Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

Tin Công giáo thế giới ngày 20/11/2017

Filled under:

Liều thuốc để giải bệnh chống lại Thiên Chúa

Đối diện với loại bệnh là tội chống lại Thiên Chúa trong dòng lịch sử, có một loại thuốc giải: đó là các chứng nhân, đó là các vị tử đạo. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Thử nghĩ về thảm họa diệt chủng
Trong bài đọc một trích sách Macabê hôm nay, ông Eleazaro đã vững vàng sống theo Luật Chúa. Ông trở nên gương sáng cho thế hệ trẻ, trở thành chứng nhân cho lòng tin mạnh mẽ khi đứng trước cuộc bách hại. Cuộc bách hại đó là con đường thực dân về văn hóa, và con đường ấy dẫn tới chỗ giết hại các tín hữu.
Chúng ta không phải đi đâu xa để thấy những ví dụ về điều ấy. Chúng ta thử nghĩ về thảm họa diệt chủng trong thế kỷ trước. Hồi đó, lý thuyết ấy tựa như một thứ văn hóa mới. Lý thuyết ấy nói rằng, mọi người đều giống nhau, đều cả như nhau thôi, nhưng chỉ chấp nhận dòng máu thuần chủng, còn những người khác bị gạt ra bên ngoài, bị giết chết… Khi nói tất cả đều giống nhau và thuần chủng, thì đồng nghĩa với việc không có chỗ cho sự khác biệt, không có chỗ cho sự đa dạng, không có chỗ cho tha nhân, không có chỗ cho Thiên Chúa. Và đó chính là cội rễ của tội ác ma mãnh này. Đứng trước cuộc thực dân về văn hóa, nảy sinh từ cội rễ mang tính ý thức hệ, ông Eleazaro trong bài đọc trích sách Macabe đã đứng vững và bám chắc trong niềm tin nơi Thiên Chúa.
Cần phân định những thứ mới mẻ
Bạn cần biết nhận định trước những gì mới mẻ. Bạn cần phân định xem những điều mới mẻ ấy đến từ Chúa, đến từ Chúa Thánh Thần, hay lại đến từ nguồn gốc xấu xa độc ác nào đó? Ví dụ, trước kia, chúng ta nói: Ừ thì, nhưng mà thật đáng tiếc là bạn không thể giết hại các trẻ em được. Còn ngày nay, bạn lại có thể giết hại các hài nhi, và không có vấn đề gì cả. Điều này cũng là điều mới đó thôi.
Ví dụ khác, ngày trước, có một sự khác biệt rõ ràng khi nhìn về công trình thụ tạo, rằng đó là công trình Chúa đã làm nên, rằng đó là vạn vật cần được tôn trọng. Còn ngày nay, thì chúng ta hiện đại hơn một chút, chúng ta làm điều này, chúng ta hiểu điều kia, và rồi chúng ta đánh đồng sự khác biệt giữa các sự vật, chúng ta pha trộn đủ mọi thứ.
Liều thuốc để giải bệnh chống lại Thiên Chúa
Những kiểu thực dân mang tính ý thức hệ và văn hóa, thì chỉ tập trung nhìn vào khoảnh khắc hiện tại, mà phủ nhận quá khứ và không thèm nhìn tới tương lai. Khi theo những não trạng ấy, họ chỉ sống trong một thời điểm, nhưng không sống trong thời gian, và vì thế họ không đem lại cho chúng ta bất cứ hứa hẹn gì cả. Với thái độ này, họ làm cho tất cả trở nên giống y hệt nhau và họ phá hủy mọi khác biệt. Làm như thế, họ gây tội ác xấu xa, họ chống lại Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa.
Mỗi lần có một kiểu thực dân về văn hóa và ý thức hệ ra đời, là mỗi lần họ gây ra tội ác, họ chống lại Thiên Chúa Tạo Hóa, bởi vì họ muốn thay quyền Tạo Hóa để làm tất cả những gì họ muốn. Tội chống lại Thiên Chúa xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử. Và để đối lại với tội lỗi này, để đối lại với loại bệnh này, có một loại thuốc giải: đó là các vị chứng nhân, đó là các vị tử đạo.





Myanmar: Đức Hồng y Charles Bo gặp Đức Giáo hoàng để chuẩn bị chuyến đi Miến Điện


Radio Vatican tiếng Anh cho biết, ngày thứ bảy 18 tháng 11, Đức Hồng y Charles Bo, giáo phận Yangon đã gặp Đức Phanxicô để bàn thảo thêm chi tiết cho các cuộc gặp gỡ của ngài với các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính quyền trong chuyến tông du đến Myanmar vào ngày 27 đến 30 tháng 11 sắp tới. Hồng y mong có thêm hai cuộc gặp để phục vụ cho “bước đầu tiến đến hòa bình” cho đất nước Miến Điện.
Hồng y xin Đức Giáo hoàng gặp “một cách không chính thức” tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo của toàn nước, gồm phật giáo, hồi giáo, ấn giáo và kitô giáo.
Dù không có trong chương trình dự định, hồng y cũng xin Đức Giáo hoàng, nếu có thể, ngài gặp riêng đại tướng niên trưởng, hồng y giải thích: “Mục đích không phải là ủng hộ những gì ông đã làm, nhưng có một cuộc đối thoại với ông. Có thể làm cho tâm hồn ông dịu lại và có thể đây là bước đầu tiên tiến đến hòa bình”.
Đức Tổng Giám mục Yangon nhắc lại, khẩu hiệu chuyến tông du là “Tình yêu và Hòa bình” sẽ được cổ động trong tất cả các nhóm sắc dân thiểu số và các cộng đoàn tôn giáo. Hồng y giải thích, đó là điều cốt yếu để “chấm dứt cuộc nội chiến” giữa quân đội và các nhóm sắc dân thiểu số có vũ trang.
Hồng y cũng cho biết, trước chuyến đi của Đức Giáo hoàng, các giám mục công giáo và các đại diện giáo dân của đất nước đã có một cuộc họp để nói về sự xây dựng Quốc gia và các vấn đề ưu tiên như giáo dục, kiến tạo hòa bình, phát triển nhân bản toàn diện và cổ động cho phụ nữ và trẻ em.
Tại Miến Điện, người công giáo chỉ chiếm 1,5% dân số với khoảng 700.000 giáo dân. Hồng y nói thêm: “Dù chúng tôi chỉ là một thiểu số nhưng chuyến đi của Đức Giáo hoàng sẽ có một tác động lớn để chúng tôi tiếp tục con đường của mình. Dù các khó khăn mà đất nước chúng tôi phải đương đầu, chúng tôi hy vọng chúng tôi là muối và ánh sáng đích thực cho đất nước chúng tôi”.
Đức Phanxicô sẽ đi Yangon ngày 26 tháng 11 và sáng hôm sau ngài đến phi trường quốc tế Yangon. Ngài sẽ ở Miến Điện 3 ngày và sẽ đến tân thủ đô  Nay Pyi Taw để gặp Tổng thống và bà cố vấn Quốc gia Aung San Suu Kyi.
Tại Yangon, Đức Phanxicô sẽ gặp các nhà chức trách phật giáo, các giám mục công giáo, ngài sẽ dâng hai thánh lễ cho giáo dân trước khi đi Bangladesh ngày 30 tháng 11-2017.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch