Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

GIA ĐÌNH NGÀY NAY

Filled under:

LỄ THÁNH GIA
GIA ĐÌNH NGÀY NAY

LỜI CHÚA: Lc 2, 22 – 35
Hôm nay mừng kính Thánh Gia chúng ta có dịp nhìn vào các gia đình ngày nay đang xuống dốc trầm trọng bởi nhiều yếu tố không mong muốn. Gia đình vốn được coi là nền móng xã hội, trong đó vợ chồng chung thủy, con cái yêu thương nhau. Ngày xưa những điểm son này đã không thiếu nơi các gia đình, nhưng ngày nay nó đã trôi vào dĩ vãng và không ít gia đình phải hứng chịu nhiều đổ vỡ. Trước cảnh đen tối này, Gia đình Thánh Gia rực sáng như ngọn hải đăng mời gọi chúng ta nhìn vào mẫu gương gia đình nghèo nàn, khiêm nhu nhưng sáng ngời tình yêu thương của ba Vị Thánh để đổi mới gia đình mình.
Hạnh phúc gia đình không phải ở vợ đẹp, con khôn, nhà lầu, xe hơi, nghề nghiệp, danh vọng… tuy những thứ này góp phần không nhỏ vào hạnh phúc. Nhưng là sự bình an nội tâm và tình yêu thương, vì gia đình có Chúa là niềm hạnh phúc tuyệt vời mà danh vọng tiền của không chiếm, không mua được.
Ngày nay nhiều gia đình tan nát do tính ích kỷ muốn thỏa mãn thú ăn chơi cho riêng mình, chè chén say sưa, nghiện ngập vô độ, lang chạ không chung thủy, lười biếng… đã khiến cho nhiều người phải gánh chịu nhiều khổ đau.
Sống nơi truyền giáo miền sông nước, nơi mà người ta thường phàn nàn là những giới mày râu đều vướng vào nỗi chè chén li bì:
 “Lật đật thì đất cũng đè,
Những người thong thả, rượu chè quanh năm”
Cuộc sống của họ hầu như gắn liền với hũ rượu nên họ tự coi mình độc quyền về rượu, và hãnh diện về thói say sưa này:
“Còn trời, còn nước còn non.
Còn có bạn rượu, anh còn say sưa
.”
Những người vợ trong gia đình phải chịu cảnh những ông chồng nát rượu, nghiện ngập suốt ngày thật là mệt mỏi, và nhiều khi không thể chịu đựng nổi đã đi đến chỗ tan cửa nát nhà. Do đó mà vợ chồng luôn trong tình trạng căng thẳng, cãi cọ, và cuối cùng chia tay cách lạnh lùng: “ Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi”. Và nếu vì con cái, thì họ phải chịu đựng cái cảnh đau xót nặng nề, bất hạnh này suốt  đời cách miễn cưỡng.
Những gia đình mệnh danh Ki-Tô hữu ngày nay cũng không tránh được vết xe lầy này và có khi còn tệ hơn nữa. Cái não trạng hưởng thụ: “Chơi xuân kẻo hết xuân đi” nơi cha mẹ và con cái, đã làm cho con người không còn nhân phẩm, đã hạ thấp con người xuống bùn đen.  Đã thế cái đăm mê chức quyền, tiền bạc đã làm cho nhiều bậc phụ huynh không lưu tâm đến việc giáo dục con cái. Họ đầu tư thời giờ vào việc làm giầu và dạy con chạy theo danh vọng. Họ quan niệm: “Nhiều tiền thì thắm, ít tiền thì phai.” Họ không cần bạn bè làng xóm, họ khinh thường tất cả miễn là thùng thóc của họ dư đầy, túi tiền của họ căng phồng: “Bà tiền, bà thóc, bà cóc cần ai.”
Trước đây trong các gia đình truyền thống, cha mẹ lưu tâm đến việc giáo dục con cái nhất là về mặt đạo đức. Khi chọn chốn ở luôn tìm nơi gần nhà thờ để con cái dễ dàng đến với Chúa. Ngày nay các gia đình bất chấp sự cần thiết này, có khi càng xa nhà thờ càng tốt vì sẽ được yên tâm hơn khi không tham dự thánh lễ chúa nhật. Các con cái được khuyến khích nghỉ học giáo lý để học văn hóa cũng được coi là chính đáng hơn.
Thật đau lòng khi các em không được thấm nhuần giáo lý, các em sẽ ơ hờ với niềm tin của mình. Các em sống buông thả, mất cả chì lẫn chài: đạo đức mất và văn hóa cũng buông. Chúng hội nhập nền văn hóa toàn cầu hóa, chạy theo “mốt” thời trang, âm nhạc, lối sống tiện nghi và hưởng thụ, sống buông thả, mất khả năng suy tư cá nhân, biện phân giá trị, xác định chuẩn mực đạo đức và định hướng lý tưởng… Nhiều người bị lôi kéo vào lối sống ăn chơi phù phiếm và phạm pháp…nên luôn xẩy ra những tội ác trầm trọng như phá thai, ly dị… Nơi các gia đình trẻ gia tăng sự khủng hoảng và hôn nhân khác đạo.
Trước thảm trạng này, Đức Thánh Cha tha thiết xin các gia đình hãy trở về với ơn gọi cao cả của mình: “ Hỡi các gia đình công giáo, xin đừng sợ trình bày cho các gia đình khác, nhất là bằng chứng tá đời sống, biết được chương trình của Thiên Chúa cho gia đình như một cộng đoàn sự sống được thiết lập trên hôn nhân. Nghĩa là trên sự kết hợp bền vững và trung thành giữa người nam và người nữ được liên kết với nhau bởi mối dây được thể hiện cách công khai và được nhìn nhận.
Những bậc làm cha mẹ có trách nhiệm cung cấp một nền giáo dục nhân bản và Kitô cho con cái, tin tưởng vào sự trợ giúp chuyên môn của những nhà giáo dục và những giáo lý viên… Những bậc làm cha mẹ cần giúp con cái đến gặp Chúa Giêsu và theo mẫu gương Người, cả giữa những cám dỗ thu hút họ trên con đường tiến đến niềm vui đích thực.”
Chứng tá của đời sống gia đình rất cần thiết. Cha mẹ đạo đức sẽ là tấm gương sáng cho con cái và luôn giáo dục chúng đi vào con đường đức tin truyền thống.
Trong lịch sử giáo hội chúng ta được biết những đôi vợ chồng sống gương mẫu, đã giáo dục con cái trở nên những người Ki-Tô hữu đặc biệt, những vị Thánh, như cha mẹ của Thánh Tê-rê-sa đã được ĐGH Bênêđictô XVI phong Chân Phước tại Vương Cung Thánh Đường Lisieux vào Chúa Nhật Truyền Giáo, ngày 19 tháng 10 năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày thành hôn của hai Ông Bà.  Thánh Monica và con là Thánh Augustinô. Riêng Giáo Hội Việt Nam, đã có hai trường hợp tương tự, trường hợp một đại gia đình có ba vị Thánh Tử Đạo, người đương thời gọi là “Nhất gia tam Thánh”, gồm Thánh Đaminh Khảm, Giuse Tả, và Luca Thìn. Gia đình thứ hai gồm hai Thánh, đó là Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ và nhạc phụ là Thánh Antôn Nguyễn Đích.
Chúng ta còn nhớ vào năm 2001, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong Chân Phước cho hai vợ chồng ông bà Luigi Beltrame Quattrocchi (1880-1951) và Maria Beltrame Quattrocchi (1884-1965) cùng ngày lần đầu tiên. Các Ngài là thân phụ và thân mẫu của 2 linh mục, 1 nữ tu, và 1 người sống trong ơn gọi hôn nhân gia đình.   
Một linh mục dòng Tên trước đây đã viết trong cuốn Một Tâm Hồn dịch qua tiếng Tây Ban Nha lời đề tặng: “Muôn đời kính nhớ Thân Phụ phúc hậu Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu, đáng là mô phạm cho bậc làm cha mẹ trong các gia đình Công Giáo”. 
Và  chính ThánhTêrêsa đã kết luận về mẹ mình: “Con cái được quây quần xunh quanh một người mẹ tốt lành như vậy làm sao không trở nên tốt lành giống như mẹ.”   
Têrêsa đã viết về cha của mình: “Chiều chiều, con thường được theo cha đi chơi mát, rồi vào nhà thờ viếng Mình Thánh, hôm nay nhà thờ này, hôm mai nhà thờ khác. Nhân thế mà con được vào viếng Chúa ở nhà nguyện Dòng Kín lần thứ nhất. Lần ấy cha bảo con rằng: Này! Con xem bên trong phên sắt, hằng có các bà Dòng thánh thiện cầu nguyện cả ngày”. (Một Tâm Hồn, tr.36)…
“Chơi đoạn, cả nhà lại lên gác đọc kinh. Ở trên gác con vẫn được ngồi bên cha, con chỉ cần nhìn cha cũng đủ biết được cách các thánh cầu nguyện”. (Một Tâm Hồn, tr.47). 
Những cha mẹ thánh đã đưa con mình đi theo con đường của mình như Chúa Giê-su đã khẳng định: “ Cây tốt sinh trái tốt.” Chỉ khi nào cảm nếm được niềm hạnh phúc, sự bình an sâu lắng của người yêu mến Chúa, cha mẹ mới cảm được sự cần thiết tuyệt đối trong việc giáo dục con sống và đạt được điều mình cảm nghiệm. Tình yêu thúc bách các bậc phụ huynh tìm mọi cách để cho con mình được hạnh phúc thật.
Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Gia Thất, một gia đình Thánh, trong đó, Chúa Giê-su là mẫu gương tuyệt vời cho những người làm con, luôn vâng lời yêu kính cha mẹ. Mẹ Maria, một người mẹ khiêm tốn luôn suy phục ý Chúa trong mọi hoàn cảnh và Thánh Giuse, Cha nuôi, luôn tùng phục dự phóng cứu độ của Chúa. Cả Ba đều sống trong tình yêu và thể hiện tương quan cá nhân với Thiên Chúa qua sự vâng phục thánh thiện.
Ngày nay chúng ta đều cần một nền tảng gia đình vững chắc được xây dựng trong niềm kính yêu Thiên Chúa, trong sự bác ái với tha nhân và trong sự chu toàn luật Chúa, luật Giáo hội giữa một thế giới mà gia đình đang bị khủng hoảng bởi bạo lực, oán thù, giả dối, bất công, tham nhũng, vô cảm. Chúng ta hãy xin Chúa cho các gia đình nhất là bậc làm cha mẹ biết nhìn lên mẫu gương của Đức Mẹ và thánh Giuse sống niềm tin và giáo dục con cái theo đường lối của Chúa.
Mong thay !
Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu