TẤT CẢ VÌ VINH DANH CHÚA
“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.” (Lc 21,17-18)
Suy niệm: Quan niệm ‘theo đạo là bỏ ông bỏ bà' vẫn ám ảnh trong não trạng anh chị em đồng bào Việt Nam, dù cho Giáo Hội đã và đang nỗ lực hội nhập văn hóa, làm cho đức tin gần gũi hơn với bản sắc của dân tộc. Đây chỉ là một trong những cái cớ khiến những tín hữu Chúa bị 'người đời thù ghét'. Suốt chiều dài lịch sử Hội Thánh, người Ki-tô hữu đã phải chịu những hiểu lầm hoặc nghi kỵ ác ý. Cũng vậy, trong 400 năm Tin Mừng có mặt trên đất nước chúng ta, ở giai đoạn nào người môn đệ Chúa Ki-tô cũng bị ghét bỏ, đến độ rất nhiều tín hữu đã phải chịu cảnh thịt nát xương tan. Bị đau đớn đến cùng cực, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã làm sáng hình ảnh của Thầy Giê-su, chấp nhận cực hình để diễn tả tình yêu: lấy 'ơn đền oán' nhằm hóa giải mọi hận thù.
Mời Bạn: Là con cháu Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bạn và tôi cũng sẽ phải đối diện với những hiểu lầm, hận thù, ghen ghét. Dưới bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng được mời gọi sống trung thành với đức tin, lấy lòng khoan dung diễn tả tình yêu của Thầy Chí Thánh. Không sống tinh thần độ lượng thì làm sao có thể chấp nhận đổ máu được?
Sống Lời Chúa: Sống hiền hoà vui tươi trong những lúc gặp điều trái ý, đó là sống tinh thần tử đạo trong thời đại mới.
Cầu nguyện: Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng con cảm phục mẫu gương can đảm, trung thành, khoan dung của các ngài. Xin cầu cho chúng con là con cháu biết noi gương các ngài trong mọi nghịch cảnh, để luôn làm vinh danh Thiên Chúa. Amen.
THÁNH ANRÊ TRẦN AN DŨNG
VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM
VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM
Sau năm 1900, năm phong một số các vị tử đạo Việt Nam lên bậc chân phúc đợt đầu tiên, thánh Bộ Lễ nghi để Giáo hội Việt Nam được mừng lễ các vị vào Chúa nhật đầu tháng chín. Các vị được phong ở các đợt sau cũng tiếp mừng vào cùng ngày ấy. Cuộc canh tân phụng vụ theo tinh thần Công đồng Vaticanô II, vì đặc biệt dành ngày Chúa nhật để tôn thờ Chúa, nên lễ mừng ấy chuyển hẳn lên mồng 01 tháng 9, nếu gặp Chúa nhật thì dời sang thứ hai liền sau. Đó là lễ mừng chung các thánh trên toàn cõi Việt Nam. Các địa phương còn được mừng thêm ngày nữa, chẳng hạn mấy giáo phận thuộc quyền dòng Đaminh trước đây, mừng vào ngày 11 tháng 7. Ngoài ra, tại quê hương mỗi vị cũng được mừng lễ lớn vào ngày vị đó thụ hình tử đạo. Năm 1988, Toà Thánh tôn phong 117 vị chân phúc tử đạo tại Việt Nam lên bậc hiển thánh, thì thánh Bộ Lễ nghi ghi ngày kính các vị vào 24 tháng 11, như ta thấy ngày nay, với bậc lễ kính (Festum) tại Việt Nam và bậc lễ nhớ (Memoria) trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, Hội Đồng Giám mục trong phiên họp tháng 6 năm 1991 đã xin được Toà Thánh cho mừng bậc lễ trọng (Solemnitas), và được mừng trọng thể vào Chúa nhật trước (hoặc sau) ngày 24 tháng 11 nữa.
Một trăm mười bảy vị thánh tử đạo được kính nhớ hôm nay thật là một kho tàng tinh hoa của Giáo hội Chúa ở Việt Nam, kết tụ trong ba thế kỷ. Giáo hội ấy, theo sử gia Adrien Launay, là "một trong những Giáo hội bị bách hại rùng rợn nhất trên thế giới, từ ngày sự nghiệp của Chúa Kitô bị người ta bắt bớ ở trần gian". Giáo hội ấy "cũng là một trong những Giáo hội đã chịu đựng anh hùng nhất từ ngày lương tri con người biết thế nào là chịu đựng". Trong sắc lệnh phong chân phước lần đầu tiên cho các vị tử đạo Việt Nam, chữ đầu là "Fortissimorum virorum seriem, Đoàn lớp những bậc anh dũng", ngày 07.5.1900, Đức Lêô XIII viết: "Đạo binh can trường [của Giáo hội Việt Nam] đó đã gây nên những công trình vĩ đại, lưu danh muôn đời, ngang bằng với các vị tử đạo đời xưa", ý nói các vị tử đạo trên đế quốc Rôma trải qua 300 năm bách đạo hồi sơ khai của Giáo hội công giáo. Những lời ca tụng ấy làm nở lên trong ta một an ủi, một hứng thú, một hi vọng và một quyết tâm xây đắp và khuếch triển mãi mãi Giáo hội công giáo trên dải đất Việt Nam bé nhỏ nhưng hùng tráng này.
* * *
Theo nghi sử, thì đạo Công giáo đã được giảng tại Việt Nam ngay từ thánh Tôma tông đồ, vào thế kỷ I. Lịch sử xác thực thì nói năm 1533, đời vua Lê Trung Tôn (nhà Lê trùng hưng), có giáo sĩ Inikhu vào giảng đạo Chúa ở làng Ninh Cường và Trà Lũ thuộc tỉnh Nam Định. Sử nói chuyện đó nhân viết về một cuộc bắt đạo Datô vào thời ấy. Như vậy không biết thực sự đạo công giáo đã vào Việt Nam từ bao giờ. Ở đây ta chỉ nói sơ qua đến việc bách đạo công giáo do vua chúa ở Việt Nam từ sơ khởi đạo có mặt ở Việt Nam theo sử sách còn ghi lại.
Ta cũng nhớ rằng đạo công giáo được giảng ở Việt Nam, và chịu bắt bớ từ thời Nam Bắc phân tranh, đất nước bị chia làm hai miền, mỗi miền một ông chúa cai trị, vua Lê chỉ có ngôi làm vì. Miền Bắc gọi là Bắc hà hay Đàng Ngoài, có chúa Trịnh làm chúa. Miền Nam gọi là Nam hà hay Đàng Trong, có chúa Nguyễn cai trị. Hai ông chúa này đều ra nhiều sắc lệnh bách đạo Chúa Kitô.
Tại Đàng Trong, chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên ra sắc lệnh bách đạo đầu tiên năm 1617. Và tiếp theo là các sắc lệnh năm 1625 cũng đời Chúa Sãi; năm 1639 và 1644 đời chúa Thượng Nguyễn Phúc Loan; năm 1663 và 1665 đời Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần; năm 1691,Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trăn; năm 1700 chúa Minh vương Nguyễn Phúc Chu và năm 1725, chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Trong tám sắc lệnh ấy, dữ dội nhất là sắc lệnh năm 1665, năm có ba thiếu nữ công giáo bị kết án tử hình voi giầy, ấy là không kể sắc lệnh năm 1644, đã giết chết chân phúc Anrê Phú Yên.
Tại Đàng Ngoài, bảy ông chúa đã ra 17 sắc lệnh cấm đạo: Trịnh Tráng, vào các năm 1629, 1632, 1635, 1638, 1643; Trịnh Tạc các năm 1658, 1663, 1669; Trịnh Căn, năm 1696; Trịnh Cương các năm 1709, 1712, 1721, 1722; Trịnh Giang, năm 1736; Trịnh Doanh, các năm 1754, 17565; Trịnh Sâm, năm 1773.
* * *
Lý do của các cuộc bách đạo ấy, lúc đầu còn mơ hồ, mang nặng thành kiến mê tín. Nhưng về sau thì rõ ràng là vì thù hận đức tin: odium fidei.
Năm 1775, nhà Tây Sơn nổi lên đánh tan cả hai chúa Nguyễn và chúa Trịnh. Mặc dầu, theo truyền thuyết, anh em Tây Sơn vốn là người công giáo, nhưng làm vua rồi thì cũng ghét đạo. Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc đã ra hai sắc lệnh cấm đạo vào các năm 1779 và 1785. Vua Cảnh Thịnh, một sắc lệnh năm 1798. Sắc lệnh này được thi hành rất rùng rợn, khiến giáo hữu phải trốn lên rừng. Và ở đây họ được Đức Mẹ hiện ra tại La Vang an ủi. Cũng trong đời Cảnh Thịnh, thái sư Bùi Đức Tuyên, năm 1795 ra hai sắc lệnh vào ngày 07 và 24 tháng 01. Khâm sai Ngô Văn Sở, một sắc lệnh năm 1795.
Năm 1802, Nguyễn Ánh, dòng dõi chúa Nguyễn, đánh bại Tây Sơn lên ngôi vua, ông không bách đạo, nhưng đến đời con cháu ông thì đạo công giáo bị bắt bớ ghê gớm. Minh Mệnh đã ký 07 sắc chỉ nghiêm cấm đạo vào những năm 1825, 1826, 1830, 1833, 1836 và 1838. Thiệu Trị có phần "hiền" hơn, nhưng trong bảy năm cầm quyền, ông cũng ký hai sắc lệnh bách đạo vào các năm 1842 và 1847. Sang đời Tự Đức, cuộc bách đạo lên tới mức kinh khủng với 13 sắc lệnh và trên dưới 250 cuộc bắt bớ tàn khốc trên toàn quốc; nhất là tại tỉnh Nam Định, viên tổng đốc Nguyễn Đình Tân đã nhân danh phó vương tự ý tàn sát giáo hữu có ngày 200, có ngày tới 600 người, tai ác nhất là sắc lệnh dã man năm 1860, phân sáp toàn thể giáo dân trong nước và quản thúc tại các làng lương dân cho mất giống giáo dân. Theo một sử gia Tây phương, nếu nói giáo đoàn Việt Nam bấy giờ là một chủng tộc, thì Tự Đức đã thực hiện một cuộc diệt chủng.
Vào cuối đời Tự Đức, người Pháp đi tìm thị trường ở Á châu, mượn cớ bênh vực đạo bị bắt bớ tại Việt Nam, đã xua quân xâm lăng. Tự Đức, với những triều thần dốt nát và hèn nhát của ông, đã phải ký kết những đất nhường quyền cho người Pháp vào cai trị. Biến cố đó làm nảy ra phong trào Văn Thân gồm các nhà nho hủ bại đứng lên chống lại triều đình, ra lệnh "bình tây sát tả", nghĩa là quét sạch người Pháp và giết hết người công giáo. Phong trào nhóm lên trong hai năm 1885-1886, giết hại rất nhiều người công giáo mà không "bình" được người Pháp nào.
* * *
Như vậy, đạo Công giáo ở Việt Nam đã trải qua bảy phen cấm cách trong vòng 245 năm mà sáu phen chính thức do nhà nước và một phen do loạn quân, với tất cả 53 sắc lệnh cấm đạo của vua chúa. Theo thống kê của các sử gia, bảy phen bắt bớ ấy đã tàn sát khoảng 130.000 giáo hữu công giáo. Trong số đó, ước chừng có 58 vị giám mục và linh mục thừa sai, 150 linh mục Việt nam, 840 thầy giảng, 01 chủng sinh, 270 nữ tu và 99.182 giáo dân.
Trong số 130.000 người bị giết ấy, hồ sơ được lập đầy đủ có chừng ba đến bốn nghìn vị, để xin phong thánh. Nhưng chắc chắn chỉ mới có 117 vị được phong hiển thánh và một vị chân phúc. Tính ra thì có:
02 vị đời Trịnh Doanh (1740-1767), 02 vị đời Trịnh Sâm (1767-1782), 02 vị đời Cảnh Thịnh (1782-1802), 58 vị đời Minh Mệnh (1820-1840), 03 vị đời Thiệu Trị (1840-1847), 50 vị đời Tự Đức (1847-1883). Một trăm mười bảy vị hiển thánh ấy có: 75 vị bị trảm quyết (chém đầu), 22 vị bị xử giảo (thắt cổ), 09 vị bị tra tấn và chết rũ tù, 06 vị bị thiêu sinh, 05 vị bị tùng xẻo và lăng trì (xẻo từng miếng, chặt từng phần).
Các vị hiển thánh trên đây được phong chân phúc trong bốn đợt: ngày 27.5.1900, Đức Lêô XIII phong 64 vị; ngày 20.5.1906, Đức Thánh Piô X phong 06 vị; ngày 02.5.1909, Đức Thánh Piô X phong 20 vị; ngày 29.11.1951, Đức Piô XII phong 25 vị. (Một vị là chân phúc Anrê Phú Yên, Đức Gioan Phaolô II phong ngày 05.3, năm thánh 2000, chưa phong hiển thánh).
* * *
Tiến trình phong hiển thánh cho 117 vị chân phúc trên diễn ra như sau:
Trước cuộc phong chân phúc năm 1900, ba mươi ba năm đã có cuộc vận đông phong chân phúc và hiển thánh cho các vị tử đạo tại Việt Nam. Vào các năm 1928, 1936 và 1977, cũng có những cuộc vận động do mấy vị Giám mục riêng lẻ và dòng Thánh Đaminh khởi xướng. Mãi đến năm 1985, kỷ niệm 25 năm Toà Thánh lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, Đức Hồng y Trịnh Văn Căn mới đệ đơn xin phong hiển thánh cho các vị chân phúc Việt Nam. Việc làm của Đức Hồng y được hưởng ứng nơi Hội Đồng Giám mục Pháp, Phi Luật Tân và Tây Ban Nha, cũng như nơi Hội Truyền Giáo ngoại quốc Paris, dòng Đaminh và nhiều tỉnh của dòng ấy.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chấp nhận các đơn ấy và ủy cho thánh bộ Phong thánh làm thủ tục phong hiển thánh cho các vị. Thánh bộ chia 117 vị chân phúc thành ba nhóm:
1- Linh mục Anrê Dũng Lạc (Trần An Dũng), chủng sinh Tôma Thiện và giáo dân Emmanuel Phụng. 2- Giêrônimô Hermosilla và Valentino Berrio-Ochoa và sáu giám mục khác. 3- Théophane Vénard, linh mục thừa sai Paris và 105 bạn tử đạo.
Và lễ phong hiển thánh cho 117 vị chân phúc tử đạo tại Việt Nam đã diễn ra tưng bừng và hùng vĩ tại giáo đô Rôma ngày 19.6.1988, mặc cho địch thù phản đối rùm beng. Trên bàn thờ tại lễ đài trước cửa Đại vương cung Thánh đường thánh Phêrô, ngoài Đức Thánh Cha còn có 20 vị Hồng y và 40 vị Giám mục đồng tế, với sự tham dự của các đại diện ngoại giao đoàn bên cạnh Toà Thánh, rất nhiều linh mục, tu sĩ và trên dưới 30.000 giáo dân, trong đó có 10.000 người Việt Nam từ các nước ngoại quốc tuôn về.
Sau Phúc âm, Đức Thánh Cha giảng thuyết một bài dài bằng ba ngôn ngữ Ý, Tây Ban Nha và Pháp; dịch sang tiếng Việt dài trên dưới bốn nghìn từ. Sau đây là mấy ý cần ghi lại:
"Trước mặt chúng ta hôm nay, các vị tử đạo Việt Nam đóng vai trò những người đi gặt lúa cho Chúa như đã ghi trong thánh vịnh: "Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt trong hân hoan, lúc ra đi khóc than vì công gieo vất vả; khi trở về hớn hở, lòng phấn khởi thênh thang. Vì trên vai nặng chĩu những bông lúa chín vàng" (Tv 125, 126). Lời huyền diệu trên đây nói lên ý nghĩa của chứng minh lịch sử nơi các vị tử đạo trong Giáo hội Việt Nam… Các vị tử đạo Việt Nam gieo trong lệ sầu có nghĩa là các ngài đã khởi sự một cuộc đối thoại sâu rộng và cởi mở, giữa lớp người đồng hương và giữa nền văn hóa dân tộc, bằng cách nêu cao chân lý và tin vào Chúa là sự kiện phổ cập tất cả hoàn cầu. Đồng thời các ngài góp phần vào việc nhận định các giá trị và nghĩa vụ thích hợp với nền văn hóa công giáo trong thế giới Đông phương… Đoàn thể đông đảo các vị tử đạo, những gian lao đau khổ, những giọt nước mắt…, tất cả đã tạo nên "mùa lúa vàng" của Thiên Chúa… Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả mọi ơn lành mà Thánh Linh của Ngài đang thực hiện một cách dồi dào giữa chúng ta".
"Hỡi giáo đoàn Việt Nam, tôi nói với anh em rằng: Máu các vị tử đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong đức tin. Giữa anh em, đức tin của tổ tiên vẫn tiếp tục và còn truyền lưu sang nhiều thế hệ.
Đức tin này còn tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những ai là người Việt Nam thuần túy sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng vẫn là người tín hữu Chúa Kitô…"
* * *
Một niềm vui bất ngờ: Đại lễ phong hiển thánh các vị chân phúc Việt Nam, sau đó còn vang dội sang tận Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nhiều Hồng y, tổng Giám mục, các giới chức công giáo và cả nhà nguyên thủ Hoa Kỳ đương thời là tổng thống Ronald Reagan cũng nhiệt liệt chúc mừng. Ông Reagan đã nói đến "niềm tin vào Thiên Chúa là sức mạnh, là thành trì của dân tộc Việt Nam can trường… Các vị tử đạo Việt Nam mới được nâng lên hàng hiển thánh… đã nêu lên những tấm gương hào hùng, một chí khí bất khuất, cuối cùng đã toàn thắng… Nguyện xin sức mạnh của các thánh tử đạo Việt Nam tiếp tục hướng dẫn và là nguồn hứng khởi cho giáo hữu Việt Nam".
Ngoài ra, không kể tờ L’Osservatore Roma của Toà Thánh, báo chí ở Mỹ và ở Pháp (có tờ hằng triệu độc giả) cũng kính cẩn và long trọng loan tin về ngày đại lễ phong thánh ấy.
Một tác giả viết về lễ phong thánh 19.6.1988: "Chúng tôi hết sức hân hoan thấy những anh em đồng bào chúng tôi, những vị tổ tiên mang dòng máu Việt Nam ấy, được cả thế giới công giáo tôn sùng kính nhớ hằng năm. Chúng tôi vô cùng hân hoan, một niềm hân hoan dàn dụa, thấy các vị thánh Việt Nam được mừng kính trên khắp hành tinh, từ kinh tuyến mặt trời mọc đến kinh tuyến mặt trời lặn; qua những miền rừng núi bao la hay những sa mạc bát ngát, từ các hải đảo lớn nhỏ rải rác trên Thái Bình Dương mênh mông sang đến các cù lao nằm đó đây trên Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương; ở những nơi có bóng thánh giá vươn cao, bất kể thuộc quốc gia nào, bất kể thuộc dân tộc nào, bất kể thuộc ngôn ngữ nào, bất kể dưới màu cờ chế độ nào…"
Thiết tưởng cũng là tâm cảm của bất cứ người công giáo Việt Nam nào đối với ngày lễ hôm nay.
Ðây Bài Ca Nghìn Trùng
Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, từ dạo Ðức Giêsu gục đầu tắt thở trên thập giá, cuộc sống và cái chết của Ngài đã trở nên một bài ca nghìn trùng, một bản tình ca muôn thuở nói lên mối tình Thiên Chúa yêu thương nhân loại, được thể hiện qua cái chết tự ý thực tình của Ngài để sống trọn từng chữ lời mình tuyên bố:
"Không có Tình Yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".
Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, bài ca nghìn trùng, bài ca muôn thuở của một cuộc đời sống cho tình yêu và một cái chết, chết cho cuộc tình. Vì thế, cuộc sống khó nghèo, khiêm tốn, lam lũ để dấn thân rao giảng Tin Mừng và cứu nhân độ thế của Ðức Giêsu phải kết thúc bằng cái chết tang thương, tất tưởi, cái chết đầy đau đớn, tủi nhục trên thập giá, để ngàn đời hai bàn tay bị đinh đâm thâu qua không thể nào nắm lại được nữa, nhưng muôn thuở một bàn tay luôn xòe ra như muốn nói: "Vâng, Con hoàn toàn yêu mến và vâng phục thánh ý Cha", và bàn tay kia luôn mở rộng như muốn nói: "Vâng, Ta chọn tình thương yêu và sẵn sàng phục vụ mọi người cho đến khi đổ giọt máu cuối cùng".
Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, bài ca nghìn trùng của cuộc sống dấn thân phục vụ được kết thúc trên thập giá để từ dạo ấy thập giá là biểu tượng cho một quy luật muôn thuở của Tin Mừng do Ðức Giêsu rao giảng: "Nếu hạt lúa gieo xuống đất không mục nát đi, nó cứ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó mục nát đi, nó sinh ra được nhiều hạt khác".
Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, đây bài ca tình thương muôn thuở được sướng lên để chờ đợi những câu đáp trả. Ngày hôm nay, nhân ngày lễ mừng thánh Andrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo, chúng ta hãy hân hoan dâng lên Thiên Chúa cuộc sống và cái chết vì đức tin, vì tình yêu của các bậc đàn anh, đàn chị, của chúng ta như những câu đáp lại điệp khúc bản tình ca của Chúa Giêsu: "Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".
Một điểm son nổi bật nhất trong những thành tích vẻ vang chứng tỏ niềm tin sắt đá được các thánh tử đạo Việt Nam ghi vào những trang sử của Giáo Hội là: Lòng tôn kính thập giá.
Không hiểu vì lý do gì mà các vua quan Việt Nam thời đó đã dùng thập giá làm phương tiện để thách đố niềm tin của các vị tử đạọ Họ gọi đó là "Quá khóa" để dùng thập giá vạch ranh giới giữa cái sống và cái chết. Nhưng trăm ngàn hình khổ đã không làm cho các vị anh hùng đức tin Việt Nam tự ý bước qua thập giá, dấu hiệu của Ðấng đã rao giảng và đã thực hiện lời mình xác quyết: "Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".
Không bước qua thập giá để chứng tỏ mình không chối bỏ đạo, không chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa, không chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với mình dù phải chịu tan xương nát thịt, dù phải chịu kìm kẹp, giam cầm, dù phải chịu voi dày ngựa xéo, dù phải chịu đầu rơi máu đổ, các vị tử đạo Việt nam đã nêu gương đáp lại tình yêu của Ðấng chết treo trên thập giá để:
- Nợ máu, các ngài đã trả bằng máu.
- Nợ tình, các ngài đã trả bằng tình.
- Nợ mạng sống, các ngài đã trả bằng những cái đứnng lặng im, không qua khóa, nhưng cái đứng bất động này là những cử chỉ hùng hồn dẫn các ngài đến cái chết vì một niềm tin, chết cho một cuộc tình như Ðức Giêsu đã nêu gương.