Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

5 Phút Cho Lời Chúa Ngày 8/11/2017

Filled under:

ƯU TIÊN BỮA TIỆC NƯỚC TRỜI
“Phúc thay ai được dự tiệc trong nước Thiên Chúa.” (Lc 14,15)
Suy niệm: “Tôi mới mua một thửa đất... tôi mới tậu năm cặp bò... tôi mới cưới vợ...” Mới nghe qua, có vẻ như ba lý do xin kiếu đều hợp lý, bởi vì không ai xin kiếu để đi ăn trộm ăn cướp cả! Thế nhưng, suy cho cùng thì tất cả quá nghiêng về hạnh phúc trần tục của bản thân, đến nỗi xao lãng, phớt lờ trước hạnh phúc Nước Trời. Những công việc của cuộc sống trên đây không quá cấp bách đến nỗi phải được ưu tiên làm ngay, để người ta có thể từ chối lời mời ưu ái của Thiên Chúa. Ta ghi nhớ hai bài học sau đây: (1) quá bon chen, mê mải với công ăn việc làm có thể kéo ta xa Chúa; (2) cắm đầu cắm cổ hưởng thụ cũng làm ta mất Chúa, quên mất hạnh phúc Nước Trời. Chúa Giêsu nhắc ta đâu là giá trị ưu tiên: “được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 17,26)
Mời Bạn: Ngày sống của bạn xoay quanh công ăn việc làm, giao tiếp, kinh nguyện, thư giãn, vui chơi… Bạn sống thế nào để, qua những công việc đời thường ấy, bạn thể hiện lời kinh vẫn đọc mỗi ngày Chúa Nhật “kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự” (Kinh 10 Điều Răn).
Chia sẻ: Những bận tâm cho cuộc sống trần thế có dễ làm bạn xao lãng cùng đích của đời người không?
Sống Lời Chúa: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, rồi tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn nhớ đến cùng đích của đời người, để con biết dành ưu tiên trước hết cho Nước Trời và sự công chính, rồi mới đến các giá trị trần thế khác. Amen.


KÍNH NĂM THÁNH: CLAUĐIÔ, NICÔTATÔ,
SIMPRÔNIANÔ, CATTÔRIÔ VÀ SIMPLIXIÔ TỬ ĐẠO
Ngay từ thế kỷ thứ IV, năm vị thánh thời danh này đã được toàn thể giáo dân Rôma hết lòng sùng kính. Các ngài đều là những nhà điêu khắc kỳ tài, và cũng chính nhờ tài hiếm có đó mà các ngài đã may mắn chiếm được triều thiên vinh quang Nước Trời.
Nhân dịp kinh lý miền Pannonia, Hoàng đế Điôclêtianô được nhìn tận mắt nhiều tác phẩm điêu khắc trứ danh của các nghệ sĩ địa phương; đặc biệt là của bốn nhà điêu khắc kỳ tài Clauđiô, Simprônianô, Cattôriôâ và Nicotatô. Tất cả bốn vị này đều bí mật tôn thờ Chúa Kitô, thực hành thập giới và đặc biệt, trước khi tạc một tác phẩm nào, các ngài đều tạc nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Một hôm Hoàng đế Điôclêtianô truyền cho tất cả kỹ sư cũng như thợ các miền Pannonia tạc cho ngài một tượng thần Mặt Trời bao gồm cả chiếc xe bốn bánh và với đôi long mã, tất cả phải chung một khối đá liền. Sau khi đã gom sức kiếm được một khối cẩm thạch khổng lồ trong hầm đá, 620 tay thợ lại bất đồng ý kiến với năm viên kỹ sư về các đường gân của đá. Giữa lúc đôi bên tranh luận gay go thì Simprônianô đã lên tiếng dàn xếp: "Xin quí đồng nghiệp hãy bớt nóng, nếu các bạn đồng ý, tôi và các bạn Clauđiô, Simplixiô, Nicôtatô và Cattôriô của tôi đây sẽ bảo lãnh tất cả". Nghe thế mọi người như thấy trút một trách nhiệm nặng nề, liền trao việc tạc tượng thần Mặt Trời đó cho Simprônianô và các bạn ông. Sau khi tìm thấy đường gân của đá, các ông liền khởi công tạc nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Công việc cứ mỗi ngày một tiến, cuối cùng tượng thần Mặt Trời khổng lồ cao hơn bảy thước được hoàn thành đúng kỳ hạn nhà vua đã ấn định.
Hết sức vui mừng trước kiệt tác vĩ đại ấy, Hoàng đế Điôclêtianô, một mặt truyền xây cất ngôi đền thờ rộng lớn, đoạn đem đặt tượng đã khảm bạc mạ vàng vào đó để nhân dân sùng bái, mặt khác vua ban thưởng bội hậu cho các nghệ nhân đã thực hiện pho tượng, đồng thời triệu Clauđiô, Simprônianô, Nicôtatô, Cattôriô và Simplixiô vào triều yết. Trong buổi triều yết, nhà vua không tiếc lời ca tụng tài nghệ các vị và xin các vị dốc hết sở trường chạm cho nhà vua một số cột đền lộng lẫy nữa.
Tuân lệnh Hoàng đế, các vị cùng một số thợ lên núi đá cẩm thạch và khởi công đẽo một tảng đá dài tới 12 thước, Clauđiô đã nhân danh Chúa Giêsu mà làm nên kết quả rất hoàn hảo trái hẳn với Simplixiô, một bạn thân nhưng hãy còn ngoại giáo. Ngày kia, Nicôtatô hỏi Simplixiô: "Sao đồ làm của anh cứ sứt mẻ hoài thế?". Simplixiô đáp với giọng năn nỉ: "Xin anh luyện nó giúp tôi với, anh mà giúp thì chắc chắn nó sẽ hết gãy". Clauđiô xen vào: "Vậy anh đưa đồ nghề đây cho tôi". Và khi Simplixiô đưa đồ nghề ra thì Clauđiô chỉ nói: "Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, xin cho đồ nghề này được bền bỉ". Kể từ đó, những đồ nghề của Simplixiô không còn bể gãy nữa. Simplixiô vô cùng thắc mắc trước sự kiện lạ lùng ấy. Anh muốn biết sức mạnh nào đã khiến cho đồ nghề của anh bền bỉ như thế. Không để bạn thắc mắc lâu, Clauđiô bảo: "Bạn không hiểu cách tôi luyện đồ nghề ư? Chính Đấng Tạo Hóa đã cho nó sức mạnh bền dai đấy".
- Cảm tạ ơn Ngài, Simplixiô nói, nhưng Đấng Tạo Hóa đây có phải là thần Jupiter không?
- Trời, Clauđiô đáp, anh hãy hối lỗi đi vì đã nói phạm thượng, Đấng Tạo Hóa đây là Thiên Chúa Cha và Con của Ngài, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta và Ngôi Ba Thánh Thần. Còn Jupiter mà anh xưng tụng là thần thì anh há lại không biết là chính chúng ta đã tạo nên ư? Anh không biết rằng thần Mặt trời mà chúng ta đã tạo nên đó lại không chỉ là một tảng đá sao?
- Xin anh cho tôi biết Đấng Tạo Hóa anh tôn thờ, để tôi cũng được tôn thờ Ngài, và để trở thành bạn thiết với các anh.
- Nếu anh tin Ngài, chắc chắn Ngài sẽ cho anh rất khéo tay và hơn nữa, sẽ cho anh được hạnh phúc muôn đời.
- Vâng, xin anh kíp lo liệu cho tôi mau trở nên như các anh cả hai phương diện làm việc và tín ngưỡng.
Thế rồi họ đi tìm một vị linh mục để giúp đỡ Simplixiô, và may mắn họ đã tìm gặp Đức cha Cyrillô, Giám mục Antiôkia đang bị cầm tù vì Chúa trong ngục thất. Sau khi nghe Clauđiô trình bày câu truyện, Đức Giám mục hết sức vui mừng bảo Simplixiô:
- Hỡi con, nếu con thật lòng tin, Chúa sẽ ban cho con tất cả những gì con muốn. Cảm động đến rơi lệ Simplixiô đáp:
- Thưa Đức cha, con phải biểu lộ đức tin của con thế nào?
- Con có tin Đức Chúa Giêsu là Đấng tác tạo mọi sự và con có từ bỏ mọi ngẫu tượng do tay loài người tạc nên không?
- Vâng, con tin Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật, và con sẵn sàng bỏ mọi ngẫu tượng.
Thế là trong ngục thất, Đức Giám mục Cyrillô làm phép Thánh Tẩy cho Simplixiô nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Sau đó Simplixiô cùng các bạn lại trở về với công việc thường xuyên.
Vì quá tín nhiệm ở tài nghệ các ông, Hoàng đế Điôlêxianô đã đặt các ông đứng điều khiển nhóm kỹ sư và số thợ đông đúc trong miền, đồng thời lại truyền cho các ông tạc những tượng thần thắng trận, thần ái ân, nhất là thần Esculapa. Kể từ ngày đó, danh tiếng các ông nổi như cồn, nhưng cũng bắt đầu từ đó tất cả các kỹ sư đều đem lòng căm giận các ông. Tuy nhiên, mặc cho ai ghét ghen, các ông cứ tiếp tục công việc, và chẳng bao lâu đã hoàn thành nào là tượng chiến thắng, nào là tượng ái ân, nào là sư tử phun lửa, nào là chim phượng hoàng v.v… Nhưng hỏi đến tượng thần Esculapa thì được biết hình như các ông không muốn làm. Ngay lúc đó, mấy kỹ sư vốn sẵn lòng ghen ghét các ông liền lên tiếng: "Muôn tâu Hoàng đế cao cả, cúi xin Hoàng đế hãy biết những người Hoàng đế yêu chuộng kia đều là kitô hữu cả, bất cứ việc gì họ cũng làm nhân danh Ông Giêsu Kitô". Hoàng đế phán: "Nếu vì danh Giêsu Kitô mà họ tạo được các tuyệt phẩm như thế thì có gì là xấu, càng vẻ vang hơn chứ gì" – "Vâng, nhưng tâu Hoàng đế, chính vì cái danh Kitô ấy, mà họ đã trái lệnh Hoàng đế, nhất định không chịu tạc tượng thần Esculapa.
- Thế thì các khanh hãy mời họ đến yết kiến trẫm.
Khi Clauđiô, Simprônianô, Cattôriô, Nicôtatô và Simplixiô vào trước bệ rồng, Hoàng đế liền phán:
- Các khanh đều biết, trẫm yêu thương và ưu đãi các khanh rất hậu, tại sao các khanh lại không tuân lệnh trẫm mà tạc tượng thần Esculapa? Clauđiô tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, các thần luôn luôn tuân lệnh bệ hạ, nhưng các thần sẽ không bao giờ tạc tượng một con người xấu xa vì có lời rằng: các kẻ tạc tượng nó và tin tưởng nó sẽ xấu như nó. Các kỹ sư liền lên tiếng tố cáo:
- Muôn tâu bệ hạ đã nghe nói những lời gian tà và kiêu căng đến mức nào! Điôclêtianô phán:
- Không được nguyền rủa các nghệ nhân tài ba như thế, trái lại phải tôn kính họ.
- Các thần sẵn sàng tôn kính họ nếu họ tuân lệnh bệ hạ, đàng này họ đã kiêu căng, bất tuân thánh lệnh. Vả lại, còn có nhiều người tài giỏi khác chứ đâu phải chỉ có mình họ.
- Nếu các khanh tìm ra người tài giỏi tạc được tượng thần Esculapa thì họ sẽ phải chịu tội bất tuân thánh lệnh.
Bọn kỹ sư liền đi tuyển một số thợ tạc tượng Esculapa, và sau hơn một tháng họ hoàn tất pho tượng ấy. Các kỹ sư liền tâu trình Hoàng đế ngự lãm. Vua trông thấy pho tượng, nhà vua liền hỏi:
- Có phải mấy người thợ mà trẫm vẫn ngưỡng mộ nhân tài đã tạc pho tượng này không? Các kỹ sư liền đáp:
- Muôn tâu bệ hạ, các tên thợ mà trước kia bệ hạ ngưỡng mộ đều là những hạng theo đạo gian tà, họ đã nhiều lần bất tuân thánh lệnh. Nhà vua phán:
- Nếu quả thật như lời các khanh nói, thì chúng phải chịu phạt vì tội phạm thánh.
Sau đó nhà vua truyền cho thượng quan Lampađiô cứu xét việc này. Lampađiô truyền thiết lập toà án ngay trước đền thờ thần Mặt Trời, đoạn đòi các ông Simprônianô, Clauđiô, Nicôtatô, Cattôriô và Simplixiô đến hầu toà, đồng thời vời các viên kỹ sư nguyên cáo. Khi mọi người đã an vị, thượng quan Lampađiô tuyên bố:
- Chiếu lệnh Hoàng đế, nay ta tuyên bố khai mạc phiên toà để xét xử vụ tranh tụng giữa nguyên cáo là các viên kỹ sư, và bị cáo là các nghệ sĩ Clauđiô, Simprônianô, Catôriô, Nicôtatô và Simplixiô.
Lời tuyên bố vừa dứt, dưới hàng ghế thính giả liền vang lên những tiếng reo hò: nhân danh Hoàng đế Cêsarê hãy xử tử bọn phạm thượng, hãy thủ tiêu bọn phù chú… Đoán biết sự kiện ấy xảy ra chỉ là do xui giục vì lòng ghen ghét của các viên kỹ sư, viên thượng quan nói:
- Công việc chưa xét xử, làm sao ta có thể lên án được? Các kỹ sư liền bẩm:
- Nếu chúng không phải là hạng bùa chú thì chúng hãy lạy vua Cêsarê coi.
Thượng quan liền truyền cho các nghệ sĩ thờ lạy thần Mặt Trời. Các ông liền đáp:
- Không bao giờ chúng tôi lại cúi mình thờ lạy cái tượng chính tay chúng tôi đã tạc nên, chúng tôi chỉ thờ lạy Đấng Thượng Đế tạo dựng trời đất.
Nghe thế, các kỹ sư cùng những kẻ a dua liền reo lên:
- Thật là phạm thượng, hẳn thượng quan không còn nghi ngờ gì nữa.
Thế là Lampađiô liền tống các ngài vào ngục thất. Chín ngày sau, nhân một buổi triều yết, Lampađiô liền đem vụ kiện tâu lên Hoàng đế. Và ngay hôm đó các kỹ sư cũng nhắc lại lời tố cáo trước:
- Nếu tha những người này thì đạo thờ Mặt Trời sẽ bị tiêu diệt.
Giận dữ, Hoàng đế Điôclêtianô phán:
- Nếu chúng không nghe lời khuyên nhủ mà tôn thờ thần Mặt trời theo lề lối xưa, thì chúng sẽ phải chịu gia hình cực độ.
Hôm sau thương quan Lampađiô truyền điệu các nghệ nhân ra hầu toà cũng tại địa điểm trước. Mở đầu ông hỏi ngay:
- Các anh có biết Hoàng đế truyền cho các anh làm gì không? Ngài truyền cho các anh phải thờ lạy thần Mặt Trời. Clauđiô thay mặt anh em đáp:
- Chúng tôi chỉ tôn thờ một Thiên Chúa quyền phép và Con Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng chúng tôi hằng trông cậy và tin tưởng sẽ đến đem ánh sáng huy hoàng vào nơi tối tăm.
- Ánh sáng anh nói đây huy hoàng hơn ánh sáng mặt trời sao? Vị thượng quan hỏi.
- Dạ, thưa thượng quan, Đức Giêsu Kitô sinh ra bởi Chúa Thánh Thần và Trinh Nữ Maria, Ngài là Đấng soi sáng mặt trời, mặt trăng cùng mọi người nơi trần gian, chỉ mình Ngài là ánh sáng chân thật mà thôi.
- Ta khuyên các anh không nên làm phiền lòng Hoàng đế, Hoàng đế quí mến tất cả những ai vâng lệnh ngài mà tôn thờ thần Mặt trời.
Simprônianô cùng các bạn thành thực:
- Hoàng đế chỉ nên lo việc cai trị dân nước, chứ đừng xúc phạm đến Thượng đế là Đấng tạo dựng mọi sự. Chúng tôi phải tuân lệnh Thiên Chúa kẻo phải phạt nơi biển lửa chẳng hề tắt.
Thấy các ngài chẳng tuân lệnh Hoàng đế, Lampađiô truyền đem các hình cụ ra đoạn bảo:
- Các anh hãy nghe lời, kẻo phải bị gia hình cực khổ, bây giờ không phải lúc để các anh lý luận khéo léo.
Lòng đầy tin tưởng, Clauđiô lên tiếng cùng với các bạn:
- Chúng tôi không sợ hình khổ trần gian, chúng tôi chỉ sợ hình khổ đời đời thôi. Hoàng đế đã biết chúng tôi là Kitô hữu thì cũng nên biết rằng: không bao giờ chúng tôi bỏ tôn giáo của chúng tôi đâu.
Tức giận, Lampađiô truyền lột áo và đánh đòn các ngài. Nhưng một biến cố ghê sợ xảy ra: đang khi các thánh bị đánh đòn dã man, thì Satan nhập vào Lampađiô khiến ông xé áo quần và lăn ra chết ngay tại công đường. Nghe hung tin đó, bà vợ cùng gia đình Lampađiô liền chạy đến kêu khóc, chửi rủa, yêu cầu các kỹ sư báo cáo tự sự ngay lên Hoàng đế Điôclêtianô.
Nhận được báo cáo, nhà vua giận dữ gầm lên:
- Lấy áo quan bằng chì chôn sống chúng vào đó, đoạn đem liệng xuống sông.
Niciô, một vị quan khác, phụng mệnh nhà vua truyền đúc ngay những áo quan bằng chì, bỏ các ngài vào đó, rồi ném xuống sông. Hôm đó, là ngày mồng 08 tháng 11. Hay tin đó, thánh Cyrillô tuy đau khổ, nhưng lại hết sức vui mừng vì chắc chắn thiên đàng đã thêm được một số vị thánh, sau đó ngài cũng nối gót các thánh tử đạo bay về hưởng nhan Chúa.
Kính xin các thánh tử đạo, cầu cùng Chúa cho chúng con được lòng vững vàng và can đảm tuyên xưng danh Chúa ra trước mặt muôn dân, dầu phải hy sinh tính mệnh, hầu cho nhiều người trở về nhận biết, thờ phượng Thiên Chúa, Đấng đáng tôn thờ và yêu mến vô cùng. Amen.


Tôi Là Người Hạnh Phúc Nhất Trần Gian

Một ông vua giàu có nọ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, bởi vì tất cả tài sản mà ông có đều do sự miễn cưỡng đóng góp của thần dân. Ông tự so sánh mình với những người hành khất: người hành khất nhận được tiền của do lòng thương của người khác, còn ông, ông nhận được tiền do sự cưỡng bách.
Ngày nọ, ông vua giàu có đã quyết định làm một việc táo bạo: đó là cải trang thành người hành khất để cảm nghiệm được những đồng tiền bố thí... Thế là mỗi ngày Chúa Nhật, ông biến mình thành một người ăn xin lê lết trước cửa giáo đường. Ông cho tất cả những tiền ăn xin được vào một chiếc hộp nhỏ. Tuy không là bao so với cả kho tàng của ông, nhưng có lẽ nó vẫn có giá trị hơn... Ông tự nghĩ: bây giờ ta nới thực sự là người giàu có nhất trên đời, bởi vì tiền của ta nhận được là do lòng thương xót của con người, chứ không do một sự cưỡng bách nào.
Khi đã gom góp được một số tiền khá lớn sau những năm tháng ăn xin trước cửa các giáo đường, ông đã xin từ chức khỏi ngai vàng và đi đến một phương xa, nơi không ai có thể nhận ra ông. Ông mua một mảnh đất, và tự tay cất được một ngôi nhà tranh đơn sơ. Không mấy chốc, do sự hòa nhã, vui tươi của ông, mọi người trong lối xóm đều mến thương ông, nhất là các em bé. Ông kể chuyện cho chúng nghe, ông đem chúng đi câu cá, ông dạy chúng ca hát.
Trong đám trẻ nhỏ, có một cậu bé gia đình còn nghèo hơn cả ông nữạ Cậu bé chỉ có vỏn vẹn một con chim họa mị Nghe tin ông đau nặng, cậu bé đã vội vàng mang con chim đến tặng ông, với hy vọng rằng con chim sẽ hót cho ông được khuây khỏa.
Ðón nhận món quà, con người đã từng là vua của một nước mới thốt lên: "Từ trước đến nay, tất cả những gì tôi có, tôi đều lãnh nhận do lòng thương xót của người khác. Người ta cho tôi, nhưng không phải là cho tôi mà là cho một người hành khất. Giờ đây, với món quà tặng là con chim này, người ta tặng cho tôi với tất cả tấm lòng yêu thương... Chắc chắn, tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian".
Một thời gian sau đó, trong vùng, có một người táđiền nghèo bị người chủ đe dọa lấy nhà và trục xuất ra khỏi mảnh vườn đang canh tác. Nghĩ đến cảnh hai vợ chồng và 7 đứa con dại bị đuổi ra khỏi nhà, ông vua không thể nào ăn ngủ được... Cuối cùng, ông quyết định tặng chính mảnh vườn và ngôi nhà của mình cho gia đình người tá điền nghèỗ. Và một lần nữa, không một đồng xu dính túi, ông lên đường trẩy đi một nơi khác.
Bùi ngùi vì phải chia tay với những người quen biết trong vùng, nhưng ông cảm thấy hạnh phúc vô cùng, bởi vì lần đầu tiên ông cảm nghiệm được niềm vui của sự ban tặng. Ông hiểu được rằng cho thì có phúc hơn là nhận lãnh... Lần này, ông thốt lên với tất cả xác tín: "Tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian này".
Câu chuyện của ông vua đi tìm hạnh phúc trên đây có thể gợi lên cho chúng ta về hình ảnh của chuyến đi cuộc đời của chúng tẫ. Người Kitô là một người lữ hành đi tìm hạnh phúc. Và hạnh phúc đích thực của chúng ta là gì nếu không phải là trao tặng, trao tặng cho đến lúc trống rỗng, nhưng bù lại, chúng ta được lấp đầy bằng chính Chúa.