Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Các bài giảng Lễ Chúa Giáng Sinh của cha Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

Lễ đêm : Hôm nay Đấng Cứu Thế đã Giáng Sinh

Hôm nay Đấng Cứu Thế đã Giáng Sinh.
Tin Mừng thánh Luca nhắc lại cho chúng ta lời loan báo của thiên thần:
Hôm nay một Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavit,
Người là Đấng Kitô, Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người:
anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”.
Kính thưa ông bà anh chị em.
Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh,
- Người đến để gặp gỡ chúng ta. Người đến để cứu chuộc chúng ta.
- Người đã mặc khải trước hết cho những mục đồng nghèo hèn hơn là cho những vua chúa là những người có nhiều ảnh hưởng trên thế giới.
- Người đã mặc khải cho những người yếu đuối, những người nghèo khó và những người vô danh tiểu tốt là những người không có những kho tàng trên thế gian này.
- Người đã mặc khải cho những người bé nhỏ, khiêm nhường là những người đã dành sẵn một chỗ trong con tim cho Đấng cứu độ .
Hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta.
Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.
Mùa vọng và mùa Giáng Sinh trình bày Thiên Chúa như là một Đấng yếu đuối, trái với hình ảnh oai nghi lẫm liệt trong Cựu Ước:
Thiên Chúa là Vua, là Vị Thẩm Phán, là Đấng cai trị, là Đấng chiến thắng.
Nhưng chính tại Belem Thiên Chúa đã được trình bày như một trẻ sơ sinh, một con người yếu đuối, không có sức để tự bảo vệ mình.
Quả thật Người đến không phải như một người trưởng thành mà là một trẻ sơ sinh, được bồng bế trong vòng tay của người mẹ.
Điều xem ra nực cười là một Đấng Thiên Chúa quyền uy lại mặc khải mình như một Hài Nhi.
Nhưng khi Ngài được bọc trong khăn, thì Hài Nhi này lại có một cái gì khác thường: Thiên Chúa đã biến mình thành một con người dễ bị thương tích, bởi vì không gì dễ bị thương tích bằng một em bé. Đứa bé ở trong tay mọi người, tùy thuộc vào sự xử đối của người lớn. Chính ở đây là nơi mà Thiên Chúa, Đấng uy quyền xem ra lại phải tùy thuộc con người.
Kính thưa ông bà anh chị em.
Hôm nay một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta
-          Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ
-          Một Thiên Chúa đã trở thành một con người trong nhân lọai.
  1. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói với chúng ta rằng : Dấu chứng vĩ đại của Thiên Chúa chính là sự bé nhỏ của Ngài, dấu chứng quyền lực của Thiên Chúa lại chính là sự yếu đuối của Ngài.
  2. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói với chúng ta rằng : Một Thiên Chúa đã đi vào thế giới của con người, con người yếu đuối và tội lỗi.
  3. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói với chúng ta rằng: Sự sống con người là một cái gì thiêng thánh, đã được Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc.
  4. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói với chúng ta rằng : Mỗi người chúng ta được sinh ra, dù nhỏ bé đến đâu, dù thấp hèn đến đâu, cũng đều là hình ảnh của Thiên Chúa, cũng đều là con cái Thiên Chúa và được Thiên Chúa yêu thương.
  5. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói với chúng ta rằng : Bất cứ cuộc sống nào, dù tầm thường đến đâu, dù vô danh tiểu tốt đến đâu thì cuộc sống ấy vẫn luôn có một ý nghĩa.
  6. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói lên rằng : Dù chúng ta thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội, chúng ta vẫn có thể sống trọn vẹn cuộc sống của Người. Một cuộc sống âm thầm, nơi hang Belem bé nhỏ.
  7. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói lên rằng: Những ai đang vất vả gồng gánh nng nề hãy đến với Người, Người sẽ bổ sức cho vì ách của Người thì êm ái và gánh của Người thì nhẹ nhàng.
  8. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói lên rằng: Những ai đang chán nản thất vọng, đang lầm lũi trong tăm tối, hãy đến với Người, Người sẽ nâng đỡ ủi an và tâm hồn sẽ được bình an như tiếng ca của thiên thần trong đêm Giáng Sinh: vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm. Amen



GIÁNG SINH
Lễ Rạng Đông “Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ”

Trong đêm đen, các mục đồng đang canh giữ đòan vật, thì bất thình lình chúng ta được kể cho biết, họ được báo tin Chúa Giêsu đã sinh ra. Họ đã vội vã lên đường và tìm thấy Đức Maria, thánh Giuse và Con Trẻ nằm trong máng cỏ.
Trong xứ Palestina, những mục đồng bị mang tiếng xấu, bị coi là những thành phần bất hảo và trộm cắp. Sách Talmud của Babylone xếp họ vào lọai thu thuế và biệt phái: là những người khó lòng sám hối ăn năn. Ấy thế mà chính những người bị khinh khi, bị liệt vào giai cấp hạ đẳng trong xã hội lại là những người đầu tiên nhận được Tin Mừng Giáng Sinh. Thiên Chúa luôn xuất hiện như thế trong sự khiêm nhường, giữa những biến cố đời thường và sự tỏ hiện của Người không có ồn ào, nhưng âm thầm kín đáo.
Các mục đồng đã lên đường tới Belem và đã găp Đức Maria, thánh Giuse và Hài Nhi nằm trong máng cỏ.
Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ – Một Thiên Chúa đã trở thành một con người trong nhân lọai.
  1. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói với chúng ta rằng : Sự sống con người là một cái gì thiêng thánh, đã được Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc.
  2. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói với chúng ta rằng : Mỗi người chúng ta được sinh ra, dù có nhỏ bé đến đâu, dù có thấp hèn đến mấy, cũng đều là hình ảnh của Thiên Chúa, cũng đều là con cái Thiên Chúa và đã được đóng ấn tình yêu của Thiên Chúa.
  3. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói với chúng ta rằng : Bất cứ cuộc sống nào, dù tầm thường đến đâu, dù vô danh tiểu tốt đến mấy, thì cuộc sống ấy luôn vẫn có một ý nghĩa.
  4. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói lên rằng :Dù chúng ta thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội, chúng ta vẫn có thể sống trọn vẹn cuộc sống của Người. Một cuộc sống âm thầm, sinh ra trong hang Belem bé nhỏ.
  5. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói với chúng ta rằng: Dấu chứng vĩ đại của Thiên Chúa chính là sự be nhỏ  của Ngài, dấu chứng quyền lực của Thiên Chúa lại chính là sự yếu đuối của Ngài.
Có câu chuyện kể rằng:

Nhiều thế kỷ trước đây tại nước San Marinese, có một ông vua rất kính sợ Thiên Chúa và thương yêu dân chúng.
Ông sống chính trực và rất được dân chúng kính trọng, mến phục.
Nhà vua không chỉ hài lòng với cuộc sống trên nhung lụa của hoàng cung,
cũng không chỉ nghe theo lời báo cáo tường trình của các quan cận thần.
Để biết rõ hơn về hoàn cảnh sống của dân chúng,
nhà vua thường hay cải trang đủ cách để có thể đi lại dễ dàng và
trà trộn giữa mọi lớp người để không bị theo dõi hoặc chú ý tới.
Một hôm nhà vua cải trang với manh áo rách vá chằng chịt như một người hành khất và đến ngồi ăn xin tại một công viên.
Nhà vua làm quen với người phu quyét đường thường ngồi nghỉ trên ghế công viên, ăn qua loa nắm cơm nguội dưới ánh nắng mặt trời nắng gắt.
Ngày qua tháng lại, nhà vua trở nên như bạn thân của người phu quét đường. Họ chia sẻ từng nắm cơm, ly nước và chuyện trò vui vẻ như hai người bạn thân.
Sau cùng vua quyết định nói sự thật và tỏ mình cho người phu quét đường biết mình là ai.
Nhà vua còn bảo người phu quét đường có thể xin điều gì mà anh ta ưa thích nhất như mòn quà kỷ niệm tình bạn thân thiết ấy.
Nghe nhà vua tỏ lòng thương mến, người phu quét đường trố mắt ngạc nhiên nhìn nhà vua và nói:
Thưa hoàng đế, nhà vua đã không quản ngại khó nhọc, khước từ vinh quang của cung điện để đến chia sẻ nắm cơm chén nước và những khó nhọc của bần hèn này.
Nhà vua có thể ban tặng cho quan thần những món quà quí giá, nhưng đối với phận hèn này nhà vua đã dành cho món quà lớn nhất là chính mình.
Vì thế nếu được, phận hèn này chỉ xin một điều duy nhất, là xin nhà vua đừng cất đi tình bạn mà nhà vua đã dành cho kẻ hèn từ trước tới nay. Amen.










NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI VÀ Ở GIỮA CHÚNG TA
 (Jn 1,1-18)

Chương đầu tiên trong Tin Mừng Thánh Gioan là một trong những khám phá lớn nhất trong tư tưởng tôn giáo con người có thể đạt được. Ngay từ đầu, Kitô Giáo đã gặp một vấn đề căn bản. Đầu tiên Kitô Giáo phát xuất từ đạo Do Thái (Judaism), các tín hữu chỉ là những người Do Thái, về phương diện con người thì Chúa Giêsu là người Do Thái. Và trừ thời gian ngắn đi thăm miền Tia, Sidon, Thập Tỉnh, Chúa Giêsu đã không hề ra ngoài Palestine. Kitô Giáo khởi đầu từ dân Do Thái, tự nhiên sử dụng tiếng nói, phạm trù, tư tưởng Do Thái. Nhưng dầu khởi đầu từ dân Do Thái, Kitô Giáo đã nhanh chóng lan rộng trên thế giới. Trong vòng 30 năm sau khi Chúa chết, đạo đã lan tràn khắp Tiểu Á, Hy Lạp, mãi cho đến Rôma. Vào những năm 60, đã có hàng trăm ngàn người Hy Lạp bên cạnh người Do Thái Giáo. Thế nhưng tư tưởng Do Thái hoàn toàn xa lạ với người Hy Lạp, như quan niệm về Đấng Thiên Sai. Chính tư tưởng trông đợi Đấng Mêsia của Người Do Thái là tư tưởng hoàn toàn xa lạ với người Hy Lạp. Chính những phạm trù người Kitô hữu Do Thái quan niệm và trình bày về Chúa Giêsu thì chẳng có nghĩa gì với người Hy Lạp. Đây là vấn đề, làm sao truyền đạo cho thế giới Hy Lạp? Sử gia Lecky có lần đã nói sự tiến triển và truyền bá của một tư tưởng không chỉ lệ thuộc vào sức mạnh và lực đẩy của tư tưởng mà còn tùy vào sự chuẩn bị trước để người ta chấp nhận. Nhiệm vụ của Kitô Giáo là thiết lập sự chuẩn bị trước để thế giới Hy Lạp có thể đón nhận sứ điệp Kitô Giáo. Như E.J. Goodspeed nói, câu hỏi là “Một người Hy Lạp muốn vào Kitô Giáo có phải đọc hết những tư tưởng về Đấng Mêsia theo những lối suy nghĩ của người Do Thái, hay có đường lối nào khác không?” Vấn đề là trình bày Kitô Giáo thế nào để người Hy Lạp có thể hiểu và chấp nhận. Vào những năm 100, tại Êphêsô (thành phố người Hy Lạp) Gioan đã ưu tư về vấn đề này và Gioan đã tìm được lời giải trong ý niệm “Lời” (word) của Do Thái và “Lời” (logos) của Hy Lạp.[1]
2.”LỜI’ trong quan niệm của người Hy Lạp
“Lời”, theo quan niệm của người Hy Lạp chỉ hai điều: lời nói (word) và lý trí (reason). Người Do Thái rất quen thuộc với lời vạn năng của Thiên Chúa, “Thiên Chúa phán hãy có ánh sáng, liền có ánh sáng” (St 1:3). Người Hy Lạp lại quen thuộc với lý trí (reason). Coi thế giới, họ thấy một trật tự tuyệt diệu: ngày, đêm, ngày tháng, trăng sao, tinh tú không gian thiên nhiên có luật lệ bất biến, tất cả chuyển động trật tự. Trật tự này bởi đâu? Họ đáp trật tự đó đến từ Lời (Logos). ‘Lời’ là lý trí của Thiên Chúa. Tại sao con người có lý trí, suy nghĩ, hiểu biết? Họ bảo đó là do Lời (Logos), trí óc của Thiên Chúa. Họ nói tiêp, điều gì cho con người khả năng suy nghĩ, lý luận? Họ lại đáp Lời, trí óc của Thiên Chúa ngự trong con người, làm con người thành bản thể lý trí biết suy suy tư, hiểu biết. Gioan dựa vào quan niệm này, áp dụng Lời (Logos) vào Chúa Giêsu. Ông nói với người Hy Lạp: “Toàn thể cuộc sống lạ lùng của anh em là do trí óc lớn lao, hướng dẫn, điều khiển của Thiên Chúa. Trí óc của Thiên Chúa đã đến trong thế gian nơi con người Giêsu. Cứ nhìn vào Giêsu, sẽ thấy trí óc và tư tưởng của Thiên Chúa”. Gioan đã khám phá ra phạm trù mới, nhờ đó người Hy Lạp có thể nghĩ về Chúa Giêsu, phạm trù nhờ đó Chúa Giêsu được trình bày không gì khác ngoài Thiên Chúa hoạt động dưới hình thức con người.[2]
3. “Ngôi Lời đã làm người”
“Ngôi Lời đã làm người”. Chính vì câu này mà Gioan viết Tin Mừng. Gioan đã suy nghĩ và đã nói về lời của Thiên Chúa, lời quyền năng, tạo dựng và năng động, lời là tác nhân trong việc tạo dựng, dẫn đường, chỉ lối và điều khiển, đem trật tự cho hoàn vũ và trí cho con người. Đó là những ý tưởng quen thuộc với người Do Thái và Hy Lạp. Giờ đây, Gioan nói một điều lạ lùng nhất và không thể tin. Gioan nói rất đơn giản: “Lời đã dựng nên thế giới, trí điều khiển trật tự của thế giới, đã trở nên một người mà mắt chúng ta nhìn thấy”. Động từ Gioan đùng cho xem thấy là theasthai. Động từ này dùng trong Tin Mừng hơn 20 lần với nghĩa là cụ thể xem thấy bằng mắt người. Đây không phải là xem thấy thiêng liêng bằng linh hồn hay lý trí. Gioan tuyên bố lời thực tế đã xuống trần trong hình thể một người và được xem thấy bằng mắt trần. Gioan nói: “Nếu muốn xem lời tạo dựng ra sao, trí điều khiển thế nào, hãy nhìn vào Giêsu Nadarét”. “Đức Giêsu là con người bằng xương bằng thịt” (Cl 1,21-22). Thánh Augustinô tự thú, trước khi trở lại ông đã đọc và học hỏi nhiều sách, nhiều triết gia lớn ngoại đạo, nhưng không hề thấy lời thành người. Đối với người Hy Lạp thì “lời” không thể làm người; họ cho thân xác là xấu, là nhà tù nhốt linh hồn, là mồ chôn tinh thần. Plutarch bảo “Nói Thiên Chúa can thiệp vào việc đời là phạm thượng”. Philo đã không nói thế, nhưng nói “Sự sống của Thiên Chúa không thể xuống tới chúng ta, cũng chẳng xuống đến những nhu cầu phần xác”. Marcus Aurelius, hoàng đế Rôma thuộc phái Khắc kỷ (stoic) thì khinh miệt thân xác. “Vì thế bất kể xác thịt - máu, xương, cả một hệ thống gân cốt chằng chịt, các đường mạch máu”, “Toàn thể thân xác sẽ bị hư thối”.
Đây là một điều mới đến rùng mình - Thiên Chúa có thể và muốn làm một người, Thiên Chúa đã có thể vào trong cuộc sống chúng ta để chúng ta được sống; đời đời có thể xuất hiện trong thời gian, Đấng Tạo Hóa đã xuất hiện thành tạo vật để con người có thể nhìn thấy bằng mắt thịt. Quan niệm Thiên Chúa làm người, là quan niệm lạ lùng đến nỗi có người trong Giáo Hội không tin. Gioan nói lời đã trở nên xác thịt (sarx).Xác thịt chính là lời thánh Phaolô đã dùng nhiều lần để diễn tả điều ông gọi là xác thịt, là bản tính con người với mọi yếu đuối và khả năng phạm tội. Chính việc nghĩ đến và dùng danh từ đó để áp dụng cho Thiên Chúa là điều làm các ông lạ lùng. Vì thế nổi lên trong Giáo Hội bè rối gọi là phái Coi Như (Docetists). Dokein là tiếng Hy Lạp có nghĩa là coi như. Bè rối này cho rằng Chúa Giêsu thực tế chỉ là bóng ma; thân xác của Người không phải là thân xác thật; Người thực sự không cảm thây đói, mệt nhọc, buồn phiền và đau đớn. Gioan nói trực tiêp với phái này trong thư thứ nhất của ông “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra Thần Khí của Thiên Chúa, Thần Khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì Thần Khí ấy bởi Thiên Chúa; còn Thần Khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa” (1 Ga 4:2-3). Thực sự bè rối này sinh ra bởi việc tôn kính sai lầm, trái với đạo lý Chúa Giêsu thực sự hoàn toàn là con người. Với Gioan thì đó là điều trái ngược lại toàn thể Tin Mừng Kitô Giáo.
Đôi khi ta nóng lòng cho rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa hoàn toàn đến nỗi quên rằng thực tế Chúa Giêsu cũng là con người hoàn toàn. Lời đã trở nên xác thịt, ở đây, có lẽ hơn đâu khác trong Tin Mừng, nhân tính đầy đủ của Chúa Giêsu được công bố cách vinh dự như thế. Nơi Chúa Giêsu ta thấy lời tạo dựng của Thiên Chúa, trí điều khiển của Thiên Chúa, đã lãnh nhận nhân tính con người. Nơi Chúa Giêsu, ta thấy Thiên Chúa sống cuộc đời như Người đã sống, nếu Người là con người. Giả như không nói gì nữa về Chúa Giêsu, ta vẫn còn có thể nói rằng Người đã tỏ cho ta thấy Thiên Chúa đã sống cuộc đời của chúng ta.
Ngôi Lời đã làm người” : có thể nói đây là câu vĩ đại độc nhất trong Tin Mừng.[3]
4. Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Jn 1,1-18)
Từ Nhập Thể, không phải là một từ được sử dụng trong ngôn ngữ thường ngày và cũng không có trong tòan bộ Kinh Thánh. Người ta gọi từ này là một thứ “tốc ký” để chỉ
một quan niệm được triển khai dần dần trong Tân Ước.
Lần đầu tiên Thánh Kinh đề cập đến quan niệm Đức-Giêsu-là-Thiên-Chúa là trong Phúc Âm thánh Gioan “Ngôi Lời (Verbum) đã hoá thành nhục thể và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của Người Con Một đầy ân sủng và chân lý”(Jn 1,14).
Sự hiểu biết về sự kiện Nhập Thể thực ra đã phát triển dần dần. Mãi đến gần cuối của Tân Ước mới thấy đề cập đến Đức Giêsu, trong thân xác của Người, có đầy đủ bản tính của Thiên Chúa (Col 2,9) và cho đến khi có kinh Tin Kính, các Kitô hữu mới tuyên xưng Đức Giêsu “đồng bản tính với Đức Chúa Cha”.
Tưởng cũng nên ghi nhận sự kiện này là Thiên Chúa, trong Đức Giêsu đã bước vào thế gian này để trở thành con người giống như chúng ta ngọai trừ tội lỗi và cũng sống giống như chúng ta. Vì Người đã nhập thể và nhập thế, nên Đức Giêsu cũng đã cảm nhận được những nỗi thống khổ nhân thế:
-          Người đã phải chịu đau khổ như nhiều người trong chúng ta cũng đã từng nếm biết bao đắng cay.
-          Người đã cảm thấy đau đớn, cảm thấy bị ruồng bỏ.
-          Cuối cùng Người cũng đã có cảm nghiệm về cái chết, một kinh nghiệm mà sớm hay muộn cũng sẽ xảy đến cho bất cứ một người nào trong chúng ta.[4] 
“Ngôi Lời đã làm người” muốn nói lên rằng bất cứ cuộc sống nào, cho dù bé nhỏ, vô nghĩa đến đâu, thì cuộc sống ấy vẫn có một ý nghĩa.
“Ngôi Lời đã làm người” muốn nói lên rằng cho dù chúng ta thuộc về hạng người nào, chúng ta vẫn có thể sống trọn vẹn lời Người đã dạy và theo gương các việc Người đã làm.
Người ta có kể rằng ở một thành phố bên Tiệp Khắc, trong các di tích trưng bày có một chiếc cày từ thế kỷ 18. Người ta thuật lại câu chuyện như sau: một hôm hòang đế Joseph II cùng đòan tùy tùng đến thăm một ngôi làng. Thấy anh nông dân đang ngồi nghỉ mệt bên chiếc cày, ông đến trò truyện và xin cày thử. Anh nông dân rất ngạc nhiên khi thấy một người sang trọng lại xin tra tay vào cày, một cái cày lấm bùn dơ bẩn. Rồi lại thấy ông ta cày một cách vụng về, anh bật cười và nói: Xin lỗi ông, hạng người như ông làm sao cày mà kiếm sống được.
Nghe nói thế, một người trong đòan tùy tùng ghé vào tai anh nông dân mách nhỏ: Người đó chính là hòang đế. Anh nông dân như muốn độn thổ. Anh không thể tưởng tượng một vị hòang đế mà tra tay cầm cày như anh …Anh cảm phục đến nỗi từ đó anh không dám sử dụng chiếc cày đó nữa. Anh chùi rửa sạch sẽ, rồi cất giữ như một báu vật. Về sau, chiếc cày đó được trưng bày tại một cuộc triển lãm tại Vienne, nước Áo.
Quả thật, vua Joseph là một vị hòang đế nhưng cũng là người như chúng ta, ấy thế mà anh nông dân đã cảm phục trước hành động của nhà vua đến nỗi không dám sử dụng chiếc cày đó nữa.
Còn đối với chúng ta, Đức Giêsu là một vị Thiên Chúa, đã xuống thế làm người, mặc lấy xác phàm như chúng ta, để ở với chúng ta, chúng ta phải đối xử với Người như thế nào ? Đây là vấn đề tối quan trọng chúng ta phải trả lời cho Thiên Chúa trong cuộc đời của chúng ta.Amen





[1] Lm. Giuse Phạm văn Tuynh, O.P,  Theo Chúa Kitô (Quyển 2, tập 1) trg.34-35

[2] Lm. Giuse Phạm văn Tuynh, O.P,  Theo Chúa Kitô (Quyển 2, tập 1) trg.28


[3] Lm. Giuse Phạm văn Tuynh, O.P,  Theo Chúa Kitô (Quyển 2, tập 1) trg.55-56
[4] Khi Chúa đến với con người, trg.69-70