Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 13/11/2017

Filled under:

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 17: 1-6)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không thể nào không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này. Các con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: "Tôi hối hận", thì con hãy tha thứ cho nó. Các tông đồ thưa với Chúa rằng: "Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con". Chúa liền phán rằng: "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: ‘Hãy trốc rễ lên và xuống mọc dưới biển‘, nó liền vâng lời các con“.

Suy niệm 1
Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, với ý nghĩa: những đức tính tốt hay những thói hư tật xấu của một người có thể có ảnh hưởng tốt hay xấu đến người khác. Tuy nhiên, trong thực tế, người ta dễ bị tiêm nhiễm cái xấu hơn là học đòi bắt chước điều tốt. Cái xấu thường có tác hại và lan rộng rất nhanh; còn điều tốt xem ra khó tác động đến người khác hơn. 

Qua đoạn Tin Mừng trên, Chúa Giêsu đã nghiêm khắc với những ai gây gương mù gương xấu cho người khác. Chúa đã cảnh cáo rằng: “Thà cột cối đá vào cổ người đó mà quăng xuống biển còn hơn”. Nhưng khi nói như thế, Chúa Giêsu cũng chỉ nhằm để cho thấy con người cần phải có thái độ cương quyết chống trả điều xấu, không được phép coi thường hay nhượng bộ cho điều xấu. Đặc biệt, Chúa Giêsu muốn mọi người lên án cái xấu. Và đồng thời, Chúa Giêsu cũng dạy con người biết rằng: “khi có ai đó xúc phạm đến mình, cần nơi mình một sự tha thứ, một sự tha thứ không ngừng khi người đó biết ăn năn hối cải và sửa đổi”.

 Tuy nhiên, người ta xem ra lại dễ nhượng bộ cho cái xấu hơn là cảm thông với những người làm điều xấu; người ta dễ dung túng cho bản thân của mình hơn là cảm thông tha thứ cho người khác. Bởi đó, các môn đệ đã xin Chúa Giêsu: “thêm đức tin cho mình”. Bởi lẻ, chỉ khi nào chúng ta tin rằng, Chúa đã yêu thương và đối xử đại lượng với chúng ta, ngay khi nơi mình vẫn còn đó những yếu đuối bất toàn, những sai trái thiếu sót, cũng như chỉ khi chúng ta tin ở thành tâm thiện chí của anh chị em mình, thì chúng ta mới có thể sẵn lòng mà cảm thông và tha thứ cho họ.

Rất ước mong rằng, nơi mỗi người luôn có được sự nghiêm khác với chính mình, nhưng biết đại lượng với người khác, để nhờ đó mà chúng ta không ngừng đón nhận được lòng thương xót thương của Chúa. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


Suy niệm 2

  1. Đời sống chung và lòng tin
Trong bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giê-su nói với các môn đệ về hai vấn đề liên quan đời sống chung:
Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã.
(c. 1-2)
Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: “Tôi hối hận”, thì anh cũng phải tha cho nó.”
(c. 4)
Khi nghe Đức Giê-su đưa ra hai lời giảng dạy rất mạnh mẽ và triệt để về đời sống cộng đoàn, hay nói rộng hơn, là về đời sống chung trong gia đình, trong các nhóm, trong đời tu, thì các Tông Đồ thưa với Ngài rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”. Tại sao vậy? Tại sao khi nghe lời của Đức Giê-su, các Tông Đồ lại ý thức về tình trạng đức tin yếu kém của mình và xin Chúa thêm lòng tin?
Như kinh nghiệm cho chúng ta thấy, đơn giản là bởi vì, để sống được với nhau và qua đó xây dựng đời sống chung, chúng ta cần tin nhau biết bao, và để có thể tin nhau, chúng ta cần tin vào Chúa biết bao:

  1. Sức mạnh của lòng tin
Để đáp lại lời cầu xin được thêm lòng tin, Đức Giê-su dùng những hình ảnh thật cụ thể để nói về sức mạnh thiêng liêng của lòng tin:
Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: « Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc ! » Nó cũng sẽ vâng lời anh em.
(c. 6)
Lòng tin có sức mạnh chuyển dời sự vật, không phải một cách ngoạn mục ở bên ngoài, nhưng những sự vật ngăn cản chúng ta đến với Chúa và đến với nhau. Không có niềm tin “bằng hạt cải” nơi Chúa, khiến cho chúng ta không dám tin tưởng nhau bất chấp tất cả, chúng ta không thể xây dựng mái ấp yêu thương được.
  • Tin Chúa đã đặt để chúng ta bên nhau trong cùng một mái ấm, cùng một cộng đoàn; và hơn thế nữa, chúng ta tin Chúa ban chúng ta cho nhau, và ban chúng ta cho nhau như thế đó, không hơn không kém, và nhất là không như chúng ta tưởng tượng hay ảo tưởng.
  • Chúng ta tin Chúa đang hiện diện nơi người chị em hay anh em; và hơn thế nữa, tin Chúa đang làm việc nơi người khác, đang kiên nhẫn, đang bao dung, đang tha thứ, đang biến đổi và làm cho lớn lên người chị em hay anh em của chúng ta, cho dù người này có phạm lỗi như thế nào, có nhỏ bé như thế nào. Nhỏ bé ở đây chúng ta có thể hiểu theo nhiều bình diện khác nhau: nhỏ tuổi, chậm chạp, yếu sức khỏe, kém khả năng, vụng về, giới hạn, mỏng dòn.
  • Tin nơi những gì tốt đẹp vốn có nơi người chị em hay người anh em. Có rất nhiều những điều tốt đẹp nơi người khác, nhưng đôi khi chúng ta bị mù quáng bởi những điều chưa hoàn thiện, hay đơn giản là không hợp hay khác với tính tình hay quan niệm của chúng ta. Có thể nói, những điều tốt đẹp có thể bù đặp lại dư tràn những điều chưa tốt đẹp.
Chúng ta chỉ cần nhớ lại sự thật này, thì đủ để thay đổi cái nhìn và nhất là tâm tình sâu xa của con tim về người anh em: anh ấy (hay chị ấy) đã hi sinh và từ bỏ rất nhiều để sống ơn gọi ở nơi đây, đang có những khó khăn, những thử thách, những vấn đề mà mình không thể biết hết, và đang phải cố gắng và đôi khi phải chiến đầu từng ngày để sống ơn gọi này. Vì thế, chúng ta cần gánh vác cho nhau, thay vì chất thêm gánh nặng.

  1. Thập Giá làm cho tin
Như Dân Chúa trong sa mạc nhìn lên con rắn đồng, chúng ta được mời gọi ngước nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37). Nhưng thay vì bị lên án, loài người chúng ta được mời gọi nhìn lên Đấng Chịu Đinh với lòng tin để đón nhận ơn tha thứ và được chữa lành.
Ơn tha thứ. Thập Giá, chính là lời diễn tả tình yêu thương xót nhưng không và vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, khi nhìn lên Thập Giá Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nghiệm ra tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu có thể chịu đựng mọi tội lỗi của con người đến như thế.
Ơn chữa lành. Đúng là Thánh Gía mặc khải cho con người bản chất của Tội, nhưng không phải là để lên án con người, mà là để cứu sống con người. Thiên Chúa không thể tha thứ cho con người mà không đồng thời chữa lành, bằng cách làm cho con người nhìn ra hình ảnh thật sự của tội. Nghi ngờ Thiên Chúa là căn bệnh nan y, nhưng được chữa lành tận căn bằng Thập Giá:
Chữa lành khỏi hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa. Và Thập Giá con mặc khải cho chúng ta rằng thân phận con người không phải là một hành trình dẫn đến chỗ chết (x. St 3 và Ds 21). Con người muốn vươn lên bằng Thiên Chúa, nhưng Con Thiên Chúa làm người và làm người đến tận cùng (x. Ph 2, 5-11), để nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa tạo dựng nên con người không phải để đầy đọa, thử thách và lên án, và thân phân con người, dù có như thế nào, là con đường dẫn đến Thiên Chúa, nguồn Sự Sống.
*  *  *
Như các Tông Đồ, mỗi người chúng ta hãy ước ao lòng tin tận đáy lòng và thưa với Chúa:
Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho chúng con.
Chúng ta được mời gọi tin nơi mầu nhiệm Thập Giá và ngược lại, mầu nhiệm Thập Giá sẽ làm cho chúng ta tin mạnh mẽ. Bởi vì, mầu nhiệm Thập Giá biểu lộ tình yêu và lòng bao dung của Chúa dành cho chúng ta đến “bảy mươi lần bảy”, nghĩa là đến vô hạn, dù chúng ta là ai và ở trong tình trạng nào, để con tim của chúng ta biết yêu thương và bao dung lẫn nhau.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc