NHỮNG THÁCH ĐỐ ĐANG CHỜ ĐỢI ĐỨC THÁNH CHA TẠI MIẾN ĐIỆN
Trong chương trình hôm nay chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em chương trình chi tiết chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Miến Điện và Bangladesh và bài bình luận về những khó khăn đang chờ đợi Đức Thánh Cha tại Yangon.
1. Chương trình chi tiết chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Miến Điện
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã cho biết chi tiết về chuyến tông du thứ 21 của Đức Thánh Cha đến Miến Điện và Bangladesh như sau:
Chúa Nhật 26 tháng 11
Lúc 21:40 Chúa Nhật 26 tháng 11, theo giờ Rôma, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành từ phi trường Fiumicino của Rôma để bay sang Yangon, bắt đầu chuyến tông du thứ 21 của ngài bên ngoài Italia.
Yangon trước đây là thủ đô của Miến Điện với đầy đủ các cơ sở hạ tầng như sân bay, các cơ sở hành chánh và kinh tế. Tuy nhiên, từ ngày 6 tháng 11 năm 2005, thủ đô của Miến Điện đã được chính thức dời về Nay Piy Taw cách thủ đô cũ Yangon 320 km về phía Bắc.
Thứ Hai 27 tháng 11
13:30 chiều ngày thứ Hai 27 tháng 11, máy bay của Đức Thánh Cha sẽ đáp xuống phi trường quốc tế Yangon. Tại đây sẽ có các nghi lễ chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô.
Thứ Ba 28 tháng 11
Sau một ngày nghỉ ngơi, trưa thứ Ba 28 tháng 11 vào lúc 14:00 giờ địa phương, Đức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đi Nay Piy Taw là thủ đô mới của Miến Điện.
Sau hơn một giờ bay, Đức Thánh Cha sẽ đáp xuống sân bay Nay Piy Taw vào lúc 15:10.
Sau lễ nghi đón tiếp chính thức tại phi trường Nay Piy Taw, Đức Thánh Cha sẽ đi xe về dinh tổng thống nơi sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ chính thức với các nhà lãnh đạo dân sự Miến Điện.
Tại dinh tổng thống, lúc 16:00, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc hội đàm với tổng thống Htin Kyaw trong nửa giờ, trước khi có cuộc gặp gỡ với bà Aung San Suu Kyi vào lúc 16:30. Bà Suu Kyi vừa là bộ trưởng ngoại giao, vừa là cố vấn tối cao của chính phủ dân sự Miến Điện.
Lúc 17:15, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo dân sự Miến Điện và ngoại giao đoàn tại Trung tâm Hội Nghị quốc tế của thủ đô Nay Piy Taw.
Lúc 18:20, Đức Thánh Cha sẽ từ giã thủ đô Nay Piy Taw để đáp máy bay trở về phi trường quốc tế Yangon và lên xe về Tòa Tổng Giám Mục, kết thúc ngày thứ hai trong chuyến tông du Miến Điện.
Thứ Tư 29 tháng 11
Tất cả các sinh hoạt của Đức Thánh Cha trong ngày thứ Tư 29 tháng 11, sẽ diễn ra tại thủ đô cũ Yangon.
Lúc 9:30 sáng, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại sân thể thao Kyaikkasan.
Sau thánh lễ tại đây, Đức Thánh Cha sẽ trở về tòa Tổng Giám Mục để nghỉ ngơi.
Ban chiều, lúc 16:15, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với Hội Đồng Tối Cao Phật Giáo Miến Điện, thường được gọi tắt là Sangha, tại chùa Kaba Aye.
Kết thúc cuộc gặp gỡ với Hội Đồng Tối Cao Phật Giáo Miến Điện, vào lúc 17:15, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các Giám Mục Miến Điện tại nhà thờ chính tòa của Yangon.
Thứ Năm 30 tháng 11
Tại nhà thờ chính tòa Đức Bà của Yangon, sáng thứ Năm 30 tháng 11, vào lúc 10h15 sáng, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ dành cho giới trẻ Miến Điện.
Sau đó, lúc 12:15, Đức Thánh Cha sẽ ra phi trường quốc tế Yangon để đáp máy bay sang thăm Bangladesh là quốc gia thứ hai trong chuyến tông du thứ 21 của ngài bên ngoài Italia.
2. Chương trình chi tiết chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Bangladesh
Lúc 15:00 theo giờ địa phương, Đức Thánh Cha sẽ đáp xuống phi trường quốc tế Dhaka, thủ đô của Bangladesh.
Sau các nghi lễ đón tiếp tại phi trường quốc tế Dhaka, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đi xe đến thăm đài tưởng niệm các vị anh hùng liệt sĩ của Bangladesh tại Savar. Đài tưởng niệm này được xây dựng vào năm 1978 và hoàn thành vào năm 1982 để tưởng nhớ đến những người bỏ mình trong cuộc chiến tranh giành độc lập khỏi tay người Pakistan. Địa điểm này nằm cách thủ đô Dhaka 35km về hướng Tây Bắc.
Liền đó, Đức Thánh Cha sẽ thăm bảo tàng viện Bangabandhu, nơi ngài dự kiến sẽ đặt vòng hoa và viết vào sổ lưu niệm. Bảo tàng viện này được thành lập để vinh danh ông Mujibur Rahman, người được coi là “cha già dân tộc” của Bangladesh. Ông Mujibur Rahman là người khởi xướng phong trào giành độc lập khỏi tay người Pakistan và là vị tổng thống đầu tiên của Bangladesh. Sau khi quốc gia này quyết định theo quốc hội chế, ông được bầu làm thủ tướng đầu tiên của Bangladesh vào tháng Ba, 1971. Ông bị ám sát vào ngày 15 tháng 8 năm 1975. Con gái ông là bà Hasina hiện là thủ tướng của Bangladesh.
Lúc 5:30, Đức Thánh Cha viếng thăm xã giao tổng thống Abdul Hamid tại dinh tổng thống. Cũng tại dinh này, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo dân sự và ngoại giao đoàn.
Thứ Sáu 1 tháng 12
Lúc 10 giờ sáng, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự lễ phong chức cho các tân linh mục tại công viên Suhrawardy Udyan.
Lúc 15:20, ngài sẽ có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Hasina tại Tòa sứ thần Tòa Thánh.
Lúc 16 giờ, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm nhà thờ chính tòa của thủ đô Dhaka.
Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các giám mục Bangladesh tại nhà hưu dưỡng các linh mục.
Vào lúc 5 giờ chiều, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với đại diện các tôn giáo trong khu vườn của tòa tổng giám mục.
Thứ Bảy 2 tháng 12
Lúc 10 giờ sáng Đức Thánh Cha sẽ thăm Nhà Mẹ Teresa ở khu vực Tejgaon của thủ đô Dhaka.
10:45 sáng, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các linh mục, nam nữ tu sĩ, chủng sinh và dự tu tại Nhà thờ Mân Côi.
Lúc 15:20, Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ với những người trẻ tuổi tại trường Đại học Notre Dame.
Lúc 16:45, lễ chia tay sẽ diễn ra tại sân bay quốc tế Dhaka.
17:05 chiều, máy bay cất cánh hướng về Rôma.
Dự kiến, Đức Thánh Cha sẽ về đến phi trường Ciampino ở Rôma vào lúc 22 giờ cùng ngày.
3. Phép lạ Sri Lanka có thể được lặp lại tại chùa Kaba Aye hay không?
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Như chúng tôi vừa tường trình, theo dự kiến Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có cuộc gặp gỡ với Hội Đồng Tối Cao Phật Giáo Miến Điện, thường được gọi tắt là Sangha, tại chùa Kaba Aye vào lúc 16:15 ngày thứ Tư 29 tháng 11.
Câu hỏi nhiều người đang đặt ra là trong cuộc gặp gỡ với hàng tăng sĩ Phật Giáo Miến Điện, may mắn liệu có mỉm cười với Đức Thánh Cha Phanxicô như đã từng xảy ra tại Sri Lanka hay không?
4. Câu chuyện hàng trăm nhà sư Phật Giáo Sri Lanka lắng nghe Đức Giáo Hoàng nói về khoan dung tôn giáo
Sau cuộc gặp gỡ xã giao với tổng thống Sri Lanka, lúc 6h45 chiều thứ Ba 13 tháng Giêng, 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo các tôn giáo tại Bandaranaike Memorial International Conference Hall cách dinh tổng thống khoảng 4km, gần với quảng trường Độc Lập nơi vẫn thường diễn ra các lễ tuyên thệ tổng thống Sri Lanka.
Trong những năm gần đây, Sri Lanka đã vướng vào những xung đột tôn giáo trầm trọng. Mặc dù trong cuộc xung đột này cũng không thiếu những trường hợp các nhà thờ Kitô Giáo bị đốt hay phá phách nhưng chủ yếu là xung đột giữa Phật Giáo và Hồi Giáo.
Tác nhân chủ yếu là phong trào Bodu Bala Sena gọi tắt là BBS được thành lập bởi hai nhà sư là Kirama Wimalajothi và Galagoda Aththe Gnanasaara với hội nghị đầu tiên vào ngày 28 tháng 7 năm 2012. BBS là thế lực Phật Giáo mạnh nhất tại Sri Lanka được chế độ của cựu tổng thống Rajapaksa ngầm ủng hộ. Phong trào này đã gây ra nhiều vụ tấn công bạo lực nhắm chủ yếu vào các cộng đồng Hồi Giáo tại Sri Lanka.
Trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, BBS đã mở nhiều chiến dịch nhằm tẩy chay chuyến viếng thăm này. Mười ngày trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Sri Lanka, quốc gia này đón nhà sư Wirathu của Miến Điện đến thuyết pháp nhằm hô hào tẩy chay chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Tuy nhiên, vẫn có hàng trăm nhà sư đến dự và họ im phăng phắc lắng nghe Đức Giáo Hoàng nói về khoan dung tôn giáo.
Đức Thánh Cha đã cám ơn sự lắng nghe của các nhà sư như sau:
“Các bạn thân mến, tôi cảm ơn các bạn một lần nữa vì sự chào đón hào phóng của các bạn và sự chú ý của các bạn. Cầu xin cho cuộc gặp gỡ huynh đệ này củng cố tất cả những nỗ lực của chúng ta để sống hòa hợp và để truyền bá những phước lành của hòa bình.”
Khi so sánh với chuyến tông du của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 20 tháng Giêng, 1995, nhiều người không ngại nói một cách có phần quá đáng rằng đây là một phép lạ.
5. Chuyến tông du của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Sri Lanka
Thật vậy, chuyến tông du của thánh Giáo Hoàng đã được chào đón một cách lạnh nhạt. Cuốn sách “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” của ngài được xuất bản vài tháng trước đó, vào năm 1994, đã được dịch ra 40 thứ tiếng và chỉ riêng tại Italia đã bán được hàng triệu cuốn. Tuy nhiên, cuốn sách này gây xôn xao trong giới Phật Giáo vì một nhận xét rất xác đáng của ngài: “Sự giác ngộ mà đức Phật đã trải qua xuất phát từ niềm tin rằng thế giới này là xấu.” Thánh Giáo Hoàng cũng bình luận về khái niệm nirvana (người Việt gọi là “niết bàn” - một trạng thái thờ ơ hoàn toàn với thế giới) và đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có đến gần với Thiên Chúa hơn khi xa lánh cuộc đời này không?”
Chính phủ Sri Lanka bị nhiều áp lực hủy bỏ chuyến tông du của ngài, nhưng họ vượt qua được.
Khi đến Colombo, Đức Gioan Phaolô II cẩn thận trích dẫn kinh điển Dhammapada và đề cập đến những giá trị của tình yêu, từ bi, hỉ xả, thông cảm và an nhiên tự tại mà các Phật tử tôn vinh. Ngài nói: “Tôi bày tỏ sự kính trọng cao nhất của mình đối với các tín đồ Phật giáo”.
Dù thế, chẳng có mấy nhà sư đến dự cuộc gặp gỡ với ngài, thậm chí một nhà thờ còn bị đốt!
6. Ashin Wirathu là ai?
Ashin Wirathu là nhân vật đã được tờ Times trong số ra ngày 20 tháng Sáu năm 2013, đưa lên trang bìa với nhan đề “The Face of Buddhist Terror”, nghĩa là “Bộ mặt của khủng bố Phật giáo”; trong đó tờ này cáo buộc ông là người đứng đằng sau tất cả những biến loạn đang diễn ra tại Miến Điện.
Nhà sư Ashin Wirathu là người nổi tiếng tại Miến Điện với những bài phát biểu nẩy lửa đầy hận thù kêu gọi các Phật tử nước này hãy thức tỉnh trước nguy cơ bị Hồi Giáo hóa, mặc dù trong tổng số 57 triệu dân 88% là Phật tử và người Hồi Giáo chỉ có 4.3%. Các Kitô hữu chiếm 6.3%.
Không những nổi tiếng tại Miến Điện, Nhà sư Wirathu còn nổi tiếng trên thế giới vì đã dám chửi đặc phái viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc là bà Yanghee Lee bằng những từ rất hạ cấp mà chúng tôi không dám nêu ra ở đây.
Wirathu sinh năm 1968, đến năm 14 tuổi thì bỏ học để đi tu.
Năm 2003, ông đã bị kết án 25 năm tù giam vì tham gia vào một tổ chức rất cực đoan nhằm chống lại người Hồi Giáo nhưng được trả tự do vào năm 2010 cùng với các tù nhân chính trị khác.
Sau khi ra tù, Wirathu sử dụng rất thành công các phương tiện truyền thông xã hội. Ông truyền bá thông điệp chống Hồi Giáo của mình bằng cách đăng các bài giảng trên YouTube và Facebook, thu hút hàng trăm ngàn người theo dõi và nhanh chóng được tôn vinh là nhà lãnh đạo tinh thần của 969 nhóm bảo vệ Phật pháp.
Bài giảng của ông chủ yếu dọa các Phật tử về nguy cơ bị Hồi Giáo hóa. Ông lặp đi lặp lại các tuyên bố vô căn cứ về tỷ lệ sinh sản của người Hồi Giáo và tổ chức các cuộc biểu tình kêu gọi tống cổ người Rohingya sang một nước thứ ba.
Ông cũng tuyên bố rằng phụ nữ Phật giáo đang bị người Hồi Giáo buộc cải đạo bằng vũ lực và dẫn đầu các cuộc biểu tình rầm rộ đòi sửa đổi hiến pháp nhằm ngăn chặn phụ nữ Phật giáo Miến Điện không được kết hôn với nam giới thuộc các tôn giáo khác mà không có sự cho phép chính thức của các nhà sư.
Ít ai dám chống lại ông vì ông chủ trì một tu viện Phật giáo có tới 2,500 nhà sư tại Mandalay; và được sự hậu thuẫn tuyệt đối của quân đội, của những tướng tá cùng một quan điểm với ông là Phật giáo tại Miến Điện đang bị lâm nguy, và người dân Miến Điện cần phải có một quân đội hùng mạnh để bảo vệ Phật pháp.
Một chính phủ trên danh nghĩa là dân sự nhưng sau gần nửa thế kỷ bị cai trị bởi quân đội, vẫn chưa hoàn toàn tự chủ, nên nếu quân đội ủng hộ ông thì chính quyền cũng chẳng có ai dám chống lại ông. Hơn thế nữa, nhiều người tin rằng chính quyền Miến Điện để yên cho Wirathu, vì ông nói lên chính quan điểm của họ, về người Rohingya, và về đạo Hồi, mà họ không thể tự mình nói lên vì những lý do ngoại giao.
7. Ngôi chùa Kaba Aye
Chùa Kaba Aye là một ngôi chùa nằm cách Yangon khoảng 11 km về phía bắc. Nó được xây dựng vào năm 1952 bởi U Nu để chuẩn bị cho Hội đồng Phật giáo Thứ Sáu mà ông ta tổ chức trong hai năm từ năm 1954 đến năm 1956. Chùa có kích thước tất cả đều là 34 thước: Tháp chùa cao 34 m, chiều dài và chiều rộng cũng 34 m. Chùa Kaba Aye mở cửa từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối hàng ngày. Khách tham quan mua vé vào cửa với giá 5 Mỹ Kim.
U Nu là Thủ tướng đầu tiên của Miến Điện sau khi Hiến pháp Liên minh Miến Điện năm 1947 được thông qua. U Nu là một Phật tử mộ đạo và ông đã cố gắng thiết lập Miến Điện như là một quốc gia Phật giáo. Vào ngày 29 tháng 8 năm 1961, Quốc hội tuyên bố rằng Phật giáo là tôn giáo chính thức của quốc gia này, chủ yếu là do những nỗ lực của U Nu. Giết mổ bò chính thức bị cấm ở Miến Điện. Tuy nhiên, năm 1962 Ne Win, người kế vị U Nu, đã bãi bỏ những cấm đoán này và chấm dứt những nỗ lực để làm cho Miến Điện một quốc gia Phật giáo.
Có rất nhiều dân tộc thiểu số ở Miến Điện, chẳng hạn như người Kachins và Karens, cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội bởi những nỗ lực nâng Phật giáo lên hàng quốc giáo Hơn nữa, nhiều Phật tử cũng không tin rằng Phật giáo nên là một phần của một thể chế chính trị. Họ muốn Miến Điện là một xã hội đạo lý nhưng không muốn tôn giáo của họ bị áp đặt lên các công dân khác. Nhiều nhà sư muốn Phật Giáo độc lập, không lệ thuộc nhà nước, đã không liên kết với những ngôi chùa quốc doanh. Những nhà sư như thế đều không muốn dính líu đến Kaba Aye.
8. Vụ đánh bom năm 1996
Vào ngày 25 tháng 12 năm 1996, hai quả bom phát nổ tại chùa Kaba Aye và Động Maha Pasana, bên trong ngôi chùa này, giết chết năm người và làm bị thương 17 người khác. Vụ nổ ban đầu diễn ra tại chùa Kaba Aye lúc 8:20 tối nhưng không ai bị thương. Tuy nhiên, vụ nổ thứ hai nổ ra hai giờ sau đó đã gây tử vong và thương tích.
Cho đến nay, nhiều người vẫn cho rằng hai vụ nổ này đều là do chính quân đội Miến Điện gây ra nhằm có cớ đàn áp những người đối lập.
Việc xây dựng chùa Kaba Aye của U Nu, và vụ nổ năm 1996, theo ý kiến nhiều người, đều phản ảnh những nỗ lực muốn lèo lái Phật Giáo của các thế lực chính trị tại Miến Điện.