Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

5 Phút Cho Lời Chúa 29/11/2016

Filled under:

PHÚC CHO NGƯỜI BÉ MỌN
“Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những diều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.” (Lc 10,21)
Suy niệm: “Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại” (14 điều Phật dạy). Người tự đại luôn cho mình là người biết mọi sự, không chấp nhận mình giới hạn. Trong truyền thống Hassidim của người Do Thái, ta đọc thấy: “Tôi yêu mến ác nhân là người biết mình tội lỗi, hơn là yêu mến người công chính là người biết mình công chính, dù đứng trước cửa hỏa ngục cũng sẽ không cải thiện lối sống của mình, vì họ nghĩ rằng họ đang được dẫn tới hỏa ngục để giải thoát những linh hồn đang bị giam cầm trong đó”. Hôm nay Chúa Giê-su cho ta thấy cái phúc của những người bé mọn: họ được gần Thiên Chúa và được hiểu lẽ khôn đích thực!
Mời Bạn: Buớc vào Mùa Vọng với tâm hồn khiêm tốn để sẵn sàng hoán cải đời sống. Sống khiêm tốn là nhìn nhận những giới hạn và yếu đuối của mình và tín thác vào tình Chúa bao la. Người khiêm tốn nhận ra mọi người chung quanh là hồng ân Chúa gửi cho mình, để mình yêu thương và được yêu thương. Người khiêm tốn mở rộng tâm hồn lắng nghe, tôn trọng và học hỏi điều hay nơi người khác.
Chia sẻ: Nói về sự khôn ngoan đích thực được Chúa ban cho một người ‘bé mọn’ nào đó mà bạn biết (một bác nông dân nghèo, một anh xe ôm, một chị bán hàng rong, một em thiếu nhi…)
Sống Lời Chúa: Chúng ta trân trọng những anh chị em bé nhỏ, hèn mọn nhất xung quanh mình.
Cầu nguyện: Đọc kinh “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa (Magnificat), lời kinh của những người bé mọn.

THÁNH SATUNINÔ TỬ ĐẠO
Hôm nay Giáo hội làm lễ theo mùa, nhưng cũng nhớ thánh Satuninô tử đạo từ thế kỷ thứ IV.
Thánh nhân là một trong những thánh tử đạo ở Rôma có một lịch sử hết sức ly kỳ và còn được bàn cãi nhất. Theo sách sử tử đạo dòng thánh Giêrônimô thì ngài cũng được phúc tử đạo với nhiều vị thánh khác, và cùng được cất xác một trong ba nghĩa trang Grysabtu, Daria hay Maur. Nhưng theo một niên lịch khác thì thánh Satuninô được mai táng tại nghĩa trang riêng của ông Tharason, nằm về phía bắc thành Rôma, trên đường Saparia mới. Tại nơi đây người ta đã xây một thánh đường dâng kính ngài. Dưới thời Đức Giáo Hoàng Fêlicê IV, thánh đường này bị cháy và được trùng tu lại. Nhưng đến đời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IV (827-844), một đại giáo đường khác được xây lên thay thế thánh đường thánh Satuninô. Hài cốt thánh nhân bấy giờ để tại nhà thờ hai thánh tông đồ Gioan và Phaolô tại Caeliô. Ngoài ra, vào thế kỷ XI, các cha dòng Bênêđitô cũng xây một nhà thờ dâng kính thánh Satuninô. Tuy nhiên hiện nay tại Rôma không còn một thánh đường nào, hay nhà nguyện nào mang tên thánh tử đạo Satuninô nữa.
Về gốc tích và thân thế thánh nhân, chúng ta không có một tài liệu nào chắc chắn, trừ một tấm bia có ghi bài văn rất thường, có lẽ là của thánh Giáo Hoàng Đamasô (366-384) đã đặt tại giáo đường thánh Satuninô, trên đường Salaria mới, theo đó chúng ta biết thánh Satuninô gốc người Carthagô đến Rôma vào thời cấm đạo. Vì hạnh phúc tử đạo mà thánh nhân trở thành công dân Rôma. Tên đao phủ Gaxianô đã hành hung và sau cùng lấy móng sắt xé xác thánh nhân. Gaxianô đã cố ép thánh nhân chối Chúa Kitô nhưng vô hiệu, và sau cùng vì cảm phục cái chết của ngài và vì bởi ngài bầu cử, ông đã trở lại, nhận đức tin và cũng được phúc tử đạo.
Ngoài ra, chúng ta cũng còn một văn liệu khác coi như truyền khẩu, đề cập đến đời sống và cuộc tử đạo của thánh Satuninộ Đoạn văn này chép trong cuốn thương khó mà tác giả có lẽ là thánh Marcel hay thánh Cyriacô: "Vậy hai phó tế Cyriacô và Sisinniô cùng với hai giáo dân tên là Large và Maragde lén vào trại giam giúp đỡ anh em công giáo bị kết án. Các ngài gặp một ông lão già tên là Satuninô, mặc dầu đã cao niên, ông cũng phải vác những bị cát rất nặng như những anh em khác. Cảm động, Sisinniô đến vác đỡ. Nhưng không may Sisinniô bị lộ diện và bị bắt giải về cho quan lớn Exupêrê, ông này làm biên bản báo cáo về cho Maximianô, Maximianô cho gọi Sisinniô đến ép phải tế thần Hêrculê. Nhất định không tế thần, Sisinniô bị tống giam vào ngục Marmetimê cùng với ông già Satuninô. Hai người lợi dụng thời cơ mang đức tin đến cho nhiều tù nhân ngoại giáo và ông quan cai ngục Áprônianô (kính ngày 02.02). Công việc đến tai quan án, hai thánh nhân bị điệu ra toà.
Vừa khi quan án Laođaciô hỏi cung và đòi các ngài phải xông hương tế thần, thánh Satuninô đã mạnh bạo tuyên bố trước quan toà và số đông khán giả: "Nguyện Thiên Chúa hằng sống đập tan các tà thần của mọi dân tộc". Dân chúng nổi nóng vì lời tuyên bố mạnh bạo của ông già, họ hò la đòi quan trảm quyết ông ngay. Trấn tĩnh lòng dân, Laođaciô cho ông về ngục. Tại đây, Sisinniô và Satuninô bị tra tấn bằng những roi gân bò và roi giây gai quấn. Sau cùng các ngài bị thiêu và bị chém đầu tại đường Nomentanệ
Một giáo hữu tên là Trasông lấy xác các ngài đem về an táng trong nhà ông.
Hằng năm giáo hữu kính nhớ thánh nhân vào ngày 29 tháng 11.
Hợp ý với Giáo hội trong ngày lễ mừng thánh Satuninô tử đạo bước vào quê trời, xin Chúa cho chúng con được nâng đỡ bởi công nghiệp ngài, để chúng con vững bước luôn trên đường phụng sự Chúa.

Cái Dũng Của Thánh Nhân
Thánh Clêmentê Hofbauer, nổi tiếng là một người nóng tính.
Ngài được cử làm bề trên một cô nhi viện. Một hôm trong nhà không còn lương thực, Clêmentê đã phải đích thân đi xin ăn. Ngài vào nhà một người giàu có đang tổ chức  một sòng bạc. Người chủ nhà vừa gặp cơn đen lại vừa bị người hành khất quấy rầy. Ông không kiềm nổi cơn bực bội nên đã nhổ tung nước bọt vào mặt thánh nhân. Bình thường có lẽ Clêmentê đã có phản ứng mạnh. Nhưng vốn luyện tập nhẫn nại, nên ngài đã đứng lên lau mặt rồi vui vẻ nói với người đã phỉ nhổ mình: "Ðó là qùa ông dành cho tôi, xin cảm ơn ông. Thế còn qùa của các trẻ mồ côi đâủ". Bị đánh động bởi cử chỉ điềm nhiên vui vẻ của thánh nhân, người chủ nhà đành  phải lấy tiền trao cho ngài để giúp đỡ các em mồ côi.
Cái dũng của thánh nhân chính là biết dùng sự thinh lặng, nhẫn nhục để biến cải tâm hồn con ngườị Cổ nhân thường nói: "Một câu nhịn bằng chín câu lành". Không có sức mạnh nào có thể thắng nổi sự bất bạo động. Bởi vì, khí giới dù có tối tân và có sức đe dọa đến đâu cũng không thể thuyết phục được tâm hồn con ngườị Chỉ có lòng tha thứ mới có thể bẻ gãy được thứ vũ khí ác hại nhất là hận thù.