Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

5 Phút Cho Lời Chúa 1/12/2016

Filled under:


TRỞ NÊN NGƯỜI BÉ MỌN
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Lc 10,21)
Suy niệm: Xúc động trước tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã cảm tạ: “Phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1,48). Trong đêm Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh, những người đầu tiên được thiên thần báo tin đến thờ lạy Hài Nhi Giê-su không phải là những nhà thông thái, những người am hiểu Kinh Thánh, mà là những người chăn chiên ở ngoài đồng. Sau này, Đức Giê-su cũng tuyển chọn các Tông Đồ, đa số là những người đánh cá, không thuộc giới trí thức của xã hội. Những người bé mọn được mạc khải mầu nhiệm Nước Trời vì họ khiêm tốn, đơn sơ tín thác vào Chúa, chứ không cậy dựa vào kho kiến thức và những lý lẽ uyên bác của mình.
Mời Bạn suy niệm lời ngợi khen của Đức Ma-ri-a trong bài ca Magnificat, tâm tình cảm tạ của Đức Giê-su, lần giở những trang Kinh Thánh và lịch sử Giáo Hội để thấy rằng Thiên Chúa đã làm những điều lớn lao qua những con người bé mọn. Đừng nghĩ rằng mình quá bé nhỏ không đóng góp được gì! Hãy xác tín rằng Thiên Chúa có thể làm được mọi sự qua những con người bé mọn, nhưng biết tín thác vào Ngài.
Chia sẻ cách bạn đã học hỏi, suy niệm và cầu nguyện với Lời Chúa.
Sống Lời Chúa: Suy niệm Lời Chúa, đọc tiểu sử các thánh để nhận ra những điều vĩ đại Thiên Chúa đã làm qua những con người bé mọn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sống như người bé mọn, để trở thành khí cụ bình an của Chúa, đem yêu thương đến cho mọi người. Amen.

THÁNH EDSMOND CAMPION
DÒNG CHÚA GIÊSU TỬ ĐẠO
Trong số các vị tử đạo chính dưới thời cấm đạo của Nữ Hoàng Êlizabett, chúng ta phải kể đến cha Edsmond Campion thuộc dòng Chúa Giêsu. Ngài là một người có học thức và phong độ, đã khéo biết quy hướng tính hào hoa phong nhã đó vào việc phục vụ Thiên Chúa và đồng bào ngài, đến nỗi ngài đã phải vì sứ vụ để làm sáng tỏ một vấn đề còn đang tranh luận thời đó.
Thân phụ ngài là chủ một nhà sách ở Luân đôn, sinh hạ ngài năm 1540. Thấy trí khôn Campion rất thông minh, nghiệp đoàn các người bán tạp hóa đã bằng lòng cấp học bổng cho cậu theo học đến cùng. Campion học rất xuất sắc nên còn được giải thưởng do các học đường Luân đôn trao tặng. Khi Nữ hoàng Maria Tudor vào đế đô, chính Campion đã được cử đọc bài chúc từ mừng Nữ hoàng.
Nghiệp đoàn các người buôn bán thực phẩm còn gửi ngài theo học tại đại học đường Oxford. Năm 1561, Campion đậu tú tài mỹ thuật. Ngài có một nền học nhân bản và có tài hùng biện và thực là một bậc kỳ tài trong thành phố này, vì thế, thanh niên rất ngưỡng mộ ngài. Nhưng trong khi đó, Campion vẫn để tâm chuyên chú văn chương La tinh, Hy lạp và chăm chỉ học môn Giáo phụ.
Thời Êlizabeth cầm quyền, Anh giáo được nhận làm quốc giáo và Nữ hoàng là giáo chủ tối cao. Các Giám mục, linh mục buộc phải phủ nhận quyền tối cao của Giáo hoàng Rôma và phải thề vâng phục nữ hoàng cả trong những vấn đề thuộc phạm vi tôn giáo. Tưởng có thể chấp nhận được lời tuyên thệ đó, lại nữa, theo lời Giám mục Gloucester khuyên, Campion đã chịu chức Phó tế theo giáo hội Êlizabeth.
Thấy Grêgôriô Matinô, bạn Campion, mời ngài đi Douai, nghiệp đoàn những người bán tạp hóa sợ ngài lại trở về quy phục Đức Giáo Hoàng Rôma. Nhưng rồi Campion lại bỏ Oxford đi Ái Nhĩ Lan, nơi đây người ta đang có dự định chấn hưng lại đại học đường ở Dublin. Tại đây, ngài đã viết một thiên tiểu luận về sinh viên nhan đề là "De Juvene academico" trong đó ngài phô bày tất cả sự thật về tính tình của người Ái Nhĩ Lan.
Càng ngày Campion càng hối hận vì đã theo giáo hội Êlizabeth, và càng khó xử hơn nhất là sau khi Đức Piô V đã ban bố sắc lệnh lên án Êlizabeth. Nhưng sau ngài đã nhất quyết trở lại.
Năm 1571, ngài cải trang và trở về Anh, gặp đúng lúc người ta hành quyết chân phước Gioan Storey. Ngài vào đại chủng viện ở Douai tiếp tục học triết lý kinh viện và viết nhiều thư tranh luận với lối văn Anh đơn sơ dễ hiểu.
Bất chợt ngài xin đi Rôma để được nhập vào một dòng ngài trìu mến: Dòng Chúa Giêsu. Năm 1573, bề trên gửi ngài tới nhà tập tại Braun bên Bôhême. Nơi đây đạo công giáo bị khủng hoảng vì lạc thuyết của Huss. Nhờ quảng đại, ngài đã sửa chữa lại được phần nào thiệt hại do Wiclip người đồng hương của ngài gây nên. Ở Praha, ngài đảm nhiệm nhiều công việc, nhất là dạy tu từ và triết học Aristốt. Đức Tổng Giám mục thành Praha truyền chức linh mục cho ngài năm 1579.
Thấy kết quả các tu sĩ dòng Tên thu được ở Trung âu, Allen, người Oxford, là sáng lập viên trường trung học Anh ở Douai, đồng thời là linh hồn của đạo quân những người Anh xuất ngoại vì đức tin, xin Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XII phái ngài về Anh quốc. Campion và Robert Persons là những người đầu tiên được phái đi. Mùa thu năm 1580, cha Campion cùng với một toán 14 người từ bỏ Rôma. Đến Milanô, các ngài có ghé qua nhà thánh Carôlô Bôrrômêô để lĩnh nhận những ý kiến khôn ngoan về việc truyền giáo. Cha Campion cải trang làm một người nô bộc, nhưng không thu được kết quả vì vị cựu giáo chủ Thệ phản không muốn tranh luận với một người nô bộc và đã lịch sự bỏ đi. Persons về nước đầu tiên, giả trang làm một quân nhân từ Hòa Lan đến, còn cha Campion lúc ấy tự xưng là thợ kim hoàn đi theo Persons. Các ngài có trọng trách làm dịu lại sắc lệnh của Đức Piô V đã lên án tuyệt thông cho Êlizabeth và những người theo bà, bằng cách giải thích rằng người công giáo Anh có thể tùng phục nữ hoàng trong những vấn đề trần thế. Phong trào công giáo tiến hành vì thế được phát động: giáo dân chuẩn bị môi trường, các linh mục sẽ đến hoàn tất, đồng thời xa lánh mọi hành vi chính trị. Một hội từ thiện được thành lập có nhiệm vụ giúp đỡ các vị thừa sai.
Đang khi đó không may có tin đồn đại rằng một phái đoàn của Đức Giáo Hoàng xúi giục người Ái Nhĩ Lan làm loạn đã gây thiệt hại lớn cho các ngài. Cha Campion bị bắt ngày 25.6.1580, rồi lại được tha, nhưng không thể sống ở Luân đôn được nữa, vì chính quyền vẫn luôn luôn theo dõi hành vi của ngài. Một hôm, ngài đang có việc phải nói truyện với một thiếu nữ gần một hồ nước thì chính quyền đến bất chợt mà ngài không biết. Ngài liền giả đò mắng nhiếc thiếu nữ kia và bị cô đẩy xuống hồ. Thấy vậy, không nhịn được cười, họ liền bỏ đi, nhờ thế ngài thoát nạn.
Để đánh tan lời đồn đại cho rằng các tu sĩ dòng Tên làm chính trị, cha Campion đã đệ trình lên chính quyền Anh quốc lúc đó một bản thỉnh nguyện với những lời lẽ khiêm tốn và đầy tính quảng đại như sau: "Bao bàn tay vô tội hằng ngày vẫn giơ lên trời cầu nguyện cho các ngài. Các sinh viên Anh quốc ở hải ngoại đang cố tập luyện nhân đức và trau dồi kiến thức đã quyết định không bao giờ bỏ các ngài, nhưng hằng cầu cho các ngài được phúc trời và nếu cần sẵn sàng chết vì những oán hờn của các ngài. Xin các ngài hiểu cho rằng chúng tôi đã thành lập một hội đoàn không phải để chiến đấu bằng gươm giáo, nhưng để sẵn sàng vui chịu những thánh giá các ngài đặt trên vai chúng tôi mà không hề ngã lòng cầu cho các ngài trở lại, cho dù chỉ còn một người để chịu đựng. Chúng tôi đã nhìn thấy những hao tổn của việc đã bắt đầu, nhưng vì là việc của Chúa nên không thể bỏ giở được. Đó là đường lối gieo mầm đức tin và phục hưng đức tin.
Ngày 27.6.1581, các sinh viên Oxford đến dự hội thường niên tại nhà thờ Đức Maria; tất cả đều bỡ ngỡ thấy 400 tập sách nhỏ do Campion viết bằng La ngữ, trình bày 10 điều biện hộ cho đức tin của mình. Ai nấy đều nhận rằng: phải có can đảm và khôn ngoan biết bao mới soạn thảo, in và phân phát được như thế.
Bị một người bỏ đạo tên là Georges Élot phản bội, ngày kia cha Campion đã bị bắt. Sau lúc bắt cha, tên cáo gian Élot nói với ngài: "Tôi chắc cha ghét công việc tôi đã làm lắm?" – "Không, tôi sẵn sàng tha thứ cho anh. Thật vậy, để chứng tỏ tôi sẽ nâng chén này để chúc sức khỏe cho anh. Nếu anh ăn năn, tôi sẽ làm phép giải tội cho, mà anh cũng nhớ phải làm việc đền tội tử tế đấy nhé".
Cha bị điệu về Tháp Luân-đôn. Người ta viết trên mũ ngài mấy dòng chữ tố cáo tội cha: "Campion, thầy dòng Tên phản loạn". Người ta giam ngài suốt ba ngày tại Pette Aise là nơi không thể đứng cũng không thể nằm, rồi khuyên ngài bỏ đạo thì sẽ được trọng thưởng. Người ta tra khảo rồi công bố ngài đã phản bội các đồng bạn, đã bội giáo, và còn buộc cho ngài nhiều tội khác. Cha Campion cố gắng cùng với các bạn giơ tay lên để phản đối và biện bạch cho sự vô tội của mình. Nhưng vì bị hành hình dữ quá, ngài không còn đủ sức, khiến các bạn phải giúp ngài giơ tay lên. Sau những lời lẽ phân trần biện bạch, cha sung sướng bày tỏ niềm hân hoan được chết vì Chúa Kitô. Tuy sức lực đã kiệt quệ, nhưng cha cũng cố gắng cất cao lời tạ ơn Thiên Chúa: "Te Deum laudamus". Cùng lúc ấy, Élot đến xin cha che chở hắn khỏi bị các người công giáo tấn công. Cha nhờ một bá tước người Đức bao dung y tại nhà ông yên ổn. Nhưng Élot vẫn không trở lại công giáọ  Ngày 01.12.1581, là ngày kết thúc cuộc đời của Campion và các bạn ngài. Như để thông cảm với cha, cảnh trời hôm đó cũng có vẻ ảm đạm khác thường vì lất phất mưa. Người ta đặt cha nằm trên một cái phên buộc vào đuôi hai con ngựa, rồi đánh cho hai con vật phóng như bay trên đường. Đến New Gate, cha cố vươn người lên một chút để chào một tượng Đức Mẹ ở đó. Đến Tiburn, gần Hyde Park, ở đó cha bị xử giảo; trước khi bị xử, cha to tiếng đọc đoạn thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô: "Bị nộp làm trò cười cho thiên thần và người ta, chúng tôi là những kẻ điên vì Chúa Kitộ.." (1Co 4,9-10).
Thấy các nhà quý phái cho ngài là người phản bội, một lần nữa ngài phân phô: "Nếu chỉ vì tôi theo đạo công giáo mà các ngài ghép tôi tội phản bội thì tôi xin nhận. Và tôi cũng chỉ có tội đó mà thôi". Rồi ngài nói ngài sẵn sàng tha thứ cho những ai kết án ngài và khiêm tốn xin những người mà vì sơ xuất cha đã làm mất lòng họ.
Một mục sư Anh giáo muốn hướng dẫn ngài cầu nguyện, ngài từ chối và nói: thưa ông, ông với tôi không cùng một tôn giáo. Tôi xin ông hãy cầu nguyện một mình ông. Tôi không cản trở ai cầu nguyện, nhưng tôi ao ước cầu nguyện và đọc kinh Tin kính với những người cùng chung một đức tin với tôi! Và ngài còn cầu nguyện cho nữ hoàng Êlizabeth được an bình thịnh trị. Rồi người ta chờ cho ngài tắt thở đoạn mới phanh thây ngài. Một tia máu của ngài vọt vào tay áo của Henry Walpole, một văn sĩ trẻ trung tên tuổi và cũng là một vị tử đạo tương lai. Cha Campion được phong chân phước năm 1886 và được kính nhớ trong các địa phận Anh quốc, Tiệp khắc và trong toàn thể dòng Tên.


Mang Nặng Ðẻ Ðau
Trong tờ thông tin liên lạc của một giáo xứ nọ, người ta đọc thấy ở trang bìa của số ra tháng 12 như sau: Mùa Vọng là mùa của thai nghén...
Có lẽ chỉ có những người đàn bà đã hơn một lần kinh qua thời kỳ thai nghén và sinh nở mới có thể giúp chúng ta hiểu được thế nào là 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đaữ. Trong 9 tháng 10 ngày, ngoài những nôn mửa không ngừng, người đàn bà mang thai thường phải trải qua nhiều tâm trạng khác nhau của vui buồn lẫn lộn...
Vui vì sự sống và niềm hi vọng đang lớn dần trong tâm hồn và thể xác của mình, người đàn bà mang thai cũng lo sợ vì những bất ngờ không lường trước được. Những đột biến trong người cũng khiến cho người đàn bà mang thai cảm nhận được sự mỏng dòn, yếu đuối của con ngườị Tất cả mọi cử động, chế độ dinh dưỡng đều được cân nhắc cẩn thận để không phương hại đến bào thaõ. Có nên tiếp tục đi nhanh như trước kia không? Có được hút một điếu thuốc như trước không? Có nên dùng càfê không? Có nên dùng một chút bia rượu không? Có nên thức khuya không?... Tất cả đều được cân nhắc từng li từng tí.
Bào thai càng lớn dần, niềm vui và nỗi lo lắng cũng tăng thêm... Và khi đến ngày nở nhụy khai hoa, như chúa Giêsu đã nhận xét, niềm vui của người đàn bà khỏa lấp được tất cả những chờ đợi trong khi mang thai và những đớn đau trong khi sinh con.
Sự chào đời của hài nhi không những mang lại niềm vui, nhưng cũng đảo lộn cuộc sống trong gia đình. Ðứa bé đã trở thành trung tâm của cuộc sống gia đình. Giờ giấc  thay đổi, nhịp sống cũng thay đổị Và có lẽ cái nhìn cũng đổi mới với mọi người trong nhà.
Mùa Vọng là mùa của thai nghén... Do tiếng "Thưa, xin vâng!" đáp trả của Ðức Tin, chúng ta cũng cưu mang chính Chúạ Như người đàn bà có thể cảm nhận được sự tăng trưởng của bào thai, chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự hiển diện mỗi lúc một thêm thân mật và gần gũi của Chúa trong tâm hồn chúng ta.
Cũng như người đàn bà mang thai có thể nhận ra sự mỏng dòn yếu đuối của mình, với sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn, chúng ta cũng cảm nhận sâu sắc hơn những bất toàn, khiếm khuyết và tội lỗi của chúng tạ Ý thức ấy càng mời gọi chúng ta bước đi trong từng cố gắng vươn cao hơn. Cũng như người đàn bà mang thai cân nhắc từng đường đi nước bước, từng cách ăn mặc đi đứng, người cưu mang Chúa cũng tập trung tất cả suy tư, hành động, cư xử của mình vào chính Chúạ Lẽ sống là động lực của người có niềm tin chính là Chúẫ. Bào thai càng lớn lên thì sự quên mình của người mẹ càng gia tăng. Người cưu mang Chúa cũng thế. Thánh Gioan Tẩy Giả đã diễn tả đúng đòi hỏi ấy khi Ngài nói về chúa Giêsu: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại"... Càng quên mình, người tín hữu Kitô càng cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn. Ðó là định luật của đời sống Ðức Tin. Chính khi quên mình, người Kitô cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và càng gặp được chính mình...
Mùa Vọng là mùa của thai nghén: chúng ta hãy chuẩn bị cho Chúa Giêsu một máng cỏ trong tâm hồn chúng tạ Cũng như người đàn bà quên mình vì không biết bao nhiêu chuẩn bị cho con, chúng ta cũng hãy hưởng trọn cuộc sống của chúng ta về với Chúa Giêsụ Hãy để cho Ngài lớn lên bằng những nhỏ lại của chúng ta: nhỏ lại trong tham vọng, nhỏ lại trong những ước muốn  bất chính, nhỏ lại trong những đố kỵ, ghen ghét, ích kỷ, nhỏ lại trong muôn vàn những đớn hèn, nhỏ nhặt trong cuộc sống... Và rồi, với Chúa ngự trị trong ta, tình mến sẽ lớn mãi trong trái tim.