Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Sứ điệp của ĐTC nhân ngày Hoà Bình thế giới 01.01.2016

Filled under:

VATICAN. Kẻ thù của hoà bình là sự dửng dưng của con người đối với đồng loại, nó nảy sinh từ sự khước từ Thiên Chúa. Hãy dấn thân một cách xác tín để xây dựng hoà bình, bởi vì nếu thực sự hoà bình đúng là quà tặng của Thiên Chúa thì cũng thật xác đáng khi việc hiện thực hoá hoà bình cũng được phó thác cho những người nam và người nữ thiện chí. Đây là nội dung chính yếu của sứ điệp nhân ngày Hoà bình thế giới 01.01.2016 của ĐTC Phanxicô được trình bày sáng 15.12 tại Phòng Báo chí Toà Thánh bởi ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình. Sứ điệp có đề tài là “Chiến thắng dửng dưng và chinh phục hoà bình”.
ĐHY Turson cho biết theo ĐTC Phanxicô thì năm 2015 khép lại với một bảng tổng kết đau thương về hoà bình. Chủ nghĩa khủng bố và các cuộc xung đột dường như góp phần củng cố học thuyết đệ tam thế chiến vì phân mảnh. Tuy nhiên, có những động cơ rất đáng hy vọng và ĐTC Phanxicô xác định chúng trong một vài sự kiện quốc tế nổi bật gần đây, như thoả thuận tại Paris về khí hậu hay Lịch trình hành động của Liên Hiệp Quốc cho đến năm 2030 hướng tới việc phát triển bền vững. Đây là những trạng huống thúc đẩy tin tưởng vào khả năng của nhân loại để hành động cùng nhau trong tinh thần đoàn kết. Một quan điểm được ĐTC lưu ý vốn đi liền với quan điểm của Giáo Hội trong suốt 50 năm vừa qua, hướng đến đối thoại, đoàn kết và lòng thương xót.
ĐHY Turson cho biết trong thông điệp ĐTC đã lên án về nạn toàn cầu hoá sự dửng dưng. Cụ thể là những đe doạ đối với hoà bình rất cụ thể và nảy sinh phần lớn từ sự dửng dưng trong cuộc gặp gỡ với người thân cận và trong cuộc gặp gỡ đối với Tạo Thành. Một thái độ đóng kín đến độ lan tràn như được chỉ ra bởi ĐTC Phanxicô với thuật ngữ “toàn cầu hoá của sự dửng dưng”. Một sự dữ vốn sản sinh trước hết từ sự dửng dưng mà con người ủ ấp đối với Thiên Chúa. Chính sự đổ vỡ của mối tương quan ưu tiên này mà các điều xấu xa đã lẩn khuất trong xã hội vốn đã bị ĐTC không ngừng tố giác: nạn tham nhũng, huỷ hoại môi trường, thiếu vắng sự cảm thông khi đối diện với người khác. Con đường mà ĐTC Phanxicô chỉ ra để tranh đấu chống lại toàn cầu hoá dửng dưng đòi hỏi phải trải qua một cuộc hoán cải sâu xa nơi cõi lòng con người, vốn cho phép chúng ta thông qua ân ban của Thiên Chúa để trở về hầu có thể cởi mở chính mình cho tha nhân với sự đoàn kết chân thực. Và những ví dụ của tinh thần đoàn kết mà ĐTC đã liên hệ tới đòi hỏi một sự dấn thân rộng khắp, khả năng để tạo dựng một nền văn hoá đích thực và chính danh của lòng thương xót.
Tiếp đến, ĐHY Turson cũng nói thêm về lời kêu gọi của ĐTC về bổn phận đoàn kết và thương xót, vốn khởi đi từ các gia đình. Các gia đình, những nhà huấn giáo, những nhà truyền thông là những tác nhân đầu tiên được kêu gọi vì lẽ là những người khởi xướng những giá trị của tự do, về phương diện tương hỗ lẫn nhau và tình liên đới. Và chính trong bối cảnh này mà ĐTC nêu ra ví dụ tiêu cực của những nhà hoạt động truyền thông vốn chẳng quan tâm gì mấy đến cách thức mà họ vận dụng để thủ đắc và phổ biến những thông tin. Tuy nhiên xã hội vẫn đầy rẫy những điển hình của sự dấn thân cho đoàn kết và thương xót: những tổ chức chịu trách nhiệm về nhân quyền và các tổ chức từ thiện, cụ thể là các tổ chức hoạt động cứu trợ những di dân đang gặp khó khăn. ĐTC nói rằng những hoạt động này là biểu hiện của lòng thương xót cả về thể xác lẫn tinh thần. Và Ngài tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những ai trong Giáo Hội đã thực hiện lời kêu gọi của ngài để đón tiếp một gia đình người di dân.
ĐHY Turson cũng nói thêm ĐTC Phanxicô cho rằng Năm thánh Lòng Thương xót biểu trưng cho một cơ hội để phản tỉnh về mức độ của sự dửng dưng vốn ẩn nấp trong cõi lòng mỗi người, để đánh bại nó và dấn thân nhằm cải thiện hoàn cảnh thực tế xung quanh chúng ta. ĐTC kết thúc Sứ điệp Ngày Hoà bình thế giới bằng việc nhắc nhớ về tất cả những người đang ở trong điều kiện mong manh và thiệt thòi đồng thời ngài kêu gọi xoá bỏ án tử hình và đẩy mạnh ân xá. Nhưng đối với những nhà lãnh đạo các quốc gia ĐTC đã kêu gọi và phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Maria: đó là hãy khước từ chiến tranh; tha nợ cho các nước nghèo hơn, tôn trọng những chính sách cộng tác tác vốn không làm tổn hại quyền được sống của những trẻ sắp chào đời.

Tiếp kiến chung với ĐTC: Ơn cứu độ không phải để mua bán vì hoàn toàn miễn phí

VATICAN. Đi qua Cửa Thánh là dấu chỉ sự tín thác của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô. Không ai được phép mưu mẹo và ma lanh khi nói với anh chị em phải trả tiền: không! Người ta không phải trả tiền cho ơn cứu độ. Người ta cũng chẳng mua được ơn cứu độ đâu. Cửa Thánh là Đức Giêsu, và Đức Giêsu là Đấng nhưng không. Đây là nội dung chính bài huấn dụ của ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 16.12.2015 tại quảng trường Thánh Phêrô.
Sau đây là nội dung bài huấn dụ của ĐTC, Ngài nói:
“Anh chị em rất thân mến,
Chúa nhật vừa qua, Cửa Thánh tại Nhà Thờ Chánh Toà của Roma, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, đã được khai mở, và đồng thời mỗi Nhà thờ Chánh Tòa của các giáo phận trên toàn thế giới cũng đã khai mở một Cửa Thánh Lòng Thương Xót, điều này cũng diễn ra nơi các thánh địa và các nhà thờ mà các giám mục đã chọn lựa. Năm Thánh diễn ra ở khắp mọi nơi, chứ không chỉ ở Roma mà thôi. Tôi đã mong ước rằng dấu chỉ này của Cửa Thánh có thể hiện diện nơi mọi Giáo Hội địa phương, ngõ hầu Năm Thánh Lòng Thương Xót có thể trở nên một kinh nghiệm được chung chia bởi tất cả mọi người. Năm Thánh, theo cách thức này, đã khởi đầu trong toàn thể Giáo Hội và được cử hành trong mỗi Giáo phận như tại Roma. Thậm chí, Cửa Thánh đầu tiên đã được khai mở ngay tại trung tâm của châu Phi. Và Roma, hiển nhiên là dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông hoàn vũ. Ước chi sự hiệp thông của Giáo Hội có thể trở nên ngày một mạnh mẽ hơn, ngõ hầu Giáo Hội trở nên dấu chỉ sống động của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa Cha cho thế giới này.
Thậm chí ngày 08.12 vừa qua cũng là để nhấn mạnh đòi hỏi này, khi nối kết với 50 năm đã qua, đó là khởi đầu của Năm Thánh khi kết thúc Thánh Công Đồng Chung Vatican II. Thực ra, Công Đồng đã chiêm ngắm và trình bày Giáo Hội dưới ánh sáng của mầu nhiệm của sự hiệp thông. Điều này đã được lan truyền trên toàn thế giới và diễn ra trong rất nhiều Giáo Hội địa phương, tuy nhiên vẫn luôn luôn là một Giáo Hội duy nhất của Đức Giêsu Kitô, Giáo hội mà Ngài đã muốn và vì đó mà Ngài đã hiến dâng chính bản thân mình. Giáo hội duy nhất sống trong sự hiệp thông với chính Thiên Chúa.
Mầu nhiệm của sự hiệp thông này mang lại cho Giáo hội dấu chỉ của tình yêu của Thiên Chúa Cha, và nó lớn lên và trưởng thành trong cõi lòng của chúng ta, bao lâu, tình yêu mà chúng ta khám phá nơi Thánh Giá của Đức Ki tô và qua đó chúng ta nhận chìm mình, sẽ làm cho chúng ta biết yêu như chính bản thân chúng ta được Ngài yêu mến vậy. Đó là một tình yêu vô hạn, vốn mang dung mạo của sự tha thứ và lòng thuơng xót.
Tuy nhiên lòng thuơng xót và sự tha thứ không chỉ nằm ở nơi những mỹ từ, nhưng phải được thực hiện trong đời sống hằng ngày. Yêu thuơng và tha thứ là những dấu chỉ cụ thể và hữu hình mà đức tin đã biến đổi con tim của chúng ta và cho phép chúng ta diễn tả nơi chính mình sự sống của chính Thiên Chúa. Yêu thương và tha thứ như Thiên Chúa yêu thương và tha thứ. Đây là một chương trình sống không thể nào ngừng nghỉ và không có bất kỳ ngoại lệ nào, nhưng nó thúc đẩy chúng ta hãy luôn lên đường luôn mãi mà không bao giờ tỏ ra mệt mỏi, cùng với sự xác tín vào sự nâng đỡ do sự hiện diện hiền phụ của Thiên Chúa.
Dấu chỉ vĩ đại này trong đời sống Kitô hữu rồi cũng biến đổi trở nên rất nhiều dấu chỉ khác vốn là đặc nét của Năm Thánh. Tôi nghĩ đến biết bao nhiêu người đã đi qua một trong số rất nhiều Cửa Thánh, vốn trong Năm Thánh này thực sự là Cửa của Lòng Thương Xót. Cửa Thánh được chính Đức Giêsu xác định khi Ngài nói : “Ta là cửa: nếu ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu độ; ai vào và bước ra thì sẽ tìm thấy đồng cỏ” (Ga 10, 9). Băng qua Cửa Thánh là dấu chỉ của niềm tin tưởng của chúng ta vào Đức Giêsu là Đấng đến không phải để phán xét nhưng là để cứu thoát (Ga 12, 47). Anh chị em hãy chú ý nhé, sẽ không ai được phép mưu mẹo và quá ma lanh khi nói với anh chị em phải trả tiền: không! Người ta không phải trả tiền cho ơn cứu độ. Người ta cũng chẳng mua được ơn cứu độ đâu. Cửa Thánh là Đức Giêsu, và Đức Giêsu là Đấng nhưng không”.
ĐTC nói tiếp : “Băng qua Cửa Thánh cũng là một dấu chỉ của hoán cải đích thực của coi lòng chúng ta. Khi chúng ta đi qua Cửa Thánh hãy nhớ rằng chúng ta phải mở rộng cánh cửa cõi lòng của chúng ta nữa. Tôi đứng trước Cửa Thánh và khẩn nài : “Lạy Chúa, xin giúp con mở rộng cửa cõi lòng của con”. Năm Thánh sẽ chẳng có nhiều hiệu nghiệm nếu cửa lòng của chúng ta không để cho chính Đức Kitô bước qua ngõ hầu thúc đầy chúng ta mang Chúa và tình yêu của Ngài đến với tha nhân. Vì thế, như Cửa Thánh được mở rộng, bởi vì đó là dấu chỉ của sự đón nhận mà chính Thiên Chúa dành riêng cho chúng ta, để rồi cánh cửa của chúng ta, cửa lòng, cũng phải đuợc mở rộng để không loại trừ một ai. Thậm chí ngay cả đối với những người làm chúng ta phiền lòng: không được loại trừ một ai.
Một dấu chỉ quan trọng của Năm Thánh nữa là Bí tích Hoà giải. Đến gần với Bí Tích qua đó chúng ta được giao hoà với Thiên Chúa thì giống như trực tiếp trải nghiệm lòng thương xót của Ngài. Và gặp được Thiên Chúa Cha vốn tha thứ: Thiên Chúa tha thứ tất cả. Thiên Chúa thấu hiểu những giới hạn của chúng ta, và Ngài cảm thông cho những mâu thuẫn của chúng ta. Không chỉ vậy nhưng Thiên Chúa cùng với tình yêu của mình nói với chúng ta rằng chính lúc chúng ta nhận ra tội lỗi của mình lại là lúc chúng ta trở nên gần gũi Ngài hơn và Ngài hối thúc chúng ta hướng về tương lai. Ngài còn nói rằng: khi chúng ta nhận ra tội lỗi mình và xin ơn tha thứ, thì Nước Trời sẽ như ngày hội: Đức Giêsu tổ chức lễ hội. Và đây là lòng thương xót của Ngài: chúng ta đừng nản lòng thối chí! Chúng ta hãy hướng tới trước cùng với điều này!
Biết bao nhiêu lần tôi nghe nói rằng: “Cha ơi, con không thể nào tha thứ được”. Hàng xóm, đồng nghiệp, mẹ vợ, em dâu…nhưng tất cả chúng ta đều cảm nhận điều này. Tôi không thể nào tha thứ. Nhưng làm sao có thể khẩn nài Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta không có khả năng để tha thứ? Và vì thế tha thứ là một điều vĩ đại. Không dễ để tha thứ bởi vì con tim của chúng ta nghèo nàn và nếu chỉ với sức riêng của mình thì nó chẳng thể nào tha thứ được. Tuy nhiên nếu chúng ta mở lòng ra để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa cho chúng ta, thì đến lượt mình chúng ta sẽ có khả năng để tha thứ. Và thậm chí nhiều lần tôi cũng nghe là: “Con chẳng thể nào nhìn mặt người đó: con ghét người đó. Nhưng một ngày kia, con lại gần Thiên Chúa và con khẩn nài sự tha thứ của Ngài đối với tội lỗi của con, và rồi con đã tha thứ cho người đó”. Những điều này diễn ra hằng ngày. Và khả năng để tha thứ này ở rất gần chúng ta”.
ĐTC kết thúc bài huấn dụ của mình với lời kêu gọi: “Vì thế, hãy can đảm lên! Chúng ta hãy sống Năm Thánh bắt đầu bằng những cử chỉ này, vốn truyền tải một sức mạnh to lớn của tình yêu. Thiên Chúa sẽ tháp tùng chúng ta để hướng dẫn chúng ta trải nghiệm những dấu chỉ quan trọng khác trong đời sống của chúng ta. Hãy can đảm và tiến bước”.
Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai