Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

Suy Niệm CN IV Mùa Vọng A - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

Thánh Giuse, người công chính (Mt 1,18-24)
Chúa nhật thứ hai và thứ ba mùa vọng, các bài Tin Mừng đề cập tới một nhân vật không thể thiếu trong mùa vọng, đó là thánh Gioan Tẩy Giả, còn bài Tin Mừng thứ tư mùa vọng hôm nay lại nhắc đến một nhân vật nữa, đó là thánh Giuse, một nhân vật rất cần thiết trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa cùng với người bạn đời của ngài là Đức Maria.
Giuse đã quyết định cùng với Đức Maria xây dựng cuộc đời chung sống.
Một chương trình bình thường như bao người bình thường khác, nhưng lại xảy ra một biến cố thử thách, đó là Maria có thai trước khi hai người chung sống với nhau.
Chúng ta thấy thánh Giuse đang ở một hòan cảnh thật nan giải : một mặt ngài không thể im lặng để chấp nhận bào thai kia là con của mình, mặt khác ngài cũng không muốn làm rùm beng chuyện này vì như thế sẽ làm mất thể diện của Maria và Maria có thể bị ném đá, đó là điều Giuse không muốn chút nào.
Cuối cùng Giuse “định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Giuse đang toan tính như vậy, thì sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông: “Này ông Giuse, con cháu Đavit, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là quyền năng Chúa Thánh Thần.
Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi”
Thánh Giuse được mời gọi làm dưỡng phụ và đặt tên cho con trẻ để Hài Nhi Giêsu có một chỗ đứng chính thức trong giòng dõi vua Đavít.
Thánh Giuse đã tuân theo lệnh Chúa và đón nhận Maria về nhà mình. Người tin tưởng vào Thiên Chúa và chu tòan sứ mệnh Thiên Chúa trao gởi.
Ngài khiêm tốn thi hành phận sự như một đầy tớ tín trung.
Ngài không tính tóan, nhưng luôn sẵn sàng “chỗi dậy” để thi hành thánh ý của Thiên Chúa.
Mệnh lệnh của Chúa phán ra là phá đổ mọi kế họach của lòai người.
Mỗi lần như thế, thánh Giuse đã thi hành lệnh truyền, không một lời phản kháng hay lý luận gì cả.
Tin theo là bước đi từng bước trên nẻo đường tương lai chỉ được soi sáng từng bước. Niềm tin không có sẵn câu giải đáp cho những trường hợp cụ thể.
Nhìn vào thái độ của Giuse, chúng ta sẽ rút ra được những bài học cho cuộc sống.
Mỗi người chúng ta đều có những chương trình riêng cho đời mình. Nhưng nếu có những bất trắc xảy ra, chúng ta sẽ giải quyết như thế nào ?
Có lẽ chúng ta sẽ kêu ca, trách móc, hoặc chúng ta kể lể với hết người này đến người khác gọi là để “tâm sự”.
Nhưng chúng ta thấy gì nơi thánh Giuse ? Ngài đã yên lặng.
Chính trong yên lặng thánh Giuse đã nhìn ra thánh ý của Thiên Chúa.
Điều quan trọng trong cuộc sống, đó là nhận ra được thánh ý của Thiên Chúa qua những biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống. Để làm được điều này chúng ta phải thinh lặng và sống trong bầu khí thinh lặng.
Người ta kể lại rằng một nhà thám hiểm nọ đi trong sa mạc, chuyển từ nơi này đến nơi kia, nhìn hết hướng này đến hướng khác, ở đâu ông cũng chỉ thấy toàn cát với cát.
Ông lê gót trong tình trạng tuyệt vọng, tình cờ chân ông vấp phải một gốc cây khô.
Ông không còn đủ sức đứng lên, ông không còn đủ sức chiến đấu và cũng không còn một chút hy vọng sống sót nào.
Trong tư thế bất động ấy, nhà thám hiểm bỗng cảm nhận được sự thinh lặng của sa mạc. Bốn bề chỉ có thinh lặng.
Thình lình ông ngẩng đầu lên. Trong thinh lặng của sa mạc, ông bỗng nghe được như có tiếng thì thào yếu ớt vọng lại bên tai. Dồn tất cả sự chú ý, nhà thám hiểm nhận ra được đó la tiếng chảy róc rách của một con suối từ xa vọng ại.
Như sống lại từ cõi chết, ông xác định nơi xuất phát của tiếng suối, ông dùng hết nguồn năng lực còn lại, ông cố gắng lê lết cho đến khi gặp được dòng suối.
Cuộc sống chúng ta thật quả bận rộn và ồn ào, khiến chúng ta không nghe được tiếng nói và không nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa.
Có thinh lặng trong cõi lòng, chúng ta mới nghe được tiếng thì thầm mời gọi của Chúa trong từng giây phút của cuộc sống.

Chính sự thinh lặng giúp chúng ta nhận ra được tiếng của Thiên Chúa như "dòng suối róc rách" trong cảnh ồn ào của cuộc sống hôm nay.Amen.



Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta 
  
(Suy niệm Tin Mừng thánh Mat-thêu (Mt 1, 18-25) trích đọc vào Chúa nhật thứ tư mùa Vọng năm A)                         
Việc đặt tên cho đứa con là việc quan trọng đối với các đôi vợ chồng. Khi có con sắp chào đời, hai vợ chồng bàn bạc với nhau để chọn cho con mình một cái tên thật ý nghĩa, thật đẹp, thật hay.
Qua việc đặt tên, cha mẹ gửi gắm ước vọng của mình vào đó. Tỷ như khi đặt tên cho con là Phúc, Đức, Tài, Lộc … cha mẹ cầu mong cho con mình sau nầy đạt được những điều tốt đẹp y như tên gọi của các em.

Danh hiệu của Thiên Chúa làm người

Trích đoạn Tin mừng trong Chúa nhật nầy đề cập đến tên gọi mà Thiên Chúa Cha đã chọn cho Ngôi Hai Thiên Chúa khi Ngài đầu thai trong lòng Mẹ Maria. Tên gọi nầy đã được ngôn sứ I-sai-a tiên báo từ hơn bảy trăm năm trước: “Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta"  (Mt 18,23).
Đây là một tên gọi thật ý nghĩa; tên gọi nầy nói lên ước vọng của Thiên Chúa muốn ở mãi với loài người khắp mọi nơi, suốt mọi thời cho đến tận cùng thời gian.
        
Liên quan đến ý tưởng nầy, Đức cha Gaillot có nhận định rất chí lý. Ngài viết:

“Sống rộng lượng là tốt, nhưng sống-với thì tốt hơn; công việc từ thiện là cần thiết, nhưng hiện-diện-bên-cạnh thì cần thiết hơn .”
Đúng thế, dù chúng ta có rộng lượng với người nghèo khổ bao nhiêu cũng không bằng đến sống-với họ, chia sẻ buồn vui cay đắng với họ. Dù chúng ta có làm bao nhiêu việc từ thiện để giúp cho người đau khổ cũng không bằng đến hiện-diện-bên-cạnh họ trong những lúc đau thương.

Thiên Chúa mong muốn ở với loài người

Vì yêu thương loài người quá đỗi nên Thiên Chúa muốn sống-với con người, muốn hiện-diện-bên-cạnh con người mọi lúc mọi nơi. Danh hiệu Em-ma-mu-en gói trọn ước vọng của Thiên Chúa muốn ở mãi với loài người.
Ước vọng nầy cũng được Chúa Giê-su khẳng định lại khi Ngài sắp từ giã các môn đệ:
“Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế .”  (Mt 28, 20)
Tâm tình này cũng đã được Chúa Giê-su bày tỏ qua lời cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con …” (Ga 17,24).

Thiên Chúa ở với loài người cách nào?

Để thực hiện ước muốn ở với loài người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã vượt qua khoảng cách gần như vô tận giữa trời và đất để chấp nhận sinh ra làm người, chia sẻ thân phận đau thương của kiếp người để ở với mọi người.
Ngay cả khi Chúa Giê-su được vinh thăng trên các tầng trời, chấm dứt sự hiện diện hữu hình trên mặt đất, thì Ngài vẫn tiếp tục hiện diện cách thiêng liêng trong tâm hồn của các tín hữu và trong Hội thánh.
Chúa Giê-su tiếp tục hiện diện với chúng ta qua Lời của Ngài: chính Ngài ngỏ lời với ta khi Giáo Hội công bố Lời Chúa.
Chúa Giê-su tiếp tục ở với chúng ta khi chúng ta họp nhau nhân danh Ngài như Ngài từng nói: “Khi có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, Thầy sẽ ở giữa những người đó” (Mt 18,20).
Chúa Giê-su cùng với Chúa Cha và Thánh Thần thường xuyên cư ngụ trong lòng những kẻ yêu mến và tuân giữ Lời Ngài: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy ” (Gioan 14, 23).
Thế nhưng bấy nhiêu cũng chưa thoả lòng yêu thương nên Chúa Giê-su còn lập nên bí tích Thánh thể, hiện diện thực sự dưới hình bánh rượu để cho chúng ta được rước Chúa vào lòng, để chúng ta được trở nên đồng huyết nhục với Chúa, được sống trong Chúa và Chúa sống trong chúng ta.

Nguyện vọng tha thiết nhất của Thiên Chúa là ở với loài người mọi ngày cho đến tận thế. Và điều đau lòng nhất của Thiên Chúa là bị nhân loại từ khước như thánh Gioan nhận định trong Tin mừng thứ tư : “Ngài ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài. Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Gioan 1, 10-11).

Lạy Chúa Giê-su,

Để thể hiện ước vọng muốn sống với chúng con, hiện diện bên cạnh chúng con, mỗi ngày Chúa đều đến với chúng con qua nhiều hạng người mà chúng con gặp gỡ.
Tiếc thay, chúng con thường lãng quên những người đó là hiện thân của Chúa nên đã có thái độ lạnh lùng, xa cách. Xin cho chúng con biết mở rộng trái tim để đón tiếp mọi người và dành cho họ một chỗ đứng quan trọng trong lòng chúng con, vì khi tiếp đón họ là chúng con đang tiếp rước Chúa.
 
LM Inhaxiô Trần Ngà

Mt 1, 18-25
18 Chúa Ki-tô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.   19Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.  21Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ ."  22Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta ."   24Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. 25Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.