VỊ CHÚA NGHÈO
“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14,13-14)
Suy niệm: Chúa Giê-su, vị Chúa nghèo. Ngài dành vị trí ưu tiên cho những người nghèo. Ngài chọn cung cách sống nghèo. Ngài làm bạn với người nghèo và ăn uống với người nghèo. Ngài rao giảng Tin Mừng cho người nghèo: Người sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó. Những ai có tâm hồn nghèo khó thì đón nhận được niềm vui Tin mừng của Ngài. Hôm nay, Đức Ki-tô loan báo cho chúng ta niềm vui của Tin Mừng: hãy làm bạn đồng bàn với người nghèo khổ, những người không có gì đáp lễ để Chúa đáp đền cho chúng ta trong ngày sau hết, ngày kẻ chết sống lại; như thế, chúng ta mới thật là có phúc.
Mời Bạn: Hôm nay khai mạc hội nghị APEC: Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, tại Đà Nẵng. Việc quan tâm phát triển kinh tế cũng cần thu hẹp hố ngăn cách giàu nghèo. Bởi người nghèo thường luôn bị lãng quên và bỏ rơi. Người nghèo xung quanh bạn. Chính bạn có thể cũng là người nghèo. Bạn nghèo về mặt thiêng liêng, và có thể bạn cũng bỏ quên cả chính bạn. Chúa Giê-su đến tìm kiếm những người bị bỏ rơi, đó là những người nghèo, tàn tật, đui mù. Chúa Giê-su thiết lập Giáo hội. Ngài muốn Giáo hội thể hiện dung mạo nghèo khó của Ngài. Sống trong Giáo hội, Ngài cũng muốn bạn như thế!
Chia sẻ: Bạn đã thao thức thế nào khi nhìn thấy những người nghèo xung quanh bạn?
Sống Lời Chúa: Hôm nay, trích một phần tiền chi tiêu để giúp người nghèo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con yêu mến những người nghèo. Amen.
THÁNH LÊÔNARĐÔ TU HÀNH
Thánh Lêônarđô sinh trưởng trong một gia đình võ quan thuộc thành phố Amélia nước Pháp. Thân phụ ngài là một vị tướng có tài thao lược trong quân đội của Hoàng đế Clôđôvêô, vì thế ngày chịu phép rửa tội, Lêônarđô đã được Hoàng đế đỡ đầu và nhận làm con thiêng liêng.
Sống trong một gia đình sung túc, Lêônarđô được thụ hưởng một đời thơ ấu sung sướng an vui. Nhưng có lẽ Chúa nhiệm mầu đã muốn dùng Lêônarđô để nhắc cho hậu thế biết rằng: quyền cao chức trọng, vàng bạc phú quý không phải là lý tưởng con người theo đuổi, nhưng Chúa Kitô khó nghèo và âm thầm ở Nagiarét mới là cứu cánh cuộc đời. Vì thế khi Lêônarđô mới lên 14 tuổi, tuổi mà các cậu thiếu niên xây nhiều mộng vàng, cậu lại được thân phụ gửi gắm vào tu viện Mici để nhờ chính cha bề trên giáo dục về cả hai phương diện đạo đức và học vấn. Càng theo học, Lêônarđô càng thấy rằng đời sống vật chất xa hoa, cũng như quyền chức danh vọng của bậc vương giả, đều không làm cho cậu được thoả mãn những khát vọng thiêng liêng cao cả của tâm hồn. Thế rồi Lêônarđô nhất định trở về sống với thánh Kêmiđiô, Giám mục thành Reims là người đã rửa tội cho cậu. Sống gần Đức Giám mục, Lêônarđô luôn luôn lo lắng để tìm cho mình một con đường trọn lành. Lúc này cậu rất chán ghét những chức tước mà cha cậu muốn đặt cho. Lêônarđô luôn luôn hạ mình và coi mình như con một nhà cùng đinh khố rách áo ôm. Cậu từ chối tất cả những kiểu cách ăn mặc, những cuộc vui nhộn mà con một vị tướng có quyền hưởng.
Nhưng ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Lêônarđô đã được Chúa ban cho một sức mạnh thiêng liêng quý báu: cậu có một sức quyến rũ những người lầm lạc tội lỗi một cách phi thường. Vì thế, Lêônarđô dìu dắt được nhiều chiên lạc trở về bằng đời sống cầu nguyện và những lời khuyên nhủ của mình.
Tiếng nhân đức của Lêônarđô đồn vang khắp nơi. Khi nghe biết, Hoàng đế cho triệu ngài vào triều đình và có ý định bầu cử cho ngài lên làm Giám mục. Nhưng Lêônarđô đã mạnh dạn tâu lại Hoàng đế rằng:
Tâu Bệ hạ, nếu muốn được quyền cao chức trọng thì hạ thần đã xung phong vào làm tướng cho quân đội Bệ hạ, nhưng hạ thần muốn lo những việc thiêng liêng hơn những việc vật chất. Vì thế hạ thần cũng muốn ở bậc thường dân hơn là lên làm Giám mục.
Hoàng đế nghe vậy rất lấy làm cảm phục lòng khiêm nhường phi thường của Lêônarđô, vua liền để ngài xin điều gì mặc ý. Sau những giây phút suy nghĩ, thánh nhân đã xin một điều mà Hoàng đế chưa bao giờ tưởng tới. Ngài xin Hoàng đế cho vào các ngục thất để ủy lạo phạm nhân, và ai tỏ vẻ hối lỗi, ngài sẽ bầu cử với Hoàng đế tha cho về. Được sự đồng ý của Hoàng đế, thánh nhân ngày đêm lăn lộn trong các nhà ngục và đã đem an vui đến cho bao tâm hồn, vì ngài đi đến đâu, là người ta nhận được hình ảnh của một người cha nhân từ luôn luôn thương yêu những đứa con lầm lỗi trở về đến đấy.
Ðồng Bạc Nhân Nghĩa
Một câu chuyện ngụ ngôn của Nga kể rằng: Có một nhà phú hộ kia khi gần chết lòng trí vẫn chỉ nghĩ đến tiền của là động lực đã thúc đẩy ông lao lực không biết mệt mỏi suốt cả cuộc đờị Dùng chút sức tàn, ông cố gỡ chiếc bao nhỏ đeo ở cổ, lấy ra chiếc chìa khóa trao cho người đầy tớ trung tín nhất của ông. Ông phú hộ ra dấu chỉ chiếc rương nằm trong góc nhà và ra lệnh cho cô ta lấy những túi tiền vàng ở trong đó bỏ vào quan tài.
Khi chết xong, ông bắt đầu sống cuộc đời mới.
Ðứng trước chiếc bàn dài trưng bày đủ thứ cao lương mỹ vị, ông ta hỏi: "Món này giá bao nhiêu vậy?". Người bán hàng trả lời: "Một xu". Ông phú hộ chỉ một món khác kém giá trị hơn và hỏi: "Còn hộp cá mòi kia giá bao nhiêủ". "Cũng một xu", người bán hàng nhã nhặn trả lời.
Thấy người bán hàng vui tính ông phú hộ tiếp tục hỏi: Còn miếng bánh này?". "Tất cả các vật trưng bày ở đây đều được bán với giá một xu", người bán hàng cho biết.
Ông phú hộ mỉm cười thỏa mãn. Rẻ thật, ông nghĩ thầm. Rồi sau một hồi ngắm nghía, ông chọn một đĩa thức ăn lớn. Nhưng khi ông lấy một đồng tiền vàng mang theo lúc từ giã cõi đời ra trả, cô thu tiền không nhận. Cô ta vừa lắc đầu vừa nói: "Ông đã học được quá ít trong cuộc sống". Nghe nói thế ông phú hộ không khỏi ngạc nhiên, gặn hỏi: "Thế nghĩa là gì? Ðồng tiền vàng của tôi không đủ để trả cho đĩa thức ăn này saỏ".
Bấy giờ người thu tiền mới cho ông biết: "Ở đây chúng tôi chỉ nhận những đồng tiền mà trong cuộc sống trước đây ông đã dùng để giúp đỡ cho những người nghèo túng, đói khổ".
Tại những vùng chịu ảnh hưởng của Phật Giáo đến từ Trung Hoa, vào những ngày giỗ hay ngày tư, ngày tết, các phật tử có thói quen đốt những giấy tiền vàng bạc với niềm tin là qua đó họ có thể gửi tiền ấy cho ông bà, cha mẹ đã quá cố để họ có thể tiêu xài nơi chốn suối vàng.
Những người Công Giáo cũng thể hiện lòng hiếu thảo của mình đối với những thân nhân đã qua đời bằng cách dâng những hy sinh và kinh nguyện đặc biệt trong tháng 11 mỗi năm. Cộng vào đấy, là những hành động bác ái, chia sẻ, làm thay cho những người đã từ biệt cõi đời.
Lúc rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nêu bật thật rõ ràng ý nghĩa của biến cố "Nhập Thể" của Ngài: Ngài không những "làm người" trong một thân xác duy nhất, ngài còn đồng hóa mình với tất cả mọi người để nếu chúng ta yêu thương bất kỳ ai, đó là chúng ta cũng yêu mến Ngài.
Ðể sống trọn ý nghĩa của tháng 11, tháng các đẳng linh hồn, chúng ta không chỉ dâng lời cầu nguyện cho những người đã khuất bóng, nhưng cũng hãy gia tăng những việc từ thiện bác ái, chia cơm sẻ áo với những anh chị em thiếu thốn đang sống bên cạnh, để dâng các công đức ấy cho các đẳng, đồng thời cũng để thâu nhập cho chính chúng ta những công nghiệp có giá trị vĩnh cửu trong cuộc sống mai hậu.