Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

5 Phút Cho Lời Chúa 28/11/2016

Filled under:

LÝ LUẬN CỦA LÒNG TIN
“Tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” (Mt 8,8 )
Suy niệm: Là sĩ quan của đế quốc Rô-ma đang cai trị người Do Thái, thế mà ông đến xin ân huệ từ một 'kẻ bị trị'! Ông tin mãnh liệt rằng Đức Giê-su có hảo tâm và có quyền lực chữa lành người đầy tớ ông. Đức Giê-su gọi đó là lòng tin, và Ngài đã đáp lại bằng một phép lạ chữa lành. Để phép lạ xảy ra, con người cần lòng tin. Tin Mừng luôn cho thấy rằng đức tin làm ra phép lạ, chứ không ngược lại. Tin ở đây là tin vào con người Đức Giê-su. Tin không hệ tại việc khuất phục quyền lực cách mù quáng, nhưng là nhìn nhận thân phận bất toàn bất túc của mình và tìm kiếm sự viên mãn nơi Đức Giê-su. Tin như thế bao hàm một thái độ dám liều dấn thân trọn con người mình, chứ không duy chỉ là một sự chấp nhận của lý trí đối với một số tín điều trừu tượng nào đó.
Mời Bạn: Khám phá lại về lòng tin của viên sĩ quan Rô-ma. Ông đã không đọc Kinh Tin Kính trước mặt Đức Giêsu (lúc đó chưa hề có kinh này!) Ông kinh nghiệm về một khát vọng không tự mình giải quyết được. Ông hết mực khiêm tốn. Ông dũng cảm dấn thân (ở vị thế của ông mà đến với Đức Giêsu để van xin như thế là phải vượt qua cả một bức tường dư luận đó!) Và thật thú vị, lòng tin của ông đã có thể đem lại sự chữa lành cho một người khác! 
Chia sẻ về một lần niềm tin bị chao đảo và nhờ đâu mà nó được củng cố.
Sống Lời Chúa: Tin tưởng nói với Chúa về những khó khăn của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ được lành mạnh.

THÁNH GIACÔBÊ
DÒNG THÁNH PHANXICÔ
Thánh Giacôbê là một trong những ngôi sao sáng nhất của dòng Phanxicô, ngài là môn đệ thánh Bênađinô Siêna và là bạn thân của thánh Gioan Capistranô. Say yêu Danh Thánh Chúa Giêsu, thánh nhân suốt đời hy sinh cho công việc rao giảng Phúc âm. Ngài rảo khắp đất xứ Đalmatia, Bosnia, Hungari, Bôhem, và Balan để hoạt động chống lại các bè rối, hòa giải các dân tộc, gây nhiều phong trào đạo đức và làm chiến sĩ trung kiên đoàn quân thánh giá. Vì thế, đời sống hơn 80 năm của ngài là những chuỗi ngày nhiều hy sinh hơn là hoan lạc, như chúng ta sẽ đọc thấy dưới đây.
Thánh Giacôbê sinh tại Ascôli Picenô, nay thuộc địa phận Ripatransone. Ngài là con một gia đình nghèo của nhưng rất giầu nhân đức, thân phụ ngài là Ruffo và thân mẫu là Tona. Dầu vậy Giacôbê vẫn được theo học, rồi sau làm giáo sư và lục sự toà án mấy năm. Nghe tiếng Chúa gọi, Giacôbê muốn nhập dòng khổ tu tại Florencia. Nhưng vì lời bàn quá hấp dẫn của thánh Phanxicô, Giacôbê đổi ý xin vào dòng anh em hèn mọn tại Assisi năm 1416. Sau này khi nhớ tới thánh Bênađinô Siêna, bấy giờ làm tu viện trưởng ở Assisi, thánh Giacôbê đã kêu lên: "Ôi lạy cha nhân từ, con còn nhớ khi ở nhà tập, chính cha đã lo và may áo dòng đầu tiên cho con". Năm 1421, mẹ ngài qua đời và năm sau ngài dâng lễ đầu tiên cầu cho linh hồn thân mẫu. Chịu chức linh mục rồi, cha Giacôbê được lệnh đi giảng đạo, phụ tá thánh Bênađinô và chân phúc Matthêu Girgenti. Sau năm năm, cha chính thức được Đức Giáo Hoàng Máttinô cho phép giảng đạo chống lại bè rối ở Ý và Đức quốc. Trong công việc này cha vấp phải nhiều khó khăn và cản trở, nhưng sau cùng cha vẫn thu được nhiều kết quả. Năm 1429, cha thiết lập tại Iesi một nhà lấy tên là "Dòng huynh đệ Chúa Giêsu nhân lành".
Đến năm 1432, cha Giacôbê lại được phép Đức Thánh Cha cho đi truyền giáo ở các nước Trung Âu. Con đường ngài đi truyền giáo khởi đầu từ Florencia, đến Raguse, Bosnia, Bohem, Hungari và Áo. Những việc chính yếu cha thực hiện có hiệu quả trong kỳ này là: chấn hưng tinh thần đạo đức; chinh phục hoàng hậu "bè rối" xứ Bosnia; đem đức tin lại cho một số dân Hoamen theo bè rối Manes và bênh vực đời sống trinh khiết của giáo sĩ.
Cũng trong kỳ này, cha Giacôbê đã được Đức Thánh Cha đặt làm khâm sứ Toà thánh tại nước Áo và Hungari. Năm 1438, vì thấy cha phải chịu nhiều gian lao, đối phó với nhiều kẻ thù, nên Đức Giáo Hoàng Êugêniô IV đã biên thư khích lệ cha. Cha Giacôbê làm việc tại Trung Âu cho tới mùa chay năm 1440 thì được lệnh đi giảng tại Pađua, rồi trẩy đi miền cận đông. Nhưng không may, đến Chyprô, cha bị bệnh và phải trở về Ý dưỡng bệnh. Tháng 02 năm 1441, Đức Giáo Hoàng lại sai cha đi tiếp xúc với dân Marches để đương đầu với bè rối ở xứ này, rồi đi cổ động phong trào đạo binh thánh giá năm 1433. Kỳ này, cha giữ chức bề trên tỉnh dòng Pađôva, và vì thế, cha có dịp gặp lại thánh Bênađinô và Gioan Capistranô trong ba ngày. Tuy vắn vỏi nhưng là những giờ phút sung sướng nhất của ba vị thánh. Đáng yêu hơn nữa vì đó là dịp gặp nhau cuối cùng trên cõi đời. Quả thế, ngày 20.5.1444, cha Giacôbê được Chúa cho biết ngày về trời của bạn Bênađinô, người đã góp phần rất lớn gây dựng tinh thần cho cha và cho dòng Phanxicô. Tới năm 1450, năm toàn xá, cha Giacôbê cùng về Rôma với con thánh Phanxicô. Lần này vì những lý do khẩn thiết, cha Giacôbê ở lại Ý. Năm 1455, ngài đi hội tại Assisi theo lệnh Đức Giáo Hoàng Calixtô IV để tranh luận với các cha Đa minh về luận đề: "Máu Chúa Kitô đổ ra trong khi chịu thương khó, khi liệm vào mồ rồi có còn kết hợp với thiên tính nữa không? Cha Giacôbê chủ trương là không". Năm 1475, cha được vua xứ Napôli mời tới để giảng thuyết về thánh Bênađinô. Nhân thể cha cũng giảng một bài rất hùng hồn về "Danh Thánh Chúa" làm say mê 40 ngàn thính giả xứ Napôli. Mọi người, kể cả vua, hết sức tán dương tài hùng biện và nhân đức của cha. Cha ngã bệnh và qua đời tại Napôli ngày 28 .11.1476. Xác thánh cha được mai táng tại nguyện đường. Đức Giáo Hoàng Ubanô VI phong chân phước cho cha và năm 1726, Đức Bênêđictô XIII truyền ghi tên cha vào số các vị hiển thánh của Giáo hội.
Thánh Giacôbê đã xứng đáng với hồng ân cao cả ấy vì đời sống của ngài nổi bật nhiều nhân đức.
Trước hết là tinh thần hy sinh và nhẫn nại, trung thành với lý tưởng thánh tổ Phanxicô, thánh nhân sống rất nghèo khó, ngài giảng giải suốt ngày đêm, đi len lỏi từ thành thị đến thôn quê mà chỉ mang theo bộ sách nhỏ đựng sách nguyện với cuốn Kinh thánh. Dù trời lạnh giá phải đi trên băng tuyết, cha ít mang giày và mặc áo ấm. Cha nhẫn nại chịu những la hò, phản đối và nguyền rủa của dân chúng. Những kẻ theo bè rối thì gọi cha bằng "thằng gàn con cái Satan". Để có sức mà làm việc tông đồ, nhiều lần thánh Bênađinô biên thư bắt thánh Giacôbê phải dùng thịt, vì ngài biết thánh nhân rất kiêng khem, lại ăn chay nhiều ngày mỗi tuần. Ngoài ra, thánh nhân ngủ rất ít, khi anh em còn đang ngon giấc, thánh nhân đã dạy đọc kinh lần hạt, đánh tội và đọc sách thiêng liêng. Về nhân đức trinh khiết của thánh nhân, nhiều nhà chép chuyện đã đồng ý với nhau ở một câu: "Đức trong sạch của thánh Giacôbê hoàn toàn đến không vương một chút tỳ ố". Nhưng có lẽ nhân đức được cha yêu mến hơn cả là đức vâng lời. Người ta thường kể lại việc vắn tắt này để làm chứng đức vâng lời của thánh nhân: "Một hôm đang dùng bữa, được lệnh Đức Giáo Hoàng sai đi Hungari, thánh nhân đứng dậy đi ngay, không ăn thêm một mẩu bánh hay uống một ngụm nước nào !"
Riêng về những phép lạ thánh Giacôbê đã được Chúa cho làm trong suốt đời truyền giáo, chúng ta không thể đem ra kể hết được.
Theo lời tuyên bố của thầy Vơmăng, tu sĩ phụ tá duy nhất của cha thánh Giacôbê, thì hơn ba lần cha dùng dầu thánh giá phá mưu "đầu độc" tại bữa ăn và 30 lần cha đã trừ quỷ trước mặt nhiều người chứng kiến, đó là chưa kể những bệnh nhân được lành đã vì lời cầu nguyện của cha thánh!
Quả đúng như Chúa đã phán qua lời tác giả cuốn Gương Chúa Giêsu: "Cha đã ban đủ thứ ơn lạ, đã cho ngài ơn vững bền, và đã thưởng đức nhẫn nại của ngài".

Bà Vợ Của Socrate

Nhà hiền triết Hy Lạp Socrate chẳng may có một người vợ khó tính như chằng tinh. Nhưng ông đã chịu đựng tất cả những dở chứng của bà một cách kỳ diệu. Một ngày nọ, ông đang làm đạo với các môn sinh ngay trước cửa nhà, bà vợ bắt đầu dùng một lời lẽ thô tục để rủa sả ông. Nhưng ông vẫn một mực điềm nhiên như không nghe biết gì. Bà vợ không cầm nổi cơn giận, đã múc một gáo nước tạt vào người ông. Nhà hiền triết cũng không để lộ một phản ứng. Mãi một lúc sau, ông mới bỗng đùa với đám môn sinh: "Sau cơn sấm sét thì lại có mưa giông".
Thánh Basiliô khuyên dạy như sau: "Ðừng ăn miếng trả miếng". Kẻ chiến thắng trong một cuộc chiến phi lý là người bất hạnh nhất, bởi vì người đó sẽ mang theo tất cả phần lỗi. Hãy để cho kẻ thù ta là thầy dạy tạ Ðừng bắt chước điều ta ghét bỏ. Ðừng trở nên gương soi cho một kẻ đang giận dữ bằng cách phản chiếu chính khuôn mặt giận dữ của người đó.