Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới của Đức Thánh Cha, kêu gọi LHQ hành động
Người di cư và người tị nạn: những con người đi tìm hòa bình , ngày 24 tháng 11, 2017
Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế về Di cư và Hòa bình © L’Osservatore Romano
Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng hòa bình là một “khát vọng sâu thẳm cho mọi người,” trong sứ điệp cho ngày 1 tháng Một, 2018, kỷ niệm Ngày Hòa bình Thế giới. Vatican phát hành văn bản sứ điệp ngày 24 tháng 11, 2017.
Đức Thánh Cha nói, hòa bình được tìm kiếm “cho mỗi cá nhân và mọi dân tộc, và đặc biệt cho những người chịu đựng đau khổ vì thiếu vắng nó.” Và ngài nhấn mạnh: “Tôi luôn thao thức trong lòng và trong lời cầu nguyện, một lần nữa tôi lại phải nói đến 250 triệu người di cư trên khắp thế giới, trong số đó 22,5 triệu là người tị nạn.”
Ngài kêu gọi Liên Hợp quốc đưa ra hành động về vấn đề di cư trong năm 2018, bằng cách xây dựng hai Hiệp ước Toàn cầu: một hiệp ước về di cư an toàn, có trật tự và có lộ trình; và một hiệp ước về người tị nạn.
Đức Phanxico nói, “Là những thỏa thuận trên phạm vi toàn cầu, những hiệp ước này sẽ cung cấp một khuôn khổ cho những hoạch định chính sách và các biện pháp thi hành. Vì lý do này, chúng cần phải được khơi gọi bởi lòng trắc ẩn, sự nhìn xa trông rộng, và lòng can đảm, để tận dụng mọi cơ hội nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng hòa bình. Chỉ bằng cách này thì quan điểm hiện thực cần có cho đời sống chính trị quốc tế mới tránh rơi vào tính yếm thế và sự toàn cầu hóa tính thờ ơ.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến những chủ điểm trong sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2018 của ngài về người Di cư và Tị nạn, bốn cột mốc hành động để giúp những người phải di tản:
- 1. “Đón nhận” kêu gọi mở rộng những lộ trình pháp lý cho nhập cảnh và không đẩy người di cư và di tản sang những quốc gia nơi họ phải đối mặt với sự bắt bớ và bạo lực.2. “Bảo vệ” là trách nhiệm của chúng ta công nhận và bảo vệ cho phẩm giá bất khả xâm phạm của những người phải chạy trốn khỏi những nguy hiểm thật sự để đi tìm nơi nương náu và an ninh, và tránh cho họ không bị bóc lột.3. “Thúc đẩy” bao gồm việc hỗ trợ sự phát triển con người toàn diện cho người di cư và tị nạn.4. Cuối cùng “Hội nhập”, nghĩa là cho phép người tị nạn và di cư được tham gia trọn vẹn vào đời sống của xã hội đã đón nhận họ, như là một phần của tiến trình làm phong phú lẫn cho nhau và sự hợp tác đầy hiệu quả trong việc phục vụ cho sự phát triển con người toàn diện của cộng đồng địa phương.
Đức Thánh Cha viết, “Chúng ta biết rằng việc mở tấm lòng ra trước những đau khổ của người khác là chưa đủ. Còn rất nhiều việc phải được thực hiện trước khi những người anh em chị em của chúng ta có thể một lần nữa được sống bình an trong một ngôi nhà an toàn.”
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO NHÂN KỶ NIỆM NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ 51
Người Di cư và Tị nạn: những con người đi tìm hòa bình
1. Những lời cầu chúc chân thành cho hòa bình
Bình an cho mọi người và mọi dân tộc trên trái đất! Bình an, lời của thiên sứ loan báo cho các mục đồng trong đêm Giáng sinh, [1] là một khát vọng sâu thẳm cho mọi người, cho mỗi cá nhân và mọi dân tộc, và đặc biệt cho những người chịu đựng đau khổ vì thiếu vắng nó. Họ là những người mà tôi luôn thao thức trong lòng và trong lời cầu nguyện, một lần nữa tôi lại phải nói đến 250 triệu người di cư trên khắp thế giới, trong số đó 22,5 triệu là người tị nạn.” Đức Giáo hoàngBenedict XVI, Đấng Tiền nhiệm kính yêu của tôi, nói về họ như là “những người đàn ông, những phụ nữ và trẻ em, người trẻ và người già, những con người đi tìm một nơi sống trong an bình.”[2] Để tìm được sự bình an đó, họ sẵn sáng liều mạng sống dấn bước vào một hành trình thường là rất dài và đầy nguy hiểm, phải chịu đựng bao gian khó và đau khổ, và vấp phải những hàng rào và những bức tường ngăn bước họ cách xa mục tiêu họ muốn đến.
Với tấm lòng trắc ẩn, chúng ta hãy ôm lấy tất cả những con người phải chạy trốn chiến tranh và đói khát, hoặc bị cưỡng bức vì sự phân biệt đối xử, bắt bớ, đói nghèo và suy giảm môi trường mà phải rời bỏ quê nhà.
Chúng ta biết rằng mở tấm lòng ra trước những đau khổ của người khác là chưa đủ. Còn tất nhiều việc khác phải được thực hiện trước khi những người anh em chị em của chúng ta có thể một lần nữa được sống bình an trong một ngôi nhà an toàn. Đón nhận người khác đòi hỏi những cam kết cụ thể, một mạng lưới hỗ trợ và thiện chí, thận trọng và thấu hiểu, quản lý có trách nhiệm đối với những tình hình mới và phức tạp trong đó có những lúc phát sinh nhiều vấn đề, chưa kể đến những nguồn tài nguyên luôn luôn có giới hạn nhất định. Qua cách thực hành nhân đức khôn ngoan, các nhà lãnh đạo chính quyền nên áp dụng những biện pháp thực tế là đón nhận, thúc đẩy, bảo vệ, và hội nhập và, “trong những giới hạn được phép theo cách hiểu đúng về thiện ích chung, hãy cho phép họ trở thành một phần trong một xã hội mới.”[3] Các nhà lãnh đạo có trách nhiệm rõ ràng đối với cộng đồng của họ, trong đó họ phải bảo đảm được những quyền về pháp lý và sự phát triển hài hòa, nếu không họ lại trở thành người xây dựng hấp tấp có những bước tính toán sai lầm và thất bại không thể hoàn tất được tòa tháp người đó đã bắt đầu xây dựng.[4]
2. Tại sao có quá nhiều người tị nạn và di cư?
Khi hướng đến Đại Năm Thánh đánh dấu hành trình hai ngàn năm từ khi các thiên sứ loan báo sự bình an ở Bê-lem, Thánh Gio-an Phao-lô II chỉ ra những con số người di tản ngày càng gia tăng như là hậu quả của “những cuộc chiến, xung đột, diệt chủng và thanh trừng sắc tộc kinh hoàng kéo dài vô tận”[5], nó là đặc điểm nổi bật của thế kỷ hai mươi. Cho đến hôm nay, thế kỷ mới chưa thấy được sự thay đổi đột phá nào: những cuộc xung đột vũ trang và những hình thức bạo lực có tổ chức khác tiếp tục nhắm tấn công vào hoạt động của các dân tộc trong phạm vi biên giới các quốc gia và vượt ra ngoài biên giới.
Tuy nhiên con người cũng di cư vì những lý do khác, chủ yếu vì họ “khao khát có một đời sống tốt đẹp hơn, và thường là bỏ lại sau lưng ‘sự vô vọng’ về một tương lai không có gì hứa hẹn.”[6] Họ ra đi để đoàn tụ gia đình hoặc tìm những cơ hội nghề nghiệp hay học tập, với những người không được hưởng các quyền đều sống trong bất an. Ngoài ra, như tôi đã đề cập đến trong Tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa), đã có “một sự tăng mạnh làn sóng người di cư tìm cách thoát khỏi cảnh cùng khổ đang lan rộng vì sự suy thoái môi trường”.[7]
Hầu hết người ta di cư qua các kênh thông thường. Tuy nhiên, một số đi theo con đường khác, thường là rơi vào tuyệt vọng, khi đất nước của họ không đưa ra được những bảo đảm an toàn hoặc cơ hội, và mọi con đường pháp lý đều trở nên không thực tế, bị bế tắc hoặc quá chậm chạp.
Nhiều quốc gia đích đến đã cho thấy sự lan rộng của những thổi phồng quá mức về những sự nguy hiểm đối với an ninh quốc gia hoặc phí tổn quá nhiều cho việc đón nhận những người mới đến, và làm như vậy là tự hạ phẩm giá vì tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa. Với những người, có thể vì những lý do chính trị, khích động sự khiếp sợ người di cư; thay vì xây dựng hòa bình họ lại gieo rắc bạo lực, phân biệt sắc tộc, và bài ngoại, gây ra những điều đáng quan ngại cho tất cả những người quan tâm đến sự an toàn của mọi người.[8]
Tất cả các chỉ số hiện tại đối với cộng đồng quốc tế cho thấy sự di cư toàn cầu sẽ tiếp tục trong tương lai. Một số người cho rằng đây là một mối đe dọa. Đối với tôi, tôi xin các bạn hãy tự tin nhìn đến nó như là một cơ hội để xây dựng hòa bình.
3. Với cái nhìn chiêm ngắm
Sự khôn ngoan của đức tin thúc đẩy một cái nhìn chiêm ngắm chân nhận rằng tất cả chúng ta đều “thuộc về một gia đình, cả người di cư và người dân địa phương đón nhận họ, và tất cả đều có chung quyền được hưởng những gia tài của trái đất, mà dụng đích của nó là phổ quát, như giáo huấn xã hội của Giáo hội đã dạy. Chính ở đây tình đoàn kết và sự sẻ chia được tìm thấy.”[9] Những lời này gợi lên hình ảnh trong kinh thánh của thành Giê-ru-sa-lem mới. Sách Ngôn sứ I-sai-a (chương 60) và sách Khải huyền (chương 21) mô tả thành mới này với những cánh cổng luôn luôn mở ra cho mọi dân tộc, những người kinh ngạc trước nó và làm đầy tràn nó bằng những sự giàu có. Bình an là tột đỉnh làm kim chỉ nam dẫn đường cho nó và công bằng là nguyên tắc điều hành cho sự chung sống trong đó.
Chúng ta cũng phải hướng cái nhìn chiêm ngắm này đến những thành phố nơi chúng ta đang sống, “một cái nhìn của đức tin thấy được Thiên Chúa đang ngụ cư trong gia đình của họ, trên những con phố và trong những quảng trường, […] thúc đẩy tình hiệp nhất, tình huynh đệ, và niềm khát khao sự thiện hảo, sự thật, và công bình”[10] – nói một cách khác là làm trọn vẹn lời hứa ban bình an.
Khi chúng ta hướng cái nhìn đó sang người di cư và người tị nạn, chúng ta khám phá ra rằng họ không đến bằng đôi bàn tay trắng. Họ mang đến lòng can đảm, những kỹ năng, năng lực, và những khát vọng, cũng như những gia tài của các nền văn hóa của họ; và bằng cách này, họ làm giàu có cho đời sống của các dân tộc cưu mang họ. Chúng ta cũng sẽ nhìn thấy tính sáng tạo, tính kiên trì, và tinh thần hy sinh của không biết bao nhiêu cá nhân, gia đình, và cộng đồng trên khắp thế giới mở cửa nhà và mở cửa trái tim của họ để đón những người di cư và tị nạn, ngay cả ở những nơi với nguồn tài nguyên khan hiếm.
Một cái nhìn chiêm ngắm cũng hướng dẫn cho sự nhận thức rõ của những người có trách nhiệm với thiện ích chung, và khuyến khích họ theo đuổi các chính sách đón nhận “trong những giới hạn được cho phép bởi một cách hiểu đúng về thiện ích chung” [11] – nghĩa là, luôn ghi nhớ trong tâm trí những nhu cầu của tất cả mọi thành viên trong gia đình nhân loại và hạnh phúc của mỗi người.
Người nhìn thấy mọi việc theo cách này sẽ có thể nhận ra được những hạt giống hòa bình đang đâm chồi và ấp ủ sức phát triển. Các thành phố của chúng ta, thường bị chia rẽ và phân cực bởi những mâu thuẫn vì sự hiện diện của người di cư và người tị nạn, sẽ biến thành nơi xây dựng hòa bình.
4. Bốn điểm mốc hành động
Cung cấp cho người tìm nơi trú ngụ, những người tị nạn, người di cư và các nạn nhân của tình trạng buôn người một cơ hội tìm được sự bình an mà họ khát khao đòi hỏi một chiến lược gồm bốn hoạt động: đón nhận, bảo vệ, thúc đẩy và hội nhập.[12]
“Đón nhận” kêu gọi mở rộng những lộ trình pháp lý cho nhập cảnh và không đẩy người di cư và di tản sang những quốc gia nơi họ phải đối mặt với sự bắt bớ và bạo lực. Nó cũng đòi hỏi sự cân bằng những lo lắng của chúng ta giữa vấn đề an ninh quốc gia với sự quan tâm đến nhân quyền căn bản. Kinh Thánh nhắc chúng ta rằng: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết..”[13]
“Bảo vệ” là trách nhiệm của chúng ta công nhận và bảo vệ cho phẩm giá bất khả xâm phạm của những người phải chạy trốn khỏi những nguy hiểm thật sự để đi tìm nơi nương náu và an ninh, và tránh cho họ không bị bóc lột. Tôi đặc biệt nghĩ đến các phụ nữ và trẻ em bị rơi vào những hoàn cảnh đối mặt với những nguy hiểm và sự lạm dụng thậm chí có thể dẫn đến tình trạng nô lệ. Thiên Chúa không phân biệt đối xử: “Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ.”[14]
“Thúc đẩy” bao gồm việc hỗ trợ sự phát triển con người toàn diện cho người di cư và tị nạn. Trong số nhiều phương cách khả thi để thực hiện điều này, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên ở mọi cấp độ. Việc này không những có thể giúp họ trau dồi và tìm ra được tiềm năng của mình, nhưng còn trang bị cho họ tốt hơn về khả năng gặp gỡ người khác và để thúc đẩy tinh thần đối thoại hơn là gạt bỏ hoặc kình địch. Tin mừng dạy rằng Thiên Chúa “yêu thương ngoại kiều, cho họ bánh ăn áo mặc. Anh em phải yêu thương ngoại kiều, vì anh em đã từng là ngoại kiều ở đất Ai-cập.”[15]
Cuối cùng “Hội nhập”, nghĩa là cho phép người tị nạn và di cư được tham gia trọn vẹn vào đời sống của xã hội đã đón nhận họ, như là một phần của tiến trình làm phong phú lẫn cho nhau và sự hợp tác đầy hiệu quả trong việc phục vụ cho sự phát triển con người toàn diện của cộng đồng địa phương. Thánh Phao-lô diễn tả điều này bằng những lời sau: “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa.”[16]
5. Một đề nghị cho hai hiệp ước quốc tế
Hy vọng chân thành của tôi là tinh thần này sẽ dẫn dắt tiến trình để trong năm 2018 Liên Hợp quốc sẽ soạn thảo và thông qua hai Hiệp ước Toàn cầu, một hiệp ước về di cư an toàn, có trật tự và có lộ trình; và một hiệp ước về người tị nạn. Là những thỏa thuận trên phạm vi toàn cầu, những hiệp ước này sẽ cung cấp một khuôn khổ cho những hoạch định chính sách và các biện pháp thi hành. Vì lý do này, chúng cần phải được khơi gợi bởi lòng trắc ẩn, sự nhìn xa trông rộng, và lòng can đảm, để tận dụng mọi cơ hội nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng hòa bình. Chỉ bằng cách này thì quan điểm hiện thực cần có cho đời sống chính trị quốc tế mới tránh rơi vào tính yếm thế và sự toàn cầu hóa tính thờ ơ.
Đối thoại và hợp tác là một sự cần thiết và là một trách nhiệm rõ ràng cho cộng đồng quốc tế. Vượt ra ngoài biên giới các quốc gia, sẽ có nhiều người tị nạn hơn có thể được đón nhận – hoặc được đón nhận tốt hơn – bởi cả những quốc gia ít thịnh vượng hơn, nếu sự hợp tác quốc tế bảo đảm cấp cho họ số vốn cần thiết.
Phòng Di trú và Tị nạn thuộc Bộ Thúc đẩy Phát triển Con người Toàn diện đã phát hành một bộ hai mươi điểm hành động cung cấp những hướng dẫn cụ thể cho việc áp dụng bốn hoạt động này vào trong chính sách chung và trong các hoạt động của các cộng đoàn Ki-tô hữu.[17] Mục đích của việc này và những đóng góp khác là để bày tỏ sự quan tâm của Giáo hội Công giáo trong tiến trình dẫn đến việc thông qua các Hiệp ước Toàn cầu của LHQ. Sự quan tâm này là dấu chỉ của một mối bận tâm mục vụ tổng quát hơn hướng về những cội nguồn của Giáo hội và đã tiếp tục trong nhiều công cuộc của mình cho đến thời gian hiện tại.
6. Đối với ngôi nhà chung của chúng ta
Chúng ta hãy lấy nguồn cảm hứng từ những lời của Thánh Gio-an Phao-lô II: “Nếu mọi người đều có chung ‘giấc mơ’ về một thế giới hòa bình, nếu sự đóng góp của người di cư và người tị nạn được đánh giá đúng, thì nhân loại có thể trở nên một gia đình càng ngày càng phổ quát hơn và trái đất của chúng ta là một ‘ngôi nhà chung’ thật sự.”[18] Trong suốt chiều dài lịch sử, nhiều người đã vững tin vào “giấc mơ” này, và những thành tựu của họ là một chứng thực rõ ràng cho thấy rằng giấc mơ đó không phải là điều không tưởng.
Trong số những vị này, chúng ta kính nhớ Thánh Frances Xavier Cabrini trong năm nay đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày qua đời của thánh nhân. Ngày 13 tháng 11, nhiều cộng đoàn hội thánh đã kính nhớ thánh nhân. Người phụ nữ kiệt xuất này, người đã cống hiến suốt cuộc đời phục vụ người di cư và trở thành thánh bổn mạng của họ, đã dạy chúng ta cách chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập cho những người anh chị em của chúng ta. Nhờ sự chuyển cầu của Thánh nhân, nguyện xin Thiên Chúa giúp chúng ta có thể trải nghiệm được rằng “Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính.”[19]
Viết từ Vatican, 13 tháng Mười Một, 2017
Kính nhớ Thánh Frances Xavier Cabrini, Thánh Bổn mạng của người Di cư
FRANCIS
[1 Lc 2:14.
[2] Kinh Truyền tin, 15 tháng Một, 2012.
[3] GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, 106.
[4] Lc 14:28-30.
[6] BENEDICT XVI, Sứ điệp Ngày Người Di cư và Tị nạn thế giới 2013.
[7] No. 25.
[8] X. Diễn từ trước các Giám đốc Quốc gia về Chăm sóc Mục vụ cho người Di cư của Hội đồng Giám mục Châu Âu, 22 tháng Chín, 2017.
[9] BENEDICT XVI, Sứ điệp Ngày Người Di cư và Tị nạn thế giới 2011.
[10] Tông huấn Evangelii Gaudium, 71.
[11] GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, 106.
[13] Dt 13:2.
[14] Tv 146:9.
[15] Đnl 10:18-19.
[16] Eph 2:19.
[17] “Hai mươi điểm hoạt động mục vụ” và “Hai mươi điểm hoạt động cho các Hiệp ước Toàn cầu” (2017); x. Tài liệu LHQ A/72/528.
[19] Gc 3:18.
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]