Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp cho Hội nghị quốc tế về thần học luân lý

Filled under:


VATICAN - "Cần có các cá nhân và cơ cấu đảm trách việc lãnh đạo giúp tái khám phá và sống một cách đúng đắn hơn trong thế giới qua việc chia sẻ cùng một số phận chung với tinh thần trách nhiệm và liên đới".
Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên trong sứ điệp gửi các tham dự viên hội nghị quốc tế về thần học luân lý, triệu tập tại Sarajevo bên Bosni Erzegovina trong hai ngày 26-27 tháng 7 vừa qua. Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nêu bật giá trị biểu tượng của con đường hòa giải của thành phố này, sau cuộc chiến khốc liệt đã gây ra biết bao khổ đau cho dân chúng vùng này.
Sarajevo là thành phố của các cây cầu. Hội nghị cũng lấy nguồn cảm hứng từ đó và nhắm tới việc tái thiết một bầu khí chia sẻ và làm cho các dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo, các quan điểm và định hướng chính trị xích lại gần nhau hơn. Với đề tài “xây các cầu chứ không xây các bức tường”, hội nghị củng cố niềm hy vọng tiếp nhận mọi dấu chỉ và huy động mọi năng lực giúp loại trừ các bức tường chia rẽ và xây các cây cầu huynh đệ trên thế giới.
Trong một thời đại nguy hiểm như hiện nay, cần chú ý tới thách đố của môi sinh, vì nó chứa đựng các khía cạnh có thể gây ra các mất quân bình trầm trọng, không phải chỉ trên tương quan giữa con người và thiên nhiên mà cả trên các tương quan giữa các thế hệ và các dân tộc nữa. Thách đố đó là chân trời của việc hiểu biết luân lý môi sinh và luân lý xã hội. Do đó việc chú ý tới đề tài của người di cư tỵ nạn rất nghiêm trọng và khơi dậy một sự hoán cải liên quan tới suy tư thần học luân lý trước khi liên quan tới các thái độ mục vụ thích hợp và các thực hành chính trị có tinh thần và ý thức trách nhiệm. Để nền luân lý thần học có thể góp phần đặc thù của mình, cần tạo ra một mạng lưới quy tụ người trên năm châu chuyên dấn thân suy tư và tìm ra các câu trả lời mới và hữu hiệu qua các phân tích, thực hành thương xót và chú ý tới thảm cảnh của con người, đồng hành và săn sóc nó với lòng thương xót. Để có thể thực hiện mạng lưới này cần xây các cây cầu, chia sẻ lộ trình và tăng tốc việc tiến đến gần nhau. Đây không phải là chuyện đồng nhất hóa quan điểm, nhưng là kiếm tìm sự đồng quy các ý hướng, rông mở đối thoại và đối chiếu các viễn tượng.
Đức Thánh Cha mạnh mẽ kêu gọi và khích lệ các chuyên viên thần học môi sinh thực hiện được mạng lưới đó tận dụng các kinh nghiệm của nhiều hội nghị trước đó tại Padova và Trento, cũng như kinh nghiệm của các đại hội vùng miền đó đây trên thế giới giúp sống kiểu chia sẻ đem lại hoa trái cho toàn thể Giáo Hội. (REI 27-7-2018)
Linh Tiến Khải


Tôn giáo góp phần quan trọng trong cuộc đối thoại Nam Bắc Hàn


Đức cha Peter Lee Ki-heon, Giám mục Uijeongbu, Chủ tịch Ủy ban hòa giải của HĐGM Nam Hàn, đã nói như trên. Giáo phận của ngài nằm gần biên giới Bắc Hàn. Theo Đức cha, con đường hòa giải hai miền Nam Bắc Hàn là một ưu tiên hàng đầu cũng như việc đoàn tụ các gia đình bị phân rẽ. Đức cha nhớ lại hồi năm 1951 khi ngài lên 4 tuổi, đã phải cùng mẹ và một chị gái bỏ Pongyang là quê sinh để chạy loạn chiến tranh, và theo cha đã đến Busan bên Nam Hàn cùng với nhiều người tỵ nạn trước đó vài tháng. Nhưng 2 chị gái khác còn ở lại Pyongyang, và từ ngày đó, mẹ ngài sống trong nỗi âu lo khắc khoải trước cảnh gia đình phân rẽ. Tại Bắc Hàn, các Kitô hữu đã bị bách hại khốc liệt. Năm 1949, mọi linh mục ở Pongyang đều bị bắt, và nhà thờ chính tòa bị đóng cửa. “Mẹ tôi kể rằng trong số những người bị bắt và bị giết cũng có bác tôi là linh mục Jae-ho Lee, chánh xứ Kirim-ri. Hiện nay bác cũng đang trong tiến trình được phong chân phước cùng với Đức cha Francis Hong Yong-ho và các vị khác”, Đức cha nói. Ngài cũng cho biết thêm là sau cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Hàn và cuộc gặp gỡ giữa các vị lãnh đạo của hai miền Nam Bắc, toàn dân hai miền đã rất sung sướng.
Các hình ảnh này cho thấy có thể tìm ra một giải pháp giải quyết sự thù nghịch kéo dài từ 60 năm qua. Việc đối thoại giữa hai miền Nam Bắc cũng cho phép các gia đình đoàn tụ. Đa số họ đã chết hầu hết vì đã già hơn 90 tuổi. Thế hệ hồi đó chỉ còn lại 4-5 ngàn người. Hai bà chị của Đức cha cũng đã qua đời. Tuyên ngôn Panmunjom có thể đem lại hoa trái, nếu hàng lãnh đạo của cả hai miền kiên nhẫn đối thoại với nhau, với sự tôn trọng và tin tưởng. Tổng thống Nam Hàn đã từng khẳng định vai trò quan trọng mà tôn giáo có thể có đối với tương quan giữa hai miền. Nó không chỉ có nhiệm vụ thăng tiến ý chí trực tiếp mà còn tạo ra bầu khí hòa hợp và một môi trường cởi mở cho sự cộng tác nữa. (REI 17-7-2018)