Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 29/12/2018

Filled under:

Lời Chúa: Lc 2, 22-35
22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa,23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”,24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người,28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29 “Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người.34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”
Suy nim 1
Luật lệ thường làm người ta cảm thấy gò bó, mất tự do. 
Người Do Thái phải giữ Luật Chúa đã ban cho Môsê. 
Con trai thì phải được cắt bì và đặt tên tám ngày sau khi sinh (Lc 2,21). 
Con trai đầu lòng thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa (Xh 13,1-2), 
nên cha mẹ phải nộp năm sê-ken bạc cho tư tế 
để chuộc lại con cho mình (Ds 3,47-48). 
Người phụ nữ sau khi sinh con, bị coi là nhơ uế (Lv 12, 2-8), 
phải ở nhà, không được đụng đến vật thánh hay vào Đền thờ. 
Bốn mươi ngày sau khi sinh con trai, bà cần làm lễ thanh tẩy. 
Bà phải dâng cho Đền thờ một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, 
và một con chim gáy hay bồ câu để làm lễ tạ tội. 
Nếu nghèo, bà chỉ cần dâng một cặp bồ câu non hay chim gáy là đủ.
Giuse và Maria đã vui vẻ giữ những luật này, 
dù ngày nay đối với chúng ta, chúng thật là khó hiểu và khó chấp nhận. 
Hãy nhìn ngắm đôi vợ chồng nghèo lên Giêrusalem. 
Họ đã vượt một quãng đường xa, với đứa con mới hơn tháng tuổi. 
Maria chịu thanh tẩy, dù bà biết mình đã cưu mang Đấng Thánh. 
Bà đã dâng lễ vật đơn sơ của một người nghèo (c. 24). 
Dù Luật không buộc, ông bà cũng đem Con lên Đền thờ để dâng. 
Họ muốn con mình thuộc trọn về Thiên Chúa (x. 1 Sm 1, 22). 
Ông bà đã không đòi hỏi một đặc ân hay miễn trừ nào. 
Giữ Luật là cách họ thể hiện tình yêu đối với Chúa.
Có ai nhận ra đôi vợ chồng với đứa con nhỏ này là ai không? 
Có, một người công chính và sùng đạo tên là Simêon. 
Thánh Thần hằng ngự trên ông (c. 25), 
và nói cho ông biết ông sẽ thấy Đức Kitô trước khi lìa đời (c. 26). 
Chính Thánh Thần thúc đẩy ông lên Đền thờ vào lúc này (c. 27). 
Bỗng nhiên ông thấy mầu nhiệm lớn lao đang tỏa sáng, 
nơi Hài Nhi bé nhỏ, con của đôi vợ chồng nghèo. 
Mọi mong chờ lâu nay của ông được đền đáp. 
Các mục đồng đã nhận ra Đức Kitô nơi bé thơ quấn tã, nằm máng cỏ, 
còn Simêon nhận ra Ngài nơi em bé được bồng ẵm bởi đôi vợ chồng. 
Ông đã bồng Hài Nhi trong vòng tay, ngất ngây vì hạnh phúc. 
Môi ông bật lên lời chúc tụng của người sẵn sàng nhắm mắt ra đi. 
Ơn cứu độ cho muôn dân đã đến đây rồi (cc. 30-31). 
Hài Nhi bé nhỏ này là Ánh sáng cho muôn dân, 
là Vinh quang cho Dân Ítraen của Đức Chúa (c. 32).
Để nhận ra Chúa trong cuộc sống buồn tẻ hay sôi động hàng ngày, 
cần có sự gần gũi thân thiết với Thánh Thần như ông Simêon. 
Thánh Thần như trò chuyện, mách bảo, thôi thúc ông từ bên trong. 
Thánh Thần soi sáng để ông nhận ra điều lớn lao mắt phàm không thấy. 
Nhưng để nghe được sự mách bảo thầm kín của Thánh Thần, 
chúng ta cũng phải có sự thánh thiện và lòng khát khao như ông Simêon. 
Chẳng còn mơ ước gì ngoài việc được gặp mặt Đức Kitô qua cuộc sống.
Cầu nguyn 
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa
ở bên con dưới muôn ngàn dáng vẻ.
Chúa hiện diện lặng lẽ
như tấm bánh nơi nhà Tạm,
nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ,
những người sống không ra người.
Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục,
nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người
gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa.
Chúa hiện diện nơi Giáo Hội
gồm những con người yếu đuối, bất toàn,
và Chúa cũng ở rất sâu
trong lòng từng Kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa
đang tạo dựng cả vu trụ
và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.
Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người
vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.
Xin cho con khám phá ra
Chúa đang hẹn gặp con
nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi,
thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.
Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa
trên bước đường đời của con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Suy niệm 2

     Chúng ta vừa lắng nghe lại sự kiện Chúa Giêsu được Đức Mẹ Maria và thánh cả Giuse đưa vào thành Giêrusalem để cử hành nghi lễ dâng con cho Chúa. Nghi lễ này dù rằng chỉ là một trong rất nhiều qui định của luật Môsê, nhưng việc Mẹ Maria và thánh Giuse sốt sắng chu toàn, nói lên các ngài là những người đạo đức, những người yêu mến Chúa hết lòng và xem việc tuân giữ lề luật là phương thế diễn tả niềm tin của mình. Hơn nữa, khi cử hành nghi thức theo luật dạy, cha mẹ của trẻ Giêsu cũng đã mang lại niềm hy vọng, củng cố niềm tin cho cụ già Simêon khi ông được gặp gỡ, bồng ẵm Chúa Giêsu trên tay mình và thốt lên: “Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân. Ánh sáng đã chiếu soi các lương dân. Vinh quang cho Israel dân Chúa”.

     Chính kinh nghiệm này cũng giúp chúng ta nhìn lại cách sống niềm tin của mình: Gia đình chúng ta có luôn trau dồi và sống theo những giáo huấn của Chúa và Hội Thánh hay không? Chúng ta có nhận ra rằng việc tuân giữ các điều luật Chúa và Hội Thánh dạy không chỉ là vì những hình thức kỷ luật bên ngoài, nhưng là phương thế giúp chúng ta diễn tả niềm tin và lòng yêu mến Thiên Chúa của mình? 

      Đây có thể là một thách đố khi chúng ta đang sống trong một thế giới có khuynh hướng cổ võ cho sự thoải mái, hưởng thụ; một xã hội đề cao thái quá tự do cá nhân. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, chính những giáo huấn đó gìn giữ gia đình chúng ta luôn bình an, hạnh phúc và không để chúng ta phải lầm lạc bởi những lôi cuốn của cuộc sống nơi trần gian này. Ngoài ra, một đời sống tuân giữ giới răn Chúa và giáo huấn của Hội Thánh nơi gia đình chúng ta có thể là động lực và sự nâng đỡ cho những tâm hồn đang tìm kiếm Chúa, nhất là những người đang tuyệt vọng và gặp thử thách trong niềm tin của mình.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria và thánh Giuse, xin cho chúng con luôn biết yêu mến luật Chúa truyền và hằng xác tín rằng luật đó chính là phương thế mang lại cho chúng con cuộc sống hạnh phúc, bình an ở đời này và sự sống vĩnh cửu đời sau. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường