Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

Nếu đánh mất khả năng cảm nhận tình yêu thương, bạn sẽ đánh mất tất cả

Filled under:

Nếu đánh mất khả năng cảm nhận tình yêu thương, bạn sẽ đánh mất tất cả

Đừng đánh mất khả năng yêu thương, bởi vì nếu đánh mất khả năng cảm nhận rằng mình được yêu thương, thì bạn sẽ đánh mất tất cả. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Nếu không hiểu được tính vô vị lợi của lời mời, bạn chẳng hiểu gì
Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay (Lc 14,15-24), Chúa Giêsu kể cho chúng ta nghe dụ ngôn minh họa cho lời chúc phúc: “Phúc cho kẻ được ăn tiệc trong Nước Thiên Chúa!”. Đó là dụ ngôn về việc các thực khách được mời dự tiệc. Chúa khuyên là hãy đi mời đến dự tiệc tất cả những ai không có khả năng ăn đi trả lại.
Có một người dọn tiệc linh đình và mời nhiều người tới dự. Nhưng những người được mời đều không muốn tới dự tiệc, cũng không thích thú gì chủ nhà, và cũng chẳng đoái hoài gì đến lời mời của Chủ. Họ hành xử như thế, bởi lẽ đối với họ, lợi lộc lợi ích quan trọng hơn lời mời. Trong số họ, kẻ thì bận đi xem đất, kẻ thì bận mua bò, kẻ thì nói là do mới cưới vợ. Thực tế, điều quan trọng đối với họ là có thể kiếm lợi được gì, có thể sở hữu được gì. Họ bận rộn giống như ông phú hộ lo lắng tích trữ kho tàng rồi chết đi ngay trong đêm.
Họ bị ràng buộc, bị lệ thuộc vào các lợi lộc đến nỗi đóng cửa lòng trước Thần Khí. Và như thế, họ không thể hiểu được tính vô vị lợi của lời mời. Nếu không hiểu được tính vô vị lời của lời mời của Thiên Chúa, thì bạn chẳng thể hiểu gì cả. Lời mời của Thiên Chúa luôn luôn là vô vị lợi. Nhưng mà, để được dự bàn tiệc này thì phải trả giá nào? Tấm vé vào cửa là dành cho những người đau ốm, những người nghèo, những kẻ tội lội… Có thể đối với bạn, họ bị gạt ra bên ngoài cửa, nhưng kỳ thực, vé vào cửa là dành cho những ai cần được chữa lành cả thể lý lẫn tâm hồn. Tấm vé là dành cho những ai cần được chăm sóc, cần được chữa bệnh, cần tình yêu mến…
Có người nghĩ lầm rằng họ mua được ơn cứu độ
Như thế, có hai điều ở đây. Một mặt, Thiên Chúa không đòi hỏi gì hết, mà Ngài nói với các đầy tớ đi mời tất cả những ai nghèo đói, tàn tật, đau ốm, cả tốt lẫn xấu vào dự tiệc. Vé vào cửa là miễn phí và không giới hạn. Thiên Chúa đón tiếp mọi người, Ngài đón nhận tất cả chẳng trừ một ai. Nhưng mặt khác, những người đã được mời trước, lại không hiểu được tính vô vị lợi trong lời mời của chủ tiệc. Họ giống như người anh trai cả trong dụ ngôn người con hoang đàng. Anh không muốn đến dự tiệc do người cha mở ra để đón mừng người em trở về. Anh ta hiểu lòng người cha.
Như người anh cả, chúng ta có thể hỏi rằng: “Nhưng mà thằng đó đã tiêu xài hết tiền bạc, xài hết cả phần thừa kế, nó lại còn ăn chơi tội lỗi nữa, cớ gì tôi phải vào dự tiệc với nó?” Chúng ta cũng có thể nói rằng: “Tôi là một người Công giáo, thực hành đạo đàng hoàng. Tôi đi lễ mỗi Chúa Nhật. Tôi hoàn thành các bổn phận. Chẳng lẽ tôi không được gì?” Nếu chúng ta tiếp tục nghĩ như thế, chúng ta chẳng hiểu gì về tính nhưng không, tính vô vị lợi của ơn cứu độ. Chúng ta cứ nghĩ rằng, ơn cứu độ là kết quả của những việc ta làm. Ta cứ nghĩ rằng, ta đã trả giá để mua ơn cứu độ. Ta cứ nghĩ rằng, ta đã trả giá điều này, trả giá điều kia, trả giá điều nọ… Không. Không phải thế. Vì ơn cứu độ là ơn nhưng không! Nếu bạn không hiểu được điều này. Nếu bạn không hiểu được đặc tính nhưng không, đặc tính vô vị lợi của ơn cứu độ, thì bạn chẳng hiểu gì cả. Ơn cứu độ là quà tặng Thiên Chúa trao ban, và để đáp lại, chúng ta cần đáp lại ơn ấy với tất cả tấm lòng.
Tuy nhiên có những người luôn nghĩ tới lợi ích này nọ, lợi lộc riêng này kia. Với họ, khi có món quà này, ngay lập tức họ nghĩ tới món quà khác, nghĩ theo kiểu ăn đi trả lại, nghĩ theo kiểu trao đổi. Dịp này, tôi tặng anh món quà này, và dịp khác, anh sẽ tặng lại tôi món quà khác.
Xin ơn có khả năng cảm nhận mình được yêu thương
Đối với Thiên Chúa thì khác, Ngài không đòi hỏi bất cứ điều gì. Đối với Ngài, chỉ có tình yêu thương và lòng thành tín. Bởi vì Ngài là tình yêu và mãi mãi trung thành. Ơn cứu độ không phải là điều gì đó để mua bán đổi chác. Ơn cứu độ là lời mời gọi nhưng không mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ngài mời chúng ta vào dự tiệc Nước Thiên Chúa. Phúc cho những ai được dự tiệc Nước Thiên Chúa. Đó chính là ơn cứu độ.
Thế nhưng có những người không sẵn lòng để vào dự tiệc, vì họ muốn cảm thấy mình an toàn, vì họ đánh mất đi ý nghĩa của tính nhưng không, đánh mất ý nghĩa của đặc tính vô vị lợi. Và như thế, nếu như có thể nói, con đường của tình yêu thương là điều đẹp nhất; thì cũng có thể nói, điều xấu xa nhất là đánh mất khả năng yêu thương và đánh mất khả năng cảm nhận mình được yêu thương.
Tôi không nói rằng, bạn có thể đánh mất khả năng yêu thương, bởi lẽ khả năng yêu thương tự nó có thể phục hồi. Nhưng tôi nói rằng, khi bạn đánh mất khả năng cảm nhận tình yêu thương, thì bạn không còn có hy vọng, và khi ấy bạn đánh mất tất cả. Chúng ta cần suy ngẫm điều này trước Chúa: “Lạy Chúa, tại sao Chúa lại nói với chúng con rằng, Chúa muốn chúng con ở đầy trong nhà Chúa!” Chúa chúng ta thật vĩ đại, vì Ngài là Đấng yêu thương vô cùng, Ngài muốn nhà của Ngài rộng mở vô vị lợi cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy nài xin Chúa ban cho ta ơn có khả năng cảm nhận mình được yêu thương.



*************************************************************

Sự sống đời sau

Hai chữ “đời sau” là có ý muốn nói đến “sau cái chết”. Người ta tin rằng sau khi chết đi, mình vẫn còn sống theo một cách thức nào đó, chỉ có điều, sự sống ấy như thế nào, giống và khác với sự sống mà ta đang thụ hưởng ra sao, thì chẳng ai biết được cả. Dù không biết chính xác, nhưng trong tận thâm tâm, người ta tin là nó sẽ tuyệt vời hơn bây giờ rất nhiều, rằng “người đã chết” ấy hiện diện trong một trạng thái thuần linh, “người đó” có thể nhìn thấy chúng ta, nghe biết và chứng kiến mọi chuyện đang diễn ra trong thế giới này. Thậm chí, người ta còn tin rằng, “người đã chết”, vì không còn bị kìm kẹp bởi vật chất nữa, nên “thần thông quảng đại” hơn, có thể làm được nhiều điều mà chúng ta không thể làm được. Đó là lý do vì sao chúng ta thường dành một sự cung kính cho người quá cố, chúng ta thắp cho họ nén hương, khấn vái, cầu khẩn… Nhiều người còn dâng cúng đồ ăn thức uống, trò chuyện với người đã khuất.
Ở đây, ta tạm thời không bàn đến những tranh luận và suy tư triết học cũng như thần học, nhưng hãy cùng tìm hiểu xem “ý niệm về sự sống đời sau” muốn nói với chúng ta điều gì.
Nhiều người chắp nối “đời sau” với “đời này” như một kiểu nhân quả. Đời này sống tốt thì đời sau sẽ được hưởng phúc; đời này làm nhiều điều gian ác thì đời sau sẽ chịu khổ gấp trăm ngàn lần. Ở “đời sau”, người ta sẽ hưởng hoặc gánh chịu cái mà người ta làm ở “đời này”. Lối suy nghĩ này cổ võ người ta cố gắng “làm lành lánh dữ”, tích nhiều phúc đức qua các việc bác ái, để có thể được “báo đáp” ở đời sau. Có thể có một kiểu hưởng phúc hay hình phạt nào đó mà ta không thể biết và tưởng tượng được. Những hình ảnh như linh hồn bơ vơ vất vưởng hay những ngục tù đầy rắn rết, tối tăm, lạnh lẽo, những ngọn lửa bạo tàn, hay một chốn bồng lai tiên cảnh, nơi người ta hưởng trạng thái tiêu diêu… có lẽ là những phóng chiếu của ta từ kinh nghiệm của cuộc sống này, dựa trên lối quan niệm nhân-quả ấy. Nhưng dẫu sao, khi nghĩ đến “đời sau”, ta cảm thấy được mời gọi không quá bám víu vào những vật chất ở đời này, thấy được mời gọi để mở lòng mình ra hơn, để trao ban bình thương, đón nhận tình mến. Ý thức về đời sau làm cho ta thấy sự ích kỷ, ghen ghét, mưu toan… thật nhỏ bé và tầm thường quá đỗi. Đời sau đích thực là một đời sống ở tầm cao, ở cái hướng thượng, cái siêu việt, với những giá trị trỗi vượt.
Cũng có người nhìn về “đời sau” trong sự đối lập với “đời này”. Họ cho rằng đời này đầy những khổ đau, còn đời sau là bến bờ hạnh phúc. Họ ráng gắng gượng sống cho qua kiếp này, mong chờ cái chết đến thật nhanh để kết thúc những mệt mỏi và để được hưởng sự an nhiên vô lo. Có lẽ do bị quá nhiều tai ương ập đến, những người ấy coi đời này như địa ngục, hay như một chốn đoạ đày. Không thấy được giá trị của sự sống nên họ cứ vật vờ như cọng cỏ chờ gió cuốn đi. Họ chỉ tồn tại đó thôi, chứ chẳng có gì gọi là sống cả. Có những người bi quan hơn, vội vàng tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Niềm tin Kitô giáo cảm thông với những ai đang rơi vào tình cảnh khó khăn tuyệt vọng, nhưng không bao giờ đồng tình với lối suy nghĩ này. Đã đành, sống trong kiếp người thì phải đối diện với những nhiều không mong muốn, nhưng đời này vẫn luôn có một giá trị của nó. Sẽ chẳng thể nào nếm được hạnh phúc đời sau, khi người ta không bắt đầu từ cuộc sống này. Có thể nói, đời này và đời sau không tách biệt nhau, nhưng hoà quyện và nối kết với nhau rất bền chặt. Mọi phần thưởng và hình phạt đã manh nha cách nào đó ngay trong đời sống này rồi. Ta không biết gì về đời sau, nhưng ta hoàn toàn chắc chắn rằng có một cuộc sống ở đời này và nếu không sống nó một cách đầy nhiệt huyết và năng lượng, ta đã hoang phí ơn trời và tự huỷ diệt sự sống mà ta đang thụ hưởng.
“Sự sống đời sau” gợi lên trong chúng ta cảm thức một sự linh thiêng nào đó hiện diện nơi đời sống của con người. Có một thực tại nào đó bao trùm tất cả mọi hiện hữu, mà cái thế giới hữu hình của chúng ta chỉ là một chấm nhỏ. Con người luôn thấy trước mặt mình những mầu nhiệm cao cả vô cùng, nơi đó, họ ý thức được rằng dù họ có giàu sang, quyền lực thế nào, họ cũng chỉ như hạt cát nơi sa mạc. Con người được huyền nhiệm ấy bao trùm lấy mình, để rồi, họ nhận thấy mình cũng là cái gì đó rất linh thiêng và cao cả, vượt trên những giới hạn của bản thân. Ý thức về cái chết giúp cho con người biết rằng ai trong chúng ta cũng đều phải mang một chữ “phận”, phải vâng lời tiếng gọi của Siêu nhiên. Và dù có kinh hãi trước cái chết, con người vẫn có thể khảng khái đối diện với nó vì tin rằng đằng sau nó, vẫn còn cái gì đó khác chào đón mình. Cái chết là bức tường ngăn cản giữa hữu hình và vô hình. Nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolo, mọi sự xuất hiện trước mắt ta ở đời này chỉ mờ mờ ảo ảo như nhìn thấy cái gì đó trong tấm gương. Bước qua cái chết, người ta sẽ được chiêm ngưỡng mọi sự như thực tế nó là, với tất cả mọi nét hoàn mỹ và tuyệt đẹp. “Sự sống đời sau” mang đến cho chúng ta một sức mạnh và một niềm hy vọng về sự bất tử của chính mình, trọn vẹn con người mình, chứ không phải chỉ là một phần nào đó của mình.
Khi trực giác về một sự sống bất tử ở đời sau, ta đồng thời cũng được mặc khải cho biết về phẩm giá tuyệt hảo của chính mình. Ta được mời gọi để sống thanh cao, sống những giá trị vượt trên những tầm thường nhỏ nhen. Thật ra, ta đã có thể bắt đầu sự sống đời sau với nhiều hạnh phúc qua từng cái chết nho nhỏ nơi cuộc sống này: chết đi cho cái tôi ích kỷ, chết đi cho những kiêu ngạo, chết đi qua những hy sinh… Thật lạ kỳ: giá trị của cuộc sống hệ tại ở những cái chết như thế; càng chết đi, ta lại càng cảm thấy mình sống cách sung mãn hơn, và sự sống đời sau bắt đầu hình thành từ giây phút ấy.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ