Dhaka (RNA) – Trong chuyến tông du sắp tới đây tại Bangladesh từ ngày 30 tháng 11 đến 2 tháng 12, Đức Phanxicô sẽ phong chức cho 16 tân linh mục. Hãng tin AsiaNews nói chuyện với một vài tân linh mục. Tất cả đều mong chờ ngày trọng đại này.
Trong số các tân linh mục có thầy Jashim Murmu, giáo phận Dinajpur, người gốc thị tộc Santal, thầy cho biết: “Tin vui thứ nhất là Đức Giáo hoàng đến Bangladesh, tin vui thứ nhì là ngài phong chức cho tôi”.
Lễ phong chức tại Dhaka, ngày 1 tháng 12
Lễ phong chức linh mục cho các thầy phó tế được tổ chức vào ngày 1 tháng 12 trong thánh lễ Đức Phanxicô cử hành tại công viên Suhrawardy Udyan, ở thủ đô Dhaka. Vào khoảng một trăm ngàn người dự trù sẽ tham dự thánh lễ này. Trong số 16 tân linh mục có 10 tân linh mục thuộc giáo phận, 1 Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ, 5 thuộc Dòng Thánh giá.
Thầy phó tế Murmu sẽ là linh mục đầu tiên của làng mình, một làng hoàn toàn là người Santal. Thầy cho biết mình rất hãnh diện.
Thầy Gracy Rozario (Dòng Thánh giá), thuộc giáo phận Dhaka cho biết: “Tôi không thể tưởng tượng mình được Đức Giáo hoàng phong chức. Với tôi, được ngài phong chức là một ơn phước. Vì thế, tôi xin cảm tạ Chúa Toàn Năng”.
Niềm vui vô biên được Đức Giáo hoàng phong chức
Thầy Cizar Costa, thuộc giáo phận Rajshahi tuyên bố: “Đức Phanxicô sẽ đặt tay lên đầu tôi, phong chức cho tôi, chúc lành cho tôi. Đó là niềm vui vô biên của tôi. Chỉ nghĩ đến đó, tôi cảm nhận có một bình an vô cùng trong tâm hồn tôi”.
Đối với thầy, “đây là một ơn lớn được Đức Thánh Cha phong chức. Tôi cảm ơn giáo quyền Bangladesh đã cho tôi được phong chức trong dịp này. Tôi cũng cám ơn gia đình thân thuộc của tôi đã khuyến khích tôi trong sự chọn lựa con đường chức thánh của tôi”.
Các tân linh mục được đào tạo ở Đại chủng viện Chúa Thánh Thần Espírito Santo
Tất cả 16 thầy phó tế đều theo học ở Đại chủng viện Chúa Thánh Thần, chủng viện duy nhất ở Bangladesh. Linh mục Viện trưởng Emmanuel Kanon Rozario cho biết, hiện nay chủng viện có 400 sinh viên. Một tình trạng khác với tình trạng ơn gọi khan hiếm ở Tây phương.
Tĩnh tâm để chuẩn bị chịu chức
Linh mục Rozario cho biết thêm: “Chúng tôi giúp các thầy phó tế trong việc chuẩn bị về mặt thiêng liêng. Giai đoạn chuẩn bị cuối là các thầy sẽ đi tĩnh tâm từ 14 đến 20 tháng 11”.
Theo linh mục viện trưởng: “Được chịu chức linh mục chỉ là bước đầu trong sứ vụ chức thánh. Chúng tôi chuẩn bị cho họ đầy đủ, chúng tôi hy vọng họ sẽ là các linh mục thánh thiện cho Giáo hội công giáo”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Ấn Độ: Đức Phanxicô chào mừng việc phong chân phước “nữ tu tươi cười”
Trong buổi Kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 5 tháng 11-2017 ở quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã chào mừng việc phong chân phước nữ tu tử đạo người Ấn Độ Rani Maria Vattalil, lễ phong chân phước đã được cử hành ở Indore, miền Trung nước Ấn ngày 4 tháng 11-2017. Nữ tu có biệt danh là “nữ tu tươi cười”.
Xơ Vattalil thuộc Dòng Clara-Phanxicô, xơ bị giết chết vì đức tin ngày 25 tháng 2 năm 1995. Xơ sinh ngày 29 tháng 1 năm 1954 ở vùng Kerala. Tù rất trẻ, xXơ vào Dòng Clara-Phanxicô, sau hai năm đi dạy học ở trường Mẹ Maria ở Bijnor, xơ hoạt động xã hội bên cạnh những người nghèo không có đất. Nhưng các hoạt động của xơ đi ngược với lợi ích của nhiều chủ đất. Xơ bị giết chết một cách hung bạo trên xe buýt, xơ bị một người đâm chén chuyên nghiệp đâm 40 nhát dao. Cho đến hơi thở cuối cùng, xơ vẫn còn kêu lên: “Giêsu! Giêsu!”
Sau buổi Kinh Truyền Tin trưa chúa nhật, Đức Phanxicô nói về nữ tu Rani Maria Vattalil
Anh chị em thân mến,
Hôm qua ở giáo phận Indore, Ấn Độ, nữ tu Rani Maria Vattalil thuộc Dòng Nữ tử Clara-Phanxicô được phong chân phước. Nữ tu Vattalil chết vì đức tin kitô năm 1995. Xơ đã làm chứng cho Chúa Kitô trong tình yêu, trong dịu dàng và kết hiệp với các vị tử đạo của thời chúng ta. Ước mong sự hy sinh của nữ tu là hạt giống đức tin và hòa bình, đặc biệt ở miền đất Ấn Độ. Nữ tu rất nhân hậu, người dân Ấn gọi xơ là “nữ tu tươi cười”.
Tôi xin chào tất cả anh chị em hành hương, đặc biệt các anh chị em đến từ Gomel, vùng Biélorussie, các thành viên của “Trung tâm Académico Romano Fundación” của Madrid, các tín hữu ở Valence, Murcie và Torrent (Tây Ban Nha),các nữ tu Irmãs da Divina Providência mừng kỷ niệm 175 thành lập Dòng.
Tôi xin chào các ca đoàn của các bạn trẻ “I Minipolifonici” của tỉnh Trente, các ca đoàn Candiana, Maser và Bagnoli di Sopra; các anh chị em tham dự Liên hoan nhạc và nghệ thuật thiêng liêng đến từ các nước khác nhau; tôi xin chào các tín hữu Altamura, Guidonia và giáo xứ San Luca, Rôma.
Tôi xin chúc anh chị em một ngày chúa nhật an lành. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin chúc anh chị em ăn trưa ngon miệng và hẹn gặp lại!
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin xem thêm: Ấn Độ: Samundhar Singh, người giết nữ tu Rani Maria được gia đình xơ nhận làm “con nuôi”
“Đức Phanxicô hiện thực hóa Tin Mừng; ngài yêu người nghèo và dân chúng”
bởi phanxicovn
Dominique Wolton và ông Issa Goraieb, nhà viết xã luận báo Ngày Đông phương (L'Orient-Le Jour), thứ bảy 4 -11-17 tại Hội chợ sách tiếng Pháp ở Beyrouth. Hình Michel Sayegh
Dominique Wolton là người vô thần duy nhất đã thảo luận hàng giờ với Đức Phanxicô, từ các buổi thảo luận này một quyển sách đã ra đời.
Trong vòng một năm rưỡi, ông thảo luận với Đức Phanxicô. Người Pháp, vô thần, thế tục, nhà xã hội học, quan tâm đến các thách thức truyền thông của thế kỷ 21. Ông đã thể hiện được giấc mơ của hơn một tỷ người công giáo: được gặp Đức Giáo hoàng, nói chuyện với ngài, bàn thảo với ngài về tiến trình, đức tin, tầm nhìn, nỗi sợ, e ngại của ngài trước các vấn đề lớn của thời buổi này. Từ cuộc đối thoại phong phú và tự nhiên này, đôi khi cố ý đi ra ngoài cấu trúc, đã giúp cho độc giả hiểu hơn những gì có trong đầu Đức Giáo hoàng và những gì triều giáo hoàng của ngài thể hiện trong quá trình dài của lịch sử Giáo hội. Hai người vui thú được gặp nhau, vui thú đối thoại, vui thú chứng nghiệm và chắc chắn nhờ đó mà quyển sách đã thành công. Và, ấn tượng bởi người mặc áo trắng ngồi cách mình một mét rưỡi, Dominique Wolton đôi khi quên xem lại một vài phân tích của mình hơi sơ lược. Như khi Đức Giáo hoàng quy trách nhiệm những người buôn vũ khí chịu trách nhiệm trong các cuộc chiến tranh tàn phá Trung Đông. Tác giả cho biết: “Tôi càng nói chuyện với ngài thì thấy vừa dễ dàng vừa khó khăn”, ông nhấn mạnh đến điểm nền tảng để hiểu các giới hạn không gian-thời gian của cuộc nói chuyện này: “Nói chuyện với một giáo hoàng thật rắc rối!”
Gặp gỡ với ông Dominique Wolton, người nói chuyện với giáo hoàng và tác giả quyển sách đã được dịch ra mười lăm thứ tiếng, Chính trị và Xã hội, (nxb. Observatoire, 2017) trong Hội chợ sách tiếng Pháp ở Beyrouth lần thứ 24. Dù với cả những người gièm pha ngài, đây là tác phẩm có thể sẽ là “quyển sách duy nhất của giáo hoàng về chính trị”.
Làm thế nào để thảo luận với một giáo hoàng? Làm thế nào để nói với ngài khi mình không đồng ý với ngài?
Đó là người mặc áo trắng ở cách ông một mét rưỡi, là nhà lãnh đạo của hơn một tỷ ba trăm ngàn tín hữu! Khá ấn tượng. Tôi đã chuẩn bị kỹ bố cục quyển sách, nhưng điều tôi không ngờ trước, đó là khi ngài đẩy cánh cửa vào, tôi thấy nét dịu dàng trên ánh nhìn của ngài. Đúng, có một cuộc gặp giữa một người cực kỳ thông minh và cũng cực kỳ đơn giản, và tôi.
Về những bất đồng, tôi cố gắng lượng định tình trạng để tôi có thể cho phép mình có quyền tiếp tục không, khi nào thì có thể được, khi nào thì tốt hơn không nên làm hoặc sau đó làm. Có khi, ngài cũng có can đảm nói ngài không biết trả lời như thế nào. Đôi khi tôi cảm thấy ngài không nói thật. Cũng có khi ngài mệt và cũng có khi ngài rất bận.
Ông có cảm tưởng mình đã dệt một quan hệ đặc biệt với ngài? Ông lượng định nó như thế nào?
Một quan hệ đồng cảm, bằng hữu, dịu dàng, một hình thức cọng tác với nhau. Trước hết là có chiều kích nền tảng nhân bản trong cuộc gặp của chúng tôi. Cũng khá chủ quan. Tôi nghĩ ngài chọn tôi vì tôi không phải là người Ý, không phải là ký giả, không phải là cha xứ và tôi rất thế tục.
Có vẻ như trật khớp với tất cả những gì ông tiếp cận, ông ở trong môi trường đại học Pháp, vô thần, còn ngài là giáo hoàng của thế giới công giáo.
Chúng tôi đều có một ám ảnh chung là lo cho hòa bình, cho tình yêu tha nhân. Cả hai chúng tôi đều có một cái nhìn lý tưởng, chúng tôi cùng chia sẻ một lý thuyết chung về tầm quan trọng của truyền thông, và chúng tôi có một cái nhìn dè chừng đối với các thể chế. Tôi nghĩ tôi cảm thấy gần với ngài vì tính hài hước của ngài – ngài còn nói, tính hài hước có một cái gì gần với ơn Chúa nhất -, về đam mê chính trị của ngài, về sự tự do trong tinh thần và về sự không chuộng hình thức của ngài.
Và cái gì là khác biệt giữa hai người?
Ngài có đức tin, tôi thì không. Khi ngài nói với tôi: “Ông cầu nguyện cho tôi”, tôi trả lời: “Tôi nghĩ rất nhiều đến cha, nhưng tôi không biết đó có phải là lời cầu nguyện không .”
Dù vậy khía cạnh siêu hình về mặt tri thức của ông rất giống ...
Cũng có thể vì vậy mà tôi muốn làm một quyển sách với ngài, chứ không muốn làm với các vị tiền nhiệm của ngài. Cũng như ngài, tôi tin chắc, thách thức chính của thời buổi này là xây cầu và hạ các bức tường.
Đức Phanxicô là giáo hoàng đầu tiên không phải là người Âu châu, giáo hoàng đầu tiên Dòng Tên, giáo hoàng đầu tiên của thời toàn cầu hóa. Nhưng thực chất, cái gì làm ngài khác với các vị tiền nhiệm của ngài?
Đó là một giáo hoàng thế tục, ngài nói như một giáo dân. Đó là giáo hoàng chính trị, nhưng chính trị đến từ thần nghiệm. Ngài hiện thức hóa Tin Mừng. Ngài yêu người nghèo, ngài yêu dân chúng. Ngài ghét tiền bạc, mà ngài xem đó là “rác rưởi của quỷ”. Một sự trộn lẫn của tinh thần Phanxicô và của những gì cao cả của Châu Mỹ La Tinh, có nghĩa là bản sắc dân tộc. Ngài thích những người bình thường. Cuối cùng, những người công giáo phái hữu không thích ngài, những người công giáo phái tả lúng ta lúng túng. Những người ủng hộ chính của ngài là những người vô thần, những người theo thuyết bất khả tri và những người nổi loạn.
Giáo hoàng làm một phân biệt giữa những gì ngài gọi là chính trị cao cả, xử lý các vấn đề lớn của thời đại, và những gì ngài gọi là chính trị thấp, người ta có thể cho đó là chính trị láu cá. Nhưng ngài có thể có một ảnh hưởng thật sự nào trên chính trị cao cả không, khi uy quyền thiêng liêng của ngài tách ra với quyền thế trần tục?
Ngài không có quyền lực nào khác hơn là lời nói. Chắc chắn đây là nhân vật được biết đến nhiều nhất và được yêu mến nhiều nhất hành tinh. Và cũng là nhân vật mạnh nhất khi xét đến tầm ảnh hưởng của ngài ở thời buổi toàn cầu hóa này. Cuối cùng, ngay cả khi ngài không thắng cuộc chiến của mình trong khi còn sống, nhưng rốt cùng ngài cũng sẽ thắng. Ngài, con người siêu hình, người không thể hài lòng với thời buổi tiêu thụ này. Và giáo hoàng, ngài nhận ra điều này, ngài đã lên tiếng về các hạn chế của toàn cầu hóa, về các lệch lạc của việc tôn thờ tiền bạc, về các thảm họa môi sinh do con người gây ra.
Khi giáo hoàng đưa giáo triều vào khuôn phép, ngài có làm chính trị thấp không?
Không, vì ván bài của cải cách, đó không phải là chính trị thấp. Vấn đề không phải là bổ nhiệm hay không bổ nhiệm một hồng y. Ngài đập mạnh, vì ngài biết rất rõ, với cách này, ngài có thể làm nhúc nhích các chuyện. Cũng giống như vấn đề đưa phụ nữ vào giáo triều làm việc. Ngài biết rồi ngày này sẽ đến, nhưng không phải lúc ngài còn sống.
Trong quyển sách này, ông giải thích nhiều lần, Giáo hội “sợ không được hiện đại”. Có phải đây là nghịch lý cho một thể chế muốn sứ điệp của mình vừa phi thời gian và vừa hoàn vũ không?
Giáo hội không buộc phải hiện đại, nhưng Giáo hội muốn. Giáo hội không muốn bị cho là bảo thủ. Dù vậy, có hai chủ đề mà Giáo hội đi trước: kỹ thuật và truyền thông, cũng như nét văn hóa đa dạng. Giáo hội có thể đáp ứng tốt hơn bất cứ thể chế nào khác về các thách thức của thế kỷ này vì Giáo hội nắm được ý nghĩa của sự khác biệt.
Các cuộc nói chuyện với giáo hoàng có làm cho ông đặt lại vấn đề đức tin của mình không?
Nó đang đẩy tôi lên đó, nhưng cho đến bây giờ thì chưa có tác động.
Marta An Nguyễn dịch