Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

Phút suy niệm ngày 29/7/2018

Filled under:

Phút suy niệm ngày 29/7/2018
“Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” (Ga 6,12).
Người ta thường cho rằng: Sự nghèo đói cứ tiếp diễn là do hoàn cảnh này, lý do kia, mà ít khi nghĩ rằng vì người ta không đủ quảng đại.
Giữa một xã hội quá chênh lệch giàu nghèo này, người ăn không hết mà có hàng ngàn người lần chẳng ra. Có người đang phải sống dưới cả mức nghèo đói, không biết ngày mai sẽ ăn gì.
Ông bà ta đã dạy: “Lá lành đùm lá rách”. Nhưng với xã hội hôm nay, một xã hộiít được giáo dục tình người, một xã hội coi trọng vật chất, chà đạp lên nhau để sống. Một xã hội có khá nhiều lá rách, và có cả lá nát nữa.
Đức Giêsu đã dạy: “thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Chúa cần lắm những cánh tay biết thu lại những miếng vụn, để chia sẻ cho những người còn thiếu thốn.
Lạy Chúa. Chúng con có thể không nghèo về vật chất, nhưng chung con lại quá nghèo về tinh thần bác ái yêu thương, xin cho chúng con biết quảng đại, yêu thương những hết mọi hoàn cảnh, để chúng con như những chiếc lá trên cành, không rách, không nát, cùng nhau hát mừng, tôn vinh Thiên Chúa là vua tình yêu. Amen.


Thánh Mácta
Đức Giêsu yêu quý Mácta, Maria và Lagiarộ" Câu nói độc đáo này trong Phúc Âm của Thánh Gioan cho chúng ta biết về sự tương giao đặc biệt giữa Đức Giêsu và Mácta, người em Maria, và người anh Lagiarô của thánh nữ.

Hiển nhiên, Đức Giêsu là người khách thường xuyên đến nhà Mácta ở Bêtania, một ngôi làng nhỏ bé cách Giêrusalem chừng hai dặm. Chúng ta thấy ba lần đến thăm của Đức Giêsu được nhắc đến trong Phúc Âm Luca 10:38-42, Gioan 11:1-53, và Gioan 12:1-9.

Nhiều người dễ nhận ra Mácta qua câu chuyện của Thánh Luca. Khi ấy, Mácta chào đón Đức Giêsu và các môn đệ vào nhà của mình, và ngay sau đó Mácta chuẩn bị cơm nước. Sự hiếu khách là điều rất quan trọng trong vùng Trung Đông và Mácta là điển hình. Thử tưởng tượng xem ngài bực mình biết chừng nào khi cô em Maria không chịu lo giúp chị tiếp khách mà cứ ngồi nghe Đức Giêsu. Thay vì nói với cô em, Mácta xin Đức Giêsu can thiệp. Câu trả lời ôn tồn của Đức Giêsu giúp chúng ta biết Người rất quý mến Mácta. Đức Giêsu thấy Mácta lo lắng nhiều quá khiến cô không còn thực sự biết đến Người. Đức Giêsu nhắc cho Mácta biết, chỉ có một điều thực sự quan trọng là lắng nghe Người. Và đó là điều Maria đã làm. Nơi Mácta, chúng ta nhận ra chính chúng ta -- thường lo lắng và bị sao nhãng bởi những gì của thế gian và quên dành thời giờ cho Đức Giêsu. Tuy nhiên, thật an ủi khi thấy rằng Đức Giêsu cũng yêu quý Mácta như Maria.

Lần thăm viếng thứ hai cho thấy Mácta đã thấm nhuần bài học trước. Khi ngài đang than khóc về cái chết của anh mình và nhà đang đầy khách đến chia buồn thì ngài nghe biết Đức Giêsu đang có mặt ở trong vùng. Ngay lập tức, ngài bỏ những người khách ấy cũng như gạt đi mọi thương tiếc để chạy đến với Đức Giêsu.

Cuộc đối thoại của ngài với Đức Giêsu chứng tỏ đức tin và sự can đảm của ngài. Trong cuộc đối thoại, Mácta khẳng định rõ ràng là ngài tin vào quyền năng của Đức Giêsu, tin vào sự phục sinh, và nhất là tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Và sau đó Đức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại từ cõi chết.

Hình ảnh sau cùng của Mácta trong Phúc Âm đã nói lên toàn thể con người của ngài. Lúc ấy, Đức Giêsu trở lại Bêtania để ăn uống với các bạn thân của Người. Trong căn nhà ấy có ba người đặc biệt. Lagiarô là người mà ai cũng biết khi được sống lại. Còn Maria là người gây nên cuộc tranh luận trong bữa tiệc khi cô dùng dầu thơm đắt tiền mà xức lên chân Đức Giêsu. Về phần Mácta, chúng ta chỉ được nghe một câu rất đơn giản: "Mácta lo hầu hạ." Ngài không nổi bật, ngài không thi hành những việc có tính cách phô trương, ngài không được hưởng phép lạ kỳ diệu. Ngài chỉ hầu hạ Đức Giêsu.

Thánh Mácta được đặt làm quan thầy của các người hầu hạ và đầu bếp.

Lời Bàn
Các nhà chú giải Kinh Thánh nói rằng trong đoạn văn diễn tả việc Lagiarô sống lại, Thánh Gioan có ý nhắn nhủ chúng ta phải coi lời của Mácta nói với Maria (trước khi Lagiarô sống lại) như tóm lược những gì một Kitô Hữu phải vâng theo. "Thầy có mặt ở đây và đang hỏi đến em." Chúa Giêsu kêu gọi mọi người chúng ta đến sự phục sinh -- mà sự phục sinh ấy hiện có trong đức tin khi rửa tội, được chia sẻ vĩnh viễn sự chiến thắng của Người đối với sự chết. Và tất cả chúng ta, cũng như ba người bạn của Chúa Giêsu, được mời gọi kết tình bằng hữu với Chúa trong một phương cách độc đáo.