hội trường rộng lớn có 5000 người tham dự xúc động bằng chứng từ rúng động của cuộc đời bà, bốn lần bị tan nát vì nội chiến: cha của bà bị kháng quân giết khi bà còn nhỏ. Rồi đến chồng ... Rồi đến con gái bị bắt cóc. Tuyệt vọng đi tìm con, bà chỉ tìm được xác con bảy năm sau đó. Rồi đến đứa con trai cũng bị cùng nhóm kháng quân giết sau khi bị tra tấn dã man. Chỉ khi bà săn sóc một người mà bà không biết người đó là ai, sau đó bà mới biết đó là một trong các ... người giết con trai mình! Hiện nay bà Pastora Mira Garcia lo cho các nạn nhân của cuộc nội chiến kéo dài nửa thế kỷ này. 
Rất nhiều các nạn nhân và cựu chiến binh ăn năn tham dự buổi lễ hòa giải
Những người tham dự gồm có các nạn nhân và cũng có các cựu chiến binh ăn năn, họ xúc động bởi sự sâu sắc và nhân phẩm của người phụ nữ này, sau chứng từ của bà, họ đã đứng dậy nồng hậu hoan hô. Người ta hiếm khi chứng kiến một niềm xúc động tập thể sâu xa như thế trong một chuyến đi của giáo hoàng. Bà Pastora Mira Garcia kết thúc buổi lễ hòa giải, một buổi lễ do Đức Giáo hoàng đề nghị để giúp các kẻ thù hôm qua “làm bước trước” với nhau, để củng cố cho thỏa ước hòa bình dân sự được ký năm ngoái, bằng hòa giải của các tâm hồn.
Và Đức Phanxicô đã trả lời cho bà Pastora Mira Garcia: “Pastora Mira, con đã nói rất đúng: con muốn đặt tất cả đau khổ của mình, và đau khổ của hàng ngàn nạn nhân dưới chân Chúa Giêsu bị đóng đinh để đau khổ của những người này được kết hiệp với đau khổ của con, để được biến thành ơn lành, có khả năng tha thứ nhằm bứt cái xiềng bạo lực đã thắng thế ở Colombia lâu nay. Con đã có lý: bạo lực sinh ra thêm bạo lực, hận thù sinh ra thêm hận thù và cái chết sinh ra thêm cái chết. Chúng ta phải bứt cái vòng gần như không thể bứt này được, nhưng nó chỉ có thể bứt được nhờ lòng tha thứ và giải hòa. Và con, Pastora thân mến, và rất nhiều người khác giống con, các con đã chứng tỏ cho mọi người thấy điều này là có thể được. Đúng, với sự giúp đỡ của Chúa Kitô sống giữa cộng đoàn, chúng ta có thể thắng hận thù, chúng ta có thể thắng cái chết, chúng ta có thể bắt đầu lại và mang ánh sáng đến cho một nước Colombia mới. Cám ơn Pastora: con đã làm một việc cao cả cho tất cả chúng tôi, ở đây, hôm nay qua chứng từ cuộc đời của con. Chính Chúa Kitô bị đóng đinh Bajaya đã cho con sức mạnh để tha thứ và để yêu thương”.
Đặc biệt trong dịp này, một bức tượng Chúa Kitô bị hư hại trong cuộc tấn công của Lực lượng Cách Mạng Vũ Trang trong một nhà thờ ở Bojaya, bang Choco bên bờ Thái Bình Dương, được đem đến để Đức Phanxicô làm phép. Cuộc tấn công này đã làm cho 80 người bị thiệt mạng. Tượng Chúa Kitô bằng thạch cao không tay không chân đã trở thành biểu tượng của bạo lực, một bạo lực chưa từng có đã tàn phá nước Colombia từ hàng chục năm nay.

Bà Pastora Mira Garcia:
Marta An Nguyễn dịch