Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 07/11/2017

Filled under:

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 14: 15-24)

Khi ấy, một người đồng bàn thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Phúc cho kẻ sẽ được ăn tiệc trong Nước Thiên Chúa". Người phán cùng kẻ ấy rằng: "Có một người kia dọn tiệc linh đình, và đã mời nhiều thực khách. Tới giờ dự tiệc, ông sai đầy tớ đi báo cho những kẻ được mời để họ đến, vì mọi sự đã dọn sẵn sàng rồi. Nhưng mọi người đồng thanh xin kiếu. Người thứ nhất nói với ông rằng: "Tôi mới tậu một thửa ruộng, tôi cần phải đi xem đất, nên xin ông cho tôi kiếu". Người thứ hai nói: "Tôi mới mua năm đôi bò, và tôi phải đi thử chúng, nên xin ông cho tôi kiếu". Người khác lại rằng: "Tôi mới cưới vợ, bởi đó tôi không thể đến được". Người đầy tớ trở về thuật lại những điều đó cho chủ mình. Bấy giờ chủ nhà liền nổi giận, bảo người đầy tớ rằng: "Anh hãy cấp tốc đi ra các công trường và các ngõ hẻm thành phố mà dẫn về đây những người hành khất, tàn tật, đui mù và què quặt". Người đầy tớ trở về trình rằng: "Thưa ông, lệnh ông ban đã được thi hành, thế mà hãy còn dư chỗ". Ông chủ lại bảo người đầy tớ rằng: "Anh hãy ra ngoài đường ngoài ngõ và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi. Vì tôi bảo cho các người biết: không một ai trong những kẻ đã được mời, sẽ được nếm bữa tiệc của tôi”.

Suy niệm 1

Không biết chúng ta còn có cảm giác hạnh phúc khi nhận được thiệp mời đến dự tiệc cưới hay cảm thấy áy náy khó chịu? Tại sao chúng ta có thái độ hân hoan hay khó chịu vì tấm thiệp cưới? Thưa, bởi vì đám cưới không còn là biến cố liên quan đến cộng đoàn, và đó đơn giản chỉ còn là câu chuyện sinh hoạt thường ngày của một gia đình, và việc được mời đến tham dự tiệc cưới chỉ còn là hình thức phô trương đám cưới “to” hay “nhỏ”, và đang đánh mất dần ý nghĩa tốt đẹp của mối tương quan bằng hữu giữa người mời và người được mời.

Mối tương quan bằng hữu chính là nội dung căn bản của “tiệc cưới Nước Trời”. Thật vậy, Thiên Chúa yêu thương con người, và Ngài hằng khao khát qui tụ con người quanh Ngài để vui hưởng hạnh phúc với Ngài. Quả thật, mục đích của việc tạo thành con người không gì hơn là Thiên Chúa muốn thông chia sự sống của Ngài cho con người. Vì thế, cho dẫu con người có bội phản, Thiên Chúa cũng không rời bỏ ý định ngàn đời của Ngài. Việc sai Người Con duy nhất đến trần gian chính là để đưa con người trở về tình trạng nguyên thuỷ, tình trạng mà con người có được ngay từ buổi đầu của việc tạo dựng, đó là được làm bạn hữu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng đã minh định điều này với các Tông đồ: Thầy không gọi các con là tôi tớ, nhưng là bạn hữu (x Ga 15,15). Tình bằng hữu này được hình thành trong mối tương quan yêu thương: “Như Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy… Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 15, 9-12). 

Và trong tình yêu này Chúa Giêsu đã hình thành một cộng đoàn Giáo Hội, dấu chỉ vương quốc Thiên Chúa, trong cộng đoàn Giáo Hội bao gồm những con người được qui tụ do bởi tình mến và được gọi là anh chị em của nhau. Qua cộng đoàn Giáo Hội, Chúa đã mặc khải về một cộng đoàn vương quốc Nước Trời, một cộng đoàn được nối kết với nhau bằng tình yêu thương và cùng với nhau chia sẻ niềm vui hạnh phúc miên viễn bên Thiên Chúa, như là niềm vui của tiệc cưới.

Nhưng tiếc qua, có nhiều người lại không nhận ra lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa, và không quan tâm đến sự hiện diện của cộng đoàn Giáo Hội Chúa Kitô, họ đang mãi mê với những thực tại trần thế. Họ chỉ chú tâm vào niềm vui có được nơi của cải, tiền bạc và lạc thú trần gian. Nhưng còn đáng trách hơn nữa khi nhiều Kitô hữu được Chúa trao ban hồng ân đức tin, được nhận biết niềm vui của tiệc cưới Nước Trời, cũng đã để cho mình bị mê hoặc bởi những đam mê, lợi lộc trần thế và cuối cùng họ cũng đã đánh mất hồng ân Chúa ban. Thật đáng tiếc biết dường nào!

Lạy Chúa, chúng con là những khách được mời dự tiệc cưới Nước Trời. Tấm thiệp được gởi đến cho chúng con qua hồng ân đức tin, xin cho chúng con vui mừng và hãnh diện vì nhận được tấm thiệp cưới này, để chúng con luôn háo hức chờ đợi ngày ngồi vào bàn tiệc Nước Trời qua đời sống chúng ta đức tin trong những ngày đời trên dương thế của chúng con. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


Suy niệm 2

  1. Tiệc Nước Thiên Chúa
Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa (x. Lc 14, 1). Chứng kiến địa vị xã hội và tôn giáo của các khách mời, và cung cách ứng xử của họ khi chọn chỗ ngồi, Đức Giê-su đưa ra hai lời khuyên : lời khuyên thứ nhất dành cho khách mời (Lc 14, 7-11 : bài Tin Mừng của ngày thứ bảy, sau Chúa Nhật XXX thường niên) ; và lời khuyên thứ hai dành cho chính người tổ chức bữa ăn (Lc 14, 12-14 : bài Tin Mừng hôm qua). Khi nghe lời khuyên thứ hai này, có người đồng bàn với Đức Giê-su nói :
Phúc thay ai được dự tiệc Nước Thiên Chúa.
(c. 15)
Đó là câu đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay. Vì thế, điều Chúa muốn dạy chúng ta, không phải là cách thức tổ chức hay cung cách ứng xử trong những bữa tiệc lớn, nhưng là giúp chúng ta hiểu và sống mầu nhiệm Nước Trời. Bởi vì, Nước Trời cũng giống như một bữa tiệc : « Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người » (c. 16)

  1. Ơn huệ lương thực
Nước Trời giống như một bữa tiệc lớn. Vì thế, thật là đáng tiếc nếu chúng ta ăn chay, hay sâu xa hơn, coi thường hay hiểu lệc lạc về ân huệ lương thực ! Nước Trời giống như một bữa tiệc lớn, đó là vì, lương thực vừa rất thường ngày, vì chúng ta phải ăn nhiều lần trong ngày để mà sống, vừa rất linh thiêng, vì lương thực làm cho sống, vì thế lương thực là biểu tượng của sự sống thần linh, được Thiên Chúa ban từ thủa tạo thiên lập địa (x. St 1, 29) và được hiện tại hóa mỗi ngày : « Chúa ban bánh cho tất cả chúng sinh » (Tv 136, 25) ; và lời nguyện : « Xin cho cho chúng con lương thực hàng ngày » trong Kinh Lạy Cha được đọc trước bữa ăn, với tâm tình tạ ơn, vì ơn huệ lương thực đã có đó, trên bàn ăn rồi. Vì thế, người Do thái xin Thiên Chúa thanh tẩy ngang qua việc rửa tay, trước khi dùng bữa, bởi lẽ bàn ăn của họ là « bàn thánh ». Và đối với chúng ta, cũng phải như thế. Hơn nữa, lương thực hàng ngày mời gọi chúng ta ước ao ơn huệ Bánh Hằng Sống là chính Đức Ki-tô. Bởi vì, chúng ta xác tin rằng Thiên Chúa một khi duy trì cho chúng ta sống hằng ngày ngang qua dấu chỉ lương thực, thì Người cũng sẽ làm cho chúng ta sống mãi như Người để yêu thương. Chính vì thế, chúng ta cũng ngỏ với Thiên Chúa Cha với Kinh Lạy Cha, theo lời dạy của Đức Ki-tô, trước khi đón nhận Lương Thực Hằng Sống, là chính Mình và Máu Thánh của Người, trong Thánh Lễ.
Hơn nữa, bữa ăn còn là nơi diễn tả niềm vui gặp mặt, diễn tả tình yêu, tình bạn, chia sẻ và hiệp thông, chính vì thế mà « Trời đánh, tránh bữa ăn » ! Bởi vì, khi dùng bữa, trong mức độ chúng ta có nhân tính, chúng ta không chỉ cảm nếm và thưởng thức lương thực, nhưng chúng ta còn cảm nếm và thưởng thức điều quan trọng và bền vững hơn, đó là sự hiện diện cảm thông, huynh đệ và yêu thương.

  1. Bữa tiệc nhưng không
Nước Trời giống như một bữa tiệc lớn, và bữa tiệc này được tổ chức hoàn toàn nhưng không. Dụ ngôn bữa tiệc Nước Trời theo lời kể của thánh Mát-thêu còn nêu ra lí do, đó là tiệc cưới của đàng trai. Nhưng dụ ngôn của Đức Giê-su trong Tin Mừng theo thánh Luca mà chúng ta vừa nghe, hoàn toàn không nêu ra lí do : « Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người ». Chi tiết này xem ra tầm thường, nhưng lại mặc khải cho chúng ta con tim của chính Thiên Chúa : Người là nhưng không, là chia sẻ nhưng không, là tình yêu nhưng không. Chính vì thế mà người được mời, là chính chúng ta, cũng phải đáp lại cách nhưng không ; và vì là một bữa tiệc nhưng không, Thiên Chúa tôn trọng sự lựa chọn của khách được mời, sự lựa chọn của chính chúng ta.
Và chiều kích nhưng không của bữa tiệc Nước Trời được đặc biệt nhấn mạnh, qua lòng khát khao có người đến dự tiệc, khao khát cách lạ lùng. Chi tiết này của dụ ngôn hoàn toàn tương hợp với lời khuyên thứ hai của Đức Giê-su : « Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc » (c. 13-14). Lời khuyên thứ nhất của Đức Giê-su về việc chọn chỗ trong các bữa tiệc lớn, thì bình thường và dễ thực hiện, nhưng lời khuyên thứ hai của Ngài lại quá bất thường và trong thực tế không thể thực hiện được. Thật vậy, ai trong chúng ta đã từng mở tiệc và mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù chưa ? Vì thế, thay vì hiểu lời của Đức Giê-su theo nghĩa thực hành, để rồi cảm thấy ray rứt vì không thực hiện được, chúng ta được mời gọi đặt lời của Ngài trong bầu khí của ngày sa-bát, là ngày của Thiên Chúa ban sự sống (x. Xh 20, 8-11), và cũng là ngày của Thiên Chúa cứu sống (x. Đnl 5, 12-15) và trong viễn tượng bữa tiệc của Nước Thiên Chúa, là điểm tới của sáng tạo và lịch sử. Bởi vì, chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể làm được mà thôi trong bữa tiệc Nước Trời của Ngài.
Trong dụ ngôn, những người được mời đã không ra khỏi được thế giới riêng của mình, họ như là bị giam ở trong đó và vì thế tất yếu dẫn đến thái độ nội tâm “băn khoăn lo lắng”, ham muốn, ghen tị và tất yếu sẽ dẫn đến bạo lực, như dụ ngôn của Đức Giê-su theo lời kể của thánh Mát-thêu: “Quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết” (Mt 22, 1-10). Đó chính là năng động tất yếu của sự chối từ và đóng kín. Thái độ ngược lại là ra khỏi mình để chia vui, hiệp thông, chúc mừng và ca tụng; và thái độ này làm cho chúng ta được tự do với những gì giam cầm chúng ta, và giải thoát khỏi những năng động đóng kín gây chết chóc. Chúng ta đôi khi cũng có thái độ và hành động tương tự đối với lời mời gọi nhưng không và tha thiết của Chúa đến gặp gỡ và dùng bữa với Người.
*  *  *
Xin cho niềm vui viên mãn của Bữa Tiệc Nước Thiên Chúa, mà Đức Giê-su mời gọi và dẫn đưa chúng ta đi vào tham dự một cách nhưng không, lôi cuốn chúng ta, để chúng ta bình tâm với mọi sự và định hướng mọi sự ở cuộc đời này. Nhưng thực ra, trong Thánh Lễ mà chúng ta cử hành mỗi ngày, Người đã cho chúng ta cảm nếm niềm vui này rồi, khi đón nhận Lời và Ngôi Vị của Người vào trong tâm hồn và trong cuộc sống của chúng ta.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc