Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

Nguy hại từ thói quen ăn mặn của người Việt

Filled under:

Chính tập quán ăn uống từ lâu đời với đủ các loại mắm, cà muối, dưa muối... lâu dần dẫn đến mọi người có thói quen ăn mặn. Một bát phở hoặc bún cũng có thể có 4-5g/muối
Kết quả điều tra sơ bộ của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, rất nhiều người Việt Nam trong độ tuổi 26-64 tiêu thụ lượng muối cao hơn so với lượng muối do Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo là ít hơn 5 g một người một ngày. Gần 60% người dân tiêu thụ lượng muối cao gấp 2 lần lượng muối được khuyên dùng hàng ngày.
Theo PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, người Việt ăn rất mặn. Số liệu điều tra tại thành phố Việt Trì năm 2012 cho thấy người trưởng thành tiêu thị muối 15,3 g muối/ngày, trong khi theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, người trưởng thành nên sử dụng dưới 5g muối/ngày.
Giải thích lý do của việc người Việt ăn rất mặn, PGS Lê Danh Tuyên cho rằng chính tập quán ăn uống từ lâu đời với đủ các loại mắm, cà muối, dưa muối... lâu dần dẫn đến mọi người có thói quen ăn mặn. “Một bát phở hoặc bún cũng có thể có 4-5g/muối”- PGS  Tuyên cho biết
Lượng muối tiêu thụ hàng ngày của người Việt chủ yếu từ việc nêm nếm trong quá trình chế biến, nấu nướng, các loại nước chấm. Ngoài ra còn có một lượng lớn đến từ các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, đồ đóng hộp, giò chả, mỳ tôm...
Đáng lưu ý, mì chính cũng là một loại muối với tên gọi monosodium glutamate tuy nhiên khi nêm nếm ít người để ý.
Theo bác sĩ, tiêu thụ quá nhiều muối có thể dẫn đến (hoặc góp phần vào) bệnh tăng huyết áp và làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ. Ăn mặn sẽ khát nước. Khi nước vào cơ thể sẽ đi vào máu làm tăng thể tích tuần hoàn, tăng áp lực trong máu dẫn đến tăng huyết áp. Việc sử dụng quá nhiều muối còn gây giữ nước với bệnh nhân suy tim, thận nhiễm mỡ…
Người Việt đang ăn quá mặn dẫn đến nguy cơ mắc nhiều bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe
Tổ chức Y thế Thế giới khuyến cáo ăn nhiều muối làm tăng huyết áp, nguy cơ chính cho các bệnh tim mạch, trong đó có đột quỵ.
Theo thống kê năm 2015 của Hội tim mạch học Việt Nam, trên 5.454 người trưởng thành (từ 25 tuổi trở lên) tại 8 tỉnh thành trên toàn quốc cho thấy 47,3% người trưởng thành bị tăng huyết áp. Trong khi tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, chiếm ít nhất 45% các ca tử vong do bệnh tim mạch và 51% các ca tử vong do đột quỵ. Ở  Việt Nam, số người tử vong do các bệnh lý nhồi máu cơ tim hàng năm là 100.000 – 150.000 người, trong đó nguyên nhân chủ yếu do tăng huyết áp.
Theo GS Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia: “Ăn mặn sẽ khát nước. Khi nước vào cơ thể sẽ đi vào máu làm tăng thể tích tuần hoàn, tăng áp lực trong máu dẫn đến tăng huyết áp. Do đó người dân cần phải ý thức giảm lượng muối mỗi ngày. Với các bệnh nhân huyết áp cao, chỉ định bắt buộc là phải ăn nhạt”, GS. Lợi khuyến cáo.
Không chỉ tăng huyết áp, việc sử dụng quá nhiều muối còn gây giữ nước với các bệnh nhân suy tim, thận nhiễm mỡ…
Một nghiên cứu tại Anh cho thấy giảm ăn muối 5 g một ngày sẽ giảm 23% nguy cơ tử vong do đột quỵ và khoảng 17% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân cao huyết áp chỉ nên dùng 2-4 g muối mỗi ngày. Người trưởng thành nên sử dụng dưới 5 g muối mỗi ngày, trẻ em dưới 5 tuổi nên sử dụng ít hơn 3 g muối mỗi ngày, trẻ em 6-11 tuổi chỉ nên ăn dưới 4 g.

Mỗi cá nhân và gia đình có thể giảm lượng muối ăn bằng những biện pháp rất đơn giản như không đặt nước mắm, nước tương và muối trên bàn ăn; hạn chế lượng muối, bột canh, nước mắm… cho vào thức ăn khi nấu nướng - tối đa không quá một phần năm thìa cà phê muối cho một bữa ăn của mỗi người một ngày; hạn chế sử dụng sản phẩm có lượng muối cao như khoai tây chiên...

Hầu hết mọi người không biết về mặt trái của sữa?

Tại sao chúng ta lại yêu sữa đến vậy?
Chắc hẳn nếu ai đó nói với bạn “sữa không tốt cho sức khỏe”, ngay lập tức bạn thấy điều này rất khó chấp nhận. Đơn giản vì, bạn đã là “tín đồ” của sữa một cách tự nhiên. Và như đã nói ở trên chúng ta đã được “rèn luyện” từ nhỏ để yêu sữa, để coi sữa là một thực phẩm quý giá, thiết yếu, tốt cho sức khỏe.
Có phải bạn hay nói với con bạn “ Uống sữa để cho cao…mau lớn ….thông minh…khỏe mạnh….”. Những điều này cũng không phải các mẹ tự nghĩ ra, vậy các mẹ lấy các thông tin về lợi ích của sữa này từ đâu? Chủ yếu là từ quảng cáo của các hãng sữa: thêm cao, mắt sáng, thông minh và còn cả tăng cường miễn dịch nữa??? Hàng tá lợi ích thế này không yêu sao được. Hơn nữa, hầu hết mọi người đều thích cái vị thơm ngon, béo ngậy của sữa. Nó cũng vô cùng tiện lợi và dễ sử dụng, nhất là đối với trẻ em. Bảo sao, ta cứ dành một tình yêu bất diệt cho sữa.
Tại sao chúng ta không nên lấy việc tiêu thụ sữa lớn ở một số nước Bắc Âu để đem ra so sánh và làm chuẩn?
Người Bắc Âu đã có lịch sử uống sữa bò và ăn phô mai cùng các sản phẩm từ sữa khoảng 8000 năm trước đây, cùng thời gian với người dân Đông Á học cách trồng lúa và làm rượu gạo. Khi những người châu Á đầu tiên uống rượu, họ bị say với chỉ một lượng rượu rất nhỏ thì những người Bắc Âu đầu tiên thử uống sữa cũng bị vấn đề về tiêu hóa bởi họ thiếu gen sản xuất ra lactase, một loại enzyme giúp tiêu hóa đường lactose có trong sữa.
Ở một vài nơi trên thế giới, con người cuối cùng đã biến đổi về gen để cho phép họ và con cái tiêu hóa sữa tốt hơn (Cũng như vậy, nếu sữa được ai đó uống đủ một thời gian dài thì sẽ xuất hiện sự thích ứng ở ruột trong việc tiêu hóa sữa, sẽ làm tăng men tiêu hóa lactose). Hơn 80% dân số ở quần đảo Anh và Scandinavia khi sinh ra đã có enzyme lactase và có thể tiêu hóa được sữa vào tuổi tuổi trưởng thành. Ở Bắc Ấn Độ, khoảng 63% dân số có lactase, ở phía Nam Ấn Độ, tần suất là từ 10 đến 20%. Ở Đông Phi và Trung Đông, sữa bò và lạc đà đã được uống từ hàng ngàn năm, vì thế, tỷ lệ dân số có enzyme lactase là cao.
Như vậy, việc uống sữa ở một số nơi trên thế giới không đơn thuần chỉ là sử dụng một thực phẩm bổ sung dinh dưỡng mà nó dường như trở thành một nét văn hóa có lịch sử lâu đời của họ. Họ uống sữa lâu đời đến mức biến đổi về gen để tiêu hóa sữa tốt hơn. Do vậy, đa phần họ không gặp phải các vấn đề tiêu hóa và các hệ lụy khác do không dung nạp đường lactose sinh ra như người dân ở nơi khác. Điều này cũng được chỉ ra trong một báo cáo tổng quan hệ thống được Cơ quan đặc trách nghiên cứu và chất lượng y tế, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ công bố. Nghiên cứu chỉ ra ở những cá nhân người Bắc Âu, cường độ không dung nạp lactose rất thấp ở trẻ em và vẫn ở mức thấp khi trưởng thành. Tuy nhiên, đối với người Mỹ gốc Phi, Tây Ban Nha, Châu Á, cường độ không dung nạp lactose có thể cao hơn 1,5 lần vào cuối thời thơ ấu và tuổi trưởng thành so với người Bắc Âu15.
Thừa nhận rằng chúng ta cần học tập nhiều điều từ người châu Âu, nhưng không phải tất cả, chẳng hạn như việc tiêu thụ lớn fast food và thực phẩm công nghiệp hàng ngày, sự phổ biến của hút thuốc lá ở các lứa tuổi, giới tính hay sự phát triển công nghiệp quá mức dẫn đến việc tàn phá và hủy hoại môi trường, việc chú trọng đến tăng trưởng GDP mất cân bằng với GNP. Không phải đất nước họ văn minh và phát triển thì điều gì họ làm cũng đúng và là chuẩn cho ta. Họ uống sữa nhiều không có nghĩa chắc chắn là sữa tốt (Fast food không có lợi cho sức khỏe, vậy tại sao họ vẫn sử dụng nhiều, sử dụng hàng ngày. Chúng ta cần biết rằng họ vẫn phải đối mặt với những nguy cơ sức khỏe từ thực phẩm này, chẳng hạn béo phì). Thông tin tốt nhất cho chúng ta là từ các nghiên cứu đáng tin cậy và từ các khuyến cáo của các cơ quan y tế có uy tín, các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức hoạt động vì cộng đồng.
Xét về khía cạnh thiên nhiên, sữa bò dùng cho người có gì bất hợp lý không?
Theo bạn, sữa của loài bò mà dùng cho loài người liệu có phù hợp với tự nhiên không? Uống sữa của một loài khác có phải là thuận tự nhiên không? Hãy sử dụng khả năng xét đoán của bạn một chút. Sữa của mọi loại động vật có vú là riêng biệt và được tiết ra theo yêu cầu của loài đó. Sữa bò giàu protein hơn sữa người từ 3 đến 4 lần. Tuy nhiên, lại thiếu các axit béo thiết yếu để phát triển não và hệ thần kinh. Rõ ràng, sữa bò không được thiết kế cho người. Đặc tính riêng của loài người là hệ thần kinh phát triển ở mức cao và khả năng điều khiển cơ bắp tinh tế. Chúng ta không cần khung xương đồ sộ hay cơ bắp khổng lồ như con bò. Trẻ sơ sinh cần những nguyên liệu thiết yếu để phát triển não bộ, tủy sống và dây thần kinh của chúng. Theo một nghiên cứu năm 1992 đăng trên tạp chí Lancet, trẻ bú mẹ có chỉ số IQ cao hơn 10 điểm so với những trẻ uống sữa công thức.
Tại sao hầu hết mọi người không biết về mặt trái của sữa?
Mặt được cho là tốt của sữa được quảng cáo rầm rộ trên TV cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác. Mặt trái của sữa thì hầu như “nằm im” trong các tài liệu nghiên cứu khoa học, nếu có được công bố thì hầu như cũng chỉ giới khoa học biết với nhau và không được phổ biến rộng rãi cho cộng đồng. Đơn giản vì chẳng có ai tài trợ cho các nhà khoa học quảng cáo rộng rãi cả, nếu có phổ biến ra cộng đồng thì “ăn thua” gì so với các quảng cáo sữa, các chiêu thức marketing chuyên nghiệp. Khác nào lấy trứng chọi đá.
Vậy nên với hầu hết mọi người, mặt lợi thì thuộc như cháo chảy, mặt hại thì không nghe thấy bao giờ hoặc có chăng thì rất lờ mờ và chính vì lờ mờ nên hầu như là không tin. Cần nói rõ ở đây là mặt lợi theo quảng cáo, còn cụ thể lợi như thế nào không phải ai cũng biết. Đó có thể coi là 1 cuộc chiến không cân sức giữa các nhà sản xuất sữa và các nhà khoa học chân chính, có trình độ chuyên môn sâu và đam mê nghiên cứu về sữa (Tôi cần phải nói rõ là nhà khoa học có trình độ chuyên môn sâu và đam mê nghiên cứu hoặc tìm hiểu về sữa, chứ không hẳn là các chuyên gia dinh dưỡng. Chuyên gia dinh dưỡng, hoặc bác sỹ dinh dưỡng mà không tìm hiểu kỹ và đủ thông tin về sữa thì cũng khó đưa ra cho bạn lời khuyên tốt).
Vậy nên sữa vẫn được quảng bá rộng rãi để mọi người lầm tưởng về nhiều lợi ích của nó. Chẳng có gì lạ cả. Các bạn thử nghĩ xem đến thuốc lá được chứng minh và phổ biến ba năm rõ mười cho cộng đồng biết về tác hại của nó mà vẫn được sản xuất và sử dụng rộng rãi. Đây thì lại là 1 cuộc chiến giữa ngành y tế và ngành thương mại thuốc lá (Để có được thành quả là dòng chữ “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” được dán trên vỏ bao thuốc lá với nội dung như thế, cỡ chữ như thế, vị trí như thế, đằng sau nó là cả một sự nỗ lực của những nhà khoa học trong ngành y tế công cộng).
Mọi việc trong xã hội không đơn giản như chúng ta nghĩ, đen trắng rõ ràng, thẳng là thẳng, cong là cong, cái gì tồn tại được thì đều hợp lý. Vậy nên đừng thấy nó vẫn tồn tại ngang nhiên, nó vẫn được dùng phổ biến trong cộng đồng mà không mảy may nghi ngờ và đặt niềm tin hoàn toàn vào nó.
Lưu Thị Kim Oanh