Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Tin Công Giáo Thế Giới ngày 15.11.2016

Filled under:



Hơn 60 ngàn người đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha


VATICAN. Trưa chúa nhật 13-11-2016, hơn 60 ngàn người đã tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha. Ngài nhắc nhở mọi người hướng nhìn về Ngày của Chúa, đồng thời dấn thân xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
PopeFrancis-13Nov2016-10.jpg

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC diễn giải ý nghĩa bài đọc Tin Mừng chúa nhật 33 thường niên năm C, trong đó Chúa Giêsu báo trước với những người chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Đền Thờ Jerusalem và nói: ”Sẽ đến ngày từ những điều các ngươi đang thấy, sẽ không còn viên đá nào trên viên đá nào, nó sẽ bị phá hủy” (Lc 21,6).

ĐTC nhận xét rằng ”bao nhiêu điều gọi là chắc chắn trong cuộc sống mà chúng ta nghĩ là nhất định, vững chãi, nhưng rồi chúng tỏ ra là những điều phù du! Nhưng đàng khác, bao nhiêu vấn đề chúng ta tưởng là không lối thoát, nhưng rồi chúng được khắc phục!”

”Chúa Giêsu cảnh giác mọi người đừng kinh hoàng, đừng mất hướng đi vì chiến tranh, những cuộc đảo lộn và thiên tai, vì chúng thuộc về thực tại của thế giới này (XC vv. 10-11). Lịch sử Giáo Hội đầy gương của những người đã chịu đựng sầu muộn và đau khổ kinh khủng trong sự thanh thản, vì họ có ý thức mình đang ở trong tay Thiên Chúa một cách vững vàng. Thiên Chúa là người Cha trung tín, người Cha ân cần, không bỏ rơi con cái. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta!”

Vì thế ĐTC nhắc nhở các tín hữu hãy kiên vững hy vọng trong xác tín: ”Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử; tiến bước trong hy vọng, làm việc để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, mặc dù có những khó khăn và những biến cố đau buồn trong cuộc sống cá nhân và tập thể, đó là điều thực sự đáng kể, đó là điều cộng đoàn Kitô được kêu gọi thực hiện để đi gặp ”Ngày của Chúa”. Chính trong viễn tượng đó chúng ta muốn đặt sự dấn thân phát xuất từ những tháng ngày chúng ta sống Năm Thánh Lòng Thương Xót trong đức tin, Năm Thánh được kết thúc hôm nay trong các giáo phận toàn thế giới với nghi thức đóng cửa Năm Thánh trong các nhà thờ chính tòa.

Năm Thánh kêu gọi chúng ta, một đàng hướng nhìn về sự viên mãn Nước Chúa, và đàng khác xây dựng tương lai trên trái đất này, làm việc để loan báo Tin Mừng hiện tại, để biến nó thành thời kỳ cứu độ cho tất cả mọi người”.

Và ĐTC kết luận rằng: “Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria giúp chúng ta, qua những thăng trầm vui buồn của thế giới này, giữ vững niềm hy vọng nơi sự vĩnh cửu và Nước Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria giúp chúng ta hiểu sâu xa chân lý này: Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con cái của Ngài!

Sau khi đọc kinh và ban Phép lành cho mọi người, ĐTC cho biết Cây Thánh Giá gỗ cổ kính nhất của Đền Thờ Thánh Phêrô có từ thế kỷ 14 đã được trùng tu công phu và sẽ được đặt tại Nhà nguyện Mình Thánh Chúa của Đền thờ này, như kỷ niệm Năm Thánh Lòng Thương Xót.



(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 13.11.2016)


Nữ họa sĩ tranh icon giúp tín hữu đến gần Chúa hơn


Cindy Ng đang sử dụng truyền thống cổ đại giúp người Công giáo Hồng Kông
icon-painter.jpg
Cindy Ng, họa sĩ vẽ tranh icon Công giáo đầu tiên ở Hồng Kông,
bên bức icon và quyển sách cô đang dịch sang tiếng Hoa.
Ảnh: ucanews.com

Nhiều người nghĩ rằng nghệ thuật vẽ tranh icon của Kitô giáo là lĩnh vực đặc quyền của các họa sĩ nam và chỉ có các Kitô hữu Chính thống giáo mới có thể tạo ra được một bức icon tinh tế mà thôi. Nhưng tại giáo phận Hồng Kông có một nữ họa sĩ tranh icon là Cindy Ng đã quyết định làm được điều đó.

“Giáo hội Chính thống giáo chấp nhận các họa sĩ nữ. Thực tế là tôi có tên trong Facebook nội bộ của nhóm họ và họ thỉnh thoảng mời tôi tham gia các buổi tọa đàm về phụng vụ của họ và chia sẻ công việc của tôi với họ”, Ng cho biết.

Giới tính không phải là vấn đề mà các họa sĩ phải là Kitô hữu, mục sư Chan của Hội thánh Lutheran, người có nghiên cứu Kitô giáo cổ đại và tranh icon, cho biết.

“Nếu một Phật tử hoặc một người không có niềm tin vẽ cùng một bức tranh, thì bức tranh đó không thể được gọi là tranh icon hoặc một bức họa Kitô giáo được vì nó không mang giá trị tâm linh trong bức tranh. Đó chỉ là sự sao chép một bức icon mà thôi”, mục sư giải thích.

Từ giáo viên chuyển sang họa sĩ vẽ tranh icon

Ng nguyên là một giáo viên. Đó là khi cô học thạc sĩ về giáo dục nghệ thuật sáng tạo năm 2005, cô trở nên quan tâm nhiều đến nghệ thuật tôn giáo và bắt đầu nghiên cứu tranh icon.

Ng vẽ bức icon đầu tiên về Magdalene Canossa năm 2007 và bắt đầu giảng thuyết và dạy người ta cách sử dụng tranh icon để cầu nguyện và chiêm niệm.

Để trở thành họa sĩ nữ tranh icon đầu tiên ở Hồng Kông, cô đã đọc nhiều các sách kinh thánh và cầu nguyện liên tục. Điều đó đã thay đổi đời sống của cô cách mầu nhiệm và giúp cô bình phục trở lại sau một vụ bị thương ở tay nghiêm trọng năm 2007.

“Tôi đã không thích chỉ cho người khác thấy điểm yếu của mình sau khi tôi bị thương.  Nhưng giờ đây tôi có can đảm chia sẻ điểm yếu này với tha nhân, nhất là với các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, cho họ biết cách tôi đã dựa vào đức tin của mình như thế nào”, cô kể.

Các giáo viên của cô là Lino Wong Wing-kuen, một họa sĩ tranh icon Công giáo người Hồng Kông sống ở Ý, và Nữ tu Esther Pollak, người đến Hồng Kông hàng năm để dạy vẽ tranh icon, có ảnh hưởng lớn trên cô. Cô cũng đón nhận những chỉ dẫn của các mục sư Tin lành và Chính thống giáo.

“Tôi cảm thấy được chấp nhận và hiệp thông với sự trợ giúp của các mục sư từ ba giáo hội”, Ng nói. “Họ giúp tôi hiểu rằng vẽ tranh icon không chỉ cho chính mình nhưng còn để làm công cụ giúp tha nhân cầu nguyện”.

Đây là một thách thức để vẽ tranh icon trong khi phải tuân thủ nghiêm khắc một truyền thống.

“Không phải là vì chúng tôi theo kiểu cũ mà mục đích là để theo đuổi Sự thật, Tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Đây là cách chuyển tải đức tin của chúng tôi”, Ng nói.

Phải mất ít nhất một tháng rưỡi để vẽ một bức tranh vì họa sĩ phải hiểu khán giả của mình, dành thời gian để cầu nguyện và nghiên cứu đời sống và quan điểm tâm linh của thánh nhân.

Trong một thành phố thương mại hóa như Hồng Kông, các nghệ sĩ luôn gặp khó khăn trong việc mưu sinh. Điều này cũng tương tự đối với các họa sĩ icon mới như cô Ng.

“Tôi cảm thấy được chúc phúc vì có nhiều người Công giáo ủng hộ tôi bằng cách giúp tôi mua sơn đắc tiền và vải vẽ phải được đặt từ nước ngoài”, cô nói.

“Đó là những loại sơn rất tốt và thời tiết ở Hồng Kông thì khác với thời tiết ở những nơi sản xuất sơn”, cô nói thêm.

Mới đây, cô Ng đã dịch xong một cuốn sách sang tiếng Hoa là Chiêm niệm với tranh icon dành cho trẻ em và người trẻ trong tâm hồn. Các mục sư từ ba giáo hội Kitô giáo giúp viết lời tựa cho bản dịch in thử.

“Tôi hy vọng cuốn sách có thể đóng góp cho sự hiệp nhất Kitô giáo và hướng dẫn trẻ em và người trẻ hướng tới Thiên Chúa”, cô nói.

“Người Hồng Kông sống trong căng thẳng và không có nhiều cơ hội để tĩnh tâm. Chiêm niệm qua tranh icon là điều gì  đó có thể giúp con người hồi tâm nhanh chóng bằng cách nhìn lên Thiên Chúa. Đó cũng là cách thực hành để tự chữa lành chính mình khi được  dùng với các công cụ khác như âm nhạc, viết lách và khiêu vũ”, cô nói.

“Tôi nghĩ điều này đặc biệt thích hợp với giới trẻ những người thích tưởng tượng và tự vấn lương tâm ở lứa  tuổi của họ”, cô nói.

Hồi tháng Năm, khi Ng hướng dẫn một buổi cầu nguyện qua tranh icon, một  tham dự viên trẻ tuổi đã chia sẻ rằng anh ta từng nghĩ anh ta có thể vượt qua các vấn đề của mình bằng cách sử dụng các kỹ năng mà anh ta đã học “nhưng giờ đây, từ tranh icon, tôi có thể cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa và chính Ngài đang hướng dẫn tôi. Điều đó cho tôi động lực đem tình yêu của Thiên Chúa tới cho người khác quanh tôi và để truyền giáo”.

Chia sẻ đức tin

Nhìn người khác thay đổi đã khuyến khích Ng vẽ nhiều tranh hơn. “Nếu ai đó muốn học vẽ tranh icon, tôi rất sẵn lòng chia sẻ kiến thức của mình vì tôi cũng đã nhận kiến thức đó miễn phí từ các sư phụ của tôi. Tôi muốn nhìn thấy nhiều người hơn trở thành thợ lành nghề cho Thiên Chúa”, chị nói.

Sự ít ỏi của các họa sĩ icon ở Hồng Kông đã gợi lên nhiều câu hỏi thực tế cho Ng. Ai đó đã từng hỏi cô rằng nghề này có thể “kiếm được nhiều tiền” hoặc giúp họ “trở nên nổi tiếng” được không?

“Nguyên tắc căn bản để là một họa sĩ tranh icon là phải nhận ra rằng đây không phải là nghề mang lại lợi ích cho chính mình và cũng không phải để nổi tiếng. Người ta phải tự hủy mình trong sự phục vụ để Chúa Thánh Thần có thể đi vào trong tâm hồn mình và hướng dẫn chúng ta trở thành một công cụ cầu nguyện hữu ích”, Ng chia sẻ.

“Không có phong cách cá nhân trong hội họa icon. Thiết kế, màu sắc, cử chỉ hoặc biểu tượng đức tin không là gì, cái chính là cần có các chuẩn mực cao và nghiêm khắc để người ta có thể cảm nhận được lòng từ bi của Thiên Chúa qua lĩnh vực hội họa này”, chị nói thêm.

(UCAN 15.11.2016)