NIỀM VUI CỦA THIÊN CHÚA
“Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25,21)
Suy niệm: 1/ Ông chủ trong dụ ngôn là hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài giao cho mỗi người một phận vụ và không đòi hỏi ai quá sức mình. Ngài không coi trọng người được giao năm yến hơn người được giao một yến. Tài sản Ngài có bao nhiêu, Ngài giao tất cả. Hết sức tin tưởng, Ngài lên đường đi xa. 2/ Có vẻ như cái lỗi lớn nhất của người đầy tớ thứ ba là không làm việc, không sinh lời. Xét kỹ hơn, nguyên nhân sâu xa chi phối những hành động này là anh ta đã có một hình ảnh méo mó về Thiên Chúa: đối với anh, ông chủ là một người hà khắc, đòi hỏi, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Anh sợ hãi chứ không yêu mến. 3/ Ngày tính sổ, Thiên Chúa – ông chủ – xuất hiện như một người Cha: vui mừng thấy vốn đã sinh lời. Nhưng… Ngài không giữ lại cho mình, mà giao hết cả vốn lẫn lãi cho người biết làm việc; ai sinh lời Ngài lại ban thêm. Niềm vui của Thiên Chúa, đó là thấy rằng chúng ta đã làm việc và sinh lời cho chính chúng ta.
Mời Bạn: Những gì bạn đang có chính là những yến bạc mà Thiên Chúa giao cho bạn để sinh lời. Đối với bạn Thiên Chúa là ai, là ông chủ hà khắc hay là Người Cha yêu thương?
Chia sẻ: Có phải rằng Thiên Chúa đã bất công khi lấy yến bạc của người đầy tớ thứ ba mà giao cho người có mười yến không? Nếu người này sinh lời, đâu là lời khen mà anh sẽ nhận được?
Sống Lời Chúa: Chu toàn bổn phận của ngày hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm cho con lòng tin tưởng và yêu mến, đừng để con nhìn xuôi ngó ngược, phân bì với người khác, nhưng hết lòng hết sức thi hành phận vụ Chúa đã giao.
THÁNH GRÊGÔRIÔ GIÁM MỤC THÀNH NÊÔCÊSARÊ
Chúng ta biết được tiểu sử thánh Grêgôriô là nhờ những tài liệu của thánh Grêgôriô Nyssê, của Êsêbiô trong cuốn lịch sử Hội thánh và trong chính những bút ký của thánh nhân để lại.
Thánh nhân sinh vào khoảng năm 200, là con một gia đình giầu có ngoại giáo. Cha mẹ ngài rất chú ý đến việc giáo dục con cái nơi gia đình và học đường. Chính tên ngài là Thêđôrê, mãi sau này mới cải là Grêgôriô. Năm lên 14 tuổi, cha ngài qua đời, và cũng trong năm đó ngài được biết Kitô giáo. Sau một thời gian do dự, Grêgôriô đã theo đạo, nhưng người ta không biết rõ ngài lĩnh chịu phép rửa vào thời kỳ nào.
Sau khi nhập đạo, ngài vẫn tiếp tục công cuộc học vấn và theo lời yêu cầu của thân mẫu ngài chuyên về luật, ngài cũng học tiếng La tinh để có thể đọc những tác phẩm của các luật Rôma. Sau đó ngài dự định đến một học đường ở Bêrút một thời gian để trau dồi thêm về văn hóa và kiến thức.
Grêgôriô đi theo chị và một người em trai tới Bêrút. Nhưng đến Césarê xứ Palestina, Grêgôriô gặp Ôrigênê, vừa bị trục xuất khỏi Alexanđria và đang dự định đặt trụ sở tại đây. Ôrigênê nhận thức được tài nghệ của Grêgôriô và người em trai. Đối lại, hai anh em Grêgôriô cũng cảm mến Ôrigênê nên cũng ở lại Cêsarê để xin thụ huấn với ông. Phải chăng đây là một sự quan phòng đặc biệt của Chúa đã an bài, vì chính ở nơi đây trong vòng tám năm trời, Ôrigênê đã huấn luyện hai anh em Grêgôriô để sau này cả hai cùng có khả năng lãnh nhận chức vụ Giám mục chăn dắt đoàn chiên Chúa và đưa anh em dân ngoại trở về cùng Chúa.
Ôrigênê dạy Grêgôriô về luân lý cùng nhiều môn khác. Song song với công việc đó, Ôrigênê còn tìm cách sửa đổi những tật xấu nhỏ của Grêgôriộ Đôi khi Ôrigênê cũng dùng đến những cách quở phạt nghiêm nhặt. Grêgôriô đọc tất cả những triết gia thời cổ, trừ những tác phẩm có khuynh hướng vô thần; trong khi đó, Ôrigênê giảng nghĩa cho Grêgôriô hiểu những chủ trương nào là lành mạnh và những chủ trương nào nguy hiểm.
Chỉ sau một thời gian học tập dọn đường dài như vậy, Ôrigênê mới giới thiệu với Grêgôriô bộ Kinh Thánh. Chính trong lãnh vực này, Ôrigênê càng tỏ ra nhiều kiến thức và có một tinh thần đạo đức thật sâu xa. Vì thế, sau thời gian thụ huấn với Ôrigênê, Grêgôriô cảm thấy như đã thu lượm được đầy đủ mọi kiến thức về những khoa học thánh cũng như những khoa học đời, Grêgôriô đã viết và ca tụng việc giáo dục của Ôrigênê như sau: "Nhờ vậy chúng tôi đã đạt được mọi kiến thức, không còn gì là không thể diễn tả nổi, không còn gì là bí ẩn đối với chúng tôi. Chúng tôi được nghe mọi thứ tiếng: tiếng của người man rợ cũng như tiếng của người Hy lạp, những tiếng huyền bí cũng như những tiếng công cộng, tiếng của Thiên Chúa cũng như tiếng của loài người; chúng tôi đã có thể tự do rảo khắp mọi nơi, thăm dò mọi sự, được thoả mãn và vui hưởng mọi lợi ích tinh thần..."
Nhưng Ôrigênê là một người khôn ngoan, ông hiểu rằng công cuộc giáo dục của ông không bao giờ có thể trọn hảo, ông đã viết một lá thư để trả lời những câu tán tụng nồng nhiệt của Grêgôriô, trong đó ông căn dặn môn đệ phải đề phòng những nguy hiểm thực sự nơi các tác giả ngoại giáo, và ông cũng nhắc cho Grêgôriô biết rằng: lời cầu nguyện luôn luôn rất cần thiết để giúp ta có thể thông hiểu Kinh Thánh. Biết rằng lời khuyên của Ôrigênê rất mực chính đáng, môn đệ Grêgôriô đã đem ra thực hành suốt đời và nhờ vậy, đã trở nên một tông đồ nhiệt thành và sốt sắng. Sau một thời gian thụ huấn với Ôrigênê, Grêgôriô đã trở về quê hương với ý định sống một cuộc đời ẩn dật tu thân, tránh xa mọi hoạt động huyên náo của trần tục. Nhưng Đức Giám mục thành Amasê là Phêđimê được Thiên Chúa soi sáng cho biết Grêgôriô có thể trở nên một Giám mục nhiệt thành, nên ngài đã cố gắng thuyết phục Grêgôriô nhận chức Giám mục. Grêgôriô hết sức từ chối và lánh mình vào các vùng sa mạc. Nhưng sau những ngày đường dài trong sa mạc, Grêgôriô được thị kiến soi cho biết ngài phải vâng lời Đức Giám mục Phêđimê để nhận chức Giám mục tại Nêô-Cêsarê.
Sau khi vâng theo thánh ý Chúa lãnh nhận chức vụ khó khăn nặng nề đó, Đức Giám mục Grêgôriô đem mọi tài đức sẵn có để chăn dắt đoàn chiên và đưa anh em dân ngoại về. Nhờ những hoạt động rất tận tụy của ngài, nhiều người đã trở lại Kitô giáo, đến nỗi khi ngài mới đến, địa phận của ngài chỉ có 17 người có đạo, nhưng khi ngài qua đời thì trong cả một vùng rộng lớn bao la ấy chỉ còn 17 người chưa trở lại đạo. Vì công nghiệp và nhân đức đặc biệt của ngài, Chúa đã cho phép Giám mục Grêgôriô ngay khi sinh thời đã làm rất nhiều phép lạ. Vì vậy, người ta gọi ngài là: "Grêgôriô hay làm phép lạ".
Thật vậy, lần kia khi đến Nêô-Cêsarê, ngài gặp một trận mưa rất lớn, ngài liền vào trú trong một ngôi đền ngoại giáo. Sau khi làm dấu Thánh giá, ngài thức suốt đêm để cầu nguyện. Sáng hôm sau, khi đến dâng lễ vật cúng thần, viên chủ tế đền thờ không được thần chấp nhận lễ vật như mọi khi. Sự có mặt của Đức Giám mục Grêgôriô đã làm cho ma quỷ chạy trốn cả rồi! Hết sức tức giận, viên chủ tế dọa đem tố cáo ngài nơi các quan toà. Nhưng ngài liền viết trên mảnh giấy nhỏ với mấy chữ: "Grêgôriô truyền Satan hãy trở lại đền thờ" và đưa cho viên chủ tế đặt trên bàn thờ; ngay lập tức những của lễ kia lại được quỷ thần chiếu cố. Nhận thấy uy quyền lạ lùng của ngài, viên chủ tế xin ngài dạy cho ông những điều trong đạo; nhưng sau cùng ông không chịu tin mầu nhiệm lạ lùng "Thiên Chúa làm Người"; ông xin Đức Giám mục làm một phép lạ khác tỏ tường thì ông mới tin. Ngài truyền cho một tảng đá lớn chuyển chỗ mà không cần phải đụng tay tới. Sau phép lạ này, viên chủ tế bỏ hết mọi sự, kể cả vợ con, để theo ngài, và ngài đã truyền chức phó tế cho ông.
Lần khác, hai anh em một gia đình công giáo tranh nhau một cái ao, ai cũng muốn nhận là phần của mình, và dù Đức Giám mục đã đích thân đến dàn hòa, nhưng họ cứ nhất định giải quyết cuộc tranh chấp bằng một cuộc đấu gươm, ngài liền thức suốt một đêm trên bờ ao để cầu nguyện. Sáng hôm sau ao không còn là ao nữa, mà đã trở nên một mảnh đất khô cạn.
Thánh Grêgôriô còn có một đức tin chuyển núi rời non thực sự. Trong một làng công giáo kia, dân làng muốn xây cất một nhà thờ trên một khu đất thuận tiện. Nhưng khu đất đó bị một núi đá chắn chỗ. Người ta chạy đến Đức Giám mục Grêgôriô; ngài đích thân đến nơi đó thức suốt đêm cầu nguyện vì ngài tin tưởng vào lời Chúa đã phán xưa. Quả thực, sáng hôm sau quả núi đã chuyển chỗ để lại cho dân làng một khu đất xây thánh đường như lòng mong ước. Do phép lạ này, trong ngày lễ kính thánh nhân, Giáo hội nhắc lại đoạn Phúc âm thánh Marcô 11, 22-24, trong đó có lời Chúa phán với các môn đệ: "Các con hãy tin tưởng ở Thiên Chúa, Ta nói thật: Ai truyền cho núi này hãy xê khỏi và lao mình xuống biển mà trong lòng không do dự, nhưng tin lời mình nói sẽ xảy ra, thì người ấy sẽ được".
Đức Giám mục Grêgôriô cũng có công rất nhiều trong việc bảo vệ đoàn chiên Chúa trải qua thời kỳ cấm đạo của Hoàng đế Đêciô và thời kỳ quân mandi Gốt và Đôrát tràn lan vào nhiều vùng trong đế quốc Rôma, kể cả trong địa phận của ngài (khoảng năm 250). Ngài cũng tham dự công đồng Antiôkia để lên án Phaolô Samôsa, nhưng không thấy ngài có mặt trong công đồng Antiôkia II, có lẽ vì đã quá già yếu. Ngài qua đời ít lâu sau Công đồng này. Trước khi chết, ngài đi thăm toàn thể địa phận của ngài và lấy làm tiếc vì còn 17 anh em ngoại giáo chưa chịu trở lại. Tuy nhiên, ngài cũng hết lòng cảm tạ Thiên Chúa vì nhớ lại rằng lúc ngài mới đến nhận chức thì chỉ có 17 người có đạo. Thi hài thánh Grêgôriô được chôn cất tại thánh đường do chính ngài đã xây tại Nêôcêsarê. Lòng tôn sùng ngài lan tràn đi khắp nơi rất nhanh chóng. Cho đến nay, ngày lễ kính ngài đều được cả hai Giáo hội Tây phương và Đông phương kính nhớ. Hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa, nhờ lời ngài bầu cử, ban cho chúng ta được lòng nhiệt thành truyền giáo cho các anh em dân ngoại, và một lòng tin mạnh mẽ vào sự Quan phòng của Chúa.
Một Lỗ Nhỏ Trên Vách Tường
Tại một trung tâm bài phung nọ, đa số các nạn nhân đều buồn chán vì cảm thấy bị bỏ rơi và bị mọi người xa lánh. Tuy nhiên, có một người vẫn còn biết cười và vẫn tiếp tục tạ ơn khi được giúp đỡ.
Vị nữ tu coi sóc trung tâm muốn tìm hiểu đâu là nguyên nhân của phép lạ này. Sau nhiều ngày theo dõi, vị nữ tu mới khám phá rằng, xuyên qua một lỗ nhỏ trên vách tường ngăn cách trung tâm với thế giới bên ngoài, ngày ngày có một người đàn bà đến nhìn vào và mỉm cười rất trìu mến. Ðó là tất cả sức mạnh và niềm hy vọng của người đàn ông xấu số. Mỗi ngày, ông chờ đợi nụ cười ấy. Khuôn mặt của người đàn bà chỉ chợt xuất hiện, mỉm cười và biến mất. Người đàn ông duy nhất còn biết cười trong trung tâm bài phung đó đã giải thích cho vị nữ tu như sau:
"Người đàn bà ấy chính là vợ tôị Trước khi tôi đến đây, nàng đã tìm đủ mọi cách để chữa chạy tôị Mỗi ngày, nàng lau sạch một khoảng nhỏ trên khuôn mặt tôi và đặt lên đó một cái hôn... Nhưng cuối cùng, nàng không thể giữ tôi lâu hơn. Người ta đã đến đưa tôi vào trung tâm này.
Nhưng vợ tôi đã không bỏ tôị Mỗi ngày, nàng đến nhìn qua lỗ hỏng của vách tường và mỉm cười với tôị Nhờ nàng, tôi biết rằng tôi vẫn còn sống. Nhờ nàng, tôi vẫn còn muốn sống...".
Tình yêu mạnh hơn sự chết. Tình yêu đã làm cho người vợ không nhìn người chồng xấu số như một con người đáng xa lánh. Tình yêu của người vợ đã đem lại sức mạnh và niềm vui sống cho người chồng... Nhu cầu căn bản nhất của con người là yêu và được yêụ Bất cứ ai cũng cần đến tình yêu và muốn thể hiện tình yêữ. Bạn có biết rằng có bao người đang cần một nghĩa cử, một nụ cười, một ánh mắt cảm thông của bạn không?