Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

SUY NIỆM CHÚA NHẬT NGÀY 18-12-2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mat-thêu (Mt 1, 18-24)
 

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.19Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.25 Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.

SUY NIỆM 1

Đức cha Gaillot, một Giám mục người Pháp đã có nhận định cũng rất đáng để chúng ta suy nghĩ:

“Sống rộng lượng là một việc tốt, nhưng ‘sống với’ thì tốt hơn; và công việc từ thiện là một điều cần thiết, nhưng ‘hiện diện bên cạnh’ lại cần thiết hơn”.

Và người xưa thường nói: “của cho không bằng cách cho”. Quả thật, đúng như vậy, dù chúng ta có rộng lượng với người nghèo khổ bao nhiêu cũng không bằng đến với họ, chia sẻ buồn vui với họ. Dù chúng ta có làm bao nhiêu việc từ thiện để giúp cho người đau khổ cũng không bằng đến “hiện diện bên cạnh” họ trong những lúc đau thương. 

Chính do bởi đó, vì yêu thương con người, nên Thiên Chúa muốn sống với con người, muốn hiện diện bên cạnh con người mọi lúc và mọi nơi. Và chính danh hiệu Em-ma-mu-en đã gói trọn ước vọng của Thiên Chúa muốn ở mãi với con người.

Và ước vọng nầy cũng được Chúa Giêsu khẳng định lại khi Người sắp từ giã các môn đệ, mà Tin mừng theo thánh Matthiêu đã thuật lại: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). 

Để thực hiện ước muốn ở với con người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã vượt qua khoảng cách gần như vô tận giữa trời và đất, khi mà con người đã bất tuân phục thánh ý của Thiên Chúa, để đến ở cùng con người, đã mang thiên tính cao cả của Thiên Chúa hòa chung với nhân tính yếu hèn của con người, để chia sẻ thân phận đau thương của kiếp người. 

Ngay cả khi Chúa Giêsu chấm dứt sự hiện diện hữu hình bị giới hạn bởi không gian và thời gian ở trên mặt đất, thì Người vẫn tiếp tục hiện diện cách thiêng liêng trong tâm hồn của mỗi người tín hữu chúng ta và trong Giáo Hội: khi mà Giáo Hội công bố Lời Chúa, “khi có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, Thầy sẽ ở giữa những người đó”.

Cũng như Gioan đã thuật lại lời nói của Chúa Giêsu: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy (Ga 14, 23).

Thế nhưng bấy nhiêu đó cũng chưa đủ để thoả mãn lòng yêu thương, nên Chúa Giêsu còn lập nên bí tích Thánh Thể, Người hiện diện thực sự dưới hình bánh hình rượu để cho chúng ta được rước Chúa vào lòng, để chúng ta được trở nên đồng huyết nhục với Chúa, được sống trong Chúa và Chúa sống trong chúng ta. 

Nguyện vọng tha thiết nhất của Thiên Chúa là ở với con người mọi ngày cho đến tận thế. Thế nhưng, Thiên Chúa lại bị nhân loại từ khước như thánh Gioan đã nhận định: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà đã không chịu đón nhận” (Ga 1, 10-11).

Mỗi ngày, chúng ta đang gặp những người xa, những người gần, những người đang tìm đến với chúng ta. Họ là hiện thân của Đức Emmanuel.

Vì thế, rất ước mong mỗi người chúng ta luôn biết mở rộng trái tim để đón tiếp Đấng Emmanuel, và dành cho Người một chỗ đứng quan trọng trong lòng chúng ta. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2
Tên của Thánh Giuse được định vị, có thể nói, ở ngay vị trí trung tâm của tương quan giữa lịch sử cứu độ và Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể, như thánh sử Mát-thêu trình bày cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm qua :
Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
(c. 15-16)
Tuy nhiên, vai trò lớn lao này của Thánh Giuse lại bắt đầu bằng một biến cố thật hạn hẹp, thật nhỏ bé, thật khiêm tốn, thật âm thầm và kín ẩn, đó là biến cố « truyền tin » cho Thánh Giuse. Nhỏ bé và âm thầm, nhưng đó chính là một kinh nghiệm thiêng liêng làm thay đổi cuộc đời của Thánh Giuse và của lịch sử cứu độ. Và đó cũng là như thế đối với lời « xin vâng » nhỏ bé và âm thầm của chúng ta.
Trình thuật truyền tin cho Thánh Giuse mở đầu bằng ý định lìa bỏ, hay đúng hơn « lui lại phía sau » (c. 18-19) và kết thúc với quyết định đón nhận (c. 24-25) ; và như thế trung tâm của trình thuật là Lời Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa được chuyển đạt ngang qua trung gian sứ thần (c. 20-22) và Lời Thiên Chúa đến từ Kinh Thánh (c. 22-23).
(A)  Ý định lìa bỏ (c. 18-19).
(B) Lời Thiên Chúa (c. 20-23).
(A’) Quyết định đón nhận (24-25).
1. Ý Định “lui lại phía sau” (c. 18-19)
Người ta thường hiểu đức công chính của Thánh Giuse là đức công chính theo Lề Luật, bởi lẽ ngài quyết định từ bỏ vị hôn thê của mình, vốn có thai trước khi về nhà chồng; nhưng ngài cũng là người nhân từ, nên không muốn làm to chuyện mà chỉ hành động cách kín đáo mà thôi. Tuy nhiên cách hiểu này hướng chúng ta đến nhân đức cá nhân của Thánh Giuse, trong khi tác giả Tin Mừng lại muốn bày tỏ cho chúng ta vai trò lớn lao của Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ.
Thật vậy, trình thuật Tin Mừng theo thánh Mát-thêu có sứ điệp chính yếu liên quan đến vai trò của Thánh Giuse. Nếu quyền năng của Thánh Linh làm cho việc thụ thai đồng trinh xẩy ra, thì thánh Giuse vẫn có một sứ mạng phải đảm nhận. Và đức công chính của thánh nhân được thể hiện ngang qua cung cách ngài đảm nhận sứ mạng này. Ngài là người công chính, không phải vì tuân giữ thật nhiệm nhặt Lề Luật, vốn cho phép li dị trong trường hợp ngoại tình, cũng không phải vì tỏ ra quá nhân từ đối với Đức Maria, cũng không phải vì lẽ công bằng mà ngài phải thực hiện đối với vị hôn thê vô tội, nhưng trong mức độ ngài nhận ra và tôn trọng sự hiện diện và hành động nhiệm mầu của Thiên Chúa nơi Đức Maria; vì thế, ngài không muốn âm thầm tự biến mình trở thành cha của Con Trẻ thần linh như không có chuyện gì. Nếu ngài sợ rước Đức Maria về nhà, đó không phải là vì động lực tính toán hơn thiệt, nhưng vì ngài khám phá ra một “nhiệm cục” lớn hơn nhiệm cục hôn nhân mà ngài đang dự kiến. Thánh Giuse thận trọng “lui lại phía sau” trong sự tinh tế của đức công chính mà ngài nỗ lực thể hiện đối với Thiên Chúa, và xác tín rằng đó là điều Người muốn, ngài không muốn “phát tán” mầu nhiệm thần linh đang hình thành nơi Đức Maria. Nhưng, Đức Chúa muốn bảo đảm tương lai cho Người Trinh Nữ Ngài đã tuyển chọn và Ngài muốn trao sứ mạng hệ trọng này cho chính Thánh Giuse, và sứ mạng này đã làm thay đổi sâu xa cuộc đời của thánh nhân. Thiên Chúa can thiệp và Thánh Giuse vâng phục. Lời xin vâng rất lặng lẽ nhưng thật lớn lao.
Như thế, sự công chính của Thánh Giuse được thể hiện trong tương quan tinh tế của ngài với chính Thiên Chúa, chứ không phải với Lề Luật, ngang qua ý định “lui lại phía sau” cách âm thầm cũng như qua lời xin vâng quảng đại, và ngài sẽ đảm nhận sự ưng thuận của mình cho đến cùng. Tuy nhiên, ngài luôn đảm nhận với tâm tình “lui lại phía sau”, không phải để thoái thác, nhưng để cho Mầu Nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa và Mầu Nhiệm Mẹ Thiên Chúa được rạng ngời. Và khi đến thời gian đã định, Đức Chúa sẽ “chiều theo” lòng ước ao của thánh nhân.
Nhưng trên hết, nơi đức công chính của Thánh Giuse, và một Thánh Giuse được định vị trong lịch sử cứu độ, chúng ta sẽ khám phá ra rằng đó còn là và nhất là đức công chính mà Thiên Chúa ban cho ngài. Bởi vì, ngài đã được Thiên Chúa chọn và chuẩn bị cách nhưng không từ trước muôn thủa để cộng tác vào kế hoạch cứu độ.
2. Lời Thiên Chúa (c. 20-23)
a. Sứ thần báo mộng
Thánh Giuse được mời gọi cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và nhất là vào tiến trình Nhập Thể của Con Thiên Chúa, nhưng ngài lại nghe được tiếng gọi đảm nhận sứ mạng lớn lao này ngang qua những giấc mơ nhỏ bé và âm thầm của Ngài ; bốn biến cố khúc quanh trong giai đoạn đầu của mầu nhiệm Nhập Thể ứng với bốn giấc mơ của Thánh Giuse: trước khi ngài đón Đức Maria về chung sống, đưa gia đình đi trốn sang Ai Cập, đưa về quê hương và cuối cùng đưa đến lập nghiệp ở Nazareth (Mt 1, 20 ; 2, 13.19.22). Phải chăng đó là vì khi nằm mơ, con người chúng ta trở nên yếu ớt nhất, ít kháng cự nhất đối với ý muốn của Thiên Chúa? Nếu đúng như thế, các giấc mơ có thể được hiểu như một ngôn ngữ diễn tả sự ưng thuận trọn vẹn của Thánh Giuse đối với ý muốn của Thiên Chúa. Sự ưng thuận đến quên mình.
Chúng ta không thể không so sánh sự ưng thuận này với lời “xin vâng” của Đức Maria; và chúng ta có thể nhận ra rằng sự ưng thuận của Thánh Giuse thật là tuyệt đối! Để Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa cần hai lời xin vâng chứ không phải một.
b. Sứ mạng của Thánh Giuse
Thực vậy, sứ thần đến xác chuẩn nguồn gốc thần linh của con trẻ đang được hoài thai trong cung lòng Đức Maria, đồng thời mời gọi Thánh Giuse đón nhận sứ mạng; sứ mạng này gồm hai bước: đón nhận Đức Maria vào nhà mình và đặt tên cho Người Con. Ngoài ra, sứ thần còn kết nối mầu nhiệm Nhập Thể với lịch sử cứu độ, được diễn tả bởi bản Gia Phả, ngang qua lời Kinh Thánh: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Is 7, 14).
Thiên Chúa cần sự cộng tác của Thánh Giuse, vì Ngôi Lời sinh ra vẫn chưa đủ, cho dù đây là cuộc sinh ra lạ lùng về khía cạnh sinh học. Bởi vì Ngài còn phải hội nhập vào một gia tộc và một dân tộc với một lịch sử và một nền văn hóa đặc thù ; qua đó, Ngài mang lấy « thân phận con người ». Để có được chiều kích nền tảng này của mầu nhiệm nhập thể, Con Thiên Chúa cần một người đàn ông nhận mình làm con một cách tự do. Thật vậy, khi đón nhận Mẹ Maria và hoa trái trong lòng Mẹ, Thánh Giuse làm cho Người Con đi vào trong dòng tộc Đavít, nghĩa là đi vào lịch sử và nền văn hóa của một dân tộc; và khi đặt tên, ngài nhận Con Trẻ làm con của mình một cách chính thức. Vì thế, khi loan báo, thiên thần đã gọi Thánh Giuse một cách long trọng: “Ông Giuse, con vua Đavít”.
Chúng ta hãy hình dung ra tình cảnh một em bé được sinh mà không có cha, và tình cảnh này không hề hiếm thấy trong xã hội chúng ta hôm nay. “Có cha” ở đây không theo nghĩa sinh học (vì ai mà chẳng có cha theo nghĩa sinh học), như chúng ta vẫn hiểu như thế khi nói: em bé sinh ra không cha; nhưng theo nghĩa là phải có ai đó nhìn nhận và đưa vào trong một tương quan gia đình, gia tộc, dân tộc (với một lịch sử và một nền văn hóa) và qua đó tương quan gia đình nhân loại.
Cũng như Đức Maria, Thánh Giuse đã can đảm để cho Đức Giêsu đến với lịch sử nhân loại và thế giới con người cách thực sự và trọn vẹn ngang qua cuộc đời nhỏ bé của mình. Thánh Giuse không sinh ra Đức Giêsu, nhưng ngài đã cưu mang thực sự Đức Giêsu trong những tháng năm dài để làm cho ngài lớn lên và đi vào lịch sử (cá nhân, nhóm, dân tộc và cả nhân loại). Phải chẳng đó cũng là sứ mạng của mỗi người chúng ta?
3. Quyết định đón nhận (c. 24-25)
Nhận một trinh nữ mang thai về nhà, rồi sau đó đặt tên cho em bé, đó là một việc thật giới hạn trong không gian và thời gian. Nhưng ý nghĩa của hành động này thật lớn lao, vì Thánh Giuse sẽ làm cho Con Trẻ mới sinh trở thành “Con Vua Đavít”, một tước hiệu có tính quyết định trong sứ mạng của Đức Giêsu, và nhất là trở thành Đấng Emmanuel, Thiên Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta. Quả vậy, sau này, Đức Giêsu sẽ có một tương quan mật thiết từ rất sớm với Chúa Cha, được diễn tả trong trình thuật ở lại Đền Thờ theo Tin Mừng Luca (Lc 2, 49) và trở nên một với Chúa Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9). Nếu như thế, chúng ta phải coi trọng hình ảnh đầu tiên về người cha mà Đức Giêsu có được trong ý thức của mình; và hình ảnh này chỉ có thể là « bố Giuse » của Đức Giêsu.

*  *  *
Sứ mạng lớn lao như thế, nhưng trong thực tế, Thánh Giuse chỉ nhận được mỗi tước hiệu “Cha Nuôi” của Đức Giêsu! Cái nhìn của chúng ta về Thánh Giuse bị chi phối nặng nề bởi bình diện sinh học, hay nói một cách trí thức hơn, bình diện bản tính. Chúng ta phải vượt qua cái nhìn sinh học, máu mủ huyết thống. Bởi vì yếu tố quyết định trong tương quan của Thánh Giuse và Thánh Gia là sự lựa chọn tự do. Và đó chính là tương quan của Nước Trời : do bởi Tinh Yêu tự do nhưng không, chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa ; vì thế, chúng ta được mời gọi nhìn nhận nhau là anh chị em của nhau, theo cách thức Đức Giêsu đón nhận mỗi người chúng ta.
Thánh Giuse đã không nghe đuợc câu nói này của Đức Giêsu : « Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em, là mẹ tôi » (Mc 3, 35), nhưng ngài đã sống trọn vẹn điều này trước đó thật lâu. Có thể nói chắc chắn rằng, trước khi công bố lời này, Đức Giêsu đã kinh nghiệm được tương quan mới mẻ này nơi Thánh Giuse. Như thế, lý do tận cùng của sự kiện Thánh Giuse là « bố » của Đức Giêsu, « bố đích thực », chính là vì ngài đã thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

Mùa Vọng 2016
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc