Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - 17/11/2016

Filled under:


Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Lu-ca (Lc 19: 41-44)


41 Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương42 mà nói: "Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được.43 Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề.44 Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm."

SUY NIỆM 1


Khi nhìn về thành Giêrusalem, Chúa Giêsu cảm thấy rất xúc động. Chúa xúc động bởi vì tất cả những gì đang hiện diện ra trước mắt Người lúc này đây: từ sự uy nghi đồ sộ cho đến vẻ huy hoàng của đền thờ, một biểu tượng cho sức sống của cả một dân tộc, vậy mà sẽ đến một ngày không còn hòn đá nào trên lên hòn đá nào.

Chúa Giêsu khóc thương thành Giêrusalem chắc chắn không phải vì tiếc nuối một công trình vĩ đại bị tàn phá, nhưng Chúa khóc cho cả một dân tộc được tuyển chọn. Chỉ vì để cái vẻ hào nhoáng bên ngoài của đền thờ Giêrusalem che khuất, mà họ đã không nhận ra được một đền thờ sống động và đích thực đang hiện diện ở giữa họ: đó chính là sự hiện diện của Chúa Giêsu.

Và còn bi thảm hơn nữa, không những dân thành Giêrusalem đã tỏ ra không muốn đón nhận sứ điệp bình an, không muốn đón nhận ơn cứu độ, mà họ còn quyết tâm tìm cách triệt hạ chính con người Chúa Giêsu.

Từ những xúc động của Chúa Giêsu trước sự chối từ của dân thành Giêrusalem, cũng là dịp để chúng ta suy nghĩ về thái độ sống của mình đối với Chúa.

Khi xưa Chúa rất buồn khi nhìn thấy tương lai xụp đổ của thành thánh Giêrusalem. Và không những ngày xưa, mà chắc hẵn ngày hôm nay Chúa Giêsu cũng rất buồn khi phải nhìn thấy tâm hồn của chúng ta cũng có những lúc tan nát, những lúc ngã gục trong tội lỗi, trong cái nỗi thất vọng chán chường, trong hận thù chia rẽ.

Lời Chúa nhắc nhở chúng ta biết rằng: mọi sự rồi sẽ qua đi, thân xác này sẽ hư nát. Nhưng thân xác của chúng ta đây là đền thờ của Chúa, cho nên cần phải có sự  kính trọng thân xác của mình cũng như của mọi người. Vì thế, chúng ta cần biết tuân giữ lời Chúa trong suốt cuộc đời của mình để sau khi kết thúc cuộc sống này chúng ta được Chúa đón nhận vào sự sống đời sau.

Xin Chúa giúp mỗi người luôn biết gìn giữ phẩm giá cao đẹp của hình ảnh Chúa nơi tâm hồn mình bằng một đời sống thanh sạch, chúng ta cần loại bỏ khỏi tâm hồn của mình những ý hướng tội lỗi, những lối sống hưởng thụ bất chính.

Rất ước mong mọi người luôn biết lắng nghe tiếng Chúa đang cảnh tỉnh, đồng thời, cũng biết mở rộng tâm hồn để đón nhận những ơn ban của Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ được sống trong an bình và trong niềm hạnh phúc thật. Amen. 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


 SUY NIỆM 2
1. Đức Giê-su khóc thương
Trước hết, chúng ta hãy nhìn ngắm “Đức Giê-su khóc thương” và để cho mình được đánh động:
Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành,
Đức Giê-su khóc thương. (c. 41)
Như thế, Người coi trọng đến sự sống trong bình an của từng người và của loài người chúng ta biết bao, bởi vì Người đến để phục vụ cho sự sống của chúng ta, và người phục vụ cho đến cùng, phục vụ mỗi người và hằng ngày nơi bí tích Thánh Thể và mầu nhiệm Vượt Qua.
Và điều rất đặc biệt ở đây là Người không khóc thương một người riêng lẻ, như khóc thương ông Ladarô, nhưng khóc thương cả một thành đô !
Về phương diện lịch sử, những gì Đức Giê-su tiên báo về Thành Thánh sẽ thực sự xẩy ra. Quả vậy, vào năm 66, người Do thái nổi loạn chống lại người Roma; và đó là một cuộc chiến tranh đẫm máu. Titus, con của hoàng đế Vespasien và sẽ là hoàng đế tương lai, xâm chiếm thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 và phá hủy Thành Thánh. Hậu quả là hàng ngàn người Do thái bị giết và bị bán làm nô lệ.
Thành Thánh là nơi Đức Chúa hiện hiện, nơi Dân được Người tuyển chọn đến gặp gỡ và nghe Lời hằng sống của Người; Thành Thánh còn là hình ảnh của lịch sử cứu độ được hoàn tất, bởi vì mọi dân tộc được mời gọi đến Giê-ru-sa-lem để chia sẻ Ơn Tuyển Chọn của Israel. Nhưng với tai họa mà Đức Giê-su loan báo, gây ra bởi sự dữ vốn ngự trị cả nơi dân ngoại lẫn nơi Israel, phải chăng lịch sử cứu độ được Thiên Chúa dẫn đưa bị thất bại?
2. “Đó là Công Trình của Chúa”
Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, vốn là mầu nhiệm đã được loan báo khắp nơi trong sáng tạo, trong lịch sử cứu độ và trong lịch sử loài người, chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, đó là hành động của Tội và của Sự Dữ, nhưng Thiên Chúa lại mạnh hơn Tội và Sự Dữ, khi người dùng chính hành động của Tội và Sự Dữ để đưa chương trình cứu độ đến hoàn tất.
Thật vậy, trên Thập Giá, Đức Giê-su nói: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30); Đức Ki-tô là Đền Thờ của Thiên Chúa Cha, một khi bị “phá hủy”, sẽ trở thành, nhờ sức mạnh của Thánh Thần, Đền Thờ đích thực của Thành Thánh mới, và Thành Thánh mới sẽ là bất cứ nơi đâu Đức Ki-tô Phục Sinh hiện hiện và ban Lời hằng sống cho con người, như Đức Giê-su đã nói: “Phá hủy Đền Thờ này đi, tôi sẽ xây dựng lại trong ba ngày” (Ga 2, 19), và “Thiên Chúa Cha tìm kiếm những người thờ phượng Người trong thần khí và sự thật” (Ga 4, 23).Đó là Công trình của Chúa,
công trình kì diệu trước mắt chúng ta”
(Tv 118, 23; Mt 21, 42)
3. “Vì Người đã không nhận biết…”
Ngoài ra, Đức Giê-su còn nhìn ra một lí do sâu xa hơn làm cho Thành Thánh bị phá hủy, đó là bệnh mù quáng:
Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được… Vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm. (c. 42 và 44b)
Như thánh Gioan nói: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11). Thời giờ thánh thánh Giê-ru-sa-lem được Thiên Chúa viếng thăm, chính là lúc Đức Giê-su đến, hiện diện và ban Lời Hằng Sống, mang lại bình an.
Nếu là như thế, lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng không chỉ dành cho Thành Thánh, nhưng dành cho bất cứ ai, bất cứ nhóm người nào và bất cứ thành đô nào, nghĩa là dành cho nhóm chúng ta và cho từng người chúng ta. Và đây không phải là lời đe dọa bị Thiên Chúa đánh phạt, vì không nhận ra sự hiện diện của Đức Giê-su, không đón nhận và sống lời của Đức Giê-su, nhưng vì con người lựa chọn xây nhà trên cát (x. Mt 7, 24-27).
Người ta sẽ chọn sự hủy diệt và sự chết, nếu không chọn Lời Hằng Sống và ăn Bánh Hằng Sống mà Đức Giê-su ban tặng!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc