KHÔNG MONG ĐÁP LỄ
“Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc.” (Lc 14,14)
Suy niệm: Cố linh mục Vũ Khởi Phụng, DCCT, kể chuyện một nhóm bạn trẻ Hà Nội đã sửa kinh Cầu Chịu Nạn truyền thống thành: “Chúa Giêsu thương hết người ế” và “Chúa Giêsu thấy thế thì mừng.” Sở dĩ các bạn trẻ này dám “cả gan” như vậy, vì họ đã thuê hai căn gác bên bờ sông Hồng để đón tiếp các thanh thiếu niên bụi đời, xì ke, hay bị bệnh AIDS; họ tự nguyện trở thành người ế để chăm sóc các người bất hạnh, mà xét cho cùng, cũng là một dạng người ế khác trong xã hội. Đức Giê-su hẳn phải “thấy thế thì mừng,” vì Ngài dạy ta vượt lên tâm lý bình thường: óc tính toán hay việc đáp lễ phải có trong giao tiếp với người khác. Ngài mời ta ra khỏi thế giới giao tế quen thuộc “có qua có lại mới toại lòng nhau” để bước vào thế giới của những con người khốn cùng, và nhờ vậy, bàn tiệc cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn.
Mời Bạn: Cung cách “bánh ú đi, bánh dì lại,” hay “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại,” đã ăn sâu vào nếp nghĩ và lối sống của bạn. Làm môn đệ Đức Giê-su chẳng dễ dàng gì, vì bị đòi hỏi nhiều, nhất là phải vượt lên lối ứng xử tự nhiên, để sống tinh thần siêu nhiên. Tuy nhiên, ơn Ngài ban đủ cho bạn.
Chia sẻ: Bạn có thấy hiện nay có những người nghèo bị gạt qua bên lề xã hội không? Họ có ở trong ưu tư của bạn không?
Sống Lời Chúa: Khơi dậy tinh thần phục vụ vô vị lợi trong gia đình, đoàn thể, bằng cách quan tâm và giúp đỡ cụ thể những người bất hạnh quanh bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, làm môn đệ Chúa là chấp nhận bị đòi hỏi hơi nhiều! Vì yêu Chúa, chúng con sẵn sàng chấp nhận. Xin giúp chúng con sống tinh thần vô vị lợi Chúa dạy.
THÁNH LAZARÔ GALIZIÔ HIỂN TU
Một môn đệ của thánh Lazarô Galiziô đã viết lại cuộc đời của ngài và để lại cho ta tài liệu chắc chắn về cuộc đời thánh nhân. Cuốn tài liệu đó đã xuất bản lần đầu tiên vào năm 1910. Căn cứ vào tài liệu đó, người ta được biết: Thánh Lazarô Galiziô sinh năm 960 tại một làng gần Magnêsia. Khi lên sáu tuổi, Lazarô được một linh mục coi sóc, và ba năm sau lại được gửi đi thụ huấn với một viên chưởng khế. Đến tuổi thanh niên, vì ham muốn được đi viếng đất thánh, Lazarô đã bỏ nhà trốn đi. Chẳng bao lâu ngài bị ông chú bắt về và giữ lại ở nhà hai năm, rồi sau đem gửi vào một nhà dòng. Vẫn nuôi lòng ham muốn đi viếng đất thánh, nên sau ba năm, ngài lại trốn đi một lần nữa, nhưng rồi cũng bị bắt trở về. Mười tháng sau, ngài lại tìm cách trốn đi, và lần này thì thoát thân được. Trước khi đi Giêrusalem, Lazarô đến tu tại một nhà dòng gần Attalia và ở đây ngài được mặc áo dòng. Sau khi ở đó bảy năm để tập sống hãm mình, thánh nhân lên đường đi Giêrusalem, và khi đến nơi ngài xin tu tại nhà dòng thánh Sabas, kế đến dòng thánh Êlimô rồi trở lại dòng thánh Sabas và được thụ phong linh mục. Khi quân Sarasinô tràn đến đất thánh, ngài trốn về quê hương. Từ đây Lazarô bắt chước thánh Simong, sống khổ hạnh trên một cây cột. Ngài ăn uống rất kham khổ, thường mỗi bữa chỉ ăn bánh khô, rau và nước lã. Đêm đến ngài ngủ rất ít và luôn mang dây xích sắt trong mình. Chẳng bao lâu, nhiều người biết tiếng và tìm đến viếng ngài. Nhiều thanh niên đến xin làm môn đệ tập sống theo lối khổ hạnh của ngài.
Đường lối tu đức và nếp sống khổ hạnh của ngài có thể được tóm tắt bằng những nét sau đây: ngài tránh đi lại với nhiều người, nhất là những người còn trẻ, đôi mắt ngài bao giờ cũng nhìn xuống. Giây phút ban mai ngài dâng mình cho Chúa một cách sốt sắng. Chiều đến xét mình kỹ càng về những việc trong ngày. Y phục phải hết sức tầm thường. Ngày kia, một người đến thăm ngài nói: "Leo được lên đến đây thật khó khăn!". Ngài trả lời: "Đường dẫn đến đời sống trường sinh tất nhiên phải khó khăn, hiểm trở và lao nhọc". Nhân dịp mừng lễ một vị thánh, người ta xin ngài giảm bớt kỷ luật thường ngày để mừng lễ, ngài trả lời: "Thánh nhân đã nên thánh không phải nhờ một đời sống dễ dãi, nhưng nhờ chay tịnh và canh thức, ta phải bắt chước đời sống của ngài".
Lần khác, ngài nói để khuyến khích môn đệ: "Thiên Chúa không đòi hỏi các con gì hơn là biết cảm tạ Chúa, biết sống kiên nhẫn, không thối chí lùi bước chốn đã bỏ ra đi. Hãy kiên tâm sống ở nơi mà ơn thánh đã dẫn các con tới và hằng ngày chờ giờ chết đến. Nếu thần chết đến trong khi các con đang suy nguyện như vậy, thì các con không còn sợ hãi gì". Ngài lợi dụng mọi hoàn cảnh để dạy cho người ta những bài học đạo đức thích hợp. Lần kia, một phụ nữ ở Constantinôpôli, vì quá ham mê đi viếng thánh địa nên cải trang làm một thầy dòng. Trên đường đến đất thánh "thầy dòng" giả trang ấy đến thăm thánh Lazarô. Nhận ra sự giả dạng bề ngoài của phụ nữ ấy, thánh Lazarô nói: "Này con, con hãy trở về, đừng đi nữa. Sự giả dối bề ngoài của con, sẽ kéo theo nhiều tội lỗi. Hãy nhớ rằng: ở đâu người ta ăn ở xứng đáng thì đó là Giêrusalem!". Dạy về tính quá tự phụ hão huyền về các nhân đức của ta, ngài nói: "Chúng ta như chì mà những lời tâng bốc, khen ngợi sẽ làm chúng ta chảy ra". Thánh nhân còn có tài chinh phục những kẻ hà tiện, trộm cắp, tội lỗi. Ngài khéo dùng lời khuyên nhủ những người đau ốm, bệnh tật và cả những người có lòng đạo đức sốt sắng. Đối với anh em tu sĩ còn trẻ tuổi, ngài rất có lòng khoan dung. Là bạn của người nghèo khó, ngài dễ tha thứ cho những người "vì túng thiếu mà phải làm liều". Thực vậy, một hôm có người giúp việc lấy trộm của nhà dòng rồi trốn đi. Ngài nói với thầy quản lý: "Thôi, anh ta cũng nghèo túng ấy mà, đừng đuổi bắt anh ta làm gì!".
Để lời nói đi đôi với việc làm, chính ngài cũng sống một cuộc đời rất khắc khổ, dãi dầu mưa nắng. Ngài mặc áo bằng da loài vật, đầu để trần và đi chân không. Ngài ăn chay nhiều ngày trong tuần; đêm đến lại thức cầu nguyện lâu giờ. Những hãm mình phạt xác đó, ngài còn chưa lấy làm đủ, nên còn mang trong mình một xích sắt nặng, như để nhắc nhở mình phải luôn kiềm chế xác thịt. Ngoài ra ngài còn nghĩ ra nhiều thứ hãm mình phạt xác khác nhau nữa. Suốt đời ngài đã sống một đời sống khổ hạnh gương mẫu. Tám ngày trước khi chết, ngài cho gọi thầy Nicolas thư ký của dòng đến bảo chép lại luật dòng và ghi chép những lời giải thích xác đáng rõ rệt hữu ích. Lúc ngài gần sinh thì, các tu sĩ tụ tập chung quanh ngài và nói: "Xin cha tha những lầm lỗi cho chúng con". Ngài cố gắng nâng cánh tay phải lên, môi run run đọc lời tha tội; rồi một tu sĩ đỡ tay ngài để ký vào bản luật dòng. Ngài qua đời ngày Chúa nhật mồng 07 tháng 11 năm 1051.
Giáo hội mừng lễ thánh nhân vào ngày 07 tháng 11 hằng năm.
Nỗi Khao Khát Của Hạt Muối
Khao khát duy nhất của hạt muối là được xem thấy biển. Bằng mọi giá, nó muốn khám phá thế nào là biển... Ngày kia, nó ra đõ. Vừa đến bờ biển, nó khám phá ra một cái gì mênh mông, xanh ngắt và sống động. Nó thốt lên:
- Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?
Một đợt sóng trả lời:
- Hãy chạm đến ta, rồi ngươi sẽ hiểu.
Hạt muối trườn mình xuống nước. Ô kìa, nó cảm thấy ngây ngất, niềm vui tột cùng làm nó cảm thấy như không còn đứng vững được nữạ Nó cảm thấy như đang hòa lẫn từ từ trong nước. Niềm vui dâng tràọ Nó lại hỏi một lần nữa:
- Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?
Một đợt sóng cuối cùng ôm ghì lấy nó và nó từ từ tan biến trong nước. Nó chợt reo vui lần cuối cùng:
- Bây giờ ta mới hiểu thế nào là biển: biển là một phần của chính ta.
Hạt muối chỉ có thể hiểu được thế nào là biển khi nó được hòa tan trong nước. Có chìm ngập trong biển, có đi vào biển mới hiểu được thế nào là biển... Thiên Chúa cao cả hơn lý trí của con ngườị Chúng ta không thể chỉ biết Thiên Chúa bằng lý trí... Hãy để cho Thiên Chúa chiếm ngự, hãy để cho Thiên Chúa ôm chầm lấy ta, ta mới có thể biết được Ngài là aị Tình tri giao giữa Thiên Chúa và con người chỉ có thể nảy nở bằng thinh lặng, hòa nhập trong cảm mến, tri ân.