Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 11/11/2017

Filled under:


 TIỀN CỦA PHỤC VỤ CON NGƯỜI
“Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.” (Lc 16,9)
Suy niệm: Hằng năm, một số nước đang phát triển trình làng những con số GDP (Tổng sản phẩm nội địa) thật hấp dẫn, 6%, 7% và hơn nữa. Tăng trưởng kinh tế là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo rằng những lợi ích kinh tế không thể bù đắp những thiệt hại môi trường, do sự phát triển vội vàng gây ra. Không tiền của nào có thể cất hết những tai họa từ một con sông bị ô nhiễm nặng! Sự thiệt hại càng trầm trọng hơn khi chỉ vì lợi ích kinh tế, mà người ta phớt lờ tình liên đới giữa con người với nhau và xem nhẹ các giá trị đạo đức. Đối với Chúa Giê-su, tiền của dùng để “tạo lấy bạn bè.” Kinh tế phải phục vụ con người và tình người, chứ không ngược lại. Trong hoàn cảnh mục tiêu kinh tế được đặt lên như cùng đích đời người hiện nay, Lời Chúa càng phải thúc bách con người đặt lại thứ tự các giá trị cho cân xứng, trả lại cho con người vị trí xứng hợp, như ý định của Thiên Chúa khi tạo dựng họ.
Mời Bạn: Dù cũng bị cám dỗ nóng lòng kiếm tiền và tiêu tiền, nhưng chúng ta không thể chấp nhận những mánh khoé gian xảo và bất công trong việc kiếm tiền và tiêu tiền của xã hội hôm nay. Thật đáng mừng vì đó là dấu hiệu cho thấy hạt giống Lời Chúa đang gặp đất tốt! Xin bạn cứ để hạt giống ấy nẩy nở và làm thay đổi đời sống bạn.
Chia sẻ: Bạn thử đặt thứ tự ưu tiên giữa tiền bạc và con người, và giải thích lý do cho chọn lựa của bạn.
Sống Lời Chúa: Cám ơn Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa và cứu chuộc, nuôi dưỡng con người.
Cầu nguyện: Hát: Kinh Hòa Bình.

THÁNH MACTINÔ GIÁM MỤC
Hằng năm, ngày 11 tháng 11, Giáo hội nước Pháp cũng như toàn thể Giáo hội công giáo hân hoan tưởng nhớ đến một vị tông đồ nhiệt tâm giầu lòng thương xót, hiện thân của bác ái công giáo. Đó là thánh Mactinô, một Giám mục của thế kỷ thứ IV, đã ngày đêm lặn lội trên những nẻo đường đồi núi để đưa bao nhiêu chiên lạc về đoàn chiên Chúa và tô điểm Giáo hội bằng những chuỗi ngày lam lũ truyền giáo và trầm lặng cầu nguyện. Nơi thánh Mactinô, chúng ta nhận thấy tập trung một đường lối tông đồ gương mẫu. Hết sức hoạt động nhưng cũng sống chiêm niệm nội tâm không kém. Mactinô chào đời trong một đồn binh của quân đội trú phòng tại Pannônia, ngày nay thuộc nước Hungari, bởi thân phụ cậu lúc ấy đang phục vụ trong quân đội Rôma. Lớn lên trong một gia đình ngoại giáo, nhưng Mactinô như được ánh sáng nhiệm mầu soi chiếu, cậu đã sớm nghĩ đến đời sống thầm lặng của một ẩn sĩ để đáp lại tiếng gọi tình yêu, từ cao ban xuống.
Lên 20 tuổi, Mactinô được cha mẹ gửi sang Ý du học. Sống giữa bạn hữu công giáo, hằng ngày được nghe nói đến Danh thánh Giêsu, Mactinô thấy trong người nổi lên những xao xuyến khác thường. Cậu nhất quyết tìm hiểu xem con người Giêsu là ai mà được nhiều người kính yêu đến thế. Sau những ngày dò hỏi, Mactinô như đã bị Chúa Giêsu xâm chiếm, cậu nhất định xin tòng giáo và sửa soạn chịu phép rửa tội. Nhưng công việc học đạo chưa xong thì Mactinô phải theo lệnh Hoàng đế nhập ngũ lên đường viễn chinh. Phục vụ trong đội cận vệ Hoàng đế, Mactinô vẫn thầm nguyện để mau được chịu phép rửa tội. Lúc này, Mactinô lại giằng co giữa hai cuộc sống: một cuộc sống chơi bời dâm đãng, bóc lột dân chúng, hà hiếp kẻ nghèo, và một cuộc sống thanh liêm, bác ái, trong sạch mà Mactinô đã học được ở Pannônia.
Nhưng cuối cùng đời sống trong sạch bác ái của Mactinô đã cải hóa được nhiều tâm hồn. Người ta thuật lại rằng: vào một ngày mùa đông giá lạnh, Mactinô đóng bộ quân phục đi ra cửa thành Amiena, gặp một người hành khất quần áo tả tơi, Mactinô động lòng thương, nhưng sờ trong mình không có cái gì có thể giúp đỡ người nghèo khó nọ. Chàng vội rút gươm ra, cắt chiếc áo đang mặc làm hai và cho người hành khất một nửa. Bị chúng bạn chê cười về hành động ngây thơ ấy, Mactinô vẫn lấy làm sung sướng vì đã xoa dịu nỗi khổ cực của người nghèo khổ một phần nào.
Mactinô hằng nhớ lời Chúa: "Ta trần truồng, các con đã cho Ta mặc", nên luôn luôn vui vẻ nghe lời chúng bạn chê cười. Và như để củng cố đức tin cho Mactinô, đêm hôm sau, Chúa Giêsu mặc manh áo Mactinô đã bố thí hôm trước hiện ra với chàng. Quá sung sướng, Mactinô xin chịu phép rửa tội ngay. Lòng mến Chúa yêu người sôi lên trong huyết quản, Mactinô liền xin giải ngũ để dễ lo việc Chúa hơn. Không được chấp nhận, Mactinô vẫn phải theo đoàn quân đi giao chiến nhiều nơi.
Sau cùng, vì thấy quá chán ngán việc binh đao, nên bộ chỉ huy đồng ý cho Mactinô được giải ngũ.
Mactinô đến Triviri thụ huấn bên cạnh Đức Giám mục. Năm 350, Đức Giám mục qua đời, thánh Hilariô lên kế vị và thánh Mactinô xin làm đồ đệ thánh Hilariô. Nhận thấy nơi Mactinô có dư thừa nhân đức và học thức, Đức Giám mục muốn phong chức phó tế cho ngài, nhưng vì lòng khiêm cung từ tốn, ngài chỉ xin chịu chức trừ quỷ mà thôi.
Ba năm sau, thánh nhân xin Đức Giám mục trở về quê cũ để khuyên bảo cha mẹ và anh em trở lại đạo Chúa. Trên đường về quê, thánh nhân bị một bọn cướp vây đánh, chúng định thủ tiêu ngài nhưng tên đầu đảng ngăn cản. Chúng liền trói ngài lại, lột hết quần áo, đồ dùng và hăm dọa: "Lúc này ngươi không sợ chúng ta saỏ". Thánh nhân mỉm cười ôn tồn bảo: "Tôi đi theo Chúa Giêsu, kẻ có lòng thanh sạch thì không sợ chết, chỉ có những ai lòng đầy vết nhơ mới sợ chết". Rồi thánh nhân giảng giải cho chúng về đạo Chúa. Động lòng, bọn cướp xin trả lại ngài quần áo và hứa trở về đường chính.
Về tới Pannônia, thánh Mactinô đã thuyết phục được bà mẹ theo đạo Thiên Chúa. Còn người cha cứ một mực từ chối không muốn trở lại. Buồn lòng, thánh nhân trở lại Gallia và để mặc cho Chúa Quan phòng định liệu cho gia đình, trong khi đó thánh Mactinô nghe tin Đức Giám mục Hilariô bị bọn người theo bè rối Ariô bắt đi đày. Ngài định ở thành phố Milanô và khởi sự lập một tu viện. Nhưng Đức Giám mục Milanô là người bênh vực bè rối nên đã thẳng cánh đuổi Mactinô ra khỏi địa phận. Thánh nhân cùng với một linh mục khác đi trốn trong một hòn đảo, và sau khi được tin Đức Giám mục Hilariô đã được tha, ngài liền trở về Poachiê và lập một nhà dòng tại Liguygê. Lúc này thánh nhân đã có phương tiện và thời cơ để thực hiện ý định phụng sự Thiên Chúa và thương giúp tha nhân.
Ở đây thánh nhân đã chiêu mộ được nhiều đồ đệ, nhiều người trong vùng lân cận đến xin học đạo với thánh nhân. Trong số những người học đạo, có một người được thánh nhân yêu thương cách riêng, một hôm ngài đi vắng, anh ta ngã bệnh chết mà không kịp chịu phép rửa tội. Anh em trong dòng buồn rầu không muốn chôn xác, cứ để vậy đợi cho tới khi thánh nhân về. Về tới nhà dòng thấy mọi người khóc lóc thảm thiết, thánh nhân bảo họ ra khỏi nhà, và ngài đến gần chỗ để xác, sấp mình cầu nguyện hồi lâu. Hai giờ sau, xác chết kia tự nhiên chỗi dậy đi đứng nói năng như thường. Các thầy hết sức vui mừng và hát khúc ca tạ ơn Chúa. Từ đó danh tiếng thánh nhân càng ngày càng đồn ra khắp nơi, khiến dân chúng đem lòng ái mộ và nhất quyết bầu ngài làm Giám mục, năm 371.
Lên làm Giám mục, thánh Mactinô vẫn luôn sống cuộc đời khắc khổ, không coi chức Giám mục như một vinh dự, nhưng ngài đã lợi dụng cơ hội này để lặn lội trên đường truyền giáo. Ngài đã thiết lập tu viện Mamuchiê, quy tụ được hơn 40 tu sĩ, ngày đêm chuyên lo cầu nguyện để công việc truyền giáo mau thành quả mỹ mãn. Sau nhiều ngày âm thầm cầu nguyện tại tu viện, thánh Mactinô đã dốc hết sức lực để lo việc truyền giáo trong khắp địa phận và các miền lân cận. Có thể nói được rằng: dưới thời Hoàng đế Gratianô, thánh Mactinô là một nhân vật lỗi lạc xuất chúng nhất trong việc truyền bá và duy trì đức tin công giáo. Thánh nhân đi từ làng này sang làng khác, từ những hang cùng ngõ hẻm tới những đô thị xa hoa. Đi đến đâu thánh nhân cũng cho tụ họp dân chúng thành từng đoàn và giải thích về đạo chân thật, đả phá những sai lầm dị đoan.
Thánh nhân có tài hấp dẫn dân chúng cách lạ thường đến nỗi có lần, sau khi giảng, hằng mấy trăm người xin học đạo một lúc. Theo thánh nhân, tự nhiên họ sẽ phá huỷ những đền thờ, đập vỡ những tượng quỷ tượng thần và hủy bỏ những mê tín dị đoan. Mỗi lần được chứng kiến phép lạ ngài làm thì dân chúng càng thêm tin tưởng vào đạo thánh nhân rao giảng. Người ta còn kể lại: một hôm đi đến một làng ngoại giáo, dân làng này rất sùng bái một cây thông cổ thụ, ngài yêu cầu chặt cây thông ấy đi. Dân làng đồng ý cho ngài chặt với điều kiện ngài phải đứng về phía cây sẽ đổ. Thánh nhân đồng ý, và dân chúng chắc chắn ngài sẽ chết. Nhưng hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, cây sắp đổ, thánh nhân dơ tay làm dấu thánh giá, cây lại dựng thẳng lên và đổ về phía khác. Thấy phép lạ ngài làm, dân chúng xin phá hủy đền thờ của họ và xin ngài xây nhà thờ thay vào đó.
Là vị tông đồ nhiệt thành của đồng ruộng và là linh hồn của phong trào truyền giáo, thánh Mactinô lại cũng có ảnh hưởng rất nhiều đối với các nhân vật cao cấp của xứ Gallia và nhất là đối với Hoàng đế. Tuy nhiên ngài không bao giờ tỏ thái độ nịnh bợ chính quyền như một số Giám mục thời đó. Chính vì thế, đời ngài không thiếu những gian truân cực khổ do các Giám mục khác gây nên. Nhưng ngài vẫn luôn luôn chịu đựng với tất cả tấm lòng quảng đại yêu thương. Đời thánh nhân gặp nhiều kẻ thù, nhưng lúc nào Chúa cũng nâng đỡ thánh nhân.
Trong tiểu sử ngài, người ta còn viết lại nhiều phép lạ ngài đã làm để cứu vớt dân chúng hay để tỏ phép cao cả Thiên Chúa. Lần kia cả một làng bị thần lửa tàn phá, gió to, lửa bốc cao lan rộng cả hàng ngàn nóc nhà, thánh nhân liền ngửa mặt lên trời cầu nguyện, tức khắc ngọn lửa tắt rụi, và đồ đạc nhà cửa không thiệt hại gì. Thế rồi, một hôm ngài trên đường đi thăm một họ ở miền hẻo lánh, những tên côn đồ định âm mưu giết ngài thì cánh tay chúng bị bại hoại, gươm rơi xuống đất, chúng ngã bất tỉnh vì quá sợ hãi. Thánh nhân liền cho chúng đứng dậy và khuyên bảo chúng hãy bỏ thói du côn du đồ để sống xứng đáng con người hơn. Nghe lời, nhiều người trong bọn họ xin theo làm môn đệ ngài.
Cuộc đời thánh Mactinô là cả một chuỗi ngày lao lung vất vả. Đau khổ vì anh em bội bạc, đau khổ vì nhiều người không nhận biết Thiên Chúa. Khi sức đã kiệt, tóc đã bạc, thánh nhân vẫn còn phải lo lắng dàn xếp những xung khắc giữa hàng giáo sĩ, và năm 397, khi đến Candes để giảng hòa một sự bất bình giữa một số linh mục và tu sĩ, thánh nhân đã ngã bệnh. Thấy sức của thầy ngày càng sút kém, các đồ đệ buồn rầu khóc lóc ngày đêm, vì rồi đây không còn ai lo lắng cho cuộc đời họ, nhưng thánh nhân đã  xin với Chúa: "Lạy Chúa, nếu đoàn con cái Chúa còn cần đến con, thì con cũng không quản chi đau khổ... Xin vâng ý Chúa". Rồi một ngày kia khi màn đêm xuống, thánh nhân nằm trên đống tro lạnh ngắt, mắt nhìn trời, hai tay giơ cao nói với môn đệ: "Các con hãy để cho cha nhìn trời cao và đừng bắt cha nhìn lại trần thế, để giờ đây lòng cha hướng về Thiên Chúa". Nói vừa dứt lời, ngài liền tắt thở.
Thánh nhân qua đi để lại cho chúng ta hình ảnh một vị tông đồ nhiệt thành, một người cha hiền từ giầu lòng yêu thương và một chiến sĩ can trường hoàn toàn bỏ quên thân mình, để chỉ lo cho danh Chúa được cả sáng, và cho tha nhân được an bình hoan lạc trong sự làm tôi Chúa.


Xẻ Áo

Trong một ngày đông giá lạnh, Martinô, lúc ấy đang còn phục vụ trong quân ngũ và chưa lãnh nhận niềm tin Kitô, gặp một ông ăn mày nghèo khổ đến độ không có lấy một mảnh vải che thân, đang ngồi tựa lưng vào bức tường giơ bàn tay khẳng khiu van xin từng đồng xu nhỏ của những người qua lạị Không sẵn tiền trong túi và cũng không có lương thực để cho, Martinô nhanh nhẹn leo xuống ngựa, tuốt gươm cắt phân nửa áo choàng của mình và quàng lên tấm thân gầy guộc của người ăn xin đang run rẩy vì cái lạnh buốt xương. Kẻ qua đường đồng thanh cười nhạo cử chỉ khác lạ của người thanh niên.
Ðêm hôm đó, Martinô nằm mơ thấy chính Chua Giêsu bận nửa áo choàng mà chàng đã trao tặng cho người ăn mày và Chúa nói: "Martinô, tuy chưa lãnh nhận Phép Rửa Tội, đã đắp lên tôi chiếc áo này".
Ai trong chúng ta cũng biết câu chuyện truyền khẩu trên về hành động bác ái của thánh Martinô, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay.
Chào đời vào khoảng thế kỷ thứ 4 tại Sabaria, nay thuộc nước Hungari, năm 20 tuổi, Martinô được gửi theo học tại Italiạ Tuy là người không theo đạo Kitô, nhưng vì sống giữa các sinh viên Công Giáo, nên chàng đã suy nghĩ nhiều khi nghe bạn bè nói đến Ðức Giêsụ Chàng nhất định tìm hiểu xem Giêsu là ai?
Nhưng chẳng bao lâu chàng bị động viên. Khoảng năm 350, rời khỏi quân ngũ, Martinô xin làm đồ đệ thánh Hilariô, giám mục thành Potiers. Nhận thấy Martinô là người đầy nhân đức và có học thức, giám mục Hilariô đã phong cho chàng các chức thánh.
Năm 350, bè rối Ariô bắt thánh Hilariô đem đi đày vì ngài chống lại họ. Martinô cũng bị giám mục thành Milan là người bệnh vực bè rối trục xuất khỏi giáo phận và sống trên một hòn đảo cùng với một linh mục khác. Sau khi thánh Hilariô được tha, Martinô trở lại Poachi và lập một dòng tu tại Luguygé. Năm 370, khi đến Cadet để hòa giải một bất bình giữa một số linh mục và tu sĩ, ngài đã ngã bệnh và từ trần tại đó.
Mỗi năm gần đến ngày lễ thánh Martinô thành Tôrinô, các trẻ em vùng nói tiếng Ðức cũng náo nức như các trẻ em Việt Nam nôn nao đếm từng ngày trước lễ Trung Thụ Vì đây cũng là ngày các em rước đèn đi đến khoảng sân rộng để xem diễn tuồng thánh Martinô, với những bài hát ca ngợi tình yêu thương cụ thể của chàng sĩ quan trẻ tuổi, với vở tuồng được trình diễn bằng người ngựa thật và nhất là với những quà bánh thơm ngon được trình bày bán chung quanh chỗ diễn tuồng.
Chủ đích của cuộc lễ này vẫn là khắc ghi đậm nét vào lòng các trẻ em mẫu gương "xẻ áo" của thánh Martinô để giúp các em hiểu rõ lời Chúa Giêsu tuyên bố trong ngày phán xét: "Ta bảo thật: mỗi lần anh chị em làm những điều ấy cho một kẻ hèn mọn trong anh em Ta, thì là làm cho chính Ta vậy".