Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

5 Phút Cho Lời Chúa 30/11/2016

Filled under:

LÀ NHỊP CẦU CỦA CHÚA KI-TÔ
“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt 4,19)
Suy niệm: Có vẻ như cả cuộc đời thánh An-rê gắn bó với người Hy lạp. Khi sinh ra, cha mẹ đặt tên cho ngài là An-rê,  tiếng Hy lạp có nghĩa là mạnh mẽ, nam tính, đang khi tên Si-mon, anh của ngài, lại là tiếng A-ram Do Thái. Trong sứ vụ công khai của Đức Giê-su, An-rê đã dẫn những người Hy lạp ở Giê-ru-sa-lem đến gặp Thầy mình. Sau khi Đức Giê-su về trời, An-rê dành trọn phần đời còn lại của mình để loan báo Tin Mừng cho người Hy lạp ở vùng Akhai. Ngay cả khi đã qua đời, ngài vẫn là nhịp cầu kết nối sự hiệp thông với người Hy lạp. Năm 1964 và 2006, các vị giáo hoàng đã tặng thánh tích của ngài cho Giáo hội Chính Thống Hy lạp và giám mục Chính Thống giáo phận Patras, nơi ngài chịu đóng đinh vào thập tự giá hình chữ X để minh chứng cho lời rao giảng Tin Mừng.
Mời Bạn: Bạn cũng được Chúa Giê-su mời gọi làm tông đồ cách đặc biệt cho một số người riêng biệt nào đó. Chẳng hạn như bạn đồng nghiệp, bà con họ hàng, thành viên một hội đoàn… Bạn là “nhịp cầu sống” nối Chúa Giê-su với họ. Noi gương thánh An-rê, bạn sẽ làm gì để chu toàn sứ vụ cao quý này?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ là “nhịp cầu sống” của Chúa Ki-tô với một người lơ là hoặc bỏ đạo trong khu xóm, với một thiếu nhi hay thiếu niên bỏ học giáo lý.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, khi được Chúa kêu gọi, thánh An-rê đã lập tức bỏ thuyền bỏ lưới đi theo Chúa, thành tông đồ của Ngài. Xin cho con hôm nay cũng sẵn lòng bỏ một thói quen xấu, một thú vui bất chính, để dấn bước trở thành “nhịp cầu sống” nối kết Chúa với những anh chị em lân cận, qua đời sống tông đồ giáo dân giữa đời. Amen.

THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ
Andreas mà tiếng Việt Nam phiên âm là Anrê là một danh từ ít dùng trong tiếng Hy lạp. Tuy nhiên nó mang một ý nghĩa rất thi vị: Anrê nghĩa là trượng phu, thanh nhã.
Đọc Tân ước, chúng ta chỉ thấy một ít đoạn sau đây nói về thánh Anrê, hoặc nói đến tên ngài.
Lần trước hết: hôm ấy thánh Gioan Tẩy giả đứng với hai môn đệ tại Bêthania, bên kia sông Giođanô. Nhìn thấy Chúa Giêsu đi qua, ngài nói với hai môn đệ: "Kìa Con Chiên Thiên Chúa". Nghe nói như thế, hai môn đệ vội rảo theo Chúa Giêsu, Chúa Giêsu bảo họ:
- Các người tìm ai ?
- Thưa Thầy, Thầy đi đâu bây giờ ?
- Cứ đến mà xem.
Lúc đó là bốn giờ chiều và hai môn đệ đi theo Chúa suốt buổi hôm ấy. Hai môn đệ đó là Anrê; em ông Simon Phêrô, và một người khác có lẽ là Gioan. Lúc về nhà gặp Phêrô, Anrê kể lại cho em nghe: "Ồ, chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mesia, rồi Anrê dẫn em đến gặp Chúa Giêsu. Hôm sau, Chúa Giêsu trẩy đi Galilêa còn Anrê và Phêrô ở lại Bétsaiđa mạn bắc hồ Tibêria.
Nhưng lần khác, đi trên bờ hồ Chúa Giêsu thấy Anrê và Phêrô đang thả lưới vì các ông là những dân chài, Chúa liền bảo họ:
- Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi nên kẻ đánh lưới người!
Lập tức họ bỏ lưới và theo Chúa. Lại một lần sau khi giảng ở nhà hội Caphanaum ra, Chúa vào nhà ông Phêrô và Anrê chữa khỏi bệnh cho bà mẹ vợ ông Phêrô.
Còn lần trên núi, bên kia biển Galilêa, dân chúng vây quanh Chúa Giêsu. Thấy họ đói, Chúa Giêsu lại hỏi:
- Làm sao kiếm của ăn cho họ được ?
Thánh Anrê thưa:
- Đằng kia có đứa trẻ mang năm chiếc bánh mạch nha và hai con cá nhỏ, nhưng bấy nhiêu thấm vào đâu với số người đông đảo này!
Chúa Giêsu nói:
- Cứ bảo họ ngồi xuống. Rồi Người làm phép lạ nhân bánh ra nhiều và phân phát cho mỗi người được ăn no nê. Cũng chính Anrê lúc ở Giêrusalem vì thánh Philipphê xúi giục đã trình bày cho Chúa biết có một số dân ngoại nói tiếng Hy lạp muốn xin gặp Chúa. Lần nữa, khi Chúa Giêsu ở đền thờ đi ra và nói cho các môn đệ biết ngày "tàn" của đền thánh, thì thánh Anrê cùng với thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan, đã lợi dụng lúc Chúa ngồi trên núi cây dầu nhìn về thánh đường đến hỏi riêng Chúa:
- Xin Thầy hãy nói cho chúng con biêt khi nào việc ấy xảy đến, và có dấu hiệu gì báo trước!
Sau cùng thánh Anrê là một trong lớp mười hai tông đồ được Chúa sai đi giảng đạo. Trong số mười hai tông đồ, thánh Matthêu và thánh Luca kể thánh Anrê sau thánh Phêrô, thánh Máccô lại kể ngài sau ba thánh Phêrô; Giacôbê và Gioan.
Tuy nhiên các sách Hy lạp vẫn chủ trương thánh Anrê được Chúa gọi đầu tiên.
Tài liệu Phúc âm chỉ cho chúng ta biết như vậy về thánh Anrê. Còn riêng về quãng đời truyền giáo của thánh nhân, chúng ta không có một văn liệu nào xác đáng. Trừ một đoạn văn rất đẹp ghi lại rất vắn tắt cuộc tử đạo của ngài như sau:
Quan lãnh sự xứ Akhaia truyền trói thánh Anrê vào cây thập giá để ngài chết dần mòn. Dân chúng nhất định không chịu, họ bảo: người này là đấng công chính, là bạn của Thiên Chúa, và là bậc thầy nhân hậu mà phải điệu đi giết à! Nhưng đứng trước thánh giá, thánh nhân kêu lên:
"Ôi! Thánh giá! Ôi sự rỗi từ lâu bạn đã mệt mỏi chờ tôi! Tôi tin tưởng rằng bạn sẵn sàng đón nhận người đầy tớ của Đấng đã chịu treo trên bạn, và tôi sung sướng bước đi theo bạn. Tại sao bạn được dựng lên ở đây, tôi đã nhận biết tất cả bí nhiệm của bạn rồi. Xin bạn hãy nhận lấy kẻ bạn mong chờ, để chính tôi, kẻ ngày đêm thầm ước vẻ đẹp của bạn cũng tìm thấy bạn. Nơi bạn tôi tìm được phần thưởng Thiên Chúa hứa cho tôi. Ôi Thánh giá dịu hiền! Hãy đưa kẻ hèn này về với Thiên Chúa Đấng Cứu chuộc tôi".
Dân chúng lặp lại những lời ấy cho quan phó lãnh sự nghe và kêu nài:
"Xin ông hãy trả lại cho chúng tôi người công chính, người thánh của Thiên Chúa. Xin đừng đang tâm giết người đẹp lòng Thiên Chúa. Đừng động đến con người hiền lành và đạo đức dường ấy. Đã hai ngày chịu treo nhưng ông ấy vẫn còn sống và luôn thốt ra những lời thánh thiện. Xin quan hãy trả lại chúng tôi con người thánh này để chúng tôi được sống với ông. Xin quan cởi trói người trinh khiết này để mọi gia đình được an hòa, hãy buông tha người hiền nhân này để khắp xứ Akhaia được hưởng nguồn cứu độ. Còn thánh Anrê ngài kêu cả tiếng:
"Lạy Chúa Kitô, xin đừng để đầy tớ Chúa đã được treo lên cây gỗ này vì danh Chúa bị tháo gỡ xuống. Xin chớ để kẻ được diễm phúc thấu hiểu huyền nhiệm thánh giá bị rơi vào mưu gian loài người... Nhưng lạy Chúa Giêsu, Đấng con yêu mến, tin nhận và ao ước được hưởng kiến, xin hãy đón nhận con, vì linh hồn con sắp được giải thoát. Amen". Theo sử gia Êusêbiô, thánh Anrê giảng đạo tại Scythia, nhưng theo nhiều tác giả khác, thánh tông đồ lại giảng đạo tại Êthiôpia, mấy xứ về phía nam Hắc hải và Patras thuộc Akhaia.
Nhưng điều phức tạp hơn cả có lẽ là nơi để thi hài thánh nhân. Thánh Gioan Kim khẩu nói rõ rằng không biết. Trái lại, sách tử đạo thư dòng thánh Giêrônimô lại chép ngài làm Giám mục tại Patras và chết ngày 30 tháng 11 mà không rõ thánh nhân chết năm nào. Nhưng năm 357, giáo chủ thành Alexanđria đem hài cốt ngài về Constantinôpôli. Ngoài ra còn rất nhiều nơi tự xưng là giữ được hài cốt thánh Anrê, như miền Fênicia, miền Basilicate, miền Concordia và đảo Chyprô. Vì thế, ngay từ mấy thế kỷ đầu tiên, rất nhiều nhà thờ mang tên thánh Anrê. Ngay ở Rôma năm 475, Đức Giáo Hoàng Simpliciô đã xây và thánh hiến một thánh đường kính thánh Anrê gần đại giáo đường Đức Bà Cả. Và cho đến thời Trung cổ, tại Rôma có hơn 30 nhà thờ dâng kính thánh Anrê. Phá kỷ lục hơn hết là tại nước Anh có hơn 700 thánh đường hay nguyện đường nhận thánh Anrê làm bổn mạng. Riêng tại nước Pháp, cũng như tại Việt Nam, sau thánh Phêrô, thánh Anrê rất được giáo dân tôn sùng và nhận làm bổn mạng.
Giáo hội kính lễ thánh Anrê vào ngày 30 tháng 11 hằng năm.


Bảo Chứng Của Trường  Sinh Bất  Tử

Công chúa Touwan bên Trung Quốc từ trần vào khoảng năm 104 Trước Công Nguyên, nhưng được những người sinh sống đồng thời tin tưởng là bà sẽ trường sinh bất tử vì bà được an táng trong một quan tài bằng ngọc thạch. Chồng bà nhắm mắt lìa đời 9 năm trước đó cũng được an táng trong một quan tài tương tự.
Ðôi vợ chồng được an nghỉ trong hai ngôi mộ xây cất trong vùng đồi núi hoang vụ Mãi đến năm 1969 người ta mới khám phá ra và cả thế giới ngạc nhiên trước sự giàu sang của thời đại ấy được biểu lộ qua 2,800 của lễ được dâng tặng lúc cử hành lễ an táng, nhưng đặc biệt nhất là hai cái quan tài, mỗi cái gồm tất cả hai ngàn mảnh ngọc nhỏ được kết chung lại bằng những sợi chỉ bằng vàng.
Những người sinh sống vào thời đại ấy quan niệm rằng: vàng và ngọc thạch không bị thời gian làm hư  hại vì thế chúng ta bảo chứng cho sự trường sinh bất tử.
Trên ba vòng bán nguyệt của khung cửa chính ở nhà thờ chánh tòa Milanô bên Italia có khắc ba dòng chữ:
- Phía dưới hình một hoa hồng được chạm trổ tinh vi của một vòng bán nguyệt, người ta đọc được hàng chữ: "Mỗi hạnh phúc chỉ kéo dài trong khoảnh khắc".
- Bên vòng bán nguyệt của khung cửa kia, dưới hình một cây thập giá có ghi hàng chữ: "Mỗi đau khổ chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc".
- Ở vòng nguyệt của khung cửa giữa dẫn vào lòng chính của vương cung thánh đường có khắc dòng chữ: "Chỉ có sự đời đời mới là quan trọng".
Ở giữa một bên là quan niệm đi tìm thuốc tiên hay sử dụng quan tài bằng ngọc thạch để được trường sinh bất tử và bên kia là quan niệm cuộc đời con người chấm cùng bằng cái chết, những người Kitô hữu xây dựng cuộc sống vĩnh cửu bằng những giây phút hiện tại và tin tưởng rằng cái chết là ngưỡng cửa dẫn vào cuộc sống đời đời và chính cuộc sống này mới thực sự quan trọng.
Vì thế họ chọn thái độ "sống gửi thác về". Họ thu nhặt những giá trị qúi như vàng ngọc bằng cách sống tốt, sống thật những giây phút hiện tại, bằng cách áp dụng "hai đạo luật vàng: mến chúa yêu người", vì họ biết rằng chỉ có những gì được làm vì tình yêu mới có giá trị vĩnh cửu.
Vì thế họ quan niệm đời sống là một cuộc hành trình, phải luôn cất bước ra đi: nước mắt, nụ cười chỉ có giá trị tương đối, để mỗi ngày họ bắt đầu lại, mỗi ngày họ cất một bước chân mới đi về nhà chạ Năm phụng vụ đã gần kết thúc. Giáo hội mời gọi chúng ta tiếp tục sống, nhưng với chú tâm sống tốt, sống thật từng phút giây hiện tại vì chúng là những hạt cát, những viên gạch xây dựng cho cuộc sống mai sau.