Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

SỨC MẠNH VÀ SỨC SỐNG CỦA ĐỨC TIN

Filled under:

SỨC MẠNH VÀ SỨC SỐNG CỦA ĐỨC TIN
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Hơn 2.000 năm trước, Chúa Giêsu đã phán cùng các môn đệ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20).

Từ sau ngày Chúa Giêsu phác lệnh truyền giáo đến nay, sứ vụ truyền giáo vẫn không ngừng được tiếp nối trong lòng Hội Thánh. Và cũng do phát xuất từ lời sai đi ấy, đức tin của Hội Thánh nhanh chóng lan rộng khắp nơi. Nó khẳng định mạnh mẽ chỗ đứng của mình bằng một sức mạnh kiên cường, một sức sống vinh thắng.

Đức Tin là hồng ân vô giá mà Thiên Chúa ban tặng. Đức Tin là “cửa” mở ra, đưa ta đến đời sống kết hiệp thân tình với Thiên Chúa và bước vào Hội Thánh của Người.

Nhờ sức sống của đức tin, các Thánh Tử Đạo khi bị bắt, vẫn luôn thể hiện sức mạnh quả cảm của chính đức tin ấy: nhất quyết không nao núng trước cực hình, không chối đạo, không bước qua Thánh giá, không làm tổn thương danh dự của Hội Thánh Chúa, không ngừng giương cao lòng tin – cậy – mến của minh.

Nhờ sức mạnh đi cùng sức sống vô cùng của đức tin, các thánh dù bị hành hạ, bị kết án tử hình bằng nhiều hình thức hung bạo, dã man, nhưng không để mình bị khuất phục. Các thánh không nhường bước, không thỏa hiệp để được sống thảnh thơi.

Các thánh không để mình bị tiền bạc làm cho mù tối, không để khổ đau làm cho chùn bước, không để nhục hình làm cho ngã qụỵ. Ngay đến cái chết, cũng không tài nào có thể uốn cong được lòng trung tín của các thánh...

Chính nhờ dòng máu quả cảm căng đầy sức mạnh và sức sống của đức tin ấy, mà các thánh trở thành như những hạt giống gieo vào lòng đất, trổ sinh một Hội Thánh Việt Nam phong phú như những gì đang diễn ra hiện tại, chắc chắn còn mãi về sau.

Hôm nay, lễ các thánh Tử đạo Việt Nam, là con cháu các thánh, chúng ta ngắm nhìn chân dung của một sức mạnh quật cường, một sức sống bất khuất mà các thánh đã soi chiếu trên suốt dòng lịch sử đầy kiêu hùng này.

Ngước nhìn chân dung các thánh là điều cần thiết để chúng ta sống lại những ngày gian khó của cha ông mà biết ơn tất cả những ai đã đặt nền móng đức tin trên quê hương Việt Nam thân yêu này…

Hội Thánh tại Việt Nam, kể từ buổi bình minh rao truyền Tin Mừng đến nay, dù chẳng bao giờ mất ơn bình an nội tâm, vẫn chưa bao giờ có một ngày bình yên ngoài thể xác, chưa một ngày tự do hoàn toàn trong việc trung thành thờ phượng Thiên Chúa, chưa bao giờ có tự do tôn giáo.

Tuy nhiên, Hội Thánh của Chúa Kitô tại mảnh đất hình chữ S này, dù phải trải qua muôn ngàn lao khổ và phải đối đầu cùng vô số sức chống đối, vẫn mạnh mẽ tuyên xưng đức tin, vẫn trung thành với lòng kính thờ Chúa không có sức mạnh nào có thể lay chuyển.

Chỉ là một Hội Thánh còn non trẻ, được khai sinh chưa đầy 500 năm, nhưng Hội Thánh tại Việt Nam đã tự hào vượt lên trên mọi đầu sóng ngọn gió, dù nguy hiểm nhất, dữ dằn nhất, để có được cả một bề dày kinh nghiệm giữ lấy đức tin cho đức tin ngày một tinh ròng đến muôn đời sau. Tất cả là nhờ ơn Chúa, tất cả là do sự linh hoạt mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần.

Có nhiều lý do dẫn đến sự bách hại Hội Thánh trong quá khứ và hiện tại: ghen tương, đố kỵ, hiểu lầm, nhiều lý do chính trị khác… Không ai biết chính xác người Công giáo Việt Nam chịu tử đạo từ trước đến nay có số lượng bao nhiêu, vì không thể thống kê hết, chỉ biết rằng đó là một con số khổng lồ.

Từ thái độ sống đến cái chết của các thánh Tử đạo nói riêng, và của các Kitô hữu nói chung, chứng minh cho mọi người thấy rằng, chỉ có Thiên Chúa là trên hết, là cao cả, là tuyệt đối, vượt trên tất cả mọi sự quý giá.

Dẫu là sự sống, điều mà mỗi người chỉ có một duy nhất mà thôi, mất là hết, mất là chấm dứt sự hiện diện đời đời trên cõi thế, vẫn không thể sánh bằng Thiên Chúa, Đấng là nguồn cội, là tất cả của vũ trụ.

Từ sự hiểu biết về chân lý cao cả ấy, các thánh Tử đạo có một thái độ chọn lựa dứt khoát: Tin nơi Thiên Chúa đến cùng, dù phải hiến dâng mạng sống của mình.

Quay nhìn chân dung các thánh Tử đạo Việt Nam, Đức Thánh Cha Piô XI, trong lễ tấn phong Giám mục cho Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, đã cất tiếng gọ: “Giáo Hội Việt Nam là trưởng nam của Giáo Hội Công giáo tại Á Đông” (Bài giảng lễ tấn phong Giám Mục).

Sử gia A. Launay cũng hết lời khen ngợi đức tin của người Công giáo Việt Nam: “Hỡi Giáo Hội Việt Nam, một trong những Giáo Hội đã bị bắt bớ hà khắc nhất trong các Giáo Hội trên thế giới, kể từ khi công cuộc của Chúa Cứu Thế bị bắt bớ. Một trong những Giáo Hội kiên cố lạ lùng nhất… Ta kính chào Người! và bởi hy sinh càng lớn lao, thì vinh quang càng sáng chói. Người thật xứng đáng được danh thơm muôn thuở, ngang hàng với những Giáo Hội anh hùng nhất phương Tây" (Đã trích trong Lm Bùi Đức Sinh - Lịch Sử Giáo Hội).

Đức Tin bừng lên mãnh liệt trong mầu nhiệm tự huỷ và hiến dâng. Các thánh Tử đạo đã hủy mình đi và hiến dâng trọn vẹn cho thiên Chúa. Hôm nay mừng kính các thánh Tử đạo Việt Nam, Chúng ta tin, nhờ lời các thánh chuyển cầu, chúng ta sẽ được tiếp thêm sức mạnh và được đổ tràn đầy sức sống của đức tin, như chính đức tin chiến thắng của các thánh. .

Một khi được tiếp thêm sức mạnh và sức sống của một đức tin mãnh liệt, chúng ta quyết sống đạo ngoan cường, vượt thắng giữa biết bao thách đố của thời đại hôm nay, như thánh Phaolô dạy: “Hãy bén rễ sâu trong Đức Kitô, xây dựng trên nền tảng Đức Kitô và được củng cố trong đức tin” (Cl 2, 7),

Mừng lễ các thánh, chúng ta phải khám phá ra nhiều bài học có lợi cho đức tin mà các ngài để lại:

- Sẵn sàng tha thứ cho những người bắt bớ, giết chết mình;

- Cầu nguyện nhiều hơn nữa cho các nhà lãnh đạo quốc gia khôn ngoan để nhận ra đâu là đường lối lãnh đạo theo chân lý, đâu là đường lối lãnh đạo sai lầm để đừng giết chính đồng bào vô tội của mình như đã từng làm mà lịch sử không bao giờ quên;

- Biết ơn Hội Thánh đã cưu mang và sinh ra chúng ta trong ơn Chúa;

- Biết đáp trả tình yêu vô cùng của Chúa bằng tất cả đời sống chứng tá của mình dẫu phải hiến dâng mạng sống.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG



ÔI LẠY CHÚA ! XIN MỞ CHO CON ĐÔI MẮT ...

Tin mừng theo thánh Luca cho chúng ta thấy sức mạnh của lòng tin như thế nào khi nó được đặt vào một giá trị cao nhất là chính Đức Giê-su. Nhân vật chính trong trình thuật phép lạ này chính là Chúa Giêsu. Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu, cúi xuống xoa dịu những đau khổ của con người nghèo hèn. Tuy vậy, khi thực hiên phép lạ, Ngài vẫn đòi hỏi lời tuyên tín của anh mù vào Thiên Chúa, nghĩa là anh mù có xem Ngài như một nhà phép thuật, có tài biến hoá, hay là một Thiên Chúa đầy quyền năng trên sự dữ, bệnh tật ? Ngài cứu vớt con người vì Tình Yêu. Ngài đến để cho họ được sống và sống sung mãn trong sự hiệp thông với Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa.

Một người ăn xin bị mù ở Giê-ri-khô đã hô vang khi nghe người dân nói Đức Giê-su đi ngang qua: "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!" (Lc 18,38).  Dù bị người dân la mắng nhưng ông ta vẫn hô vang thêm một lần nữa.

Trước tiên thánh Luca tả về anh mù: Anh thanh niên này bị mù đôi mắt, nhưng tai nghe rõ, miệng nói được, cảm xúc và suy nghĩ phân định của anh rất tốt. Anh ta biết nhìn nhận tình trạng khiếm khuyết của bản thân mình. Anh ta can đảm đối diện với sự thật ấy và khao khát cho mình nên hoàn hảo, ít là về mặt thể lý.

Anh mù đã biết dùng những phần tốt, phần hoàn thiện còn lại của bản thân để tìm con đường hoàn hảo cho chính mình. Anh dùng tai để nghe biết người có thể chữa anh. Anh dùng miệng để cầu mong đồng loại giúp đỡ và dùng miệng để khẩn nài lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Anh mù đôi mắt, nhưng anh thật sự khiêm tốn và thành khẩn khát mong bàn tay uy quyền nào đó chữa anh lành. Anh mù đôi mắt, nhưng anh lại biết rõ mình, biết người và biết Chúa. Anh biết mình chưa hoàn thiện ở góc độ nào đó ; anh biết đồng loại của anh hoàn thiện hơn anh và khiêm tốn xin họ giúp đỡ ; và anh cũng nghe biết về lòng thương xót vô biên của Chúa, anh khao khát gặp Ngài và anh tha thiết nài xin Ngài cứu chữa.

Ở anh chàng mù, ta thấy được sự khao khát được đón nhận tình thương của Chúa mạnh mẽ như thế nào nơi người đàn ông này. Ông ta đã tin tưởng hoàn toàn vào quyền năng của Chúa Giê-su. Vì ông tin rằng chỉ có tình thương của Chúa mới đem lại cho ông cuộc sống mới là không còn sống trong bóng tôi nữa. Chính sự can đảm bày tỏ lòng tin của mình, ông đã được Chúa cứu: "Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh!" (Lc 18,42).

Bên cạnh anh thanh niên, thánh Luca miêu tả thêm về đám đông : Có vài người đã cho anh mù biết là có Chúa Giêsu sắp đi ngang. Khi Chúa đi ngang anh ta kêu lớn tiếng để được Chúa thương, nhưng một số người khác đã quát mắng anh im đi. Tuy nhiên, cũng trong đám đông hôm đó, có người cho anh mù biết về chính Chúa Giêsu, về quyền năng của Ngài, và cho anh biết Ngài sắp đi ngang qua cuộc đời của anh.

Trước tình trạng yếu đuối và khiếm khuyết của anh chị em đồng loại, đôi khi chúng ta cũng có thái độ như  một số người nơi đám đông hôm nay. Chúng  ta không giúp đỡ mà đôi khi chúng ta còn cản trở không cho họ đến gần Thiên Chúa, không cho họ được chạm vào bàn tay xót thương và chữa lành của Ngài. Tất nhiên, thái độ của một số người cho anh mù biết về quyền năng Thiên Chúa đó là một thái độ mà mỗi người chúng ta cần phải có.

Chúa Giêsu dừng lại khi nghe tiếng nài van thành khẩn của anh mù. Ngài hiểu nhu cầu của anh, ngài cũng hiểu lòng thành của anh. Ngài bận tâm đến sứ vụ rao giảng, nhưng Ngài cũng thắm thiết yêu thương và muốn giang rộng cánh tay thương xót. Sứ mạng của Chúa Giêsu là loan truyền Tin Mừng, nhưng sứ mạng của Chúa Giêsu mà thánh Luca muốn nêu bật đó là một Thiên Chúa chữa lành và yêu thương. Ngài không chỉ chữa cho anh mù đôi mắt, nhưng còn chữa cho anh về lòng tin, và cho đám đông ân sủng cứu độ của Ngài.

Ba đối tượng mà Thánh Luca muốn nêu bật trong Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta nhìn vào chính bản thân mình. Có thể tình trạng thể lý của mỗi người chúng ta không mù lòa, nhưng lại mù lòa về tinh thần. Anh thanh niên trong Tin Mừng hôm nay mù về thể lý nhưng lại sáng về tinh thần, anh biết mình, biết người và biết Chúa.

Nếu như anh thanh niên không biết mình có khiếm khuyết gì, ưu điểm nào, thì thật khó mà khiêm nhường trước Thiên Chúa và trước anh chị em. Nếu đám đông không biết người khác cần gì, họ có ưu khuyết nào ;  Nếu anh thanh niên không nhận biết người khác có các giá trị hoàn thiện, thì thật khó mà khiêm tốn và đám đông thật khó mà cộng tác yêu thương… Và tệ hơn nữa, nếu anh mù không nhận biết quyền năng Thiên Chúa thì anh vĩnh viễn sẽ mù lòa. Nếu đám đông không nhận ra phép lạ Chúa làm, thì làm gì mà nghe cho thấu câu nói của Chúa lòng tin có đủ khả năng chữa lành, thì làm gì mà họ có thể cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

Mù lòa về thể lý quả thật là đau khổ, nhưng mù lòa về tinh thần thì còn đau khổ biết chừng nào. Tình trạng mù lòa tinh thần ấy làm cho chúng ta mất khả năng biết mình, không có khả năng biết người và chắc chắn sẽ xa rời tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa.

Và rồi mỗi người chúng ta ai cũng bị mù. Chúng ta không bị mù về thể xác nhưng chúng ta lại bị mù về tinh thần, mù về phần linh hồn. Chúng ta đã để cho tiền tài, danh vọng. lạc thú... làm mù limh hồn chúng ta. Từ đây nó cũng kéo theo thân xác chúng ta luôn dẫn thân vào cái gì là khoái lạc, nhục dục, những gì là trụy lạc. Hơn thế nữa, chúng ta còn dày xéo tha nhân, sống ích kỷ và chỉ biết thu góp cho chính mình.  Chúng ta đã đánh mất đi phẩm giá của mình và người khác. Cái mù này thật sự còn ghê gớm hơn cái mù thể lý.

Và mỗi người chúng ta hãy năng chạy đến với Chúa Giê-su nơi bí tích Hòa giải để đón nhận sự chữa lành của Ngài. Chúng ta hãy năng chạy đến với Thánh lễ để lãnh nhận chính mình máu Chúa Giê-su để Ngài luôn đồng hành cùng với ta trong cuộc sống đầy cạm bẫy tội lỗi của thế gian và cũng để lắng nghe lời Chúa dạy mà sống mổi ngày một tốt, một vui và hạnh phúc hơn. Chúng ta hãy đặt trọn lòng tin của mình vào Chúa hơn là của cải của thế gian để từ đây ta được Ngài chữa lành và tăng sức mạnh cho ta trong cuộc sống này. Vì Chúa Giê-su đã từng nói, chỉ cần anh em có lòng tin bằng hạt cải thôi, anh em bảo cây cải này xuống biển mà mọc thì nó cũng sẽ làm.