Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 23/11/2017

Filled under:

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 19: 41-44)

Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: "Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hòa bình lại cho ngươi. Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì đến ngày quân thù đắp lũy bao vây ngươi siết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi, bình địa ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng".

Suy niệm 1

Có những tiếng khóc của buồn tủi, của thất vọng, của chia ly, của sám hối; nhưng cũng có những tiếng khóc của sung sướng, của phấn khởi, của hội ngộ. Có những tiếng khóc đơn sơ hồn nhiên của những trẻ thơ; nhưng cũng có những tiếng khóc giả dối lừa lọc mà người ta thường gọi là “nước mắt cá sấu”.

Trong bài Tin Mừng được trích đọc trong hôm nay, Thánh Luca cho chúng ta biết, Chúa Giêsu cũng khóc. 

Chúa Giêsu đã khóc khi đứng trước mộ của Lazarô; Người cũng khóc khi thấy trước cảnh tàn phá khủng khiếp của  thành Giêrusalem. Trong cả hai trường hợp trên đây, chúng ta đều được các thánh sử cho biết, Chúa khóc vì thương, hay nói cách khác, nước mắt của Chúa đổ ra trong những trường hợp này là nước mắt của tình yêu.

Vì yêu thương Lazarô, người bạn thân đã chết, mà Chúa Giêsu đã khóc. Vì yêu thương dân thành Giêrusalem, một thành sắp bị tàn phá  đến nỗi “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào” chỉ vì sự cứng lòng tin của họ, mà Chúa Giêsu đã khóc.

Nhưng có lẽ Chúa không chỉ khóc trong hai trường hợp trên đây mà thôi, Người còn khóc nhiều nữa, khóc trước sự cứng lòng của dân chúng, khóc trước những phản bội của những người thân yêu.

Người khóc như thế chỉ muốn là để chúng ta đáp lại tiếng khóc của Người.

Phêrô sau khi đã chối Chúa 3 lần, lúc bỏ sân dinh Caipha ra ngoài, ông cũng đã khóc. Đó chính là tiếng khóc của sự sám hối, khóc vì đã lỡ đánh mất tình yêu đối với Thầy mình. Đây chính là cái khóc đã được Chúa chúc phúc trong bản hiến chương Nước Trời, khóc trong niềm hy vọng, khóc trong niềm tin yêu.

Giờ đây khi nhìn lại dĩ vãng hẳn mỗi người chúng ta không ai là không phải khóc. Nhưng đừng để cho những tiếng khóc của chúng ta trở thành những tiếng khóc của thất vọng, của chán chường, của oán hận hờn căm mà phải là tiếng khóc của sám hối, của tin yêu, của hy vọng.

Với những tiếng khóc đó, chúng ta sẽ cảm nghiệm được tình yêu bao dung của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta và hãy biết cảm thông, bao dung với mọi người.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


Suy nim 2
Người ta có thể khóc vì nhiều lý do. 
Khóc vì buồn thương, khóc vì tình yêu của mình bị từ chối. 
Khóc vì tiếc nuối một điều tốt đẹp bị hủy hoại. 
Một người đàn ông khóc là chuyện không thường xảy ra. 
Chính vì thế chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Đức Giêsu khóc. 
Con Thiên Chúa nhập thể biết đến nỗi đau của phận người. 
Giọt nước mắt của Ngài cho thấy Ngài thật sự có một trái tim.
Đức Giêsu khóc khi đến gần và trông thấy thành phố Giêrusalem. 
Trong thành Giêrusalem có ngôi Đền thờ lộng lẫy (Lc 21, 5). 
Đền thờ ấy là Đền thờ thứ hai được xây sau khi dân lưu đày trở về. 
Còn Đền thờ thứ nhất do Salômôn xây, đã bị quân Babylon phá hủy. 
Vua Hêrôđê Cả đã trùng tu và nới rộng Đền thờ thứ hai này. 
Công việc sửa sang kéo dài từ năm 20 trước công nguyên, 
đến năm 64 sau công nguyên mới hoàn tất. 
Vào thời gian này, người Do Thái nổi dậy chống lại quân Rôma. 
Vào lễ Vượt qua năm 70, thành phố bị vây hãm (c. 43). 
Đền thờ bị thiêu hủy sau tám mươi tư năm tu sửa. 
Đây là một bi kịch lớn mà Đức Giêsu đã linh cảm với nỗi đớn đau.
Bài Tin Mừng hôm nay 
nằm ngay sau biến cố Đức Giêsu lên Giêrusalem lần cuối (Lc 19, 28). 
Ngài biết đây là lần cuối, nên giữa bầu khí tung hô của dân chúng, 
Đức Giêsu lại rơi vào nỗi đau buồn, xót xa. 
Ngài sẽ là vị ngôn sứ phải chết ở trong thành này (Lc 13, 33). 
Như mọi người Do Thái khác, Đức Giêsu quý thành phố và Đền thờ. 
Thành phố Giêrusalem là thủ đô của đất nước. 
Đền thờ là nơi mỗi năm Ngài lên đó dự các lễ lớn đôi ba lần. 
Đây là nhà Cha của Ngài, là nhà cầu nguyện (Lc 2, 49; 19, 46). 
Nhưng mọi điều tốt đẹp Ngài đang thấy, có ngày sẽ đổ vỡ tan hoang. 
“Không để hòn đá nào trên hòn đá nào” (c. 44).
Thiên Chúa là Đấng đã đi thăm Dân Ítraen (Lc 1, 68; 7, 16; 19, 44). 
Ngài thăm Dân Ngài qua Người Con là Đức Giêsu (Lc 1, 78). 
Ngài đến thăm để đem ơn cứu độ, đem lại bình an (c. 42). 
Hôm nay Thiên Chúa vẫn tiếp tục đi thăm nhân loại. 
Ngài vẫn sai Con của Ngài đến với chúng ta để ban ơn bình an. 
Nhưng con người hôm nay có thể khép lòng, và để lỡ cơ hội quý báu. 
“Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11). 
Làm sao mỗi Kitô hữu nhận ra thời điểm Ngài đến thăm mình? (c. 44). 
Thế giới Tây phương hôm nay đang có khuynh hướng loại trừ Thiên Chúa. 
Họ nhân danh tự do tôn giáo để loại trừ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội. 
Nhưng không có Trời thì ai ở được với ai. 
Nhân loại bị kéo vào những cuộc chiến tranh, thù hận không lối thoát. 
Hãy để Thiên Chúa đi vào đời bạn và chi phối những chọn lựa của bạn. 
Chỉ trong Thiên Chúa mọi sự mới có nền tảng vững bền. 
Nếu không, như Giêrusalem, chúng ta chỉ còn là những bức tường than khóc.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của loài người,
con của trái đất, con của một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập giá.
Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh,
một quê hương đang mở ra trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng con.
Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi tay.
Và ước gì chúng con biết khiêm tốn
cộng tác với muôn người thiện chí.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.