Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

Bài giảng Thánh Lễ Chúa nhật 4 mùa vọng, năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

Cuộc thăm viếng của Đức Maria

Khi Đức Maria biết rằng mình sẽ làm Mẹ Đấng Cứu Thế, việc đầu tiên Mẹ thực hiện đó là đi thăm bà chị họ Elizabeth.
Tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Maria đã tạo nên một phản ứng dây chuyền.
Chúa Thánh Thần đổ tràn tình yêu Thiên Chúa trên Đức Maria qua sự hiện của Chúa Giêsu trong cung lòng Trinh Nữ Maria, khiến Đức Maria vội vã lên đường đi thăm bà Elizabeth.
Thánh Gioan Tẩy Giả cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa, đã nhảy lên vì vui sướng.
Elizabeth tràn đầy Chúa Thánh Thần, và chính Chúa Thánh Thần thúc giục bà vang lên lời ca tụng Đức Maria và Đức Maria hát lên bài Magnificat ca tụng Thiên Chúa.
Một cuộc thăm viếng gặp gỡ thật tuyệt vời!
Cuộc gặp gỡ, viếng thăm của Đức Maria là như thế,
Còn những cuộc gặp gỡ thăm viếng của chúng ta như thế nào?
Chắc là buồn nhiều hơn vui. Buồn nhiều hơn vui và chính chúng ta lại nguyên nhân tạo ra những nỗi buồn như thế. Giờ đây chúng ta thử rảo qua việc chúng ta đã nói nói gì trong các cuộc giao tiếp thăm viếng của chúng ta?
Đó có thể là:
  • Những lời mỉa mai, châm biếm,
  • Những lời chọc tức, gây khó chịu
  • Những lời nói sau lưng,
  • Những lời “thọc gậy bánh xe”,
  • Những lời đồn thổi, bóng gió, gần xa
  • Những lời dối trá không chân thật,
  • Những lời than phiền, thách thức
  • Những lời cay độc, nói hành, nói xấu,
  • Những lời xét đoán vô trách nhiệm
  • Những lời vu khống, bỏ vạ, cáo gian
  • Những lời gieo rắc chia rẽ, hận thù, ghen ghét
  • Những lời nói đùa ác ý hay những lời nói tục lố lăng vô bổ.
  • Những lời vuốt ve nịnh bợ và những lời ba hoa tâng bốc.
  • Những câu chuyện làm quà qua lại đầy ác ý.
Tất cả những lời nói trên có thể xảy ra trong các cuộc thăm viếng gặp gỡ của chúng ta. Chúng mang tai họa đến cho người khác cũng như cho chính chúng ta.
  1. Mang đến tai họa người khác
Những lời nói trên là những yếu tố đưa đến sự chán nản, rút lui, bỏ cuộc
của một số anh chị em nhiệt tình, quảng đại và tích cực đóng góp cho công việc, cho ích chung, cho cộng đồng.
Những lời cay độc thấm dần làm ô nhiễm bầu khí, làm mệt mỏi, căng thẳng lâu ngày không chịu nổi, và rốt cuộc, họ buông xuôi, khép kín, cô đơn và ngã quỵ.
  1. Tất cả những lời nói tiêu cực có thể xảy ra trong các cuộc thăm viếng gặp gỡ của chúng ta.
Chúng mang tai họa đến cho người khác và cho cho chính chúng ta.
 Sau đây là một số hệ quả của những lời tiêu cực mà Raymond De Saint Laurent đã nhận định:
  • Một người hay châm biếm thường gây thù chuốc oán và làm mọi người xa lánh.
  • Một người thiếu kín đáo, hay tiết lộ những điều cần giữ kín thường hay làm mất lòng người khác, mất niềm tin cậy và bị nghi ngại khi tiếp xúc.
  • Một người ba hoa chỉ làm cho người nghe chán ngấy, và từ đó thiên hạ tránh xa khi thấy người đó xuất hiện.
  • Một người có ác tâm xét đoán người khác, sẽ tạo nên bầu khí căng thẳng, khó chịu cho những người xung quanh.
  • Một người hay nói quanh co, ẩn ý sẽ làm cho người ta nghi ngờ, ngại ngùng và tránh né.
  • Một người gièm pha, bóng gió là không dám nói thẳng sự việc, mà quanh co lắt léo. Chính họ là những người thuộc loại thọc gậy bánh xe, có sức phá hoại ngầm, rất thâm độc.
  • Một người nóng giận là người thường thiếu sáng suốt, và khó kiềm chế bản thân, nên rất dễ thốt ra những lời vô bổ, quá trớn, và rồi qua cơn nóng giận không thể rút lại được những gì mình đã nói. Thật hối tiếc và đau lòng!
  • Một người chỉ trích. Biết đâu trong hoàn cảnh của họ, họ còn tệ hại hơn nữa?
Chỉ trích luôn là con đường có sức công phá những mầm sống, những chồi non, phá hoại thiện chí và những cố gắng vươn lên.[1]
Hai cuộc viếng thăm.
Cuộc viếng thăm của Đức Maria và cuộc viếng của chúng ta.
Cả hai đều là cuộc viếng thăm nhưng lại mang đến hai hậu quả khác nhau.
Nguyên nhân chính vẫn là có Chúa và không có Chúa.
Đây chính là lý do để chúng ta nhìn lại việc chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh của chúng ta.
Nếu Chúa đến với chúng ta như đã đến với Đức Maria,
Chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ ra khác và cuộc đời của những người mà chúng ta gặp gỡ cũng ra khác. Amen.
LM Giuse Đỗ Văn Thụy
[1] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.86-87