Khi Chúa tặng quà cho chúng ta, Ngài không bao giờ hối tiếc, Ngài chẳng bao giờ lấy lại. Ngài không hành xử theo kiểu nay cho mai đòi lại. Khi Thiên Chúa kêu gọi, thì tiếng gọi mời ấy vang vọng và còn mãi trong toàn bộ cuộc sống. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Ba món quà
Có ba điều trong chiều dài lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng cho dân của Ngài. Tất cả những điều ấy, không bao giờ Chúa hối tiếc, không bao giờ Chúa đòi lại, vì Ngài là Đấng thành tín. Ba điều ấy là thế này. Thứ nhất là Chúa đã chọn dân làm dân riêng của Chúa. Thứ hai là lời hứa của Chúa dành cho dân. Thứ ba là giao ước Chúa ký kết với dân. Những điều ấy Chúa đã thực thi với tổ phụ Abraham và tiếp tục với từng người chúng ta.
Mỗi người trong chúng ta đều được Thiên Chúa tuyển chọn. Từng người trong chúng ta đều mang lấy lời hứa của Thiên Chúa, để chúng ta tiếp tục tiến bước mà không có điều gì đáng trách. Mỗi người chúng ta đều ký kết giao ước với Chúa. Từng người có thể thực thi giao ước ấy, có thể không muốn, vì thực thi hay không là tự do tùy mỗi người. Nhưng giao ước ấy là một thực tế. Và ở đây, chúng ta phải tự hỏi mình rằng: Tôi có cảm nhận rằng mình được Thiên Chúa chọn không? Hay tôi có cho rằng mình chỉ tình cờ trở thành Kitô hữu? Tôi sống lời hứa như thế nào? Đó là lời hứa cứu độ trong hành trình đời tôi. Tôi có trung thành với giao ước đã ký kết cùng Thiên Chúa không? Tôi có sống thành tín như Chúa là Đấng tín trung không?
Con bất tuân – Chúa xót thương
Chúng ta có thể đặt thêm câu hỏi: Tôi có kinh nghiệm được lòng thành tín của Thiên Chúa không? Tôi có cảm nhận được sự chăm sóc yêu thương của Ngài? Tôi có nhận ra rằng, Ngài đang kiếm tìm tôi mỗi khi tôi lạc xa Ngài? Trong bài đọc trích thư gửi tín hữu Roma, thánh Phaolô nhắc đi nhắc lại hai từ “bất tuân” và “thương xót”.
Điều ấy có nghĩa là trong khi được chọn, trong khi giữ lời hứa và thực thi giao ước, chúng ta đã phạm tội, chúng ta bất tuân, và đứng trước tội bất tuân ấy, Thiên Chúa là Đấng luôn luôn xót thương chúng ta. Đây là lực đẩy, là động lực, là sức năng động trong hành trình trưởng thành của chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn xót thương, bởi vì Ngài luôn thành tín, vì Ngài không bao giờ rút lại những quà tặng mà Ngài đã trao ban. Ở đây có một sự nối kết không thể hủy bỏ. Đó là mối dây kết nối giữa một bên là tội lỗi yếu đuối của chúng ta, với bên kia là lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô tiến thêm một bước nữa trong mối dây này, không phải để giải thích, nhưng là để chúng ta tôn vinh Thiên Chúa.
Thử nghĩ mà xem
Việc tôn vinh tôn thờ Thiên Chúa trong thinh lặng là điều tuyệt vời. Chúng ta tôn thờ Thiên Chúa, khi đặt trước mặt mình mầu nhiệm của sự bất tuân của chúng ta, và mầu nhiệm về lòng thương xót. Bởi lòng thương xót ấy, mà chúng ta được tự do. Những món quà ấy thật quá đẹp, quá tuyệt vời. Gọi là quà tặng vì Chúa đã chọn con, đã hứa với con, và ký kết giao ước cùng con.
Chúng ta thử nghĩ mà xem, chúng ta có thể làm được gì tốt đẹp. Hôm nay từng người chúng ta hãy nghĩ về việc tuyển chọn của Thiên Chúa, nghĩ về lời hứa của Ngài, nghĩ về lối sống để có thể thực thi giao ước với Chúa. Hãy đặt chính bản thân mình trước lòng thương xót của Chúa, trước những tội lỗi và sự bất tuân của bản thân. Cuối cùng, mỗi người hãy làm như thánh Phaolô đã làm. Đó là ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa vì tất cả những gì Ngài ban cho ta. Hãy ngợi khen và thờ phượng Thiên Chúa như thế. Đừng bao giờ quên điều này: Quà tặng Chúa đã ban thì không bao giờ Ngài đòi lại. Giao ước đã lập ra, thì Ngài nhớ mãi.
***************************************************************
Xem thêm:
Vấn Đề Người Chết Sống Lại
Khoa học hay suy luận của con người không tài nào giải thích được hiện tượng lạ lùng: người chết sống lại. Đó là chuyện vượt trí khôn của loài người. Chúng ta gọi đó là phép lạ.
Trong thời Đức Giêsu, chúng ta thấy các thánh sử thuật lại những trường hợp người chết sống lại. Họ sống lại nhờ vào quyền năng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
- Đức Giêsu làm con gái ông Gia-ia sống lại (Mc5, 21-24, 35-34)
Lúc này Đức Giêsu rất nổi tiếng trong vùng Galilê, với lời giảng mới mẻ và những phép lạ uy quyền. Bởi đó khi thuyền vừa cập bờ hồ Galile, ông trưởng hội đường Gia-ia sụp lạy dưới chân Thầy mà xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi, Ngài đến đặt tay lên cháu để nó được cứu thoát và được sống.” (Mc5,24). Với lòng tin và khẩn nài của ông, Thầy đi với ông để chữa bệnh cho con ông. Tuy nhiên, lúc Thầy còn đang nói thì người nhà đến báo cháu bé đã chết rồi, phiền Thầy chi nữa. Thế là ông trưởng hội đường khóc lóc thở than. Thầy thương xót chấn an: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”
Rồi ba môn đệ thân tín cùng với Thầy đến nhà ông Gia-ia xem sự thể thế nào. Dĩ nhiên bầu khí tang tóc xen lẫn tiếng khóc than. Người ta ngơ ngác với câu phát biểu của Thầy: “Đức bé có chết đâu, nó ngủ đấy.” Thế là người ta nhạo cười Người.
Cùng với cha mẹ em, Thầy Giêsu tiến lại gần, cầm lấy tay em và nói: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” Lập tức phép lạ xảy ra, con bé đứng dậy và đi lại được. Cả nhà sững sờ về một điều chưa từng thấy thế bao giờ. Họ cho con bé ăn uống và tri ân phép lạ Thầy làm.
- Con gái một vị thủ lãnh sống lại (Mt9,18-19, 23-26)
Lần khác, khi Thầy dùng bữa tại nhà Mát-thêu, có một ông thủ lãnh đến bái lạy Thầy: “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin người đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống lại.” Chúng ta không rõ ông ấy có biết phép lạ Thầy làm trên đây không, dẫu sao ông ấy tin vào quyền năng của Thầy Giêsu.
Khi đến nơi, Thầy thấy người ta khóc lóc, kèn thổi sầu thương. Thầy tiến đến và nói: “Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Giống như lần trước, người ta chế nhạo Thầy. Thực ra dân chúng không tin rằng người chết có thể sống lại. Đó là chuyện hoang đường, khoác lác.
Tuy nhiên, Thầy cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy. Mọi người không tin vào mắt mình. Phép lạ xảy ra trước mắt họ và tin ấy được đồn ra khắp vả vùng. Thầy Giêsu có quyền phép cho người chết sống lại.
- Con trai bà góa thành Na-in (Lc7, 11-17)
Thánh Luca kể cho chúng một phép lạ khác xảy ra tại Na-in, một thành nhỏ gần núi Tabo. Trong khi Thầy trò cùng đám người đông đảo đến gần cửa thành thì thấy một đám tang. Họ đang khiêng một người chết đi chôn. Người ấy là con trai duy nhất của một bà góa. Nhìn người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, ai cũng buồn thương. Chưa hết tang chồng, nay bà lại khóc thương đưa tiễn người con yêu dấu. Bà khóc nhiều lắm!
Thấy thế Chúa Giêsu chạnh lòng thương bà, thương đến người chết và cả đám đông. Thầy an ủi bà đừng khóc nữa. Thầy tiến đến rờ vào quan tài, các người khiêng dừng lại. Chúa muốn cải tử hoàn sinh cho anh, Thầy nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” Người chết liền sống lại và Thầy trao anh ta cho bà mẹ. Mẹ cona vui mừng khôn tả! Dân chúng ngơ ngác đến kinh ngạc.
Với phép lạ này, nhiều người trân nhận Thầy là một vị ngôn sứ vĩ đại, là Thiên Chúa đến với dân người. Nhanh chóng tin ấy loan đi khắp cả vùng thiên hạ.
- Đức Giêsu cho anh Lazarô sống lại (Gioan 11 :1-45)
Đây lạ phép lạ nổi tiếng và đình đám nhất liên quan đến cái chết của Lazarô. Nổi tiếng vì anh Lazarô là bạn hữu thân thiết của Thầy, anh chết hôm nay là ngày thứ tư rồi. Đình đám vì đó là làng Bêtania cách Giêrusalem chừng 3km, vốn là nơi thủ lãnh Do Thái quyết định giết Đức Giêsu. Bởi đó, thánh Gioan “quay lại” chi tiết cảnh tang tóc đau thương này.
Lazarô là em út của hai chị em Mác-ta và Maria. Gia đình họ luôn đón tiếp Thầy mỗi khi nhóm của Thầy lên Giêrusalem. Bởi đó, Thầy luôn quý mến ba chị em. Khi Đức Giêsu đang ở bên kia sông Gio-đan, thì Lazarô ốm nặng và qua đời. Thực ra lúc Lazarô đau nặng, Thầy đã được báo tin, nhưng Thầy chưa về liền, mà còn lưu lại đó hai ngày. Sau đó người cùng các môn đệ tiến về Giêrusalem, trên đường đi Thầy biết Lazarô đã được chôn cất, nên Thầy nói với các môn đệ: “Lazarô, bạn của chúng ta đang yêu giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây.” Ý Thầy muốn nói về cái chết của Lazarô, các ông lại tưởng Thầy nói anh Lazarô đang ngủ. Thầy nói rõ cho các ông rằng Lazarô đã chết. Ai cũng sầu buồn tiếc thương một người bạn tốt lành.
Theo tục lệ người Do Thái, họ phải chôn thi hài người chết trong ngày. Những ngày sau người thân ở nhà và bà con lối xóm đến chia buồn, an ủi. Bởi đó, nhiều người Do Thái đến chia buồn với Mác-ta và Maria trong những ngày này. Biết Thầy Giêsu đang đến, Mác-ta ra đón người. Cô buồn rười rượi. Cô nói giá mà có Thầy ở đây thì em cô đã không chết, vì cô tin quyền năng của Thầy. Thầy an ủi cô và hứa rằng: “Em chị sẽ sống lại!”
Do Mác-ta chịu ảnh hưởng niềm tin của người Pha-ri-sêu nên nói với Thầy: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” Lúc này Thầy Giêsu mạc khải cho cô và cho cả nhân loại một chân lý quan trọng: “Chính Thầy là sự sống lại và lạ sự sống; Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không phải chết.” Cũng như chị Mác-ta, Thầy hỏi chúng ta có tin điều ấy không? Dĩ nhiên chúng ta cũng ước ao thưa giống như lời của Mác-ta: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”
Rồi chị đi gọi Maria đến gặp Thầy. Maria vừa đi vừa khóc. Mọi người theo Maria cũng khóc theo. Thầy xao xuyến trong lòng và hỏi xác anh ấy ở đâu. Maria lau nước mắt và mời Thầy đến xem. Nghe thế Đức Giêsu liền khóc. Đây là lần đầu tiên người ta thấy Thầy khóc, nên họ xì xào: “Xem kìa! Ông ta thương anh Lazarô biết mấy!
Khi đến mộ, Thầy yêu cầu người ta mang phiến đá lấp của mộ này đi. Mác-ta cản Thầy vì em chị đã nặng mùi rồi. Sau khi Thầy ngước mắt lên trời, cầu xin với Chúa Cha, rồi Thầy kêu lớn tiếng: “Anh Lazarô, hãy ra khỏi mồ!” Kẻ chết liền đi ra khỏi mồ với khăn vải còn quấn trên người. Thấy thế mọi người đều kinh ngạc và biết bao nhiêu kẻ tin vào Người.
- Đức Giêsu chết và ngày thứ ba Người sống lại
Sau phép lạ Thầy cho anh Lazarô sống lại, nhiều kẻ về mách với nhóm Pha-ri-sêu. Nhanh chóng họ cùng với các thượng tế triệu tập Thượng Hội Đồng để bàn cách giết Đức Giêsu. Đó là những ngày người ta bắt Thầy và xử tử Thầy trên đồi Can-vê. Sau đó các môn đệ an táng thi hài Thầy trong một ngôi mộ. Thế là chính Thầy Giêsu, Đấng làm cho nhiều người chết sống lại, nay đã chết trong mồ. Sau đó ai nấy về nhà để mừng lễ Vượt Qua.
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, chính Thầy đã phục sinh và mở ra niềm hy vọng lớn lao cho toàn thể nhân loại. Đức Giêsu phục sinh đã chiến thắng tử thần. Đó là sự thật, là phép lạ dành cho tất cả những ai muốn được sống đời đời.
Bước vào tháng 11, cầu cho các đẳng linh hồn, hẳn là ai cũng cầu xin và tin tưởng Chúa Phục sinh sẽ đoái thương cứu lấy các linh hồn nơi luyện ngục. Đó là ông bà cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của ta. Xin Chúa phục sinh làm thật nhiều phép lạ, nắm lấy tay những linh hồn đang than khóc trong luyện ngục, để đưa về Thiên Đàng. Nơi đó, con người sống hạnh phúc thiên thu.
Cầu cho các Đẳng Linh Hồn