Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 07-12-2018

Filled under:

Lời Chúa: Mt 9, 27-31

Ðang khi Ðức Giêsu ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: “Lạy Con Vua Ðavít, xin thương xót chúng tôi!” Khi Ðức Giêsu về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa Ngài, chúng tôi tin.” bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy.” Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: “Coi chừng, đừng cho ai biết!” Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.

Suy niệm 1

Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 500 ngàn người bị mù hai mắt,
và 900 ngàn người mù một mắt.
Tỉ lệ người mù như thế là cao so với nhiều nước khác.
Bao cố gắng được đưa ra để giảm số người bị mù,
trong đó có các chương trình phẫu thuật mắt miễn phí
cho những người nghèo mắc bệnh đục thủy tinh thể,
một trong những nguyên nhân dẫn đến mù mắt.
Người ta hy vọng nhờ đóng góp của các ân nhân,
ngày càng có thêm nhiều người nghèo được chữa khỏi bệnh đục thủy tinh thể.
Hạnh phúc biết bao cho ai lần đầu tiên thấy khuôn mặt người thân,
thấy được màu xanh của lá và phân biệt được sáng với chiều.
Hạnh phúc cho ai lần đầu tiên đi đứng mạnh dạn một mình
mà không cần bàn tay dắt hay cây gậy khua phía trước.

Ở nước Palestin thời xưa cũng có nhiều người mù.
Mù thường bị coi như một hình phạt của Thiên Chúa (Đnl 28, 28-29).
Người mù hẳn là người bị đứng ngoài lề xã hội.
Vào thời y khoa còn kém, người mù phải chịu cảnh tăm tối suốt đời.
Nỗi đau của người mù cũng ảnh hưởng trên cả đất nước.
Chính vì thế khi nói đến thời đại hạnh phúc của Đấng Mêsia,
Isaia nhiều lần nhắc đến chuyện người mù được sáng mắt (Is 35, 5; 42, 7).
Trong bài đọc 1 ta vừa nghe (Is 29, 18), ngôn sứ Isaia viết:
“Mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm, và sẽ được nhìn thấy.”
Được nhìn thấy bằng đôi mắt nghĩa là được mở ra với thế giới bên ngoài.
Tiếp xúc bằng mắt vẫn có cái gì vượt trội hơn tiếp xúc bằng tay hay tai.

Khi chữa lành những người mù và những tật bệnh khác,
Đức Giêsu khai mở thời đại thiên sai (x. Mt 11, 2-6).
Ngài cho thấy Nước Thiên Chúa nay đã đến.
Khi hai anh mù gọi Đức Giêsu là Con vua Đavít (c. 27),
họ nhìn nhận Ngài là Đấng Mêsia, Đấng Thiên Sai.
Bởi thế họ hy vọng Ngài sẽ cho họ quà tặng của thời thiên sai.
“Xin thương xót chúng tôi” là xin đưa chúng tôi ra khỏi cảnh mù lòa.
Đức Giêsu đã muốn chữa hai anh một cách kín đáo, tại nhà của Phêrô.
Ngài không chữa cho họ ngay lập tức, nhưng lại hỏi họ một câu rất lạ:
“Các anh có tin là tôi có thể làm được điều ấy không?” (c. 28).
Chỉ khi họ tuyên xưng niềm tin vào quyền năng của Ngài,
Đức Giêsu mới mở mắt cho họ bằng một lời và một chạm nhẹ (c. 29).
Niềm vui quá lớn khiến họ không giữ được lặng thinh (c. 31).

Giáng Sinh là lễ của Ánh sáng, Ánh sáng ngay giữa đêm đen.
Ơn của Mùa Vọng là ơn thoát ra khỏi cảnh tăm tối mù lòa.
Mù lòa đâu phải chỉ là chuyện của hơn 39 triệu người mù trên thế giới *.
Mù lòa về chính mình, mù lòa vì không thấy những Ladarô trước cửa,
mù lòa về chính những người trong gia đình, trong giáo xứ,
mù lòa vì không thấy Chúa vẫn đang hiện diện gần bên,
những mù lòa ấy cũng nguy hiểm không kém và cần được chữa lành.
Xin Giêsu đụng vào mắt tôi để tôi được sáng,
và để tôi giúp người khác cũng được thấy ánh sáng Giêsu.

Cầu nguyện:

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.

Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu dãi vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Suy niệm 2

"Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương". Chúa Giêsu cho thấy Người có một trái tim tinh tế, nhạy cảm, luôn mở rộng và dạt dào cảm xúc trước con người và cuộc sống con người trong từng sự kiện, biến cố, dù lớn hay nhỏ. 

Tin Mừng nhiều lần cho thấy Chúa chạnh lòng thương trước những hoàn cảnh của con người. Chúa thương bà góa thành Naim khóc đứa con trai duy nhất đã chết (x. Lc 7,11-17). Chúa chạnh lòng thương khi thấy đám đông đói khát (x. Mt 14,14-15,32). Chúa thương hai người mù thành Giêrikhô (x. Mt 20,34); Chúa thương đám đông không người chăn dắt (x. Mt 9,36); Chúa thương người phong hủi (x. Mc 1,41), v.v.

Hôm nay thánh Matthêô lại cho thấy lòng Chúa xót thương trước cảnh đám đông lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt. 

Chúa không vô tâm với những gì đang diễn ra xung quanh. Vì thế, Chúa cảm nhận thật sâu nỗi đau, tiếng nức nở của những trái tim héo hắt. Chúa rung cảm trước biết bao nhiêu nỗi đau thương, sự thống khổ, sự sợ hãi của con người.

Học theo gương Chúa Giêsu, Đức Thánh cha Phanxicô đã trở thành vị Giáo hoàng "chạnh lòng thương". Cho đến bây giờ, sứ vụ và đường lối hoạt động của Đức Thánh cha, cho thấy ngài từng có những kinh nghiệm được Chúa thương xót. Ngài luôn thúc đẩy Hội Thánh phải "đi ra" với mọi tần lớp nhân loại. Đức Thánh cha luôn cổ vũ tinh thần tín thác vào Chúa. Ngài bênh vực những nạn nhân của áp bức, bóc lột. Ngài luôn kêu gọi các quốc gia giàu, các người giàu hãy sống tương trợ và giúp đỡ các quốc gia nghèo, các người nghèo.

Chúng ta cũng hãy nuôi dưỡng trong đời mình tâm hồn thương cảm và trắc ẩn. Nhờ đó, ta sẽ thôi ích kỷ, hết thờ ơ, không tỵ hiềm, không ganh ghét, không loại trừ. Ta cần nhìn người khác hơn là chỉ ích kỷ nhìn mình. Mỗi người hãy tập làm điều thiện và xa tránh thói quen chỉ biết lo cho bản thân. 

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mở rộng trái tim để nhìn thấy nhu cầu của anh chị em mà chạnh lòng thuơng như Chúa. Xin đừng để chúng con chỉ biết thụ hưởng ích kỷ, nhưng luôn biết chạnh lòng thương. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường