Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 01/12/2018

Filled under:

Lời Chúa: Lc 21, 34-36
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đử sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”
Suy nim:
Tháng 9-2009, Tổng Thống Nga Medvedev 
gọi nạn nghiện rượu là quốc nạn. 
Mỗi năm tính bình quân mỗi người dân uống khoảng 18 lít, 
gấp đôi lượng rượu được coi là nguy hiểm cho sức khỏe. 
Nửa số người Nga chết giữa khoảng 15-54 tuổi là do hậu quả của rượu. 
Trẻ em và phụ nữ cũng nghiện. 
Tuổi thọ trung bình của đàn ông chỉ còn là 59. 
Vì nhiều người chết nên dân số Nga sụt giảm mỗi năm. 
Làm gì để cai nghiện cho hơn hai triệu người Nga, 
đó là chuyện nhức đầu cho các nhà lãnh đạo. 
Nhưng tại sao người ta lại bị nặng nề bởi rượu Vodka?
Bài Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta 
về những thứ nặng nề đè trên trái tim người Kitô hữu. 
Trong khi chờ đợi Chúa đến vào thời điểm không đoán trước được, 
chúng ta có thể bị vướng vào những thú vui buông thả. 
Sống bừa bãi, phóng túng, nhậu nhẹt, say sưa, 
đó vẫn là cám dỗ muôn thuở của thân xác. 
Chỉ cần đi một vòng thành phố hay các vùng quê vào ban đêm, 
chúng ta thấy ngay cả một thế giới của ăn uống, hưởng thụ. 
Nhưng trái tim con người còn có thể trở nên nặng nề 
bởi những lo âu trần thế (x. Lc 8, 14). 
Làm sao nhà cửa có thêm tiện nghi? làm sao thêm lương và lên chức? 
Những nỗi lo toan về cuộc sống vật chất vắt kiệt con người, 
khiến con người không còn khả năng mở ra trước Chúa và tha nhân. 
Con người giàu lên, nhưng lại thấy mình bất hạnh và gia đình đổ vỡ. 
Mỗi năm ba mươi ngàn người chết vì tự tử ở Nhật. 
Trái tim nặng nề nên nhiều người mắc bệnh tim mạch. 
Trái tim bị kéo xuống cái thực dụng tầm thường ở trên mặt đất, 
nên con người bị còng xuống, không ngước lên được điều trên cao.
Ngày Chúa đến như một bất ngờ, như một cái bẫy sập xuống, 
không phải chỉ trên người Do Thái, 
nhưng trên mọi dân cư ở khắp mặt địa cầu (c. 35). 
Cả thế giới phải chịu phán xét chẳng trừ ai. 
Bởi đó thái độ cần có mỗi ngày của người môn đệ 
là luôn luôn thức tỉnh và cầu nguyện, 
để có sức mà thoát khỏi mọi điều sắp xảy ra (c. 36). 
Để chuẩn bị cho cái chung cục, thì phải sống đều đặn cái hàng ngày. 
Làm sao để khi Con Người là Đức Giêsu trở lại trên mây trời, 
Ngài thấy chúng ta đang ở tư thế đứng thẳng, 
không phải xấu hổ cúi đầu, không bị ràng buộc bởi đam mê, 
nhưng vui sướng vì mình đã không uổng công chờ đợi.
Có những lo âu vẫn chi phối tôi làm tôi nặng lòng. 
Có những mê đắm kéo ghì tôi xuống và bắt tôi làm nô lệ. 
Mùa Vọng sắp đến mời tôi tỉnh thức và cầu nguyện, để đứng lên.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Suy niệm 2

Bước vào thế kỷ 21, con người được thụ hưởng những tiện nghi do sự tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại. Tuy nhiên, đi kèm với sự tiến bộ đó là sự phát triển trào lưu hưởng thụ. Với trào lưu đó cuộc sống con người bị thế tục hóa và sự hiện diện của Thiên Chúa đang bị loại trừ.

Thật vậy hơn bao giờ hết, nhân loại hôm nay, nhất là giới trẻ đang bị lôi cuốn vào cơn lốc hưởng thụ, trào lưu khái lạc xem như cuộc sống này là cùng đích. Đua nhau “sống vội yêu cuồng”, phá đổ mọi giá trị luân lý. Giá trị cuộc sống được cân đo bằng những tiện nghi sắm được, bằng những con số đồng tiền được gởi trong nhà băng, và ý nghĩa cuộc sống được đánh giá trong những quán bar, phòng nhảy, bên những ly rượu, bữa nhậu, v.v.

Lời Chúa hôm nay lại được vang lên như là một lời cảnh báo nhắc nhở chúng ta: “Trời đất này sẽ qua đi”. Vâng, thế gian này sẽ qua đi, giá trị cuộc sống không thể được định giá bởi những sự chóng qua, nhưng chính bởi thực tại hằng hữu, đó chính là sự sống đời đời mà Chúa Giêsu đã sắm sửa cho.

Sự sống đời đời mới là cùng đích của cuộc sống hôm nay. Để đạt tới sự sống đó Chúa Giêsu đã nhắc nhở: “Phải tỉnh thức và cầu nguyện”. Tỉnh thức là hành vi thuộc lý trí, một sự nhận thức đâu là chân lý và đâu là giả dối, để chúng ta chọn lựa, định hướng cho cuộc sống. Thế gian luôn nỗ lực trình bày cho chúng ta những vẻ đẹp hào nhoáng của cuộc sống, những thú vui chóng qua của cuộc đời. Tỉnh thức chính là nhận diện bộ mặt giả trá của thế gian này, để chúng ta mạnh dạn khước từ những lời mời mọc của nó. 

Vì vậy, để có thể  tỉnh thức nhận dạng những mánh khóe của thế gian, đòi hỏi chúng ta phải cầu nguyện. Cầu nguyện là hành vi phát xuất từ trái tim yêu, là thái độ tín thác vào Thiên Chúa, và luôn khẳng định giá trị đích thật của cuộc đời chỉ có thể tìm thấy nơi Thiên Chúa. Cầu nguyện là biểu tỏ tâm tình yêu mến chân lý, yêu mến Thiên Chúa - Đấng là nguồn mạch của sự sống - để qua đó chúng ta kín múc sự sống từ nơi Thiên Chúa. Như vậy, cầu nguyện là mối dây liên kết chúng ta với Thiên Chúa cách mật thiết, để chúng ta luôn nỗ lực thể hiện trong cuộc sống những điều Chúa muốn và xa lánh những điều không phù hợp với sự thánh thiện của Chúa.

Lạy Chúa, vì yêu thương, Chúa đã không bỏ chúng con trong cảnh hư nát của sự chết, Chúa đã cứu chúng con bằng chính giá máu của Chúa. Xin dạy chúng con hiểu thấu tình yêu của Chúa, để chúng con luôn can đảm khước từ những quyến rũ của thế gian, giữ gìn sự sống mà Chúa đã sắm sẵn cho chúng con qua cái chết trên thập giá của Chúa. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường