Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 22/12/2016

Filled under:

BIẾT ƠN CHÚA ĐỂ NGỢI KHEN NGÀI
Bà Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.” (Lc 1,46-48)
Suy niệm: Cuộc gặp gỡ giữa Đức Ma-ri-a và bà Ê-li-sa-bét là cuộc gặp gỡ của hai người biết ơn Chúa bằng việc lên tiếng ngợi khen Ngài. Khi được bà Ê-li-sa-bét chúc mừng, Đức Ma-ri-a đã dâng lời ngợi khen Thiên Chúa: ngợi khen Ngài đoái thương nhìn tới “phận nữ tỳ hèn mọn”; ngợi khen Chúa với tấm lòng khiêm nhường vì Ngài đã làm cho mình những điều cao cả. Đức Ma-ri-a không chỉ tạ ơn và ngợi khen cho riêng mình;  Mẹ còn nhận ra lòng thương xót Chúa trải dài “từ đời nọ đến đời kia” từ khởi đầu nơi các tổ phụ và cho cả con cháu đến muôn đời. Khi đặt mình trong mối tương quan “liên vị” đó, Mẹ càng nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa thật vô biên và chương trình cứu của thật khôn ngoan khôn dò thấu. Ai biết đặt mình trong mối tương quan “liên vị” như thế, người ấy sẽ cất lời ngợi khen không ngừng, dù đời họ gặp nhiều niềm vui hay lắm nỗi buồn.
Mời Bạn: Khắp nơi đang tưng bừng chuẩn bị mừng Đại lễ Giáng Sinh. Nhưng ít người sống tâm tình ngợi khen qua sự kiện trọng đại này. Liệu bạn có vinh dự thuộc về “số ít” này không?
Sống Lời Chúa: Nhớ đến những anh chị em đang đau khổ vì thiên tai hay vì áp bức bất công, tôi hy sinh vài món chi tiêu để chia sẻ với đồng bào mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Chúa đã làm người để trở nên một người trong chúng con. Xin cho chúng con trở nên người của Chúa, để cái nhìn của chúng con được khoáng đạt hơn, hầu có thể ngợi khen Chúa không ngừng. Amen.

THÁNH NẾ PHANXICA CABRINI
SÁNG LẬP DÒNG CHỊ EM TRUYỀN GIÁO
Trong khi hết mọi xã hội đều phải qua bước suy tàn, và cùng với thời gian mất đi nguồn nhựa sống thì Giáo hội vẫn hằng tỏ ra trẻ trung, mặc dầu trải qua 20 thế kỷ. Cùng với vẻ xuân sắc của mình, Giáo hội luôn luôn sinh ra muôn vàn vị thánh, ở mọi thời mọi nơi, thuộc mọi chủng tộc và ở trong mọi tầng lớp xã hội.
Thế kỷ thứ 19, giữa lúc nhân loại đang đi vào con đường xa Chúa, vùi đầu vào cuộc đời vật chất, không kể gì là công bình bác ái, thì Giáo hội lại xướng xuất ra nhiều phong trào đạo đức. Giáo dân đua nhau tổ chức các hội đoàn để thực hiện chương trình bác ái nhất là nơi dân chúng nghèo khổ.
Thánh nữ Phanxica là một người rất nhiệt thành với mọi công cuộc bác ái. Chính tay bà đã cứu trợ nhiều người Ý tị nạn ở Mỹ châu.
Phanxica sinh ngày 15 tháng 7 năm 1850 trong địa phận Lodi. Người là con thứ 13 của một gia đình nông dân nước Ý.
Từ thuở mới lọt lòng mẹ, Phanxica vốn ốm yếu hơn các anh chị em, đến nỗi ai nấy hầu thất vọng không trông cô có thể sống nên thân nên người được. Nhưng, trái lại, với cái thân hình ẻo lả ấy, Phanxica cứ mỗi ngày mỗi khôn lớn đồng thời lòng kính mến Chúa cũng tăng tiến.
Khi vừa chẵn 13 tuổi, Phanxica khấn giữ trinh khiết để suốt đời tận hiến cho Chúa và phục vụ anh em đồng loại. Với thời gian trôi qua, năm 18 tuổi, sau kỳ thi mãn khóa lớp sư phạm, Phanxica trúng tuyển và trở thành một nữ giáo viên.
Dạy học được hai năm thì vào năm 1870, cô phải chịu hai tang lớn của song thân. Sau đó, để tận hiến toàn thân cho Chúa, hầu tròn nhiệm vụ tôi ngay con thảo, Phanxica đến gõ cửa một tu viện, nhưng vì điều kiện sức khỏe quá thiếu thốn, nên không được thâu nhận. Biết đó là ý Chúa, cô liền khiêm tốn quay về sống cuộc đời một giáo dân hết mực đạo đức.
Năm 1874 cha xứ Codogno có ý nhờ Phanxica đứng ra lo việc từ thiện, săn sóc viện mồ côi trong xứ lúc đó đang thiếu người trông nom, nên công việc tổ chức đều không được chu đáo lắm. Vâng lời cha xứ, Phanxica đã nhận trách nhiệm đó và đêm ngày những lo lắng tổ chức cho viện được hoàn hảo. Người đã chăm sóc và giáo dục các em với tất cả tình thương yêu và lòng tận tụy của một người mẹ đạo đức. Trong khi đó, cũng có mấy người phụ nữ khác cùng phụ việc với Phanxica. Lòng đạo đức đã khiến họ ý hợp tâm đồng, để rồi hội nhau cùng soạn thảo một qui luật riêng với những lời khấn hứa để giúp nhau nên trọn lành hơn. Sau khi thảo xong bản nội qui, các chị em cùng nhau thi hành và nhận thánh Phanxicô Xaviê làm bổn mạng của hội.
Ba năm sau, vì công việc trong viện mồ côi không còn nữa, nên viện phải đóng cửa. Tuy nhiên hội đó vẫn tồn tại và đổi sang hoạt động truyền giáo rất mạnh mẽ, đến nỗi đã được Đức Giám mục địa phận chấp thuận và cho phép tổ chức thật hoàn toàn chu đáo.
Năm 1880, tại Codogno một tu viện đầu tiên được thành lập với mục đích huấn luyện các thiếu nữ, nhất là hướng dẫn các thiếu nữ lầm đường lạc lối.
Tới năm 1888, với bộ qui luật mới, tu viện được Toà thánh chính thức châu phê. Ngoài mục đích chính như vừa trình bày, mỗi ngày nữ tu còn phải dành bốn giờ để chuyên việc cầu nguyện và chầu Chúa trong thinh lặng.
Chị Phanxica được đề cử làm bề trên dòng. Mặc dầu phải gánh trọng trách nặng nề, chị cũng không hề quên lý tưởng truyền giáo. Chị mong được sang truyền giáo tại Á đông, nhất là nước Trung hoa, nhưng vì hoàn cảnh chưa cho phép, nên các chị em khuyên chị hãy lưu ý đến các kiều dân Ý bên Mỹ châu. Tại đó có tới hàng vạn người đang cần săn sóc giúp đỡ, vì họ quá túng thiếu về cả vật chất lẫn tinh thần.
Hưởng ứng lời khuyên nhủ của chị em, năm 1889, Phanxica cùng với một số chị em vượt biển sang Mỹ châu để thi hành sứ mạng. Sau nhiều ngày vượt trùng dương gian nguy, các chị mới tới đất Mỹ châu. Tới nơi, dân chúng nhất là những người tỵ nạn, hết sức mừng rỡ và đón tiếp các chị rất nồng hậu. Sau đó họ góp ý kiến giúp đỡ các chị lập một viện cô nhi, mở trường dạy học cho các trẻ em người Ý. Nhưng công việc của các chị đều gặp nhiều cản trở lớn lao. Cản trở thứ nhất là chính Đức Giám mục ở Mỹ châu không muốn tiếp nhận các chị, cản trở thứ hai là vấn đề vật chất rất thiếu kém khiến không thể thi hành chương trình đã hoạch định. Dầu vậy chị Phanxica và các chị đồng hành cũng không hề thất vọng. Các chị hoàn toàn phó mặc Chúa định liệu vì biết rằng, nếu công việc đẹp lòng Chúa nhất định sẽ thành công tốt đẹp. Thật vậy, Chúa đã không phụ lòng tin tưởng của con cái. Người đã cho các chị lượm được nhiều kết quả quá lòng sở ước: một viện cô nhi được thành lập để săn sóc những trẻ em nghèo khó; tiếp đến một học đường được xây cất và chính các chị đảm nhận việc điều khiển và huấn luyện các học sinh. Qua năm này sang năm khác, các cơ sở của tu viện được tuần tự thiết lập để rồi trở nên như trung tâm của dòng chị em truyền giáo.
Say sưa với công việc truyền giáo ấy, chị Phanxica đã xuất toàn lực hầu làm vinh danh Chúa, vì thế thân thể mỗi ngày một hao mòn. Sau một thời gian lâm trọng bệnh, chị được Chúa đem về nơi vĩnh phúc. Hôm đó là ngày 22 tháng 12 năm 1917. Thi hài người được mai táng tại New York.
Để thưởng công và nhất là để nêu gương nhiệt thành truyền giáo của chị Phanxica cho muôn thế hệ ghi nhớ và bắt chước. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã tôn phong người lên bậc chân phước vào năm 1938. Tới năm 1949, Thiên Chúa lại muốn làm vinh danh người con yêu dấu của mình hơn nữa, nên đã khiến Đức Thánh Cha Piô XII phong người lên bậc hiển thánh.


Mùa Của Gửi Thiệp Tặng Quà

Người Anh thường nói: "Một quà tặng không có người tặng là một quà tặng trống rỗng trơ trụi". Giá trị của một quà tặng do đó, không tùy thuộc nhiều ở giá trị vật chất của nó, mà đi chính tâm tình của người tặng quà.
Ngày nay, cũng giống như ở bất cứ thời đại nào, cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo quốc gia thường đi kèm với nghi thức trao tặng quà cho nhaụ Trong một cuộc họp thượng đỉnh ở ngoài khơi đảo quốc Malta cuối năm 1989, tổng thống Bush của Hoa Kỳ đã tặng cho chủ tịch Gorbachov của Liên Xô một viên gạch lấy từ bức tường ô nhục Bá Linh. Dù chỉ là một viên gạch, nhưng đây lại là một món quà vô giá, bởi vì tổng thống Bush đã muốn gói ghém trong đó tất cả thiện chí và ước muốn xây dựng hòa bình của ông, của nhân dân Hoa Kỳ, cũng như của tất cả những ai yêu chuộng hòa bình.
Trước đó vài ngày, chủ tịch Gorbachov cũng đã trao tặng và nhận quà trong cuộc gặp gỡ với Ðức Thánh Chạ Nhà lãnh đạo của Liên Xô đã tặng cho Ðức Thánh Cha một tập thánh vịnh in vào thế kỷ thứ 13 và 14, qua đó ông muốn khẳng định rằng những giá trị đạo đức và luân lý do tôn giáo đề ra là những nhân tố cần thiết cho việc xây dựng xã hội.
Ðáp lại, Ðức Thánh Cha đã tặng cho nhà lãnh đạo Liên Xô một quyển Tân Ước có ghi hàng chữ: "Ta là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống".
Ðó là tất cả những gì mà Ðức Gioan Phaolô II và qua ngài, toàn thể Giáo Hội có thể trao tặng cho một xã hội đã từ lâu muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.
Riêng với bà Raissa, phu nhân của chủ tịch Gorbachov, Ðức Thánh Cha đã tặng một cỗ tràng hạt. Lòng yêu mến đối với Nữ Vương của hòa bình: đó là món quà cao quý nhất mà một vị Giáo Hoàng đã có thể tặng cho tất cả những ai đang mưu tìm hòa bình cho nhân loại.
Mùa Vọng là mùa của gửi thiệp và tặng quà Giáng Sinh.
Chúng ta gửi thiệp chúc mừng đến những người thân thương quen thuộc đã đành, chúng ta cũng gửi đi những cánh thiệp xã giao đến những người chỉ một lần gặp gỡ, quen biết... Có một cánh thiệp nào, một quà tặng nào cho những người không quen biết, cho những người đầu ngõ cuối xóm mà chúng ta không hề muốn đưa mắt nhìn đến, cho những người hành khất bên vệ đường, cho những kẻ không nhà không cửa, cho những ai đang rét run vì giá lạnh, vì cô đơn không?
Hãy nhiệt tình chào hỏi những người mà chúng ta ghét cay ghét đắng. Hãy làm hòa với những ai chúng ta vừa gây gổ. Hãy dọn một bữa ăn cho những người hành khất quen thuộc. Hãy thăm viếng một người bệnh đang chờ một lời an ủi, đỡ nâng. Hãy san sẻ đôi chút với những người hàng xóm đang túng thiếu hơn ta.
Ðó là những cánh thiệp, những món quà Giáng Sinh có giá trị nhất mà chúng có thể gửi ngay đi trong Mùa Vọng này, bởi vì đó là phần cao đẹp nhất của chúng ta.