Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

“Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”

Filled under:

Trong đời sống gia đình, sự hòa thuận là một điều quan trọng và rất cần thiết, vì nhờ sự hòa thuận mà các thành viên được liên kết gắn bó với nhau như các bộ phận trong cơ thể con người.
Anh em nào phải người xa,
Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân.
Yêu nhau như thể tay chân,
Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy (Ca dao).
Sự hòa thuận càng quan trọng trong đời sống vợ chồng vì đó là mối giây ràng buộc làm cho vợ chồng khăng khít với nhau không thể chia lìa được. Đời hôn nhân – gia đình lí tưởng rất phong phú mà cũng phức tạp. Vì đó là sự hòa hợp của yêu thương trên cơ sở của rất nhiều khác biệt. Khác biệt về giới tính, sinh lí, tâm tính, văn hóa – giáo dục, tín ngưỡng, ... Không biết dung hòa thì ắt sẽ bùng nổ bất hòa, rồi chiến tranh nóng hay chiến tranh lạnh. Bởi thế các bậc cha mẹ ông bà ta mới quả quyết:
Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn
Nhưng do đâu người ta có được sự hòa thuận này?
Gia đình HÒA THUẬN là hình ảnh của HÒA HỢP TÌNH YÊU Thần linh
Đối với những vợ chồng Kitô hữu, do bí tích Rửa tội hôn phối của họ còn là và được mời gọi trở nên là dấu chỉ mầu nhiệm của sự kết hợp của Tình Yêu thần linh thể hiện qua Tình yêu hiến dâng của họ dành cho nhau (như Tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh). Thế nên sự thuận hòa phu thê là dấu hiệu của một tình yêu rất cao vời, và thiêng thánh, bởi lẽ tình yêu dù hữu hạn của hai vợ chồng dành cho nhau đó là sự thể hiện nhiệm mầu của tình yêu vĩnh cửu nhập thể trong lịch sử và sinh hoa quả phong nhiêu là bầu khí hòa thuận và con cái. Cũng như đức tin của họ, Tình yêu hôn nhân đó trước hết là một quà tặng do ơn trên ban cho. Dẫu thế, Tình yêu ấy cũng đích thực do họ nỗ lực xây dựng từng ngày. Tình yêu vợ chồng đã nên Một thân, dẫu còn xộc xệch, đôi chỗ còn rách nát, lúc thăng lúc trầm, nhưng họ luôn có nhau, được ví như tình của một “Đôi dép”:
Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ /
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược /
Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau
(Thơ “Đôi Dép” - Nguyễn trung Kiên).
Vợ chồng không chỉ yêu nhau bằng thứ ái tình mãnh liệt của thuở ban đầu. Họ được mời gọi tiến bước xa hơn: Tình yêu của họ còn phải là hình ảnh thể hiện Tình yêu Thiên Chúa trung thành mãi mãi. Là môn đệ của Đức Kitô vợ chồng Kitô hữu được mời gọi yêu thương nhau “như Thầy đã yêu thương” (Ga 13,34) và “yêu thương cho đến cùng” (Ga 13,1). Vợ chồng hợp nhất trong khác biệt như Chúa Cha nên một với Chúa Con trong Chúa Thánh Thần Tình Yêu. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu :
«Lạy Cha chí thánh, xin hãy thánh hiến họ trong sự thật».
Sự thật ở đây là sự thật của Tình Yêu:
«để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa» (Ga 17,26).
Lời cầu nguyện sâu thẳm này cũng mở ngỏ vào linh đạo hôn nhân – gia đình. Vợ chồng được kêu gọi nên thánh như Thiên Chúa là đấng Thánh, tức là nên một như Thiên Chúa Ba Ngôi là Một trong Tình Yêu.
Như vậy, thuận hòa gia đình là một dấu hiệu hiện diện của Thiên Chúa Đấng Thánh.
LỮ-Y

Lý trí và con tim

 Có hai bảo vật mà Tạo Hóa dành tặng cho con người, giúp cho họ trở nên trổi vượt hơn những loài khác. Đó là lý trí và con tim. Lý trí giúp con người biết phân định đúng sai, biết suy tính thiệt hơn, biết sáng tạo… Lý trí giúp con người thấu hiểu vấn đề, phân

tích vấn đề cách rõ ràng và từ đó tìm ra những giải pháp khôn ngoan cho vấn đề ấy. Còn trái tim thì gợi lên trong tâm trí ta một cái gì đó mềm mỏng hơn, nhẹ nhàng hơn, dịu dàng hơn. Người ta thường tin vào những gì lý trí nói, vì những gì xuất phát từ lý trí thì có căn cứ, có lập luận nên vững chắc hơn, chứ ít ai cậy vào những thúc đẩy của con tim. Thế nhưng, con tim cũng có thứ ngôn ngữ của riêng nó, mà có khi lý trí chẳng thể nào hiểu được. Ngôn ngữ của con tim không xuất phát từ lập luận hay dẫn chứng, nhưng tuôn trào ra từ một suối nước vô hình nào đấy ở bên trong mình.
Con tim là cội nguồn của tình yêu. Khả năng yêu là khả năng Tạo Hóa ban cho tất cả mọi loài và nó có một sức mạnh vô biên, đến cả cái chết cũng chưa chắc thắng được nó. Tình yêu không nằm trong phạm trù của lý trí, nhưng ở con tim. Ai yêu mà yêu bằng lý trí thì chẳng thật sự yêu. Khi yêu ai, ta cứ thế mà yêu thôi, chứ không cần lý trí phân tích tại sao, thế nào, được gì mất gì. Lý trí không thể cho ta câu trả lời cho câu hỏi tại sao ta yêu người này mà không là người khác, tại sao ta nhớ nhung và cảm thấy hạnh phúc bên người kia mà không phải là người nọ. Khi con tim đã bắt phải yêu rồi, thì khó có thể dùng lý trí để cân đo đong đếm. Đó là ngôn ngữ của riêng nó, chỉ một mình nó và trái tim cùng tần số bên kia hiểu được. Lý trí không có thẩm quyền trong chuyện bắt ta phải yêu ai, ghét ai. Lý trí chỉ có thể giúp ta nhìn về tình yêu ấy ở góc độ bên ngoài, về tính đúng đắn của nó, hậu quả của nó và cách thức dựng xây nó mà thôi. Còn riêng về dòng cảm xúc chất chứa trong tình yêu, lý trí chẳng thể can thiệp được.
Bên cạnh tình yêu mang tính cá nhân ấy, con tim cũng nói với ta rằng chẳng ai có thể sống hạnh phúc, nếu người ấy không đặt mọi tư tưởng, lời nói, hành vi của mình trên nền tảng tình yêu mến đại đồng. Chính nhờ việc mở lòng mình ra, trải rộng con tim mình ra để đón nhận mọi người, ta mới thấy cuộc đời mình thật ý nghĩa. Khi ta thấy một cảnh tượng tang thương, cảnh đói rách, cảnh chiến tranh… ta thường thấy trong lòng mình bừng lên một cảm xúc nào đấy. Con người chúng ta không phải là những cỗ đá chơ vơ lạnh lùng, không cảm giác. Như một bản năng tự nhiên, ta thường vui với người vui, buồn với người buồn. Người nào làm ngược lại sẽ bị cho là bất thường hay thậm chí là bất nhân. Bởi thế, ngay tự trong ý nghĩa của địa vị con người, ta đã bao hàm cả một lòng thương cảm, một tình thương yêu, một khao khát ước mong mọi loài chung quanh ta được hạnh phúc, an vui, ấm áp. Nhờ có con tim, ta mới biết nhớ, biết bồi hồi, biết giận dỗi; ta mới có những tiếng cười giòn ta hạnh phúc, ta mới có những giọt nước mắt làm ướt đẫm bờ mi.
Lý trí của con người là một vũ khí sắc bén giúp con người trở nên mạnh mẽ và sáng suốt. Nó chỉ tin vào những gì nó lý luận được dựa trên những luận cứ chắc chắn. Vì thế, người nào lý trí quá thì cũng thường rất nguyên tắc và rập khuôn. Sống như thế, tuy rằng chẳng có gì sai, nhưng sẽ làm cho con người mình trở nên lạnh lùng và cuộc sống của mình trở nên như một tảng băng. Cuộc sống vốn phức tạp và không ngừng thay đổi, lại phong phú và hàm chứa nhiều điều bí ẩn. Điều trớ trêu là những gì mà lý trí chưa xác minh là đúng, nó sẽ chẳng chịu khuôn theo. Con tim thì hoạt động theo một cách thức khác. Nó có thể trực giác được những điều mà lý trí chưa kịp hiểu. Nó thúc đẩy người ta tìm đến lối hành xử mà có khi lý trí không bằng lòng. Trong một số trường hợp, nó có thể phá vỡ nguyên tắc. Tiêu chuẩn đánh giá một vấn đề của nó cũng khác, vì vốn dĩ, nó vượt ra khỏi những tính toán về số lượng hay chỉ tiêu. Chẳng hạn, một tỷ có thể vô cùng lớn trong cái nhìn của lý trí, nhưng có khi chẳng là gì dưới con mắt của con tim. Nhưng cũng bởi vì con tim hành động chẳng theo nguyên tắc nào nên cũng có khi nó làm cho mọi việc thêm rắc rối.
Con tim và lý trí hệt như hai cán cân giúp làm quân bình con người. Người nào lý trí quá thì trở nên khô cứng. Người nào tình cảm quá thì cũng không giải quyết được gì. Lý trí thường được ví như ánh mặt trời oai phong giúp làm sáng tỏ và đốt nóng mọi sự. Còn con tim là ánh trăng ngọt lịm giúp xoa dịu cái nắng oi bức của một ngày, mang đến cho người ta một cảm giác thanh bình và thoải mái. Có lúc người ta cần mặt trời, nhưng cũng cókhi người ta cần mặt trăng. Điều đó giúp cho cuộc sống được hài hòa hơn. Ngườita không thể lúc nào cũng lý luận, cũng nguyên tắc vì biết đâu nó sẽ dập tắt tìnhngười. Nhưng người ta cũng không thể cứ luôn ủy mị, đến độ bỏ qua lề luật,quy định. Ai cũng như thế thì còn gì là kỷ cương, phép tắc.
Bởi thế, sẽ là khôn ngoan khi trong mọi tính toán của lý trí, ta đưa vào một chút tình, và trong những cảm xúc yêu thương, ta đặt để vào một chút lý. Chẳng có một quy tắc nào giúp ta biết là nên cân bằng giữa lý và tình như thế nào cho vừa phải. Điều này ta phải học một cách từ từ qua những kinh nghiệm trong cuộc sống, và có khi là qua những lần sai phạm. Nhưng ít ra, ý thức về điều này sẽ giúp chúng ta cẩn trọng hơn trong những chọn lựa của mình.
Pr.  Hoàng Nam, SJ