HÃY NGHĨ ĐẾN CÙNG ĐÍCH
“Con cái đời này khôn khéo hơn con cái sự sáng khi xử sự với người đồng loại.” (Lc 16,8)
Suy niệm: Thấy triết gia Diogène cắm lều dựng bảng rao bán sự khôn ngoan ở giữa chợ thành phố Athens (Hy Lạp), một người sai đầy tớ cầm tiền ra mua. Cầm tiền trong tay, triết gia bảo: “Anh hãy về đọc lại cho chủ nghe câu này: “Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích.” Người quản lý bất lương mới thuộc một phần bài học khôn ngoan, vì chỉ nghĩ đến giai đoạn sắp đến của cuộc đời mình. Anh khôn khéo dùng thời gian quản lý hiện tại để lo cho cuộc sống tương lai, khi cuộc sống ấy sắp rơi vào bế tắc. Thế nhưng, anh quên mất kết cục cuộc đời của anh sẽ thế nào khi anh luôn sử dụng những mánh khóe gian xảo như vậy với đồng loại của mình.
Mời Bạn: Con người ngày nay trong công việc kinh doanh buôn bán thường tỏ ra mau mắn, khôn khéo, và đầy sáng kiến. Thế nhưng, với những công việc thiêng liêng như kinh nguyện, thánh lễ, hy sinh, thì lơ là, chậm chạp, thiếu sự đầu tư. Nếu chăm chú đầu tư cho đời sống tinh thần như cho công ăn việc làm, cuộc đời bạn đã tốt đẹp biết bao!
Chia sẻ: Người Ki-tô hữu tin rằng quê hương thật của chúng ta ở trên trời. Bạn có thường nghĩ đến cùng đích đời mình không?
Sống Lời Chúa: Tập nghĩ đến cùng đích của đời mình trong mọi công việc, để có những quyết định khôn ngoan, những chọn lựa xứng hợp.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan, biết nhớ đến cùng đích của đời người trong mọi chọn lựa của mình. Xin cũng giúp chúng con biết sử dụng tốt đẹp những gì Chúa ban cho, để xây dựng Nước Trời ngay trong môi trường chúng con đang sống. Amen.
THÁNH LÊÔ CẢ GIÁO HOÀNG TIẾN
(+461)
(+461)
Thánh Lêô, vị nối ngôi Đức Sixtô III, có lẽ đã sinh ở Rôma khoảng năm 390-400. Ngài là phó tế của giáo đoàn ở Rôma. Đó là một chức vụ quan trọng, vì thầy phó tế ở Rôma là người trợ tế và đại diện Đức Thánh Cha trong các công việc tài chính... Tháng 8 năm 440, ngài được hàng giáo sĩ và giáo dân trạch cử lên ngôi Giáo Hoàng.
Giáo hội và đế quốc Rôma lúc đó đang gặp tình trạng nhiễu loạn. Vị tân Giáo Hoàng trong trường hợp khó khăn này đã tỏ ra là một người không hổ thẹn với chức vụ của mình.
Công việc đầu tiên trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Lêô là lo tẩy trừ những đồi phong bại tục trong Giáo hội. Ngài để ý nhất đến việc gột rửa Giáo hội khỏi mọi lầm lạc do các bè rối gây nên: tai hại nhất là lạc giáo Nestôriô, người có khuynh hướng muốn tách biệt nhân tính khỏi thần tính Chúa Kitô và gán cho Ngài có hai ngôi vị. Ngài truyền rút phép thông công những người cố chấp theo lạc giáo; đồng thời ngài truyền đốt hết các sách vở có mùi lạc giáo.
Để chấm dứt những ác quả do các bè rối gây nên, Đức Lêô Cả đã triệu tập một công đồng chung tại Calcêđônia với sự tham dự của hơn 630 Giám mục. Nhờ đức khôn ngoan, tài ngoại giao và ảnh hưởng lớn lao của ngài đối với các Hoàng đế, công đồng đã thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp. Đặc biệt là tại công đồng Calcêđônia, uy danh Đức Lêô Cả lên tới tột độ. Tuy ngài không đích thân đến chủ tọa, nhưng ngài đã cử các đặc sứ đến đại diện. Bức thư ngài gửi Flavianô được tất cả các Giám mục hoan nghênh. Cả về từ ngữ và tư tưởng thần học trong bức thư đều được dùng làm nền tảng cho những quyết nghị tín lý của công đồng.
Tuy nhiên, để đề cao đức khiêm tốn và lòng sùng mộ của Đức Lêô Cả đối với thánh cả Tông đồ Phêrô, người ta thường kể chuyện sau đây mà giá trị lịch sử không có gì là bảo đảm. Theo câu chuyện đó người ta được biết, trước khi gửi bức thông điệp cho Flavianô, Đức Lêô đã ăn chay cầu nguyện lâu ngày. Rồi khi viết xong, ngài đặt bức thông điệp đó trên hài cốt thánh Phêrô. Sau đó, ngài lại khởi sự tuần chay và cầu nguyện kéo dài trong 40 ngày với mục đích xin thánh cả tông đồ sửa chữa những thiếu sót hoặc sai lầm trong bức thông điệp tối quan trọng đó. Bốn mươi ngày trôi qua, Đức Lêô tới xem bức thông điệp, thì quả thấy có những chỗ gạch xoá, đồng thời thánh Phêrô đã hiện ra nói: "Bạn hãy an tâm, tôi đã đọc và đã sửa chữa". Đức Lêô vui mừng cảm tạ Thiên Chúa và thánh tông đồ, rồi ngài trao bức thư cho Flavianô.
Đức Lêô tìm mọi phương sách để bảo tồn và phổ biến những quy luật thánh, những tập truyền của Giáo hội và những tín điều do các công đồng Nicêa và Calcêđônia đã ấn định. Khi đề cập tới vấn đề đó, ngài tuyên bố: "Nếu vì chểnh mảng hay nhu nhược mà để cho người ta vi phạm những luật lệ thánh, những tín điều mà chính Chúa Thánh Thần đã linh ứng cho công đồng, thì đó chính là lỗi của hàng giáo sĩ".
Vì thế, ngài đặc biệt chăm lo đến hàng giáo phẩm. Ngài cấm các tu sĩ tham gia các chức vụ đời. Chính ngài đã ban nhiều thông điệp khuyên hàng giáo sĩ sống một đời sống thánh thiện, gương mẫu xứng với chức vụ của mình. Ngài đặc biệt lưu ý các linh mục và các Giám mục nên thận trọng tuyển trạch những người có tư cách xứng đáng để lĩnh nhận chức vụ thánh, vì nếu không sẽ gây thiệt hại nhiều cho Giáo hội và quốc gia. Có thể nói rằng, ngài là một vị Giáo Hoàng đã có một ý niệm rất cao về chức vụ Giáo hoàng và về quyền bính của ngài. Theo ngài, chức vị Giáo Hoàng là trung tâm điểm của Giáo hội. Địa vị của ngài đối với toàn thể các Giám mục trên khắp thế giới là như địa vị của thánh Phêrô đối với các tông đồ. Ngài nghĩ tưởng, nói, và hành động với tư cách một vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội. Các nghị quyết của ngài không những chỉ ở trong phạm vi nước Ý, mà còn có hệ đến cả nhiều nước Tây phương và Đông phương.
Không những Đức Lêô có tài cai trị và luôn luôn lo lắng cho tương lai và vận mệnh của Giáo hội, ngài còn có tài ngoại giao đặc biệt có thể thuyết phục được cả những con người hung dữ. Tháng 8 năm 452, Attila, chúa rợ Hungnô dẫn quân xâm chiếm Âu châu, gieo rắc kinh hoàng và khiếp sợ đến cho mọi người khắp nơi. Attila đem quân tiến về Rôma, cả kinh thành run sợ như lá cây trong rừng. Nhưng chính lúc đó, Thiên Chúa lại đã kịp thời sai Đức Lêô như một thủy thủ lành nghề và can đảm để chèo chống con thuyền Giáo hội và cứu chữa kinh thành Rôma qua cơn bão táp.
Khi đoàn quân của Attila sắp vượt qua sông Minciô thì chính Đức Lêô đến gặp ông, theo sau ngài là một đoàn các linh mục và tu sĩ vừa đi vừa hát thánh vịnh. Từ bên này sông Attila lên tiếng hỏi: "Ông tên gì?". Với giọng nói oai nghiêm, ngài đáp: "Ta là Giáo Hoàng Lêô". Vị tướng đó lưỡng lự, đem ngựa qua sông và đến hội kiến với Đức Lêô.
Sau một lúc hội đàm, vị tướng man di đó thay vì tiếp tục tiến quân tàn phá Rôma, lại cho lệnh rút quân. Đạt được kết quả như vậy là nhờ có uy tín và tài ngoại giao của Đức Lêô.
Sau cuộc chiến thắng vẻ vang này, Đức Lêô khải hoàn vào thành giữa tiếng hoan hô của muôn người. Nhưng niềm hân hoan đó không bao lâu đã phải nhường chỗ cho những lo sợ hãi hùng khác. Mấy năm sau, khoảng năm 454, dân Vanđales sau khi đã tàn phá Tây Ban Nha và Bắc Phi, liền vượt biển tiến đến Rôma. Cũng như lần trước, Đức Lêô lại đi điều đình với vị chủ tướng của họ là Gensêric. Nhưng không may cuộc điều đình của ngài lần này đã không ngăn nổi việc cướp phá kinh thành muôn thuở. Tuy nhiên, nhờ uy tín và tài đức, ngài cũng đã xin được Gensêric ra lệnh cho binh sĩ dưới quyền ông không được tàn sát, đốt phá và đánh đập dân chúng trong lúc hành quân.
Sau khi tướng giặc rút lui, Đức Lêô bắt đầu băng bó các vết thương do cuộc chiến tranh gây nên. Ngài chuộc các tù binh, yên ủi những nạn nhân của cuộc tàn phá. Ngài truyền xây thêm một nhà thờ trên đường Appia để dâng kính Đức thánh Giáo Hoàng Corneliô tử đạo. Đại giáo đường thánh Phêrô và đại giáo đường thánh Gioan Latêranô cũng đều được Đức Lêô cho trùng tu và mua sắm thêm nhiều đồ thờ quý giá và đắt tiền.
Ngài lo chấn hưng tinh thần đạo đức của giáo hữu đã bị sa sút sau thời chiến. Người ta thấy ngài luôn giảng cho các tín hữu, nội dung bài giảng của ngài tuy đơn sơ nhưng vẫn bao hàm nhiều tính chất thần học. Trong mùa chay, ngài thường giảng nhiều về việc hãm mình. Đối với ngài, việc hãm mình cần phải đi đôi với đức bác ái. Đức Lêô cũng rất chú ý săn sóc đến những người nghèo, ngài khuyên các giáo hữu khá giả hãy hãm mình để giúp đỡ người nghèo. Tuy bận rộn nhiều công việc, nhưng Đức Lêô đã không quên dành một phần lớn thời giờ trong đời Giáo Hoàng của ngài để chép nhiều sách vở hầu bênh vực Giáo hội công giáo và để chống đối những tà thuyết của các giáo phái khác. Ngài đã đóng góp vào thư viện của Giáo hội một số thông điệp đáng kể. Chính tay ngài đã viết hơn 12 bức thông điệp gửi Hoàng đế Marcianô; 13 bức thư cho Hoàng đế Lêô; 09 bức thư gửi Giám mục Flavianô; 28 bức thư cho các Giám mục Đông phương; ngoài ra còn một số đáng kể những bài giảng thời danh còn lưu truyền tới ngày nay.
Sau gần 21 năm cai trị Giáo hội trên toà thánh Phêrô, công lao của Đức Lêô đối với Giáo hội thật đáng kể. Ngày 11.04.464, ngài êm ái từ trần trong tay Chúa, để lại bao mến thương cho toàn thể Giáo hội nói chung và dân tộc Ý nói riêng. Xác thánh ngài được an táng tại đại giáo đường thánh Phêrô. Lịch sử đã gọi ngài là Lêô Cả vì quả thực ngài là một trong những vị Giáo Hoàng thời danh nhất của lịch sử.
Hôm Nay Là Ngày Của Chúa
Khi Ðức Gioan 23 lâm bệnh lần cuối, không biết vì lý do gì mà các bác sĩ muốn dấu nhẹm sự nguy kịch của căn bệnh, họ bảo ngài chỉ bị chứng lở bao tử. Nhưng Ðức Gioan 23 biết rõ bệnh tình của mình hơn ai hết, vì thế ngài nói: "Tôi đã dọn sẵn hành trang".
Ông Giacômô Manzu, một nhà điêu khắc nổi tiếng người ý viết hồi ký về những giây phút sau hết của cuộc đời Ðức Gioan 23 như sau: Vào ngày cuối cùng của chuỗi ngày đau đớn kéo dài, linh mục Capovilla, bí thư riêng của Ðức Thánh Cha đến bên giường bệnh, hôn tay bệnh nhân và hỏi xem ngài thấy thế nàọ Ðức Gioan 23 trả lời: "Tôi cảm thấy trong mình khỏe khoắn và an bình như thể tôi đang ở trong Chúạ Nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy hơi lo".
Linh mục Capovilla thưa: "Xin cha đừng lọ Những người phải lo là chính chúng con, vì con đã nói chuyện với bác sĩ...". Ðức Gioan 23 ngắt lời hỏi: "Họ đã nói với con những gì?".
Nghẹn ngào, linh mục bí thư của ngài nói: "Thưa Ðức Thánh Cha, con muốn nói với cha sự thật: hôm nay là ngày của Chúạ Hôm nay cha sẽ được về Thiên Ðàng".
Nói xong, linh mục bí thư quỳ xuống bên giường, hai tay bưng mặt khóc. Vài phút nặng nề trôi qua, bỗng cha cảm thấy một bàn tay âu yếm xoa đầu mình và nghe một giọng ôn tồn nói: "Hãy ngước mắt nhìn lên. Bình thường, người bí thư của tôi rất mạnh mẽ, can đảm, nhưng bây giờ phải trở nên mềm nhũn. Cha đã nói với người bề trên của cha những lời hay đẹp nhất mà con người có thể nghe từ miệng của một linh mục: Hôm nay cha sẽ được vào Thiên Ðàng".
Chúng ta đang sống trong tháng 11:
- Ðây là tháng Giáo Hội dành riêng để tưởng nhớ đến những người quá cố.
- Ðây là tháng chúng ta đặc biệt có dịp để báo hiếu cho ông bà, tổ tiên, tháng để trả nghĩa cho cha mẹ, anh chị em, bà con thân thuộc đã qua đời bằng những kinh nguyện, bằng những chuỗi lần sốt sắng, nhất là bằng cách siêng năng tham dự tích cực và cố gắng sống thành lễ để thực hành những công việc bác ái như thánh lễ đòi hỏi.
Nhưng, vào tháng 11 hằng năm, Giáo Hội cũng muốn nhắc nhở chúng ta phải nhớ bến bờ chúng ta phải tới, nhắc nhở khúc quẹo ngoặt nhất trong đời chúng ta sẽ phải đi.
- Ðó là từ giã cõi đời.
- Ðó là nhắm mắt xuôi tay.
- Ðó là sự thật: ai trong chúng ta cũng phải chết.
Ước gì chúng ta có được sự bình thản trong giờ lâm tử như Ðức Gioan 23 . Ước gì, như ngài, chúng ta có được sự bình an trong tâm hồn và có niềm hy vọng để tin tưởng rằng: lời Chúa Giêsu phán với người trộm lành cũng được áp dụng cho chúng ta: "Hôm nay con sẽ được cùng Ta về Thiên Ðàng".
Nhưng, nếu Thiên Ðàng là bến bờ, là Ðức Mến, thì cuộc sống của chúng ta phải định hướng theo đó.
Nếu Thiên Chúa là cùng đích của giây phút cuối cùng, thì trong những chuỗi ngày sống, chúng ta cũng phải hướng mục và xây dựng theo tiêu chuẩn đó.