Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

Ðừng để lấy mất niềm hy vọng

Filled under:

Ðừng để lấy mất niềm hy vọng.
Vatican (Vat. 27-09-2017) - Có một tâm hồn trống rỗng là kẻ thù tệ hại nhất của niềm hy vọng. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta cho niềm vui và hạnh phúc. Vì thế thật quan trọng giữ gìn con tim chống lại các cám dỗ bất hạnh và đừng để bị cướp mất niềm hy vọng.
Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hanh hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 27 tháng 9 năm 2917.
Ðức Thánh Cha đã quảng diễn lời thánh Phaolô khuyên Timôthê trong chương 4 thư thứ nhất: "Hãy luyện tập sống đạo đức; vì luyện tập thân thể thì lợi ích chẳng là bao, còn lòng đạo đức thì lợi ích mọi bề, bởi Chúa hứa ban sự sống hiện tại cũng như tương lai cho người có lòng đạo đức. Ðó là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận. Thật vậy, chính vì mục đích ấy mà chúng ta phải vất vả, phải chiến đấu, bởi đã đặt hy vọng vào Thiên Chúa hằng sống, Ðấng cứu độ mọi người, nhất là các tín hữu ." (1 Tm 4,7b-10). Ngài nói: hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy tư về các kẻ thù của niềm hy vọng. Vì giống như mọi sự thiện, niềm hy vọng cũng có các kẻ thù của nó. Và tôi nghĩ tới huyền thoại cổ xưa liên quan tới cái bình của bà Pandora. Chuyện do thi sĩ Esiodo kể lại rằng Zeus là thần mặt trời cho bà Pandora một cái bình và dặn đừng bao giờ mở nó ra. Bà Pandora vì tò mò nên đã mở bình, từ đó phát xuất ra mọi sự dữ tung hoành trên thế giới này, chỉ còn lại có niềm hy vọng chưa kịp ra, thì bình bị đóng lại. Trước đó loài người sống tự do khỏi mọi sự dữ và bất tử như các thần linh, không vất vả mệt nhọc và lo lắng. Ðức Thánh Cha nói: việc mở bình ra đã khiến cho biết bao tai ương xảy ra trong lịch sử thế giới, nhưng có một món quà bé mọn xem ra chiến thắng trước mọi sự dữ lan tràn. Bà Pandora người phụ nữ đã giữ cái bình đó nhận ra cuối cùng: người hy lạp gọi nó là elpis: niềm hy vọng.
Huyền thoại này cho chúng ta biết tại sao niềm hy vọng lại quan trọng đối với nhân loại như vậy. Câu người ta thường nói "cho tới khi nào còn sự sống thì còn có hy vọng" không đúng. Ðúng chăng là điều trái lại: chính niềm hy vọng giữ cho sự sống còn đứng vững, niềm hy vọng che chở nó, giữ gìn nó và làm cho nó lớn lên. Nếu con người đã không vun trồng niềm hy vọng, nếu họ đã không được niềm hy vọng nâng đỡ, thì họ đã không bao giờ ra khỏi các hang đá, và đã không để lại dấu vết trong lịch sử thế giới. Và có cái gì thiên linh hơn trong trái tim con người.
Một thi sĩ người Pháp, ông Charles Péguy, đã để lại cho chúng ta các trang tuyệt vời về niềm hy vọng (x. Il portico del misero della seconda virtù). Thi sĩ nói một cách văn thơ rằng Thiên Chúa không kinh ngạc bao nhiêu vì niềm tin của con người, và cũng không ngạc nhiên về tình bác ái của họ; nhưng điều thực sự khiến cho Ngài tràn đầy kinh ngạc và xúc động là niềm hy vọng: Charles Péguy viết " Ước chi các đứa con tội nghiệp này có thể thấy các việc xảy ra như thế nào và tin rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn". Hình ảnh thi sĩ dùng nhắc tới các gương mặt của biết bao nhiêu người đã đi qua trên thế giới này - nông dân, người nghèo, thợ thuyền, người di cư đi tìm một tương lại tốt đẹp hơn - những người đã chiến đấu kiên trì mặc dù nỗi cay đắng của ngày hôm nay, khó khăn, tràn đầy biết bao thử thách, nhưng được linh hoạt bởi sự tin tưởng rằng con cái họ sẽ có một cuộc sống công bằng và thanh thản hơn.
Ðức Thánh Cha nói về niềm hy vọng như sau:
Niềm hy vọng là sức thúc đẩy nơi con tim của người đã bỏ nhà cửa, đất đai, đôi khi gia đình và người thân, để tìm kiếm một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, xứng đáng hơn cho mình và cho người thân của mình. Nó cũng là sức đẩy trong con tim của người tiếp đón: ước mong gặp gỡ, hiểu biết, đối thoại ... Niềm hy vọng là sức đẩy chia sẻ hành trình cuộc sống như Phong trào bác ái mà chúng ta khai mào hôm nay. Anh chị em, chúng ta đừng sợ hãi chia sẻ hành trình! Chúng ta đừng sợ hãi chia sẻ niềm hy vọng.
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: niềm hy vọng không phải là nhân đức cho con người có chiếc dạ dầy đầy. Ðó là lý do tại sao từ luôn mãi những người nghèo là những người đầu tiên đem theo niềm hy vọng. Ðể bước vào thế giới Thiên Chúa đã cần tới các ngài: thánh Giuse và Mẹ Maria, các mục đồng Bếtlêhem. Trong đêm Giáng Sinh đã có một thế giới ngủ say, nằm trên biết bao nhiêu sự chắc chắn đã chiếm hữu được. Nhưng những người khiêm tốn chuẩn bị trong kín ẩn cuộc cách mạng của lòng nhân lành. Họ nghèo nàn về tất cả mọi sự, ai đó trôi nổi một chút trên ngưỡng cửa của sự sống còn, nhưng họ đã giầu của cải quý báu nhất có đuợc trên đời, nghĩa là ước muốn thay đổi.
Ðôi khi, đã có tất cả từ cuộc sống lại là một không may. Anh chị em hãy nghĩ tới một bạn trẻ đã không được dậy nhân đức chờ đợi và kiên nhẫn, đã không phải đổ mồ hôi cho sự gì cả, đã đốt cháy các chặng và khi 20 tuổi đã biết thế giới đi như thế nào. Bạn trẻ đó đã được định đoạt cho sự kết án tồi tệ nhất: việc kết án không ước mong gì nữa. Xem ra đó là một người trẻ mà mùa thu đã xuống trên con tim.
Có một tâm hồn trống rỗng là chướng ngại tệ hại nhất của niềm hy vọng. Ðó là một nguy cơ mà không ai có thể nói mình bị loại trừ, bởi vì bị cám dỗ chống lại niềm hy vọng cũng có thể xảy ra khi ta đi trên con đường của cuộc sống kitô. Các đan sĩ thời xưa đã tố cáo một trong những kẻ thù tệ hại nhất của lòng sốt sắng: đó là "con quỷ giữa ngày" đi bên cạnh một cuộc sống dấn thân, chính trong lúc mặt trời nung nấu trên cao. Cám dỗ này đột kích chúng ta, khi chúng ta không ngờ tới nhất: các ngày sống trở thành đều đều, buồn chán, không có giá trị nào nữa xem ra đáng vất vả để có được. Ðó là sự lơ là - như các giáo phụ định nghĩa - gặm mòn cuộc sống từ bên trong cho tới chỗ bỏ nó đi như một cái vỏ trống.
Khi điều này xảy ra, kitô hữu biết rằng phải chống lại điều kiện ấy và không bao giờ được nằm dài chấp nhận nó. Ðức Thánh Cha khẳng định như sau:
Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta cho niềm vui và hạnh phúc, chứ không phải để chúng ta ươn lười sưởi ấm trong các tư tưởng buồn sầu. Vì thế thật quan trọng giữ gìn con tim chống lại các cám dỗ bất hạnh chắc chắn không đến từ Thiên Chúa. Và nơi đâu các sức lực của chúng ta xem ra yếu nhược và trận chiến chống lại âu lo đặc biệt cam go, chúng ta luôn có thể chạy đến thánh danh Chúa Giêsu. Chúng ta có thể lập lại lời cầu đơn sơ, mà chúng ta thấy dấu vết trong các Phúc Âm và nó đã trở thành nền tảng cho biết bao nhiêu truyền thống tu đức kitô: "Lậy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!".
Chúng ta không cô đơn chiến đấu chống lại sự tuyệt vọng. Nếu Chúa Giêsu đã chiến thắng thế gian, thì Ngài có khả năng chiến thắng nơi chúng ta tất cả những gì chống lại sự thiện. Nếu Thiên Chúa ở với chúng ta, thì sẽ không có ai lấy mất đi nhân đức mà chúng ta tuyệt đối cần có để sống. Sẽ không có ai ăn cắp được niềm hy vọng của chúng ta.
Ðức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp, Thuỵ Sĩ, đặc biệt các bạn trẻ đến từ Luzon. Ngài xin Chúa nhờ lời bầu cử của thánh Vinh Sơn de Paoli, giúp họ can đảm đương đầu với các thất vọng của cuộc sống và gieo vãi niềm hy vọng chung quanh họ.
Chào các nhóm đến từ Anh quốc, Êcốt, Ailen, Australia, Malaysia, Philippines, Sri Lanka, Việt Nam, Canada và Hoa Kỳ, Ðức Thánh Cha nói hôm nay các tổ chức Caritas toàn thế giới bắt đầu cuộc lạc quyên chia sẻ để giúp người di cư tỵ nạn. Ngài khuyến khích mọi người yểm trợ sáng kiến liên đới này với các anh chị em cần được trợ giúp.
Ðức Thánh Cha cũng chào các phái đoàn Tây Ban Nha và tái bầy tỏ tình liên đới với các nạn nhân cuồng phong tàn phá vùng quần đảo Caraibi các ngày vừa qua, cách riêng Porto Rico.
Trong số các nhóm nói tiếng Bồ Ðào Nha, ngài đặc biệt chào các tín hữu Aruda do Vinhos và Sobral bên Brasil và khích lệ họ luôn biết nhìn tương lại với niềm hy vọng và không ngừng mơ ước một thế giới tốt đẹp hơn.
Với các tín hữu Ba Lan, ngài khích lệ họ chạy đến với Chúa khi gặp các khó khăn và khổ đau, và luôn mong ước hạnh phúc và dấn thân cho một thế giới tốt lành hơn.
Trong số các nhóm tiếng Ý, ngài chào các linh mục mừng ngân khánh, các tham dự viên tổng tu nghị dòng các nữ tu Thánh Elidabét kỷ niệm 175 năm lập dòng, các linh mục sinh viên trường thánh Phaolô, các thành viên Hiệp hội đời các thừa sai của Mẹ Chúa Kitô, các nhân viên cảnh sát tỉnh Taghiacozzo và cộng đoàn Philippines Venezia.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn, Ðức Thánh Cha nhắc cho biết ngày 27 tháng 9 là ngày lễ nhớ thánh Vinh Sơn de Paoli. Bổn mạng các hiệp hội bác ái. Ngài chúc các bạn trẻ noi gương thánh nhân thực hiện các dự tính tương lai và yêu thương phục vụ dân nghèo vô vị lợi; các người bệnh dâng khổ đau cho Chúa để góp phần cứu rỗi thế giới và các cặp vợ chồng mới cưới biết rộng mở cho các bổn phận tiếp đón ơn sự sống.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Toà Thánh Ðức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải


Đức Phanxicô có bài vinh danh cảm động Thánh Vinh Sơn Phaolô

fr.radiovaticana.va, 2017-09-27
Nhân dịp kính nhớ Thánh Vinh Sơn Phaolô ngày 27 tháng 9 và cũng trong bối cảnh kỷ niệm 400 năm thành lập “gia đình thiêng liêng Vinh Sơn”, Đức Phanxicô đã có một bức thư cảm động gởi đến các thành viên Gia đình Vinh Sơn. Gia đình Vinh Sơn có mặt trong các phong trào thiêng liêng khác nhau theo linh đạo từ thiện của Thánh Vinh Sơn Phaolô, một hình ảnh cao cả của vị thánh người Pháp tượng trưng cho đức bác ái.
Thánh Vinh Sơn Phaolô sinh năm 1581 gần vùng Dax và qua đời tại Paris năm 1660. Suốt đời ngài là linh mục tận tâm lo cho người nghèo, người sống bên lề, người nô lệ, người khốn cùng. Vào thời đó, ngài đã can thiệp với nhà cầm quyền để họ giúp cho người nghèo. Năm 1617, ngài thành lập cộng đoàn “Phụ nữ Từ thiện” gồm các bà có đời sống vật chất thoải mái ở thành phố Châtillon-sur-Chalaronne, trong vùng Ain. Đó là điểm khởi đầu cho một loạt các cơ quan từ thiện và hội dòng của ngài, đáng kể là năm 1625, ngài thành lập Hội Dòng Truyền giáo (còn được gọi là Dòng Vinh Sơn), năm 1633 ngài thành lập Dòng Nữ tử Bác ái. Gia đình Vinh Sơn dấn thân làm việc thiện qua nhiều thế kỷ, vào thế kỷ thứ 19, ông Frédéric Ozanam thành lập các hiệp hội Thánh Vinh Sơn Phaolô.
Trong thư vinh danh vị thánh vĩ đại của nước Pháp, Đức Phanxicô tôn kính vị thánh “luôn trên đường”, “luôn đi tìm Chúa”, người biết “để lòng mình thương cảm bởi cái nhìn của người đang khát lòng thương xót, của các khuôn mặt đang thiếu thốn tất cả”. “Cái nhìn của Chúa Giêsu đã tác động đến Thánh Vinh Sơn Phaolô, mời gọi ngài không phải chỉ sống cho riêng mình mà phục vụ người nghèo không điều kiện, những người mà Thánh Vinh Sơn gọi họ là chủ, là thầy của mình. Từ đó cuộc sống của Thánh Vinh Sơn Phaolô là cuộc sống phục vụ cho đến hơi thở cuối cùng. Một lời trong Sách Thánh đã nói lên ý nghĩa đời sống phục vụ của ngài: ‘Thiên Chúa gởi tôi đến để mang Tin Mừng đến cho người nghèo’ .”
Đức Phanxicô nhắc lại: “Với một ước muốn mãnh liệt làm cho người nghèo biết Chúa Giêsu, Thánh Vinh Sơn Phaolô tận tâm tận tụy với việc loan báo Tin Mừng qua việc phục vụ người nghèo trong xã hội, chăm sóc một cách đặc biệt đến việc đào tạo các linh mục”. Thánh Vinh Sơn Phaolô thành lập các “Hội Từ thiện” để những người giàu giúp người nghèo, “sống hiệp thông và dùng của cải của mình để giúp người nghèo, biết rằng Chúa Giêsu và người nghèo là tài sản quý giá và như Thánh Vinh Sơn Phaolô thường hay nói ‘khi bạn đến với người nghèo là bạn gặp Chúa’”.
Đức Phanxicô nói đến hạt giống nhỏ đã gieo năm 1617 bây giờ gia đình Vinh Sơn, các Dòng, các hội từ thiện đã lớn lên thành “cây cao to lớn”, khi đó, Thánh Vinh Sơn Phaolô đã ý thức công việc của ngài không tùy thuộc chỉ một mình ngài nhưng được xây dựng trong Giáo hội, với dân của Chúa. Đức Phanxicô nhấn mạnh trong bức thư: “Tôi mến trọng ý tưởng ngôn sứ của Thánh Vinh Sơn Phaolô, khi ngài đề cao các đức tính phi thường của phụ nữ, trong sự nhạy cảm thiêng liêng cũng như nhân bản nơi Thánh Louise de Marillac”.
Đức Phanxicô mong “trong năm tạ ơn này, các con cháu Thánh Vinh Sơn Phaolô đào sâu đoàn sủng của mình, một đoàn sủng luôn được vun xới từ nguồn. Khi anh chị em gặp những người có đời sống bấp bênh, bị tan nát vì quá khứ khó khăn, anh chị em tất cả được gọi để là những tảng đá: nhưng không phải là các tảng đá cứng, không nhạy cảm với các đau khổ ( …) nhưng là những tảng đá làm chỗ dựa vững chắc cho sóng gió bất thường của cuộc sống, để đương cự với nghịch cảnh”. “Xin Chúa gieo rải anh chị em đi khắp thế giới như hạt giống rơi vào mảnh đất khô cằn, để anh chị em mang an ủi đến người bị tổn thương, như ngọn lửa đức ái sưởi ấm những quả tim bị chai đá vì bị bỏ quên, những quả tim khô cằn vì bị gạt ra bên lề”.
Đức Phanxicô nêu rõ: “Đức ái là con đường chủ đạo của giáo huấn xã hội của Giáo hội”. Ngài nhắc đến Hiến chế Lumen Gentium, Hiến chế Tín lý về Giáo hội, “Giáo hội yêu thương chăm sóc những ai bị đau khổ do yếu đuối con người, nhận biết nơi người nghèo, người đau khổ hình ảnh của Đấng sáng lập Giáo hội, nghèo khó và đau khổ ( …) và tìm cách phục vụ Chúa Kitô qua họ”. “Thánh Vinh Sơn Phaolô đã thực hiện tất cả những điều này trong suốt cuộc đời của ngài và bây giờ ngài vẫn còn tiếp tục nói với từng người chúng ta cũng như với Giáo hội. Gương của ngài mời gọi chúng ta luôn lên đường, sẵn sàng để ánh nhìn của Chúa Giêsu và lời Chúa làm chúng ta kinh ngạc”.
Nhắc đến Ngày Thế giới Người nghèo sẽ được tổ chức vào ngày 19 tháng 11 sắp tới, Đức Phanxicô hy vọng gương của Thánh Vinh Sơn Phaolô có thể giúp mỗi người chúng ta “cho nơi chốn và thì giờ cho người nghèo, những người nghèo mới của thời buổi bây giờ, thông cảm với suy nghĩ và khó khăn của họ, vì một tinh thần kitô giáo không tiếp xúc với người đau khổ là một tinh thần kitô giáo không nhập thể, không có khả năng đụng chạm vào thịt da của Chúa Kitô”.
Cuối thư, Đức Phanxicô ngỏ lời với các thành viên gia đình Vinh Sơn: “Xin cho Giáo hội và cho anh chị em tìm thấy Chúa Giêsu nơi người anh em khốn khó, đói khát, trần trụi, không còn nhân phẩm, người bệnh, người bị tù và cả ở những người đầy hoài nghi, u minh, đắm mình trong tội, hung bạo, hung hăng, quạu cọ. Và để anh chị em tìm được trong vết thương vinh quang của Chúa Kitô sức mạnh của đức ái, phúc thật của hạt giống chết đi để mang lại sự sống, sự phong phú của hòn đá bị tổn thương bật ra nguồn nước, niềm vui được thoát ra khỏi chính mình, và đi tới với thế giới, không hoài niệm quá khứ, nhưng với một lòng tin tưởng vào Chúa, có tinh thần sáng tạo trước các thách thức của ngày hôm nay và ngày mai vì, như Thánh Vinh Sơn Phaolô đã nói: “Tình yêu thì sáng tạo đến vô tận”.
Marta An Nguyễn dịch